Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ quyết liệt đi trên con đường dân chủ đa nguyên và sẽ đặt dân chủ vào thế tiến công ngay cả trong những điều kiện ngặt nghèo và đàn áp nhất, để đất nước đi vào một quỹ đạo và một con đường đúng đắn.
********************

Đây là một loạt bài nối tiếp hai chủ đề lớn là Chuyển đổi Kinh tế và Địa chính trị Việt Nam. Tôi đã phân tích rõ những bế tắc của Việt Nam trong bối cảnh thế giới mới, cùng với bài toán buộc phải chuyển đổi kinh tế để vươn lên và thoát khỏi nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn. Những bài viết trong chủ đề này vẫn chưa đầy đủ và không thể bao quát hết các vấn đề chính trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, mà tôi sẽ tiếp tục trình bày và triển khai trong những bài viết tiếp theo. Tuy vậy, loạt bài này là một câu trả lời khiêm tốn cho câu hỏi: Tại sao chúng ta phải chọn lựa con đường dân chủ đa nguyên cho đất nước?
1.Cải tổ đơn vị hành chính địa phương là vô nghĩa nếu vẫn duy trì chủ nghĩa tập quyền
Bài viết bàn đến vấn đề tản quyền, nhìn nhận đất nước Việt Nam là đất nước của các cộng đồng như một chính sách lớn đã đề cập trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, để mở ra một nguồn lực mới cho đất nước. Tản quyền và tổ chức vùng là sự đoạn tuyệt với tập quyền và lối cai trị đất nước một cách toàn trị, độc đoán, nhằm mở rộng không gian phát triển của Việt Nam không chỉ về mặt địa lý (tái phối trí dân số), mà còn về không gian liên đới. Tại sao chúng ta phải chấp nhận những cuộc cải tổ hành chính một cách gượng gạo, hoàn toàn dựa trên ý chí độc đoán của chính quyền trung ương do ông Tô Lâm đề ra, trong khi những cải tổ đó chỉ nhằm giải quyết vấn đề nhân sự (như lược bỏ chính quyền cấp huyện) và phân chia lại diện tích địa lý? Chúng không mang nội hàm và tinh thần cần thiết để đất nước mở ra một kỷ nguyên mới — đó là việc trao quyền cho các vùng, các cộng đồng, để họ có quyền tự chủ trong phát triển kinh tế vùng, bảo vệ các giá trị, bản sắc riêng và lịch sử của mình trong tinh thần liên đới quốc gia và hòa giải dân tộc. Chúng tôi vẫn nói rằng dân chủ hóa là một nhu cầu cấp bách của đất nước, nhưng dân chủ hóa thôi là chưa đủ; nó cần phải cho phép một mô thức, những định hướng lớn của đất nước được áp dụng và dẫn dắt chúng ta. Một trong những nội hàm đó là việc tản quyền và từ bỏ chủ nghĩa tập quyền.
2.Quy hoạch năng lượng và quy hoạch tương lai của đất nước
Đây là một bài viết riêng tôi đã viết về vấn đề quy hoạch năng lượng của đất nước, như một ví dụ cho thấy tầm quan trọng của sự lương thiện và sự cẩn trọng trong các chính sách quốc gia. Chúng ta cần có những con người lãnh đạo thực sự lương thiện, coi những đầu tư và phát triển của đất nước hôm nay là một cố gắng, một sự phấn đấu để đảm bảo cho tương lai và vị thế của đất nước ngày mai. Chúng ta không thể để tham nhũng thao túng và bóp méo các chính sách phát triển và quy hoạch của đất nước, biến chúng thành công cụ trục lợi cá nhân. Để rồi, những phát triển dù đúng về bản chất (như chuyển hóa năng lượng xanh) lại trở thành những dự án thất bại, dẫn đến sự phá sản của các khu vực kinh tế trong nước.
