Nhìn Lại Đất Nước Trong Một Giai Đoạn Quan Trọng (Kỷ Nguyên) – Kỳ 5

PHẦN 1: THẾ GIỚI TRONG MỘT KHÚC QUANH LỊCH SỬ TRỌNG ĐẠI

Bài 5: Nước Mỹ từ nhiệm vai trò lãnh đạo trong một trật tự thế giới mới

Một nét đậm của tình hình thế giới trong giai đoạn 5 năm vừa qua là quyết định từ bỏ vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong bối cảnh thế giới đang hình thành một trật tự mới. Với vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ kể từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và trở thành siêu cường thống trị trật tự thế giới đơn cực từ sau sự sụp đổ của bức tường Berlin, mọi vấn đề quan trọng của thế giới luôn chịu sự ảnh hưởng từ những quyết định của nước Mỹ. Tuy vậy, những năm qua thế giới đã phải chứng kiến một nước Mỹ bất ổn hơn bao giờ hết với hậu quả là đã tạo ra thêm nhiều vấn đề cho thế giới thay vì giải quyết. 

Trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, người dân Israel đã là nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố tàn bạo do phiến quân Hamas gây ra vào ngày 7/10/2023 khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và sau đó còn bắt cóc hơn 200 người làm con tin. Cả thế giới đã ngay lập tức lên án hành động khủng bố của Hamas và chia sẻ nỗi đau thương với người dân Israel. Trừng phạt những tội ác khủng bố của Hamas là điều chính quyền Israel có thể làm, nhưng thay vì thực hiện với một chiến dịch quân sự có chừng mực thì họ đã thực hiện một cuộc chiến tranh tổng lực nhắm vào cả thường dân trên toàn bộ dải Gaza. Quân đội Israel đã phạm những tội ác lớn khi thường xuyên phóng tên lửa vào những nơi có hàng trăm người dân Palestine chỉ để tiêu diệt một binh lính Hamas, dù đó là những túp lều tị nạn hay bệnh viện. Hành động trả thù của quân đội Israel vào dải Gaza cho đến nay đã làm thiệt mạng hơn 46.000 người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, cao hơn 40 lần số người chết do quân Hamas gây ra trong đợt khủng bố. Hơn một năm qua, ngoài những đợt tấn công bằng đủ loại vũ khí sát thương, Israel còn thực thi các biện pháp phong tỏa cắt đứt các phương tiện để sinh hoạt như điện và nước, đã vậy còn ngăn cản viện trợ từ bên ngoài khiến người dân ở Gaza phải sống trong tình cảnh được mô tả là “địa ngục trần gian”. Nhà nước Do Thái với những lãnh đạo diều hâu đã trở nên điên cuồng như vậy dù bị cả thế giới lên án và gây áp lực, một phần quan trọng là vì chính quyền Joe Biden đã bảo vệ họ một cách vô điều kiện. Chính sự ngang ngược của chính quyền Mỹ và sự thiên vị quá đáng mà họ dành cho nhà nước Do Thái đã khiến nước Mỹ bị thế giới lên án và trở thành quốc gia bị chán ghét nhất. 

Sự kiện Donald Trump thua trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2020 có thể đã đưa đến hy vọng về một sự thay đổi của nước Mỹ sau 4 năm đập phá, nhưng nhiệm kỳ 4 năm đáng thất vọng của Joe Biden đã không thể giải quyết các vấn đề lớn của chính nước Mỹ. Sự chia rẽ trong lòng nước này thay vì được hàn gắn thì đã trở nên nghiêm trọng hơn, qua đó gián tiếp giúp Donald Trump trở lại làm tổng thống Mỹ qua thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2024 vừa qua. Sự trở lại của Donald Trump cùng khẩu hiệu “Make America Great Again” trong nhiệm kỳ thứ hai này đã một lần nữa khẳng định xu hướng từ bỏ các vai trò quan trọng trên thế giới để chỉ lo cho những vấn đề bên trong của nước Mỹ. 

Trong bối cảnh đó, cuộc chiến Ukraine đã đưa thế giới bước vào một khúc quanh lớn, nơi một trật tự thế giới mới đang hình thành đang đặt ra dấu hỏi về vai trò và chỗ đứng cho nước Mỹ trong trật tự mới này.

