Nhìn Lại Đất Nước Trong Một Giai Đoạn Quan Trọng (Kỷ Nguyên) – Kỳ 7

PHẦN 2: VIỆT NAM TRƯỚC THỀM MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

Bài 2: Chế độ cộng sản cáo chung và điều thật sự quan trọng

Đảng cộng sản vừa bước vào năm 2025 với những cột mốc đáng chú ý: 95 năm kể từ ngày chính thức thành lập ; 80 năm kể từ ngày đảng cộng sản lần đầu cầm quyền ở một nửa đất nước ; 50 năm toàn quyền lãnh đạo hoàn toàn lãnh thổ. Những con số khá ấn tượng. Ấn tượng cả về thời gian lẫn những hậu quả của nó. Giai đoạn 5 năm vừa qua đảng cộng sản Việt Nam cũng tạo ra một ấn tượng khác: một nội bộ tan nát chưa bao giờ có. 

Tình trạng của chế độ cộng sản hiện nay là hậu quả của một giai đoạn mà đảng cộng sản có thể được xem như là đã chết, sau khi lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã phá sản và sự đồng thuận trong đảng đã không còn. Trong bối cảnh đất nước đang ở vào một khúc quanh lịch sử trọng đại, có được cái nhìn đúng đắn về tình trạng đảng cộng sản là đặc biệt quan trọng để có một sự chuẩn bị cần thiết cho đất nước trước một vận hội lịch sử đang mở ra. 

Trước hết là kết quả của chiến dịch đốt lò

Cần nhắc lại một nhận định quan trọng rằng, việc ông Nguyễn Phú Trọng học theo Trung Quốc chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” để áp dụng vào Việt Nam với chiến dịch “đốt lò” là một hành động tuyệt vọng để cứu chế độ. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đưa ra đúng vào giai đoạn mà chế độ đang ở trong tình trạng tham nhũng rất nghiêm trọng dưới thời ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được xem là quyền lực nhất đảng cộng sản lúc đó. 

Nguyễn Phú Trọng đốt lò
Chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng phát động trong thời gian ông năm giữ chức Tổng bí thư chỉ làm đảng Cộng sản tan nát thêm

Trong một báo cáo được đưa ra tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ khóa 12, đảng cộng sản công bố trong 5 năm từ 2016 đến 2020, họ đã kỷ luật hơn 87.000 đảng viên. Vào cuối tháng 12/2023, trong “Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương” thì bà Trương Thị Mai lúc đó là thường trực ban bí thư đã thông báo là “từ đầu nhiệm kỳ đến nay (từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2023) có hơn 66.000 đảng viên bị kỷ luật”. Tại buổi họp báo đúng ngày cuối cùng năm 2024 của ban Nội chính, ông Phó trưởng Ban Nội chính Đặng Văn Dũng cho biết chỉ riêng trong năm 2024, có hơn 24.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật. Như vậy, chỉ trong 4 năm đã qua của nhiệm kỳ khóa 13 (vẫn còn một năm 2025), họ đã kỷ luật tổng cộng hơn 90.000 đảng viên. Nhìn vào kết quả của chiến dịch “đốt lò” qua các giai đoạn, điều có thể thấy là đảng cộng sản càng đẩy mạnh chống tham nhũng thì tham nhũng càng tăng lên, không những vậy tính chất và quy mô tham nhũng còn nghiêm trọng hơn. 

Các vụ án tham nhũng có quy mô lớn nhất và chấn động nhất đều bắt đầu trong giai đoạn mà ông Trọng phát động chống tham nhũng. Tiêu biểu như vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB của Trương Mỹ Lan, vụ FLC của Trịnh Văn Quyết, vụ AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, vụ Phúc Sơn, vụ Thuận An, hay các vụ xảy ra trong đại dịch Covid-19 như Việt Á và Chuyến bay giải cứu. Các vụ tham nhũng nghiêm trọng này đều liên quan đến các lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ như Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, etc.