Việt Nam là một quốc gia rất mong manh và chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng phải thích nghi với một thế giới mà các giá trị và cam kết tiến bộ sẽ trở thành điều kiện bắt buộc cho hợp tác và phát triển quốc tế (trong đó có Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu). Chúng ta cần chuyển hóa năng lượng xanh và đầu tư cho tương lai đất nước, nhưng những sự đầu tư và quy hoạch đó chỉ có thể thành công nếu được thực hiện với sự lương thiện và sự đoạn tuyệt với tham nhũng.
Tuy nhiên, ngày hôm nay, chế độ CSVN đã không thể sửa chữa và không có khả năng chống tham nhũng. Vậy, nếu không thay đổi và bước vào tiến trình dân chủ hóa, thì lấy thể chế nào để tiếp tục thực hiện những cam kết và hoạch định lớn của quốc gia?
3.Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có một nền tảng bảo vệ, và tái tạo môi trường Việt Nam
Sau nhiều năm sống dưới một chế độ tàn phá và hủy hoại môi trường vì họ đã chiếm lấy đất nước làm của riêng, chúng ta cần coi việc phục hồi và tái tạo môi trường sống là một phần của quá trình phục hưng đất nước, như đã được đề ra trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai — bao gồm cả việc tái tạo và phục hồi không gian sống và môi trường tự nhiên. Chúng ta đã kế thừa một đất nước mà khối lượng kinh tế và dân số chỉ tập trung tại các thành phố lớn, đang đối mặt với tình trạng nhân mãn. Dân số cũng gây ra áp lực lớn đối với môi trường, như nguồn nước và chất lượng không khí. Do vậy, chúng ta sẽ bắt đầu quá trình phục hồi môi trường bằng cách khuyến khích di dân về các vùng khác, dựa trên tinh thần tự nguyện và chính sách tản quyền.
Những thành phố lớn có thể được tái tạo và phục hồi khi được giảm tải về áp lực dân số và phương tiện. Bài viết đã nhấn mạnh ý niệm “xây dựng đất nước như một thành phố lớn” — một cảm quan về một đất nước được sắp xếp một cách khoa học, ngay ngắn và đồng đều. Sự cải thiện về môi trường sống của con người, hài hòa với tự nhiên, sẽ nâng cao mức độ hài lòng của người Việt Nam đối với đất nước mình, đồng thời cải thiện đáng kể điều kiện sống mà các con số GDP thông thường không thể đo lường được.
Chúng ta cũng cần có những chính sách lớn để phục hồi rừng — bao gồm cả rừng nguyên sinh ở các vùng núi và rừng ngập mặn — cũng như phục hồi lại dòng chảy tự nhiên của các con sông, suối. Đây là một nhu cầu quan trọng để tự nhiên trở thành chỗ dựa cho đất nước Việt Nam, giúp chúng ta không còn đơn độc trước các thảm họa thiên nhiên.
Bài viết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dân chủ hóa trong việc cứu nguy đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang dần bị bức tử và đối mặt với khủng hoảng hệ sinh thái. Trước hết, dân chủ hóa là để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ, vì giới hạn tự nhiên (ecosystem services) của Nam Phần Việt Nam đang dần không còn cho phép hoạt động nông nghiệp tràn lan. Nỗ lực dân chủ hóa ở Việt Nam cũng sẽ góp phần quyết định trong việc hình thành một khối dân chủ Đông Nam Á — một khối có chung vận mệnh và nhu cầu địa chính trị để giải quyết vấn đề sông Mekong, bao gồm quản lý nguồn nước và tháo gỡ các đập thủy điện từ Nam Trung Hoa và thượng nguồn Bắc Lào kéo dài tới Nam Phần Việt Nam. Trung Quốc chỉ có thể nhượng bộ khi bị bao vây bởi một khối dân chủ Đông Nam Á — trong bối cảnh họ đã bị bao vây bởi một khối dân chủ Đông Á.