Vai trò miễn cưỡng

Thất bại trước Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, nhưng thay vì thừa nhận thất bại, Donald Trump đã kích động một cuộc tấn công vào điện Capitol, một biểu tượng dân chủ của nước Mỹ. Sự kiện chấn động đó, dầu vậy, đã không khiến Donald Trump bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi sinh hoạt chính trị. Donald Trump đã một lần nữa trở thành tổng thống và gây bàng hoàng cho thế giới, trong khi trước đó ông ta đang phải đối mặt những cuộc truy tố hình sự với những tội trạng nghiêm trọng. Lý do thật sự cho quyết định ra tranh cử tổng thống của Donald Trump là để có cơ hội thoát khỏi nguy cơ ở tù, và ông ta đã thành công với một kết quả nằm ngoài dự đoán của nhiều người, và gây bất ngờ cho chính ông ta. Diễn biến này đã mang nhiều kịch tính và ồn ào xung quanh nó, nhưng bên trong lại thể hiện một tính trạng đặc biệt của nước Mỹ, hậu quả của một cố gắng lớn diễn ra trong một thời gian dài. 

Những người nổi loạn ủng hộ Donald Trump tấn công vào điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.
Những người nổi loạn ủng hộ Donald Trump tấn công vào điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Nước Mỹ đã được hình thành như là một vùng đất của những con người cùng khổ, bị chối bỏ ở lục địa châu Âu đã phải vượt qua Đại Tây Dương muôn trùng hiểm nguy để mong tìm kiếm một cuộc sống mới. Trong suốt lịch sử hình thành, phát triển và vươn lên vị thế bá chủ toàn cầu, người Mỹ đã luôn xem đất nước của mình là tân thế giới, biệt lập và tách biệt hoàn toàn với một cựu thế giới đã ruồng bỏ họ. Cái nhìn về cựu thế giới là cái nhìn về một quá khứ. Người Mỹ không cần và cũng không muốn quan tâm đến những vấn đề của châu Âu nói riêng và phần còn lại của địa cầu nói chung. Trong suốt một thời gian dài, quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới phần lớn chỉ là những quan hệ thương mại. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt với những tổn thất kinh hoàng về nhân mạng, nước Mỹ cũng đã chỉ can thiệp vào 2 cuộc chiến này sau khi tình hình chiến sự đã ngã ngũ với mục đích là để mau chóng kết thúc chiến tranh, tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại được tiếp tục. Trong giai đoạn chiến tranh lạnh, với một nền kinh tế chiếm trọng lượng hơn một nửa GDP của thế giới, nước Mỹ đã bành trướng ảnh hưởng ra bên ngoài để ngăn chặn phong trào cộng sản đang uy hiếp phá bỏ nền tảng của khối tư bản mà Mỹ đang thống trị. Sau sự sụp đổ của khối cộng sản, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của phong trào toàn cầu hóa – vốn đã trào dâng trước đó – đã thúc đẩy thương mại thế giới, nước Mỹ cùng với tư bản đã đi đến mọi ngóc ngách trên hành tinh. 

Sức mạnh áp đảo về kinh tế và quân sự với sự hiện diện rộng khắp ở những khu vực đặc biệt trọng yếu đã giúp Mỹ củng cố và duy trì vị thế mạnh mẽ của đồng đô la, khiến các vấn đề kinh tế của Mỹ đồng thời trở thành vấn đề đối với thế giới. Điều đặc biệt là cùng với việc mở rộng các hoạt động thương mại, các chính quyền Mỹ nối tiếp nhau đã đưa các giá trị dân chủ và nhân quyền trở thành điều kiện trong các chính sách đối ngoại. Các nước dân chủ khác, nhất là ở Tây Âu đã đồng thuận xem một cường quốc vượt trội về mọi mặt như Mỹ trở thành lãnh đạo khối dân chủ trong nỗ lực bảo vệ các giá trị tự do và nhân quyền. Tuy vậy, đối với nước Mỹ thì ý thức bảo vệ nhân quyền ở bên ngoài nước Mỹ không có trong ưu tư ban đầu của họ, dù 2 công ước đính kèm của bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (Universal Declaration of Human Rights – UDHR năm 1948) đã được thông qua từ năm 1966, nhưng mãi tới tận năm 1992 chính quyền Mỹ mới chỉ phê chuẩn một trong hai công ước là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Nước Mỹ ở trong một tính trạng đặc biệt, một mặt họ là quốc gia lãnh đạo khối dân chủ và một mặt lại là quốc gia chậm trễ ký kết các công ước bảo vệ nhân quyền. Điều này chứng tỏ hai điều: một là, nước Mỹ đã được đặt vào vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ vì sức mạnh vô địch của mình trên mọi mặt và nhu cầu bảo vệ các giá trị dân chủ cho tự do thương mại; hai là, sinh hoạt dân chủ của nước Mỹ đã đồng thời làm thăng tiến các giá trị nhân quyền, qua đó tự các giá trị đúng đắn của nhân quyền đã đưa đến sức mạnh và áp đặt trở lại một trách nhiệm trong các hành động của Mỹ.   

