Việt Nam đang ở đâu và tương lai nào cho đất nước ? (Chu Tuấn Anh)

Khối địa chính trị Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương

Là những người trí thức chính trị đấu tranh để mở ra một tương lai mới và một kỷ nguyên mới cho đất nước, chúng ta buộc phải trả lời câu hỏi : đất nước chúng ta đang ở đâu và sẽ đi đến một tương lai nào? Một nét nổi bật của trật tự thế giới mới là sự xóa bỏ độc quyền vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ, đi kèm với đó sự dân chủ hóa, và các cố gắng lành mạnh hóa trong những cơ quan lớn của thế giới, từ lĩnh vực đầu tư – tài chính (IMF, World Bank), thương mại (WTO), hay Liên Hợp Quốc. Nhiều chuyên gia trên diễn đàn Kinh Tế Thế Giới cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới phân mảnh hơn, với các cơ quan quan trọng của quốc tế đang lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, đây là một giai đoạn mà các cơ chế lớn của thế giới đang phải xét lại về cơ chế vận động và tư cách lãnh đạo, đi kèm là trách nhiệm của từng thành viên, để thích nghi với một thế giới đang thay đổi về lượng; nghĩa là thay đổi tương quan lực lượng giữa các nền kinh tế, và về chất, nghĩa là các giá trị về dân chủ và nhân quyền, vốn đang trở thành nền tảng cơ bản của hợp tác.

Bản đồ khu vực Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương (Nguồn ảnh : Britannica.com)

Trên tinh thần đó, các quốc gia ngày hôm nay sẽ phải sắp xếp lại bộ máy và các vấn đề nội bộ và thể chế của mình để thích ứng với một trật tự mới của thế giới. Nhiều mối quan hệ quốc tế, cũng như vấn đề hội nhập của họ với thế giới, sẽ bị xét lại. Trí thức Việt Nam thường nhìn vấn đề địa chính trị Việt Nam là một cuộc giằng co giữa hai siêu cường Trung Quốc và Hoa Kỳ. Và nội bộ đất nước Việt Nam chia làm hai lập trường: bảo thủ với chủ nghĩa độc tài và sát lại với Trung Quốc; và thân Mỹ với một mặt trận đối lập bao gồm những lực lượng có tinh thần gần hơn với dân chủ. Đó là một cách nhìn địa chính trị có phần đúng với thực tế, nhưng có phần đơn giản hóa vấn đề. Điều này dẫn đến các kết luận sai về những động lực và những định hướng lớn nào trên thế giới sẽ ảnh hưởng lên Việt Nam trong một vài thập kỷ tới.

Đầu tiên, Việt Nam chúng ta nằm trong khối Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm một số khu vực sau: Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan), Đông Nam Á (11 quốc gia ASEAN), Nam Á (Ấn Độ và Sri Lanka), các đảo quốc Thái Bình Dương (Úc, New Zealand, các tiểu quốc Thái Bình Dương), một phần của Phi châu (bao gồm Nam Phi và các quốc gia có đường tiếp giáp với Ấn Độ Dương), gần đây Hoa Kỳ cũng tuyên bố mình là một phần của khối Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tên gọi ban đầu của nó là châu Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific), để rồi ngày càng có nhiều người gọi khối này là Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo Pacific) để nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ. Đây là một tập hợp địa lý quan trọng vì nó chiếm trên 65% dân số trên thế giới, 62% GDP toàn cầu, 60% khối lượng thương mại và ⅔ tốc độ tăng trưởng toàn cầu, 30-40% các đường hàng hải, đường vận tải thương mại lớn trên lục địa và đất liền. Với những điều kiện thuận lợi và tương đồng về địa lý, chắc chắn rằng sự tăng cường hợp tác, trao đổi về thương mại sẽ đem tới sự giàu có và một khối lượng tài sản lớn hơn cho các quốc gia thành viên.