Và nếu coi việc phục hồi, tái tạo lại môi trường là một phần của công cuộc phục hưng đất nước, thì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có một nền tảng để khởi động quá trình đó — ngay cả khi chúng tôi vẫn chỉ là lực lượng đối lập!
4.Phát triển Khoa học Kỹ Thuật cần một tinh thần, một thể chế dân chủ
Một nội dung quan trọng của quá trình dân chủ hóa là nhu cầu đổi mới về Khoa học – Kỹ thuật: bước tiến khoa học kỹ thuật sẽ là cơ hội, nhưng cũng tạo ra một sức ép khổng lồ đối với những mục tiêu và tham vọng của dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Bài viết trình bày vì sao vấn đề trao đổi và tiếp nhận khoa học kỹ thuật lại là một vấn đề địa chính trị, thông qua một ví dụ rằng những tài nguyên và bí quyết kỹ nghệ chỉ được Hoa Kỳ chia sẻ cho một nhóm thiểu số các nước đồng minh thân cận.
Cơ chế này chắc chắn có những bất công, và dường như vấn đề tiếp cận khoa học kỹ nghệ của thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trước sự triệt thoái của Hoa Kỳ và tâm lý cạnh tranh, độc quyền. Nhưng cũng không vì thế mà bi quan, bởi thế giới — bao gồm châu Âu và các nước dân chủ — sẽ nhanh chóng vươn lên để tự chủ về khoa học kỹ thuật thông qua các cuộc chạy đua về cơ sở hạ tầng. Nhiều nhân tài và các startup công nghệ sẽ quay trở lại khi chính trị Hoa Kỳ có những thay đổi. Và vấn đề trao đổi khoa học kỹ thuật sẽ trở nên rộng mở và dễ tiếp cận hơn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự dễ dãi; chắc chắn việc tiếp cận phải dựa trên sự tương đồng về thể chế và sự tôn trọng tự do cùng quyền con người.
Vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng cần đến sự cởi mở về quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, và những đảm bảo về dân chủ để con người có thể tự do sáng tạo. Sự lắng nghe và bao dung — thay vì lối hành xử độc đoán — là điều kiện cần để các phát kiến có thể được ứng dụng thực tế trong xã hội. Đó là một vấn đề của thể chế, và con đường dân chủ đa nguyên chính là bước chạy đà để chuẩn bị cho một thể chế có khả năng thúc đẩy và khích lệ những đổi mới, sáng tạo không ngừng trong xã hội.
5.Hai bài viết Myanmar là một bài học cho thái độ thủ cựu và chống lại lập trường dân chủ hóa và Con đường tổng thống chế là lựa chọn chống lại tương lai đất nước.
Nếu thời đại buộc chế độ Cộng sản Việt Nam phải “tự diễn biến” để tiếp tục tồn tại, thì đó là vì những điều kiện địa chính trị và xã hội cũ đã không còn nữa. Và sự bối rối của Đảng Cộng sản cũng sẽ sớm nhường chỗ cho một giai đoạn mà đất nước chúng ta đứng trước những lựa chọn quan trọng.
Bài viết về Myanmar là một cố gắng tôi muốn chia sẻ với độc giả để nói rằng, dù chúng ta vẫn khẳng định dân chủ hóa là một sự đảm bảo cho đất nước, thì tiến trình dân chủ hóa ấy phải diễn ra một cách thực sự triệt để và lương thiện mới có thể thành công. Myanmar đã dân chủ hóa dựa trên niềm tin của một bộ phận tướng tá quân đội rằng họ có thể chấp nhận một tổ chức dân chủ và một chính quyền dân sự như một lớp vỏ bọc để cởi mở về kinh tế, trong khi vẫn giữ vai trò quyết định về chính trị và kiểm soát phần lớn tài sản kinh tế của đất nước. Họ đã nhìn sang Thái Lan như một bài học, để thuyết phục nhau rằng một chế độ dân chủ tài phiệt là một lựa chọn hợp lý.