Điều không may cho thế giới và cho chính nước Mỹ là họ đã chọn mô hình chế độ Tổng thống, mặc dầu đã thành công trong một thời gian dài và đưa nước Mỹ trở thành giàu mạnh vượt trội thế giới nhưng sự hoại loạn của chế độ Tổng thống đã khiến họ rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay như thế giới đã thấy. Lý do là vì trong chiều sâu, chế độ Tổng thống dành quyền lực vào tay một người khiến tổng thống và những người khác trong đảng không còn nhu cầu thảo luận, trong khi các chính đảng lại là nơi đào tạo và sản xuất ý kiến để hướng đến sự đồng thuận về một dự án chính trị. Hậu quả là theo thời gian, các đảng chính trị ở Mỹ mất dần nội dung và trở thành con tin cho các nhà tài phiệt thao túng, để rồi 2 đảng lớn nhất hiện nay đã chỉ là những cỗ máy vận động tranh cử. Thiếu ý kiến và thảo luận chính trị, tư tưởng chính trị của Mỹ đã tụt hậu trước những thử thách lớn đặt ra do bối cảnh toàn cầu hóa mang lại, khi ý niệm quốc gia xuống cấp và sự liên đới trong xã hội rạn nứt do bất bình đẳng gia tăng. 

Những mâu thuẫn nội bộ tích tụ quá lâu không được giải quyết, không những vậy còn bị trầm trọng thêm do sự thiếu hiểu biết của các tổng thống, ít nhất từ thời Bill Clinton trở lại đây đã khiến bất mãn trong xã hội Mỹ gia tăng. Tình trạng của nước Mỹ hiện nay được xem là đang ở trong trạng thái nội chiến khi có đến 40% người dân muốn tách Mỹ ra làm nhiều nước. Nước Mỹ đã không còn là một dự án tương lai chung. Đây đã là nguyên nhân khiến những người dân túy và tồi dở như Donald Trump được một nửa người Mỹ ủng hộ bất chấp, dù ông ta là một tội phạm hình sự và trong nhiệm kỳ trước đó cũng đã gây ra nhiều sai lầm đặc biệt nghiêm trọng. 

Tính biệt lập có từ thời lập quốc của Mỹ đã khiến họ luôn chọn những tổng thống, các cấp lãnh đạo cũng như các định hướng lớn dựa trên những tiêu chuẩn gần như thuần túy nội bộ. Các tổng thống từ trước đến nay đều là những người hiểu biết rất ít về thế giới, Joe Biden đã là tổng thống hiểu biết nhất về thế giới vì đã có một thời gian rất dài hoạt động chính trị trong các vai trò đối ngoại. Các dân biểu của quốc hội Mỹ phần lớn đều không có Hộ chiếu (passport) vì không có nhu cầu tìm hiểu thế giới. Đặc điểm này đã làm nước Mỹ luôn ở trong trạng thái sẵn sàng co cụm lại nếu những biến cố bên ngoài gây ảnh hưởng quyền lợi hoặc khiến xã hội Mỹ bất mãn. Những cuộc triệt thoái của nước Mỹ khỏi Việt Nam Cộng Hòa (năm 1973) dù chế độ cộng sản miền bắc lúc đó đã tan nát hay Afghanistan (năm 2021) dù chế độ Taliban không còn đáng kể, đã thể hiện rõ cho tính trạng này. 