Một cố gắng đầu tiên để liên hiệp khối này là APEC, hiện bao gồm 21 quốc gia và không bao gồm Ấn Độ, được thành lập vào năm 1989, với một mục đích là tạo một không gian thương mại với một mức thuế quan vừa phải, tạo điều kiện cho lưu thông và tự do hàng hóa. Kết quả nối tiếp là sự thành lập tổ chức Thương mại Quốc tế WTO vào năm 1995. Một nét đậm của sự hình thành các tổ chức và các khối thương mại này là sự vươn lên của Trung Quốc như một đối tác thương mại lớn nhất của phương Tây. Trung Quốc cũng gia nhập WTO vào năm 2001.

Xu hướng hợp tác và tạo các liên minh về thương mại lẽ ra là một xu hướng có lợi cho thế giới sau giai đoạn phong trào Dân chủ hóa đã thắng thế tại Đông Âu và các nước thuộc khối Liên Xô. Nhưng nó lại là một sự triệt thoái lớn của dân chủ, vốn đang trên thế thắng, với sự vụng về của chính quyền Bill Clinton (từ năm 1992 cho tới 2001) và chủ nghĩa thực tiễn. Chúng ta không quên rằng, trước đó, Trung Quốc đã gây ra tội ác khủng khiếp về nhân quyền tại quảng trường Thiên An Môn, bằng cách đàn áp và giết chết tất cả những người học sinh, sinh viên chỉ kéo tới quảng trường này để thảo luận về một tương lai của đất nước. Nhưng ngay sau đó, Trung Quốc không chỉ không bị lên án như một tội ác về nhân quyền, mà còn được xem là một đối tác thương mại tin cậy của Mỹ và phương Tây. Đầu tư và các xí nghiệp phương Tây kéo đến đã giúp Trung Quốc luôn tăng trưởng trên hai con số. Trung Quốc, một mặt không từ bỏ chế độ độc tài dưới sự dễ dãi và cải lương của chính trị thực tiễn, một mặt chấp nhận để Mỹ và phương Tây là những người kiểm soát tiếng nói tại các diễn đàn thương mại thế giới.

Vành đai và con đường đã nổi lên như một thay thế của đồng thuận dân chủ?

Tuy nhiên, sự sắp đặt này đã vỡ lở khi Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2010 và sớm trở thành lãnh tụ của Trung Quốc. Năm 2013, Tập Cận Bình đã chính thức vẽ ra sáng kiến Vành đai – Con đường để xuất khẩu ảnh hưởng Trung Hoa ra bên ngoài thế giới bằng cách đưa một lượng vốn và phương tiện khổng lồ đầu tư vào cơ sở vật chất của các nước đang phát triển. Thông qua dự án này, Tập Cận Bình muốn đưa Trung Quốc trở thành siêu cường thế giới về kinh tế và quân sự, và vượt Mỹ vào năm 2050. Vành đai – Con đường đã chọc vào những tử huyệt của một trật tự thế giới được lãnh đạo bởi phương Tây.

Một biển hiệu tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Bắc Kinh vào tháng 10 năm 2023.

Đầu tiên phải kể đến là những đầu tư vào cơ sở vật chất của những nước đang cởi mở. Chủ nghĩa thực tiễn cùng với sự nở rộ của các hoạt động thương mại và toàn cầu hóa xô bồ đã dẫn đến hiện tượng nhiều quốc gia đang cởi mở như Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia,.. tham gia vào các cơ chế và hoạt động thương mại tự do; nhưng tài sản tích lũy chỉ tập trung vào một thiểu số có mối quan hệ với chính quyền và kiểm soát được các cửa ngõ thương mại với thế giới. Mặt khác đại bộ phận quần chúng được hưởng lợi không tương xứng với giá trị thương mại được tạo ra, tốc độ ô nhiễm cao hơn tăng trưởng GDP, và khối tích sản đó đã được chia cho một thiểu số có quyền trong xã hội thay vì những đầu tư đúng mực vào tương lai. Sau một thập kỷ cởi mở, các nước đang phát triển vẫn có một bộ mặt lạc hậu và nghèo nàn về cơ sở vật chất, với một mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng không đồng đều. Vì vậy, những đầu tư trực tiếp vào cơ sở vật chất của Trung Quốc đã được một bộ phận quần chúng những nước đang cởi mở đón nhận, cùng với chiến thắng của các ứng cử viên dân túy như Duterte (2016) tại Philippines.