Đằng sau những con số kỷ luật

Trong số những đảng viên bị kỷ luật qua các năm, chế độ đã tiết lộ là tỷ lệ những người bị kỷ luật vì lý do tham nhũng ít hơn những lý do khác như “suy thoái tư tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa”, nghĩa là những người có khuynh hướng muốn dân chủ chiếm phần lớn trong số đảng viên bị kỷ luật. Chiến dịch chống tham nhũng này cũng đồng thời là phương tiện để đảng cộng sản chống lại các khuynh hướng dân chủ hóa đang ngày càng mạnh lên trong nội bộ đảng. Không những vậy, công cuộc “đốt lò” của ông Trọng còn được các phe phái trong đảng dùng để tranh giành quyền lực, đặc biệt được đẩy mạnh trong khóa 13 từ năm 2021 tới nay. 

Chỉ trong vòng gần 2 năm, đã có đến 5 người thay nhau giữ chức chủ tịch nước, người thì bị cách chức, người thì phải nhường chức, người thì phải lên tạm quyền chờ bầu người mới.  Trong vòng ba năm, đã có 7 uỷ viên bộ Chính trị -chiếm hơn một phần ba- số thành viên bộ chính trị cùng hàng trăm đảng viên trung và cao cấp bị kỷ luật, cách chức hoặc bỏ tù. Hai năm căng thẳng và chấn động nhất của tình trạng đấu đá nội bộ là năm 2023 và năm 2024, khi chứng kiến những vụ cách chức những người quyền lực nhất của đảng như các ông chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thường trực ban Bí thư Trương Thị Mai, bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng hàng chục ủy viên trung ương đảng khác là những bộ trưởng hoặc bí thư tỉnh ủy. Đây chỉ là số ít những vụ việc đã làm dư luận kinh ngạc, tạo ra những bàn tán sôi nổi ngay cả ở những người dân bình thường vốn ít khi quan tâm đến chính trị. 

Một điều đáng chú ý, tình trạng chia rẽ trong nội bộ đảng hiện nay có tính chất đặc biệt nghiêm trọng bởi các cuộc tranh giành quyền lực đã trở nên dữ dội và đang ở vào giai đoạn sống còn, đến nỗi họ không có khả năng và cũng không còn nhu cầu phải che giấu. Chiến dịch “đốt lò” của đảng cộng sản với mục đích “chống tham nhũng” và “chống khuynh hướng dân chủ” đã thất bại, không những vậy còn là một thất bại thảm hại trên mọi phương diện. Đây là điều hiển nhiên, vì đòi hỏi dân chủ là nhu cầu tự nhiên trong khi tình trạng tham nhũng và suy thoái có trong mọi chế độ cộng sản, và là hệ quả tất yếu của một tổ chức đã mất lý tưởng.

Trong một tiến trình cáo chung

Những diễn biến quan trọng của chế độ cộng sản Việt Nam kể từ khi mất lý tưởng đến nay nằm trong tiến trình cáo chung mà các chế độ cộng sản đều phải trải qua. Quan sát tình trạng của chế độ cộng sản Việt Nam, có thể thấy được sự tương đồng với tiến trình sụp đổ của các chế độ cộng sản trước đây. Một cách vắn tắt, chúng ta có thể chia tiến trình cáo chung của chế độ cộng sản Việt Nam làm bốn giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Chủ nghĩa Mác-Lênin sụp đổ và đảng cộng sản mất lý tưởng. Sức mạnh thật sự của các chế độ cộng sản là chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi chủ nghĩa này đã được vạch trần như là một sai lầm và là một tội ác thì sự sụp đổ của chế độ cộng sản là chắc chắn, vấn đề chỉ còn là thời gian. Có thể xem giai đoạn mà đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu mất lý tưởng là vào những năm 1980, cả chế độ khi đó đã chứng kiến sự lụn bại của đất nước ngay khi áp dụng các chính sách của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong thâm tâm, những lãnh đạo cao nhất cũng biết chủ nghĩa Mác-Lênin là quá sai. Ngay trong giới lãnh đạo quyền lực nhất của đảng thời điểm đó, một ủy viên Bộ Chính trị đại diện cho khuynh hướng dân chủ là ông Trần Xuân Bách đã lên tiếng nói đòi dân chủ đa nguyên cho đất nước, qua đó xác nhận sự cuồng tín vào chủ nghĩa Mác-Lênin đã không còn. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu và liên bang các nước trong khối Liên Xô.