Có thể xem cuộc triệt thoái của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan đã xác nhận nước Mỹ chính thức từ bỏ vài trò lãnh đạo thế giới. Cuộc triệt thoái này là một hành động vô trách nhiệm của Joe Biden khi đặt tính mạng của hơn 40 triệu người Afghanistan vào tay một chế độ khủng bố như Taliban; quyết định này không những thiển cận mà còn thể hiện sự hèn nhát trước áp lực của xã hội Mỹ, vì trong vòng 18 tháng trước đó ở Afghanistan đã không có 1 người lính Mỹ nào thiệt mạng. Chi phí cho sự hiện diện quân sự ở quốc gia Trung Á này cũng chỉ 5 tỷ đô la – một con số rất nhỏ – để có thể bảo vệ được chính quyền đồng minh dân chủ ở Kabul mà họ đã tốn nhiều công sức để xây dựng trước đó. 

Hình ảnh của nước Mỹ qua Donald Trump – một người đại diện cho sự co cụm và sẵn sàng đập phá để co cụm – là hình ảnh của một quốc gia đã quyết định từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới, sau một thời gian dài miễn cưỡng chấp nhận vai trò này. Vì vậy, sự thoái lui của Mỹ không phải là một điều quá đáng lo, trái lại còn là một điều tốt cho thế giới. Trước hết là nước Mỹ, với một sức mạnh áp đảo về mọi mặt từ kinh tế cho đến quân sự nhưng những cấp lãnh đạo của họ – vì thiếu hiểu biết về thế giới – đã cho thế giới thấy những mối nguy tiềm tàng từ những quyết định thiếu trách nhiệm. Hơn nữa, tương quan sức mạnh của Mỹ so với thế giới đang ngày càng giảm sút một cách cách tự nhiên do ngày càng nhiều quốc gia khác vươn lên, không ít trong số đó là những nước dân chủ đang ngày càng chứng tỏ muốn có được tiếng nói và chỗ đứng xứng đáng trong một cuộc đua mà khoảng cách giữa các quốc gia đang ngày càng thu hẹp lại. 

Trong một tình trạng xáo trộn

Trong khi nước Mỹ đang thoái lui, cuộc chiến mà Putin phát động quân Nga tấn công vào một nước có chủ quyền như Ukraine đã khiến trật tự thế giới đặt nền tảng trên công pháp quốc tế đã bị phá vỡ. Biến cố này đã khiến các chuyên gia địa chính trị cảm thấy bối rối khi phải cố gắng sắp xếp các quốc gia trên thế giới trong những khối địa chính trị qua thái độ ủng hộ đối với Ukraine, họ chia thế giới ra làm các khối:

– Khối các nước phương Tây (Western Bloc) gồm các nước tiêu biểu: châu Mỹ có Mỹ, Canada; châu Âu có liên minh châu Âu EU và Anh; hay ở châu Á có Nhật Bản, nam Cao Ly; ở châu Úc có Úc, New Zealand; etc

– Khối các nước độc tài tiêu biểu như Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran,Venezuela, Belarus, etc

– Khối các nước phương Nam Toàn cầu (Global South) với các nước có nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, etc

Ngoài ra, các chuyên gia địa chính trị còn phân chia các nước thuộc các khối trên thành các khối theo vị trí trên địa cầu như Global North (Bắc toàn cầu) gồm các nước phát triển và Global South (Nam toàn cầu) gồm các nước đang phát triển và kém phát triển.

Cách phân chia theo góc nhìn địa chính trị và dùng các thuật ngữ mang tính chất địa lý đã khiến cách sắp xếp này vẫn còn mang tính khiên cưỡng khi xếp các nước ở cực Đông bán cầu như Nhật Bản, nam Cao Ly hay ở phía nam bán cầu như Úc vào khối gọi là các nước phương Tây. Một điều khác làm các chuyên gia và các nhà bình luận chính trị trở nên bối rối là mặc dầu tỏ ra ủng hộ Ukraine trong các biểu quyết ở Liên Hợp quốc, khối các nước phương Nam Toàn cầu (Global South) lại thiếu quyết tâm trong việc tham gia các lệnh trực phạt của khối các nước Phương Tây đối với Nga. Bên cạnh đó, khối các nước phương Nam còn tham gia tích cực vào tất cả các tổ chức đa phương không do phương Tây dẫn dắt như BRICS đã làm dấy lên sự lo ngại về một tình trạng chia rẽ trong khối các nước dân chủ. Nhiều nhận định cho rằng, lý do cho thái độ này của các nước đang trỗi dậy ở phương Nam là vì di sản lịch sử, trong đó, các nước này vẫn bị mặc cảm thuộc địa và cảnh giác với các nước phương Tây trước đây là thực dân. Tuy vậy thì lý do này chỉ chiếm một phần nhỏ mà thôi. Thế giới sẽ cần có thêm thời gian quan sát các quyết định trong thời gian tới của khối các nước phương Nam để có thêm cơ sở để kiến giải. Trong giới hạn của bài viết này, xin đưa ra ba vấn đề của khối các nước phương Nam có thể cần phải xem xét:

