Mỹ đóng băng viện trợ nước ngoài, Việt Nam chịu thiệt gì ? (BBC)

Nhiều hoạt động y tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, hậu quả thiên tai… tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Mỹ đóng băng viện trợ trên toàn cầu.

Ngoại trưởng Marco Rubio vào hôm 25/1 đã gửi cho nhân viên dưới quyền biên bản ghi nhớ cho biết sẽ không có thêm khoản tiền nào được cấp cho các chương trình tài trợ mới hoặc gia hạn chương trình hiện có, cho tới khi từng đề xuất được đánh giá và chấp thuận.

Bản ghi nhớ cũng kêu gọi tiến hành đánh giá nội bộ về tất cả khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ trong vòng 85 ngày.

Mỹ đã chi 68 tỉ USD cho viện trợ nước ngoài tính riêng năm 2023, phần lớn thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Quốc gia này cũng là nguồn viện trợ nước ngoài lớn nhất toàn cầu tính tới nay.

Chính quyền Tổng thống Trump được cho là có kế hoạch sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tỷ phú Elon Musk, người đứng đầu một cơ quan không chính thức có nhiệm vụ cắt giảm chi phí, từng tuyên bố rằng chính quyền có kế hoạch đóng cửa USAID.

Những động thái này đặt ra câu hỏi về số phận của những tổ chức, tập thể nhận viện trợ từ tổ chức này ở Việt Nam.

Ngân sách hàng năm cho hoạt động của USAID tại Việt Nam lên tới 150 triệu USD, theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vào tháng 6/2023.

USAID hợp tác với chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các bên liên quan khác trong nhiều lĩnh vực đa dạng kể từ năm 1989.

Thông tin chính thức USAID cho biết họ sẽ thực hiện nghỉ phép hành chính trên toàn cầu bắt đầu từ ngày 7/2. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án USAID đang triển khai tại Việt Nam cũng sẽ tạm thời dừng lại.

Các tổ chức rà phá bom mìn ở Việt Nam bị ảnh hưởng

Trong 30 năm tài khóa từ năm 1993-2023, chương trình Phá hủy Vũ khí Thông thường (CWD) của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đầu tư gần 235 triệu USD tại Việt Nam, trong đó gần 27 triệu USD là thông qua USAID.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do bom mìn gây ra. Theo Đảng Cộng sản Việt Nam, hiện còn khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích toàn quốc bị ô nhiễm bom mìn, tính tới cuối năm 2023.

Các tổ chức rà phá bom mìn có hoạt động tại Việt Nam đã đồng loạt phản hồi trước động thái của chính quyền Tổng thống Trump.

Các hoạt động toàn cầu do Mỹ tài trợ của tổ chức Nhóm Cố vấn Bom mìn (MAG) của Anh bị tạm dừng sau chỉ thị của Bộ Ngoại giao Mỹ.

MAG, với hơn 700 nhân sự, là tổ chức rà phá bom mìn lớn nhất ở Việt Nam và đã hoạt động tại đây 25 năm.

Thông báo ngày 27/1 trên trang web của MAG cho hay họ đang liên hệ với các nhà tài trợ khác, chính quyền các quốc gia và các đối tác ở các quốc gia nơi họ hoạt động để đảm bảo việc quản lý hiệu quả việc tạm dừng.

MAG hoạt động tại tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình – hai trong số những khu vực bị ném bom nặng nề nhất trong Chiến tranh Việt Nam.

Theo Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC), tổ chức này rà phá bom mìn nhiều nhất trong tổng số năm tổ chức đã và đang hoạt động tại Quảng Trị tính đến năm 2024.

Tính tới 2024, MAG đã hoàn thành việc rà phá gần 180 triệu m2 đất và bàn giao đất sạch cho người dân canh tác, trồng trọt, theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, bên cạnh việc phát hiện và hủy nổ thành công trên 230.000 vật nổ các loại, góp phần mang lại cuộc sống an toàn cho gần 700.000 người dân trên địa bàn tỉnh. Họ cũng thực hiện hoạt động truyền thông giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho gần 15.000 người dân.