Thật vậy, dân chủ đã giúp Myanmar vươn lên rất nhanh, nhưng rồi đến một giai đoạn, lực lượng quân đội quyết định đảo ngược tiến trình đó — có thể vì những lợi ích kinh tế đã trở nên mờ nhạt, hoặc họ cảm thấy những gì đang diễn ra không còn giống với điều họ mong muốn. Hậu quả là họ tiến hành đảo chính, khiến tiến trình dân chủ bị đảo ngược, nội chiến nổ ra, và đất nước Myanmar sụp đổ.
Bài viết này đưa chúng ta đến với con đường Dân chủ đa nguyên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Chúng tôi coi dân chủ hóa là một cuộc thảo luận lớn của quốc gia, mà anh em chúng tôi sẽ tiến hành với tinh thần cởi mở, tinh thần anh em và hòa giải dân tộc, để thuyết phục mọi thành phần dân tộc cùng tham gia. Tính bất bạo động và sự phức tạp của các vấn đề có thể khiến cuộc thảo luận này kéo dài hàng thập kỷ, nhưng dù sao, đó sẽ là một quá trình thuyết phục hoàn toàn và dẫn đến một thắng lợi trong tương lai. Và khi mọi người đã được thuyết phục một cách toàn diện, chúng ta hoàn toàn không cần phải thỏa hiệp với bất kỳ ý đồ phe phái nào.
Chúng ta mong mọi thành phần trong đất nước đều là tác nhân của lịch sử, nhưng cũng không thỏa hiệp về các giá trị, tinh thần dân chủ hay những điều đã được đề ra trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Vì vậy, con đường dân chủ đa nguyên chắc chắn là một sự đảm bảo lớn cho tương lai đất nước Việt Nam.
Một lựa chọn khác ngoài dân chủ tài phiệt, là tổng thống chế. Bài viết về chế độ tổng thống là một cố gắng tôi trình bày những khuyết điểm của chế độ tổng thống: như đặt quyền lực tập trung vào một cá nhân, gây chia rẽ và phân cực trong xã hội, khiến đồng tiền thao túng chính trị, khuyến khích xu hướng dân túy và mị dân, lạm dụng quyền hành pháp và những xu đột với nhánh lập pháp và tòa án, hay sự suy yếu của các chính đảng chính trị. Và do đó, tổng thống chế cần phải bị loại bỏ như một lựa chọn cho tương lai của đất nước.
Bác bỏ tổng thống chế cần được đặt ra khi ngày càng có nhiều nhân sĩ, nhà hoạt động ủng hộ ông Tô Lâm hoặc Đảng Cộng sản hướng tới mô hình Cộng hòa tổng thống. Chúng tôi cũng cảnh báo họ rằng, một hình thức chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân là một quyết định nguy hiểm, vì nó tất yếu dẫn đến sự thanh trừng phe phái và loại bỏ các cá nhân chống đối, hoặc bị nghi ngờ là sẽ chống đối, để tập trung quyền lực vào tay một cá nhân, hoặc một thiểu số nhỏ hơn.
Sự thanh trừng đó sẽ tạo ra nhiều nạn nhân và gây nên những rối loạn, khiến đất nước thêm tan nát. Trong khi đó, con đường dân chủ đa nguyên là một tiến trình dân chủ hóa khuyến khích mọi thành phần dân tộc trở thành tác nhân của lịch sử, cùng nhau gây dựng lại đất nước Việt Nam trên tinh thần yêu nước và hòa giải dân tộc. Đó là con đường tuyệt đối không có nạn nhân. Nó sẽ bắt đầu bằng:
Tôn trọng quyền con người, cùng những quyền cơ bản của dân chủ – tự do ngôn luận, tự do ứng cử và bầu cử, tự do hội họp và biểu tình được tuyên ngôn trong Hiến pháp.