– Thứ nhất: các nước phương Nam này phần lớn là các nước có chế độ tổng thống. Trong thế giới hiện nay, tất cả các chế độ tổng thống đều đang đưa tới tình trạng khủng hoảng chính trị trong nước với sự gia tăng của các thế lực dân túy. Hậu quả đã đưa đến các nhà lãnh đạo có khuynh hướng mị dân, xem ưu tư xoa dịu sự bất mãn của người dân trong nước hơn là sự ủng hộ các giá trị phổ quát thông qua các quyết định quốc tế. Riêng Ấn Độ là một nước dân chủ đại nghị nhưng đang có một lãnh đạo dân túy là thủ tướng Narendra Modi. Sự phát triển hiện nay đang cho các nước phương Nam một sự tự tin lớn hơn và qua đó, một cách tự nhiên, họ thấy xứng đáng trong một vai trò có trọng lượng hơn.

– Thứ hai: Nước lãnh đạo khối phương Tây là Mỹ đã ngày càng trở nên mất uy tín khiến các nước phương Nam chán ghét khối phương Tây. Trong hàng chục năm qua nước Mỹ đã luôn hành xử thiên vị quá đáng, bất chấp lẽ phải để bảo vệ cho đồng minh Israel trong sự bất lực của các nước còn lại trong khối phương Tây ; điều này đã gây nên sự thù ghét và khiến các nước phương Nam cảm thấy khối phương Tây không xứng đáng để toàn quyền áp đặt mọi quyết định quan trọng.

– Thứ ba: trong lịch sử phát triển của thế giới gần đây, cuộc cách mạng kỹ nghệ đã giúp khối các nước phương Tây hiện nay trở nên giàu có và vượt hẳn phần còn lại của thế giới, nhưng cũng đồng thời là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ấm lên của trái đất và đưa đến hiện tượng biến đổi khí hậu. Khối phương Nam gồm các nước đang phát triển vừa là nạn nhân với thân phận thuộc địa bị bóc lột trong quá khứ, vừa là nạn nhân dễ bị tổn thương từ những hậu quả do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra ngày nay. Mặc dầu các hội nghị về khí hậu gần đây, các nước phương Tây giàu có đã đưa ra các cam kết về tăng cường các biện pháp chống biến đổi khí hậu cũng như cam kết nghĩa vụ tài chính nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển khắc phục hậu quả, nhưng các cam kết chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ. 

Lãnh đạo các quốc gia của khối BRICS tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Johannesburg, Nam Phi, năm 2023 
Lãnh đạo các quốc gia của khối BRICS tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Johannesburg, Nam Phi, năm 2023 

Sự trỗi dậy của khối các nước phương Nam cũng như những đòi hỏi chính đáng của họ đang đặt khối phương Tây trước những quyết định nghiêm túc, một mặt phải có trách nhiệm trong những cam kết quan trọng và mặt khác, phải có thái độ khiêm tốn để hòa giải với các nước phương Nam. 

Và một trật tự thế giới đang hình thành

Thế giới đang ở vào một giai đoạn vô cùng rối ren, chưa có một trật tự rõ ràng. Nhưng điều chắc chắn là khối các nước dân chủ đang quá áp đảo trong khi các chế độ độc tài lớn nhất đã và đang khủng hoảng nặng, chỉ chờ ngày sụp đổ. Việc Nga bất ngờ xua quân đánh chiếm Ukraine đã khiến nền hòa bình của thế giới đặt trên luật pháp quốc tế bị phá vỡ, sự thức tỉnh của thế giới đưa đến một sự đoạn tuyệt dứt khoát của khối các nước dân chủ đối với các nước độc tài. Cục diện thế giới mới có thể sẽ là cuộc cạnh tranh giữa các khối nước dân chủ giàu mạnh với khối các nước độc tài, trong đó trọng tài sẽ là các nước đang phát triển mà các nhà địa chính trị gọi là khối các nước phương Nam. Trọng lượng kinh tế của khối các nước dân chủ với hơn 65% GDP thế giới, lớn hơn hẳn khối các nước tài, không những vậy còn vượt trội về mặt khoa học kỹ thuật. Mức độ giàu có của khối dân chủ cũng cao hơn hẳn, vì vậy chiến thắng của khối dân chủ là chắc chắn mà không cần phải khởi chiến. Các nước dân chủ ý thức được rằng, chỉ cần không tiếp tay giúp đỡ các nước độc tài tiến lên nữa là đủ để khối độc tài sụp đổ. Nước Nga sẽ suy sụp, làn sóng dân chủ sẽ tràn đến Nga và vì vậy Trung Quốc sẽ bị cô lập. Trung Quốc bắt buộc phải chấp nhận một chế độ dân chủ, dù biết rằng dân chủ hóa sẽ hủy hoại nền tảng đế quốc Trung Hoa và đế quốc sẽ bị tách ra thành nhiều khối. Trật tự thế giới mới mà chúng ta đang chứng kiến có thể được quan sát như vậy. 