– Giai đoạn 2: Giai đoạn chuyển hóa bắt buộc từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân miễn cưỡng. Một điều hiển nhiên là khi một tổ chức đã mất lý tưởng, các thành viên đến với tổ chức chỉ vì quyền lợi thì tham nhũng trở thành luật chơi và đấu đá giữa các phe phái chỉ là hậu quả. Một chính đảng chỉ có đoàn kết khi có lý tưởng, và cũng chỉ có những người tìm đến với lý tưởng vì sự cống hiến và hy sinh. Chế độ cộng sản hoàn toàn ngược lại và sớm hay muộn chỉ có thể đưa đến tình trạng mất hoàn toàn đồng thuận tổ chức. Tình trạng mất đồng thuận này của đảng cộng sản đã đạt đến vào đầu những năm 2010 khi cuộc đấu đá phe phái lúc đó giữa phe Nguyễn Tấn Dũng và phe Trương Tấn Sang khiến chế độ tê liệt, đành phải đưa đến giải pháp là chức vụ tổng bí thư quyền lực nhất trao cho ông Nguyễn Phú Trọng -một người giáo điều về chủ nghĩa Mác-Lênin- để chế độ có một người có thể ra được các quyết định chung. Lựa chọn ông Trọng -dủ chỉ là miễn cưỡng- là giải pháp tình thế nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành của một bộ máy đang tê liệt. Ông Trọng là một chọn lựa chấp nhận được cho các phe phái và là điển hình của một nhà độc tài miễn cưỡng cuối cùng của mọi chế độ cộng sản trong giai đoạn sau cùng của tiến trình cáo chung.

Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng
Cuộc đấu đá giữa ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ông Nguyễn Phú Trọng lên làm nhà độc tài miễn cưỡng cuối cùng.

Tình trạng mất đồng thuận của đảng đã được xác nhận qua Hội nghị Trung ương 4 (khóa 11) năm 2012, khi đảng cộng sản không thể lấy được quyết định chung đối với việc xử lý kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng, một người bị đa số đảng viên chống đối và ghét bỏ vì đã quá tham nhũng. Sự đồng thuận duy nhất của đảng trong 10 năm tiếp sau đó là ông Nguyễn Phú Trọng, tại Đại hội đảng lần thứ 13 năm 2021, đảng cộng sản đã phải duy trì sự lãnh đạo của nhà độc tài miễn cưỡng Nguyễn Phú Trọng, bất chấp vi phạm Điều lệ đảng cả về số nhiệm kỳ lẫn tuổi tác. 

– Giai đoạn 3: Sự nổi lên của hai lực lượng quan trọng trong đảng là Tuyên giáo và Công an. Khi sự phân rã trong nội bộ quá lớn, sự mất lý tưởng đã tuyệt đối thì 2 lực lượng nổi lên trong đảng là Tuyên giáo và Công an. Tuyên giáo cố gắng biện luận một cách gượng gạo về chủ nghĩa Mác-Lênin, bịt miệng những tiếng nói đối lập; chủ nghĩa cộng sản xuống cấp bao nhiêu thì nhu cầu bảo vệ nó lớn bấy nhiêu làm vai trò của phe Tuyên giáo mạnh lên. Việc ông Trọng cầm quyền trong một thời gian dài cùng với sự thăng tiến thần tốc của những người thuộc phe tuyên giáo như Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai đã cho thấy khuynh hướng mạnh lên của bên Tuyên giáo. Tuy nhiên, khi phe Tuyên giáo bị chán ghét do phơi bày những điều lố bịch không ai muốn nghe nữa thì phe công an mạnh lên để đàn áp những tiếng nói phản bác không những bên ngoài đảng mà còn bên trong nội bộ đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, lợi dụng ông Trọng đã quá yếu mệt vì bệnh tật, phe Công an của ông Tô Lâm đã lần lượt ép những người có khả năng tranh giành chức tổng bí thư quyền lực như Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ phải từ chức. 