Chúng ta chấp nhận với nhau đất nước Việt Nam cần hòa giải và chúng ta mở ra tiến trình đó. Hòa giải ở đây là hòa giải giữa các thành phần dân tộc của đất nước, và hòa giải người Việt Nam với đất nước Việt Nam. Những đảng viên cộng sản Việt Nam cũng là một thành phần trong tiến trình hòa giải đó.
Chúng ta sẽ có những chính đảng lành mạnh, những sinh hoạt chính trị lành mạnh cấm các chính đảng nhận tiền từ tài phiệt. Các chính đảng phải tự tài trợ trước hết bằng đóng góp của đảng viên, và cảm tình viên, những đảng có tầm vóc sẽ được tài trợ thông qua gói 1% GDP một cách minh bạch.
Chúng ta mở ra một nền dân chủ đa nguyên chấp nhận mọi thành phần dân tộc, và tổ chức tản quyền bằng cách thành lập chính quyền vùng. Chúng ta tuyên bố từ bỏ tập quyền.
Một thể chế dân chủ đại nghị được tổ chức hợp lý thông qua hai hình thức đơn danh và bầu cử tỷ lệ
Những chính sách hợp lý khuyến khích tự do, sáng tạo, cùng những đầu tư hợp lý cho đất nước.
6.Thương chiến: Những kẻ đơn phương sẽ đánh mất thế giới
Nhưng khi những ý đồ về dân chủ tài phiệt và Cộng hòa tổng thống đang diễn ra, thì đất nước cũng đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn: cuộc khủng hoảng về kinh tế và đường hướng xã hội do sự cầm quyền của một chính đảng độc tài và toàn trị. Thương chiến đã đẩy cuộc khủng hoảng đó lên tình trạng cấp tính. Thương chiến sẽ tàn phá một nền kinh tế vốn đã bị thuộc địa hóa, nghĩa là trở thành trạm trung chuyển cho hàng gia công từ Trung Quốc và nhượng địa của các doanh nghiệp FDI — những doanh nghiệp hoàn toàn sử dụng tài nguyên và con người của đất nước chúng ta nhưng lại mang phần lớn tài sản ra khỏi quốc gia.
Chúng ta cần nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này bằng cách đưa các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng, xây dựng một nền kinh tế lấy tư doanh làm nền tảng, lấy đổi mới sáng tạo làm tinh thần; cùng với một thị trường tiêu dùng mạnh để tăng cường sức chống chịu cho đất nước và nền kinh tế, từ đó tiếp tục vươn lên trong những điều kiện ngặt nghèo nhất.
Bối cảnh thế giới đang thay đổi với sự triệt thoái của Hoa Kỳ ngay cả trong lĩnh vực thương mại; các nền kinh tế lớn sẽ buộc phải tăng cường hợp tác song phương để tạo nên một tổng khối lượng chuỗi cung ứng toàn cầu, trước khi có thể thành lập một hoặc các chuỗi cung ứng đa phương giản lược và ổn định. Ở giai đoạn sau, chúng ta lại càng cần một thể chế dân chủ — một thể chế nhìn nhận quyền con người và các quyền tự do dân chủ — để có thể tiếp tục hội nhập. Và những kẻ đơn phương chối bỏ dân chủ và nhân quyền sẽ mất cả thế giới, dù có cố kéo lại Hoa Kỳ đang triệt thoái hay lệ thuộc vào “bức tường giấy” Trung Quốc.
7.Con đường dân chủ đa nguyên là giải pháp cho một tình trạng khẩn cấp quốc gia
Và khi nhìn thấy trước một cuộc khủng hoảng đang ăn sâu vào xã hội và làm tê liệt đất nước — cuộc khủng hoảng về kinh tế do những chính sách sai lầm, những khoản chi khổng lồ cho đầu tư công, các gói kích cầu, cùng những thiệt hại từ tình trạng bê bối do tham nhũng và tài phiệt để lại (như đại án Vạn Thịnh Phát) — chúng ta không thể không lo ngại. Tình trạng khủng hoảng kinh tế trở nên cấp bách hơn dưới tác động của cuộc thương chiến, và vào thời điểm này, chắc chắn chúng ta không thể tránh khỏi những khó khăn.