Thứ hai là Trung Quốc đã thành công lôi kéo được một số lượng những quốc gia không chạm tới được toàn cầu hóa, vốn có những định kiến với khối phương Tây do yếu tố lịch sử đến từ phong trào thực dân, thuộc địa; như khu vực Trung Á, vốn không có đại dương tiếp giáp; Pakistan – từ một đồng minh của Mỹ chuyển qua chống phương Tây sau những xung đột với Ấn Độ, Sri Lanka, Lào và Campuchia; thậm chí chạm tới Trung Đông, châu Phi, và Mỹ Latin; có lúc đã chạm tới châu Âu. Trong một giai đoạn nhất định, sáng kiến Vành đai – Con đường đã gây ra những chia rẽ trong chính khối Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương, và cản trở tiến trình dân chủ hóa của những nước trong khối này (dù là chưa có dân chủ, hay có dân chủ nhưng không thành thực và quả quyết), và đưa tới một ảo tưởng rằng dân chủ không phải là con đường phát triển duy nhất. Ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có những bài viết trình bày rất cụ thể về sáng kiến Vành Đai Con Đường của Trung Quốc là một dự án xuất khẩu năng lực xây dựng dư thừa và khối nhân công của Trung Quốc nhằm che dấu một thực trạng khủng hoảng, và đã có những dấu hiệu chững lại vào năm phá sản. Sau 10 năm của sáng kiến vành Đai Con đường, ngoài việc gần như không còn được nhắc tới, nó còn đẩy 22 quốc gia trên thế giới vào tình trạng vỡ nợ. Từ năm 2008 tới 2021, Trung Quốc đã phải bỏ 240 tỷ đô la chỉ để cứu trợ cho những đồng minh lâm thời trong khối Vành đai Con đường. Không rõ Trung Quốc đã đổ bao nhiêu vào dự án này. Có nhiều nguồn nói lên tới 8 ngàn tỷ dollars Mỹ. Nhưng đa số cho rằng nó rơi vào khoảng 1 ngàn tỷ đô la. Để rồi cho tới nay, những tin tức về khủng hoảng ở Trung Quốc, từ tình trạng thất nghiệp, các tập đoàn địa ốc đứng trước nguy cơ phá sản, ngành công nghiệp xây dựng và đường sắt phá sản, đã trở nên quá rõ ràng. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với tình trạng già hóa, môi trường kiệt quệ, và một nền kinh tế thực chất suy thoái. Hình mẫu của Trung Quốc đã bị bóc trần và không còn là một thay thế cho dân chủ nữa. Mặt khác, Trung Quốc cũng đã từ bỏ những đồng minh thân cận nhất là Sri Lanka, Pakistan, Lào, và Campuchia, như một phần của sự rải ráp kế hoạch Vành đai và con đường.

Phải nói trong suốt một thập kỷ từ 2013 – 2023, phương Tây (bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản) đã vô cùng tích cực đầu tư vào Việt Nam để cân bằng với Trung Quốc và không cho Việt Nam lún sâu vào sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Trong nhiều năm liền, Nhật Bản và Hàn Quốc đã là những nhà đầu tư vốn FDI và ODA lớn thuộc hàng nhất nhì; còn Mỹ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Việt Nam là cửa ngõ của biển đông, vốn chiếm 60% khối lượng thương mại hàng hải và 22% thương mại trên toàn cầu, và sẽ có những tác động khủng khiếp nếu phương Tây để Việt Nam trở thành một đối tác tích cực của sáng kiến Vành đai – Con đường.