– Giai đoạn 4: giai đoạn cáo chung, đảng cộng sản không thể thay thế nhà độc tài miễn cưỡng cuối cùng. Giai đoạn này chứng kiến tình trạng đấu đá giữa các phe phái đã đến mức sống còn. Người của phe nào lên nắm quyền thì sẽ là đại hoạ cho các phe còn lại, không phe nào cho phép nhượng bộ bên kia. Nhà độc tài miễn cưỡng dù vì một lý do nào phải từ bỏ chức vụ thì cũng không thể có một người tương tự lên nắm quyền để làm giải pháp dung hòa cho các bên. Hiện nay ông Trọng đã qua đời và ông Tô Lâm đã giành được chức vụ tổng bí thư. Nhưng sự kiện này đã chứng tỏ rằng đảng cộng sản đã không thể thay thế được nhà độc tài miễn cưỡng. Ông Tô Lâm không phải là một giải pháp chấp nhận được giữa các phe phái, không những vậy còn là nhân vật bị chống đối nhiều nhất trong đảng do lợi dụng ngành công an để triệt hạ đối thủ để giành được chức vụ quyền lực nhất. Đặc điểm của những người kế nhiệm nhà độc tài miễn cưỡng là họ luôn ở trong tình trạng bị chống đối trong nội bộ. Tình trạng của đất nước hiện nay cũng sẽ khiến ông Tô Lâm hoặc bất kỳ ai lên nắm quyền tiếp theo đều sẽ nhận ra rằng họ không thể có được giải pháp cho những vấn đề của đất nước. Sự chống đối của các phe phái khác đối với những người cầm quyền như Tô Lâm sẽ làm cho bộ máy tiếp tục bị tê liệt. 

Chế độ cộng sản vì vậy sẽ sụp đổ vì lý do nội tại khi sức sống và lẽ sống của nó đã không còn. Đây là kết cục tất yếu của một đảng đã quyết định tách rời chính mình khỏi dân tộc Việt Nam. Diễn biến trong những năm gần đây, cùng với hiện trạng của đảng cộng sản lúc này, đã xác nhận chế độ đang ở vào giai đoạn cuối cùng của tiến trình cáo chung. 

Một tình trạng cần được cảnh giác  

Điều đáng lo hiện nay là đứng trước tình thế khó khăn, chế độ cộng sản Việt Nam đã lấy những quyết định quan trọng, trong đó quyết định gắn chặt sự sống còn của họ vào chế độ cộng sản Trung Quốc. Trong chuyến đi đến Việt Nam vào tháng 12/2023, ông Tập Cận Bình đã ký 36 văn kiện quan trọng, trong đó hai nước sẽ xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” mà phía Trung Quốc gọi là “Cộng đồng chung vận mệnh”. Các văn kiện cũng cho thấy là hợp tác giữa hai đảng, hai chính phủ đã ở một mức độ sâu rộng mà chưa có một sự hợp tác giữa hai quốc gia nào trên thế giới từng có trong lịch sử; sự hợp tác trực tiếp không những diễn ra ở cấp bộ mà còn ở cấp rất thấp như hợp tác giữa cấp vụ với nhau. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón trọng thể ở Bắc Kinh ngày 19/8/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón trọng thể ở Bắc Kinh ngày 19/8/2024 – Ảnh: TTXVN

Mức độ hợp tác sâu rộng còn được cụ thể hóa qua cơ chế đối thoại chiến lược “3+3” gồm ngoại giao, quốc phòng và an ninh công cộng. Trung Quốc và các nước khác trên thế giới cho đến nay chỉ có cơ chế đối thoại chiến lược “2+2” gồm ngoại giao và quốc phòng. Có thể thấy cơ chế “3+3” là cơ chế duy nhất mà Trung Quốc dành riêng cho Việt Nam, mà theo các chuyên gia là một cơ chế mang tính chất “giám sát toàn diện” theo đúng nghĩa đen. Là một nước áp đảo về mọi mặt so với Việt Nam, cơ chế có đặc tính giám sát chéo giữa hai nước này cho phép Trung Quốc áp đặt sự kiểm soát sâu rộng vào các vấn đề chiến lược của Việt Nam như quốc phòng và đặc biệt là an ninh nội địa.  