Bài viết cũng trình bày về ba thế hệ tham gia kinh tế hoặc lao động sau năm 1986: một thế hệ cố gắng thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực; một thế hệ mong mỏi được sung túc; và một thế hệ cần những quyền tự do để đổi mới sáng tạo trong một bối cảnh kinh tế công nghệ cao. Cuộc khủng hoảng kinh tế có thể khiến đất nước rơi vào tình trạng khốn khó, dù không bi đát như những năm 1980. Giấc mơ sung túc của thế hệ thứ hai sụp đổ vì giá nhà đất và lạm phát; trong khi thế hệ thứ ba không còn động lực để đổi mới sáng tạo vì đã bị tước bỏ các quyền tự do, và có thể sẽ sớm bỏ cuộc.
Tuy nhiên, dân chủ hóa đất nước vào thời điểm này sẽ là một cứu cánh, vì nó sẽ khiến suy thoái kinh tế chỉ là một cơn đau nhức tạm thời trong một hai năm, để rồi đất nước có thể tiếp tục trên quỹ đạo tăng trưởng. Một giấc mơ Việt Nam chung sẽ được chấp nhận, giúp các thế hệ lấy lại niềm tin vào đất nước. Chúng ta có thể trượt dài trong đà suy thoái, để rồi tụt hậu vĩnh viễn và trở thành một quốc gia không thành.
Đây là thời điểm để chúng ta lựa chọn: thủ cựu, đi theo một con đường dân chủ hóa mơ hồ hoặc thiếu lương thiện; hay đi theo con đường dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã trình bày.
8.Người Việt Nam không cần lựa chọn một giấc mơ khiêm tốn và một cuộc đời trung bình
Như một lời kết cho loạt bài Tại sao là con đường Dân Chủ Đa Nguyên? Tôi muốn nhấn mạnh:
Lựa chọn thủ cựu và kiên quyết chống lại dân chủ hóa sẽ chỉ làm cho đất nước chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội. Thế hệ lao động trẻ sẽ bỏ cuộc với đất nước, và người dân Việt Nam sẽ mất niềm tin và đường hướng. Chúng ta sẽ trượt dài và có nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn, và trở thành một failed state (một đất nước không thành).
Lựa chọn thứ hai là đi về một chế độ dân chủ tạm bợ. Những cố gắng đi về tổng thống chế hay chế độ dân chủ tài phiệt từ chế độ độc tài trị cũng đều sẽ gây cho đất nước những đổ vỡ. Ngay cả khi các chế độ nửa vời đó có RẤT MAY MẮN tìm cách thích nghi và tồn tại, người Việt Nam cũng chỉ có quyền mơ một giấc mơ trung bình, sống một cuộc đời khiêm tốn nếu không muốn nói là nhỏ bé.
Nhưng chúng ta cũng có một lựa chọn khác đáng phấn đấu và khao khát hơn nhiều là con đường dân chủ đa nguyên. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức của những con người dám mơ một giấc mơ lớn và dám có những dự án chính trị tham vọng cho đất nước Việt Nam, vì anh em chúng tôi đã lựa chọn tin vào đất nước Việt Nam và người Việt Nam – các thế hệ hôm nay và những thế hệ nối tiếp mai sau, tin vào thiện chí và lòng yêu nước của mọi thành phần trong dân tộc. Nếu con đường dân chủ đa nguyên là lựa chọn của đa số trong dân tộc Việt Nam, chúng ta sẽ cố gắng trong một vài thập kỷ để đạt được một vị trí xứng đáng, một tiếng nói đáng kể hơn trên thế giới, và một quốc gia thực sự hạnh phúc – thông qua một mô thức và những định hướng đúng đắn cho đất nước Việt Nam. Chúng ta không có lý do gì để thủ cựu, cũng không có lý do gì để chọn một con đường nửa vời chỉ để được phép mơ một giấc mơ trung bình. Chúng ta có quyền mơ một giấc mơ lớn cùng đất nước Việt Nam.