Ngày 28/1, tổ chức rà phá bom mìn PeaceTrees Vietnam – có trụ sở tại thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ) và tỉnh Quảng Trị – đã ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại về chỉ thị của chính phủ Mỹ trong việc tạm dừng mọi công việc liên quan đến các khoản do Chương trình Tháo gỡ và Giảm thiểu Vũ khí (WRA) của Mỹ tài trợ.

Theo tổ chức này, việc đình chỉ đột ngột này đe dọa làm gián đoạn các chương trình nhân đạo quan trọng trên toàn cầu bao gồm cả PeaceTrees Vietnam.

“Chúng tôi vô cùng lo ngại về tổn thất về mặt con người do quyết định này gây ra. Các chương trình của chúng tôi không chỉ cứu sống người dân bằng cách rà phá bom mìn chưa nổ (UXO) mà còn thúc đẩy sự an toàn, ổn định và thịnh vượng trong các cộng đồng vốn chịu ảnh hưởng từ chiến tranh. Việc tạm dừng này gây nguy hiểm cho sự tiến bộ ở những khu vực mà UXO hiện vẫn gây hại cho cộng đồng,” Chủ tịch Hội đồng quản trị PeaceTrees Vietnam Brendan Murphy bình luận.

Tổ chức này cho biết họ đã đã rà phá hàng chục ngàn quả bom chưa nổ ở các tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Sự tạm dừng này đe dọa làm đình trệ các nỗ lực cứu sống và gián đoạn các dự án đang triển khai.

PeaceTrees Vietnam nhận định chỉ thị này có nguy cơ làm xói mòn lòng tin của các đối tác địa phương và phá hoại 30 năm hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Họ đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ khôi phục các chương trình rà phá bom mìn trên toàn thế giới và kêu gọi cộng đồng các nhà tài trợ, đối tác và những người ủng hộ hành động.

Một tổ chức rà phá bom mìn khác ở Việt Nam là Tổ chức Viện trợ của Nhân dân Na Uy (NPA) cũng chịu ảnh hưởng từ chỉ thị.

NPA thông báo trên trang web của mình rằng họ phải tạm dừng tất cả các hoạt động rà phá bom mìn do Mỹ tài trợ tại 12 quốc gia, bao gồm Việt Nam. Tổ chức này đang chờ hướng dẫn thêm từ các nhà chức trách Mỹ về những ảnh hưởng của chỉ thị đối với nhân viên, đối tác và các dự án đang triển khai.

Hoạt động rà phá bom mìn của MAG tại Việt Nam. Nguồn hình ảnh : Getty Images

Dự án phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam bị ảnh hưởng

Khi USAID và các khoản viện trợ của Mỹ bị tạm ngưng và chưa rõ khi nào quay trở lại, khoảng trống họ để lại trong mảng y tế được nhiều người xem là nguy cấp và tiềm tàng nhiều rủi ro về sức khỏe con người.

Trong giai đoạn từ 2014-2024, USAID đã triển khai 16 dự án hỗ trợ lĩnh vực y tế tại Việt Nam với tổng kinh phí khoảng 90 triệu đô la, tập trung chủ yếu vào các dự án phòng chống bệnh lao và HIV/AIDS.

USAID đã hỗ trợ các chương trình phòng chống HIV/AIDS từ giữa thập niên 1990, và đến tháng 6/2004, ngân sách cho lĩnh vực này đã tăng lên đáng kể trong khuôn khổ Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về Phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR).

USAID đã phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các hoạt động can thiệp hiệu quả, xét nghiệm cho các nhóm nguy cơ cao, điều trị và duy trì điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) cho người nhiễm HIV, cũng như hỗ trợ thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Dự án PEPFAR của USAID hiện hỗ trợ chi phí cho các dịch vụ xét nghiệm HIV, tư vấn và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Trong đó, thuốc PrEP phần lớn đến từ nguồn tài trợ. Vì vậy, khi dự án tạm dừng sẽ gây ra những khó khăn nhất định.

Trước đây, USAID đã giúp phân phát hơn 46.000 bộ dụng cụ tự xét nghiệm HIV miễn phí và hỗ trợ 16.700 người sử dụng PrEP tại Việt Nam trong 8 năm, tính tới 2022.

Hiện tại, Việt Nam vẫn tiếp nhận các nguồn hỗ trợ khác và duy trì các dự án đang triển khai.