Điều này cần được cảnh giác và cũng cần nói ngay rằng đây là một quyết định dại dột và thiển cận của chế độ cộng sản Việt Nam, bởi vì chế độ Trung Quốc đang rất chao đảo và không thể là chỗ dựa cho bất cứ ai ; những nước mà Trung Quốc đã phải tốn rất nhiều tiền bạc và công sức để lôi kéo như Sri Lanka, Lào, Myanmar, Campuchia đang bị bỏ rơi. Quyết định gắn số phận của mình vào Trung Quốc của đảng cộng sản Việt Nam là một lựa chọn không khác gì hành động cột tảng đá vào chân mình khi đang bơi trong dòng nước lũ. Đảng cộng sản Trung Quốc, ít nhất trong 5 năm qua, không những không thể là chỗ dựa mà còn là một tai họa lớn đối với đảng cộng sản Việt Nam. Đảng cộng sản Trung Quốc đã thiếu trách nhiệm khiến đại dịch covid-19 trở thành đại họa cho cả thế giới, chính quyền cộng sản Việt Nam rập khuôn cách chống dịch Zero-Covid để rồi các tập đoàn trên đường rời khỏi Trung Quốc nhận ra Việt Nam cũng sẽ là một điểm đến của tai họa. Chính quyền Việt Nam biểu quyết theo Trung Quốc với lá phiếu trắng tại LHQ nhằm tránh lên án Nga đã khiến thế giới nhận diện Việt Nam như là một đồng minh của Trung Quốc. Dù muốn hay không, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, đảng cộng sản Việt Nam cũng phải nhận ra sai lầm này. 

Nhưng có một sai lầm gần hơn đã đến. Thời gian ông Tô Lâm lên cầm quyền đang cho thấy có sự chống đối và khó khăn từ bên trong cả về nhu cầu ổn định nội bộ cho đến vận hành bộ máy, buộc ông ta phải đưa ra chính sách “tinh giản bộ máy” dựa trên nghị quyết 18-NQ/TW đã có từ năm 2017. Mục đích của chính sách này vừa để loại bỏ bớt những người chống đối, vừa để bộ máy hành chính có thể hoạt động sau một thời gian bị tê liệt vì “chiến dịch đốt lò”. Đối với xã hội, nghị định 168/2024/NĐ-CP vừa được ban hành đã gây khó khăn cho hoạt động giao thông ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, gây ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng cùng tâm lý lo sợ đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người, sự bất mãn đã ngay lập tức lan rộng. Về tính chất, hai quyết định này không khó về mặt kỹ thuật nhưng thực tế đang cho thấy là không thể thực hiện do gây ra những sự xáo trộn lớn, trong khi hậu quả đã không được đánh giá đúng mức. Việc tinh giản bộ máy thì thời gian cho báo cáo kế hoạch quá gấp gáp chỉ trong vòng 3 tháng trong khi quy mô thực hiện ảnh hưởng cả trăm ngàn người và tác động đến nhiều cơ quan của đảng lẫn chính phủ. Nghị định 168 về các mức xử phạt vi phạm giao thông thì mức phạt lại quá cao, hơn cả những nước có thu nhập nhiều lần cao hơn Việt Nam, trong khi đó hạ tầng giao thông lại yếu kém. 

Trong vai trò một người lãnh đạo cao nhất, ông Tô Lâm hay bất kỳ ai đều có nhu cầu làm cho chính quyền và xã hội tốt hơn, nhưng trong chế độ cộng sản hiện nay, đây là điều không thể. Tình trạng của chế độ hiện nay giống như một người già yếu bệnh tật chỉ chờ trút hơi thở cuối cùng, việc bắt ép một cơ thể như vậy vươn vai để đứng dậy, không những vậy còn phải lãnh sứ mệnh “xây dựng một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là một hành động miễn cưỡng và tuyệt vọng. 