Sự tham gia của tất cả các nước, các tổ chức và các cơ chế đa phương, các kết hợp khu vực lớn trong mối đan xen cả về lịch sử, văn hóa, kinh tế là một diễn tiến tích cực. Một trật tự thế giới mới sẽ hình thành dựa trên những kết hợp này, nơi mà mọi dân tộc sẽ tìm được chỗ đứng ngày càng quan trọng trong một cuộc ganh đua về tương lai để vươn lên. Cách thức hình thành của trật tự này cũng sẽ thúc đẩy dân chủ trên thế giới vì đặc tính nền tảng của trật tự này là tôn trọng chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi quốc gia. Hệ quả tự nhiên là những thách thức lớn của nhân loại như dịch bệnh và biến đổi khí hậu sẽ có được những cơ chế hợp tác và ứng phó công bằng hơn, qua đó hiệu quả hơn. Các quốc gia vẫn còn oằn mình trong chế độ độc tài như Việt Nam, nếu không có được dân chủ sớm để tìm đường vươn lên thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn trong trật tự thế giới mới này, nơi mà sự hợp tác để hướng về tương lai chỉ có ở khối các nước dân chủ với sức mạnh tuyệt đối về mọi mặt. 

Phong trào toàn cầu hóa duy lợi nhuận đang chấm dứt để nhường chỗ cho xu hướng toàn cầu hóa đặt nền tảng trên nhân quyền, qua đó đòi hỏi các nước thuộc khối phương Tây hành xử có trách nhiệm hơn cũng như thúc đẩy các nước phương Nam toàn cầu xây dựng dân chủ có phẩm chất hơn. Điều này đưa đến cho khối các nước phương Nam cơ hội không những để phát triển một cách bền vững trong nếp sống dân chủ mà còn thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong các vấn đề lớn của thế giới. Các thách thức mang tính toàn cầu sẽ đặt ra cho mỗi nước những ứng xử, đòi hỏi vừa hợp tác nhưng cũng vừa phải tự chủ để bảo vệ lợi ích tối đa cho mình. Như vậy, sự trỗi dậy của các nước này là một bắt buộc tự nhiên và cũng đồng thời là một điều tốt cho thế giới. Vai trò lãnh đạo nếu vẫn đến từ một nước quá nhiều vấn đề như Mỹ sẽ luôn đặt thế giới vào một tình trạng vừa căng thẳng vừa bấp bênh.

Một vấn đề đáng suy ngẫm về tình hình nước Mỹ trong những năm gần đây là dù vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, hùng mạnh về quân sự và áp đảo về khoa học kỹ thuật nhưng Mỹ lại đang phải đối mặt với nguy cơ tan rã trên thực tế. Nếu có một bài học rút ra từ trường hợp của nước Mỹ thì đó là, sẽ không bao giờ là đủ để nhắc lại rằng sức khoẻ của một quốc gia không hoàn toàn nằm ở sức mạnh kinh tế, quân sự và khoa học kỹ thuật mà ở vai trò tiên quyết của tư tưởng chính trị và ý niệm đạo đức của chính trị. Một quốc gia chỉ có thể tồn tại và có tương lai nếu được quan niệm đúng đắn như là một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung. Chỉ có một ý niệm về quốc gia như vậy thì quốc gia đó mới hy vọng có được đồng thuận dân tộc để đương đầu trước những thách thức trong một thế giới ngày càng biến động. 

Kỷ Nguyên

(11/02/2025)

(Còn tiếp)

About the author