Phòng khám Đa khoa Galant, một trong những địa điểm trước đây cung cấp PrEP và xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục miễn phí, đã tạm dừng các chương trình không tính phí này từ ngày 25/1 do ảnh hưởng từ chỉ thị của chính phủ Mỹ.

Galant nhận định việc tạm ngưng viện trợ từ USAID, đặc biệt là đối với dự án PEPFAR, đặt ra thách thức không nhỏ cho cộng đồng có nguy cơ cao tại Việt Nam, nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), trong việc tiếp cận các biện pháp phòng ngừa HIV hiệu quả cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 của Việt Nam.

Các hoạt động khác của USAID tại Việt Nam

USAID hỗ trợ cho hộ gia đình bị bão Yagi ảnh hưởng năm 2024. Nguồn hình ảnh : USAID

Cánh tay viện trợ của USAID cũng kéo dài đến mảng giáo dục ở Việt Nam, nhưng khi nó được rút lại thì thứ để lại là sự hoang mang.

Trong điều kiện giấu tên để thảo luận những vấn đề nhạy cảm, một chuyên gia giáo dục tại TP HCM chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng ông tham gia tư vấn cho một dự án nâng cao năng lực giáo dục nhận tài trợ của USAID, trong đó có các đối tác thụ hưởng là các trường đại học Việt Nam.

Người này nói rằng mặc dù ông đã nộp một báo cáo tư vấn cho dự án, nhưng ông đã không được trả công theo hợp đồng sau khi Mỹ tuyên bố đóng băng viện trợ. Ông cũng không rõ liệu trong tương lai số tiền này có được trả hay không khi chưa có thông tin về dự án ở thời điểm ông trao đổi với BBC.

”Cuối cùng thiệt thòi nhất vẫn là người dân thụ hưởng sau cùng và về mặt nào đó thương hiệu nước Mỹ chắc cũng sứt mẻ không ít. Thực ra, USAID là công cụ quyền lực mềm của Mỹ nên chắc vẫn sẽ tiếp tục, nhưng sẽ theo những khuôn khổ của nhà nước mới,” ông nhận định.

Trong khi đó, một trong những dự án giúp ghi điểm cho mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước mà USAID tài trợ tại Việt Nam là dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Dự án này được khởi công từ tháng 12/2019 với tổng kinh phí ban đầu là 390 triệu USD, sau đó được nâng lên 450 triệu USD và dự kiến hoàn thành sau 10 năm. Tính đến giữa tháng 1/2025, Mỹ đã tăng nguồn vốn thực hiện dự án lên 430 triệu USD.

Vào năm 2023, USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết hai văn bản hợp tác về nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế và phát triển năng lực địa phương của Việt Nam với tổng giá trị ODA (viện trợ phát triển chính thức) là 100 triệu USD. Tổ chức này cũng công bố thực hiện dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) với tổng giá trị ODA là 36,3 triệu USD.

Trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật, trong 30 năm qua, thông qua USAID, Mỹ đã đóng góp hơn 155 triệu USD. Chỉ tính riêng năm 2023, USAID đã hỗ trợ cho hơn 26.000 người khuyết tật tại Việt Nam.

Sau những ảnh hưởng của siêu bão Yagi vào tháng 9/2024, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua USAID, đã cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục thiệt hại.

Trong 5 năm qua, phái đoàn này đã cung cấp 7,7 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ sẵn sàng ứng phó thiên tai, bao gồm cả việc ứng phó với bão, lũ và nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng chống thiên tai.

Không chỉ hoạt động của các dự án do USAID tài trợ bị ảnh hưởng mà sinh kế của người lao động Việt Nam làm việc cho các dự án này cũng đang bị đe dọa.

Nhiều người đang trong trạng thái chờ đợi và tìm phương án mới. Một số người cũng hy vọng rằng viện trợ sẽ quay trở lại.

”Chuyện cắt quỹ là bình thường, nhưng cắt cái rụp như kiểu đợt này thì ko có tiền lệ, nên sốc cả hệ thống,” vị chuyên gia ở TP HCM cho biết.

Nguồn : BBC Tiếng Việt

Đường dẫn bài gốc

About the author