Và một điều thật sự quan trọng

Nhìn vào hoàn cảnh đất nước trong sự bế tắc mà chế độ cộng sản cũng đã thừa nhận, chúng ta có thể dễ dàng quy kết hết mọi trách nhiệm cho họ. Điều này không sai, nhưng thật ra không hoàn toàn đúng, và thậm chí có thể là một sai lầm nếu muốn có một hành trang đúng đắn để mở ra một trang sử mới tốt đẹp hơn cho đất nước. Bài viết này viết về chế độ cộng sản Việt Nam trong một dịp nhìn lại quãng thời gian 5 năm vừa khép lại, nhưng cũng đã nhắc lại những cột mốc “ấn tượng” mà đảng cộng sản đã trải qua, trước là để nhìn nhận đúng bản chất hiện nay của chế độ, và sau cũng là một chất vấn đối với tất cả chúng ta trong một thảm kịch lớn của đất nước. Từ năm 1986 đến nay, mặc dầu bối cảnh trong nước lẫn quốc tế đã luôn có những cơ hội thuận lợi cho một cuộc chuyển hóa về dân chủ, nhưng rốt cuộc, một đảng sau khi đã phá sản về lý tưởng vẫn có thể tiếp tục cầm quyền thêm 40 năm, tiếp tục phạm những sai lầm với hậu quả là đã đưa dân tộc và cả chính họ vào ngõ cụt. Sau cùng, chính đảng cộng sản cũng đang là nạn nhân của sự bế tắc sau khi đã đưa dân tộc trở thành nạn nhân. 

Ở vào giai đoạn sau cùng trong tiến trình cáo chung của chế độ cộng sản và trước một vận hội mới đang mở ra cho đất nước, chúng ta cần có một cái nhìn vượt thoát về vai trò của đảng cộng sản và của chính mình. Nếu có một điều quan trọng nhất để nói về đảng cộng sản Việt Nam trong lúc này, thì không phải là những sai lầm trong quá khứ, càng không phải là tình trạng của họ hiện nay, mà đó sẽ là một cái nhìn bao dung để hướng về một tương lai trong trách nhiệm chung đặt ra cho tất cả mọi người. Đảng cộng sản đã là một đảng của sự mê cuồng chủ nghĩa Mác-Lênin trong quá khứ hay là một đảng của những quyền lợi hiện nay thì cũng chỉ là một ngoặc đơn đang khép lại. Xét cho cùng thì những sai lầm và đổ vỡ do đảng cộng sản gây ra là hậu quả của một di sản văn hóa độc hại, những gì thuộc về đảng cộng sản cần được xem là một trang sử buồn như bao trang sử đau thương khác mà suốt dòng lịch sử dân tộc này đã phải chịu đựng. 

Một đảng cộng sản của mê cuồng đã qua đi được 40 năm. Những người có trách nhiệm lớn nhất đưa chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam và gây ra thảm kịch nội chiến đều đã ra đi theo sự cuồng tín chủ nghĩa gớm ghiếc đó. Họ đã trở thành những nhân vật lịch sử, như bao nhân vật lịch sử khác mà chúng ta đã xem là cha ông của mình và đã trở thành một phần ký ức của dân tộc. 