Một Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương chọn lọc và dân chủ hóa?

Vào năm 2015, chính quyền Obama đã soạn thảo ra kế hoạch Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Partnership Agreement – viết tắt TPP), bao gồm 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Đây là một hiệp ước hợp tác thương mại toàn diện và loại bỏ thuế quan để đương đầu với sự bành trướng của Trung Quốc. Những nước thành viên được đánh giá là những nước đã có dân chủ hoặc tiềm năng có dân chủ, đã có một trật tự xã hội khá ổn định, và trọng lượng kinh tế chiếm 40% GDP thế giới. Nhưng ngay khi Donald Trump đắc cử, kế hoạch này đã bị bỏ dở và không thể tổ chức được. Tuy vậy, các nước còn lại vẫn chiếm 14.4% GDP thế giới và nếu họ kết hợp được với nhau, họ vẫn sẽ là một tập hợp địa chính trị có tiếng nói. Sau khi chủ nghĩa thực tiễn hoàn toàn phá sản, Trung Quốc bị xem như một đất nước không có thiện chí với thế giới; tư bản cũng đã và đang đào thoát ra khỏi Trung Quốc với một sự tăng tốc. Về mặt lý thuyết, khối TPP (không bao gồm Mỹ) đã chiếm 14.4% GDP thế giới, cộng thêm những đồng minh dân chủ là những nền kinh tế mới nổi tại Mỹ Latin như Brazil, Colombia, Ấn Độ, Mexico, vv. sẽ đủ sức thay thế Trung Quốc trong vai trò đảm nhận kinh tế sản xuất.

Lãnh đạo từ 10 trong số 12 quốc gia thành viên tiềm năng tại hội nghị thượng đỉnh TPP vào năm 2010. (By Gobierno de Chile – 14.11.2010 Gira a Asia, CC BY 2.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=12400672)

Vừa qua, châu Âu đã có những cuộc họp khẩn về vấn đề Ukraine, và gần như đưa ra một thái độ bất tín nhiệm Hoa Kỳ. Nhưng không nên lầm tưởng rằng khối dân chủ đang chia rẽ hơn. Thực ra họ đang chia rẽ về vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ; Hoa Kỳ không có quyền đơn phương đàm phán với Nga về một vấn đề nội bộ và liên quan đến an ninh, và dân chủ của khối châu Âu. Nhưng thực tế, Hoa Kỳ và châu Âu sẽ gần như không thay đổi một thái độ chung với khối Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương. Tất nhiên, chúng ta thấy Ấn Độ đang ngày càng có tiếng nói hơn trong khu vực. Hoa Kỳ khẳng định mình là một nước thuộc khối địa lý châu Á – Thái Bình Dương, nhưng lại hoàn toàn không lấy được một sự thống nhất cần thiết để đoàn kết các nước trong khuôn khổ TPP. Sau khi Trump đắc cử lần lượt là năm 2016 và 2024, Trump lấy quyết định gây thương chiến với thế giới, một quyết định chống lại bản sắc của khối địa chính trị này hơn là một phần của nó. Châu Âu cũng chưa thể thực hiện được một dự án Hiệp định thương mại tự do (FTA) bài bản với khối này. Điều đó cho thấy mọi thứ đang được hoàn thiện, tái sắp xếp và chọn lọc. Những yếu tố địa chính trị, ý thức hệ chung và một liên minh chính trị – kinh tế hoàn chỉnh sẽ hình thành trong khối này. Tuy nhiên, các quyết định đầu tư và hợp tác chặt chẽ vẫn được lựa chọn cẩn trọng dựa trên các tiêu chuẩn và nguyên tắc chung, thay vì diễn ra một cách vội vã. Hạt nhân của tập hợp địa lý – chính trị này bao gồm một số nhóm tiêu biểu:

  1. Các nước dân chủ đã đạt đến một sự ổn định và lành mạnh nhất định, bao gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (với Mỹ và một phần nào đó là liên Âu đóng vai trò như những người bạn và đồng minh thân cận)
  2. Những nước đã có dân chủ nhưng chưa hoàn thiện và vẫn cần những cố gắng dân chủ hóa và lành mạnh tinh thần dân chủ, bao gồm: Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, và gần đây là Bangladesh vv.
  3. Những nước tương đồng về địa lý nhưng hoàn toàn không cởi mở với dân chủ, hoặc đang trong tình trạng bất ổn: điển hình như Lào, Campuchia, Myanmar, Sri Lanka .