Vào 10 năm trước, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đã ra đời và nhiều anh em trẻ thuộc các thế hệ đã tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nhưng chúng tôi hiểu với nhau rằng chúng tôi chưa bao giờ đấu tranh cho một con đường dân chủ hóa nào khác nếu đó không phải là con đường dân chủ đa nguyên được dẫn dắt bởi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Chúng tôi hiểu rằng nếu con đường dân chủ đa nguyên không được nhìn nhận và không giành chiến thắng trong thập kỷ này, bối cảnh thế giới sẽ rất khác, và chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội dân chủ hóa và phục hưng đất nước. Các cơ hội tiếp theo cũng chỉ là những cơ hội thiếu tham vọng và trung bình mà thôi; sự dồn dập của cách mạng kỹ nghệ sẽ khiến anh em chúng tôi phải chỉnh sửa lại những mục tiêu lớn trong dự án đấu tranh của mình một cách khiêm tốn và thiếu chắc chắn hơn. Lúc đó, có lẽ ưu tiên hàng đầu chỉ có thể là lo cho đất nước không trượt dài vào đà tiêu vong, chứ chúng ta không còn một thực tế, một nền tảng đất nước để hy vọng khi những điều kiện tốt nhất đã qua đi (như dân số già hóa, niềm tin và đồng thuận, sự bất bình đẳng và phân tầng không còn có thể sửa chữa những xung đột và thù hận chưa được hòa giải).
Do đó, anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ quyết liệt đi trên con đường dân chủ đa nguyên và sẽ đặt dân chủ vào thế tiến công ngay cả trong những điều kiện ngặt nghèo và đàn áp nhất, để đất nước đi vào một quỹ đạo, một con đường đúng đắn. Nhưng sự quyết liệt và thế tiến công sẽ không tạo ra kẻ thù – chúng tôi không bao giờ là “thế lực thù địch” nếu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên kêu gọi thứ tha và hòa giải dân tộc, muốn đất nước không có thêm bất kỳ nạn nhân nào nữa. Điều mà những người anh em, đồng bào trong lực lượng an ninh có thể làm ngay bây giờ để trở thành tác nhân, thay vì nạn nhân của lịch sử, là thuyết phục nhau để đưa ra quyết định chấm dứt sự đàn áp đối với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Hãy để cuộc thảo luận quốc gia về dân chủ hóa, cũng là cuộc thảo luận về tương lai đất nước, tiếp tục diễn ra trên tinh thần cởi mở nhất, không có bạo lực, đàn áp, và được dẫn dắt bởi tinh thần đồng bào và tương kính nhất.
Người Việt Nam sẽ hòa giải để đất nước đi lên. Cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới sẽ chỉ là một đà chậm lại trong một hoặc hai năm, để rồi đất nước tiếp tục cất cánh, vì Con đường dân chủ đa nguyên sẽ khơi dậy nội lực của đất nước Việt Nam, niềm tin của người Việt với đất nước Việt Nam (dù là người sống trong đất nước hay cộng đồng người Việt hải ngoại), và những nguồn lực mới do chính người Việt gửi gắm cho đất nước. Chúng ta hoàn toàn có quyền mơ một giấc mơ lớn, thực hiện một dự án chính trị tham vọng; chúng ta không cần phải mơ một giấc mơ khiêm tốn, sống một cuộc đời dưới mức trung bình nếu chúng ta lựa chọn tin vào những con người lương thiện và lòng yêu nước vẫn đang tồn tại trong mỗi người Việt Nam.
Chu Tuấn Anh
(14/04/2025)