Một đảng cộng sản đã chết não vì phá sản lý tưởng hiện nay cũng đang cáo chung. Những lãnh đạo đảng cộng sản đang hiện ra trước mắt chúng ta chỉ là những con người thiển cận và tham lam, hoàn toàn không có một ảo tưởng nào về chủ nghĩa Mác-Lênin. Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ còn là một hư cấu. Những đảng viên thật ra chỉ còn là những người Việt Nam -cũng chia sẻ chung một thân phận tủi hờn trong một đất nước lụn bại và bế tắc- như bao người Việt Nam khác. Không một đảng viên nào có lý tưởng cả. Điều họ làm chỉ đơn giản là đang luồn lách trong một xã hội mà ai cũng đang đi tìm giải pháp cá nhân cho vấn đề của mình. Chúng ta có quyền chỉ trích sự thiển cận của họ đang đẩy đất nước vào tình trạng tụt hậu không lối thoát, cũng như sự tham lam của họ đang khiến đất nước trở nên kiệt quệ. Nhưng có một điều chúng ta phải ngậm ngùi cho đất nước là từ trước đến nay, văn hóa chính trị của dân tộc chưa bao giờ thật sự lành mạnh để đưa được những con người xứng đáng vào những vị trí quan trọng. Và cũng chưa bao giờ lòng yêu nước của chúng ta đủ mạnh để những chế độ cầm quyền có được những cấp lãnh đạo xem cống hiến cho dân tộc là lý tưởng sống của cuộc đời mình. Lý do quan trọng nhất là vì chúng ta đã thiếu vắng tư tưởng chính trị. 

Chính vì vậy, ngay cả khi chế độ cộng sản đang sắp cáo chung thì chúng ta cũng cần phải cảnh giác, phải nhận ra vai trò tiên quyết của tư tưởng chính trị để có thể hướng đến một đồng thuận về một nền dân chủ đa nguyên cùng mô hình tổ chức xã hội đúng đắn cho đất nước. Bởi nếu không, thì với di sản văn hóa hiện nay chúng ta rất dễ đi đến một nền dân chủ nửa vời với những lựa chọn sai lầm như chế độ tổng thống, sự xuất hiện và chi phối của các đảng dân túy, để rồi môi trường chính trị Việt Nam trở thành vùng đất màu mỡ cho những người không kém phần thiển cận và tham lam so với các lãnh đạo cộng sản hiện nay. Tình trạng khủng hoảng ở tất cả các quốc gia theo chế độ tổng thống đang đặt ra cho chúng ta bài học về tinh thần trách nhiệm và thái độ nghiêm túc trước những chọn lựa quan trọng cho đất nước. Dĩ nhiên một chế độ dân chủ dù tồi dở tới đâu thì vẫn còn hơn xa chế độ cộng sản hiện nay, nhưng đất nước đã quá tụt hậu và lòng người đang ly tán; Việt Nam giờ đây đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn để rồi đi tới một đất nước không thành (failed state). Chúng ta không được để điều đó xảy ra vì một đất nước tan rã sẽ không có chỗ đứng vinh quang cho bất kỳ ai. Tất cả sẽ sống chung trong tâm trạng bẽ bàng. Chế độ cộng sản phải là di sản độc hại cuối cùng của dân tộc. Đất nước Việt Nam sẽ phải có một truyện thuyết khác.

Để xứng đáng với một tương lai tốt đẹp hơn, đất nước cần phải được quan niệm đúng đắn như là một không gian liên đới giữa những con người quý trọng nhau và chia sẻ với nhau một dự án tương lai chung. Đó sẽ là nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, nơi dành chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho tất cả mọi người dù thuộc quá khứ nào hay khuynh hướng chính trị nào. Chỉ có quan niệm như vậy, chúng ta mới có thể huy động được mọi con tim và khối óc, trong đó không thể thiếu những đảng viên cộng sản để làm lại và thăng tiến đất nước trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Đảng cộng sản sẽ sớm nhận ra lịch sử đã bắt đầu sang trang và đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên dân chủ đa nguyên là một tiến trình không thể đảo ngược. Điều đúng đắn mà họ sẽ phải nhìn nhận là những người đấu tranh cho dân chủ trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc không hề gây nguy hiểm cho ai, mà ngược lại còn là những đảm bảo và hy vọng cho một sự chuyển tiếp về dân chủ được diễn ra trong ôn hòa và trật tự. 

Kỷ Nguyên

(14/02/2025)

(Còn tiếp)


Loạt bài Nhìn Lại Đất Nước Trong Một Giai Đoạn Quan Trọng

Phần 1: Thế Giới Trong Một Khúc Quanh Lịch Sử Trọng Đại

Phần 2: Việt Nam Trước Thềm Một Kỷ Nguyên Mới

About the author