Những nước thuộc nhóm (1) đã có những hợp tác và đồng thuận căn bản với nhau. Nếu đứng riêng, họ đã là một đa số trong khu vực và một thiểu số đáng kể trên thế giới. Trong một quá trình mở rộng hợp tác và quan hệ, những nước dân chủ ổn định trong khu vực sẽ tìm đến những nước thứ (2) trên tinh thần khuyến khích nhóm các quốc gia này không ngừng đổi mới và lành mạnh hóa thể chế. Thái Lan sẽ phải chấp nhận một lộ trình dân chủ tuyệt đối bao gồm loại bỏ quyền lực của quân đội và hoàng gia. Philippines sẽ phải giải quyết vấn đề về chủ nghĩa dân túy và lối làm chính trị mafia. Bangladesh phải thể hiện được sự ổn vững. Indonesia, Malaysia, và Ấn Độ phải quả quyết hơn với dân chủ, và lành mạnh hóa hơn tinh thần dân chủ. Và nhóm (3) có nguy cơ bị loại bỏ khỏi tập hợp địa chính trị này dù họ có tương đồng về địa lý. Vậy Việt Nam của chúng ta đang đứng ở đâu, và thuộc nhóm quốc gia nào? Từ những tin tức rất xấu về tình hình đầu tư và thái độ của các nước dân chủ với Việt Nam, thật đáng buồn khi phải kết luận rằng dưới chế độ Cộng sản Việt Nam, chúng ta đang nằm ở nhóm những nước bị đào thải ra khỏi tập hợp địa chính trị Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam giữa một trật tự địa chính trị trong khu vực và thế giới?

Trở lại với hình ảnh một đất nước Việt Nam đang kẹt giữa cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; chắc chắn rằng yếu tố này vẫn sẽ còn vì Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn là hai nước có nhiều ảnh hưởng với Việt Nam. Việt Nam luôn được chào đón là đối tác tiềm năng của Hoa Kỳ. Trung Quốc vẫn sẽ là một rủi ro với dân tộc Việt Nam cho đến khi họ có được dân chủ. Nhưng trên tất cả, tương lai của Việt Nam không nằm ở việc liên minh với Trung Quốc hay với Hoa Kỳ, chúng ta cần được chấp nhận và trở thành một phần của ngôi nhà Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương và với trọng tâm là những nước thuộc khuôn khổ TPP (nay là CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – tiếng Anh : Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership). Chìa khóa duy nhất để không trở thành một nước bị đào thải là Việt Nam buộc phải đi vào một tiến trình dân chủ hóa quả quyết. Những chiến dịch đốt lò của ông Trọng, những phát biểu cởi mở bằng miệng của ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính không được nhìn nhận là những quyết tâm thực sự và lương thiện để được chấp nhận. Tệ hơn, nhiều tổ chức quốc tế đại diện cho những tiếng nói tiến bộ về nhân quyền, môi trường, bất bình đẳng, và quyền lao động đã dần có những ảnh hưởng của mình trên thế giới. Họ thậm chí còn có ảnh hưởng lên dòng vốn đầu tư hơn là tiếng nói của một chính quyền dân chủ. Những sự hung bạo và đàn áp những người đấu tranh nhân quyền, những nhà hoạt động xã hội, nhà hoạt động môi trường, người bất đồng chính kiến, ngay cả trong xã hội của các nước dân chủ, sẽ không có lợi cho chính quyền. Hành động dán nhãn của phe tuyên giáo với các tổ chức quốc tế là “cách mạng màu”, “thế lực nước ngoài chống phá cách mạng” đã tạo ra một sự ghét bỏ và mất thiện cảm với đất nước Việt Nam. Lẽ ra, với sự thân thiện và hiền lành của người dân Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tranh thủ cảm tình của họ và biến những lực lượng này trở thành những người vận động vật lực và đầu tư cho đất nước khi chúng ta thành thực và quả quyết với dân chủ và các giá trị tiến bộ. Gần đây, Đài Loan còn liệt kê Việt Nam cùng chung với Myanmar, Lào, và Campuchia là những nước có rủi ro, không khuyến khích các hoạt động thăm viếng, du lịch; Apple rút kế hoạch đầu tư khỏi Việt Nam, Samsung giảm quy mô tại Việt Nam, càng cho thấy những thái độ ngày càng rõ ràng.

Chế độ Cộng sản Việt Nam đang đưa đất nước chúng ta đến một tương lai bị cô lập và bị đào thải trong khu vực. Từ chối dân chủ hóa đồng nghĩa với việc chấp nhận theo đuổi một chủ nghĩa đơn phương và trở nên nhỏ bé, không có tiếng nói và trọng lượng. Chúng ta cần dân chủ hóa để hội nhập trong khu vực với thế giới, chúng ta cần có những chính sách hợp lý để đầu tư lợi tức của phong trào toàn cầu hóa vào phát triển con người và giáo dục, an sinh – xã hội, và cơ sở vật chất để đảm bảo cho một tương lai của đất nước Việt Nam. Nhưng tất nhiên, đảng Cộng sản Việt Nam không thể dân chủ hóa, và những chính sách họ sẽ đưa chúng ta đến một viễn cảnh vô cùng tối tăm. Dân chủ hóa là một nhiệm vụ bắt buộc để chúng ta có một chỗ đứng trong khu vực và có một tương lai đảm bảo cho đất nước mình. Và dân chủ hóa này không thể là một phiên bản khác của chế độ Cộng sản; không thể là một nỗ lực nửa vời nửa dân chủ, nửa mafia; không thể là một chính quyền dân chủ trên hình thức nhưng yếu đuối về tinh thần. Nó phải được dẫn dắt bởi một lực lượng dân chủ có phẩm chất, có một dự án rõ ràng cho tương lai chung của đất nước, một quyết tâm và ý chí dân chủ hóa thông qua một tổ chức dân chủ cởi mở của người Việt Nam. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã là một chuẩn bị tốt nhất cho chặng đường đó. Tập Hợp là một cố gắng dân chủ hóa trong tinh thần hòa giải, và là một sự quả quyết với các giá trị tiến bộ. 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên - Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn chủ trương dân chủ hóa đất nước trong một tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Trở lại với câu hỏi chúng ta đang ở đâu và sẽ đi đến một tương lai nào trong một vài thập kỷ tới, chúng ta chắc hẳn có câu trả lời cho riêng mình. Nhưng thái độ lương thiện và trách nhiệm trong thời điểm này là phải giải tán chế độ Cộng sản Việt Nam và kiên quyết đứng về mặt trận của những người quả quyết với dân chủ và những giá trị tiến bộ. Và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một đại diện lớn. Có thể đây là một quyết định khó khăn với những người cộng sản vì sự mặc cảm và những tính toán cá nhân của họ. Nhưng không một sự tính toán nào lớn hơn tình cảm của đất nước, và không sự động viên nào lớn hơn tình thần hòa giải. Với những người trí thức còn đang mang tâm lý nửa vời, đây là một quyết định của lẽ phải và lương thiện – sức mạnh lớn nhất của người trí thức. Chúng ta phải đấu tranh hoặc mất đi chỗ đứng và tương lai của đất nước!

Chu Tuấn Anh

(19/02/2025)

About the author