Vậy là kế hoạch 24 giờ của Donald Trump đã phá sản trong im lặng. Bây giờ lại đến kế hoạch 100 ngày, khiến tôi liên tưởng đến “Liệu pháp shock 100 ngày” của Yegor Gaidar ở nước Nga hậu Liên Xô thời 1990. Một cách tổng quát, tất cả các loại “kế hoạch N ngày / N tháng / N năm” đều sẽ phá sản, bởi ngay tên gọi ấn định một thời lượng của nó đã cáo giác sự chủ quan áp đặt, duy ý chí của tác giả bản kế hoạch.
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/01/trump-ukraine-1.jpg)
Trump đã mài đi mài lại cả tỷ lần rằng nếu ông được tái cử hồi 2020 thì cuộc chiến tranh hiện diễn ở Ukraine đã không khởi sự. Đây tuyệt đối là một sự huênh hoang vô bằng cứ, bởi lẽ nó mãi mãi chỉ là một giả định, và bởi lẽ bản “kế hoạch 24 giờ” mà ông và team đồng sự đã lặng lẽ ném vào sọt rác là một phản chứng rất đáng bẽ bàng.
Quân sư của cả hai bản kế hoạch mang nhãn thời lượng “24 giờ” và “100 ngày” đều là một người — lão tướng hưu trí đã ngoại bát tuần Keith Kellog, một người tương đồng với Trump ở chứng tự mãn và hoang tưởng.
Bây giờ, bằng lý trí và lô-gích, chúng ta hãy xem xét tính khả thi của bản kế hoạch đình chiến mới. Trong nhiều tháng qua, khi phản ứng với bản kế hoạch oral đượm mùi tranh cử của Trump — “sẽ kết thúc chiến cuộc ở Ukraine trong vòng 24 giờ” —, Putin và các key man của ông ta trong điện Kremli đều không úp mở các điều kiện tiên quyết: Ukraine phải công nhận chủ quyền của Nga ở các vùng mà quân đội xâm lược của nước này đang tạm chiếm (bằng khoảng 20% diện tích lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine), phải giải giáp lực lượng vũ trang xuống 10 lần, phải vĩnh viễn từ bỏ ý chí gia nhập NATO… Đáp lại những “điều kiện” trịch thượng và sỉ nhục đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos chỉ cách đây vài chục giờ: “Cuộc chiến tranh chống xâm lược Nga của nhân dân Ukraine không thể được kết thúc một cách khiên cưỡng, bất công cho nạn nhân của sự xâm lược. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hoà bình, bởi đó là luật pháp, đạo đức và phẩm giá…” Lập trường của hai quốc gia cừu địch khác biệt tuyệt đối như vậy, đơn giản là không thể có đàm phán. Tôi không có nổi một tia hy vọng nào rằng các tài năng thuyết khách được Trump lựa chọn có thể khiến cả hai bên thay đổi lập trường.
Trên chiến trường, ở thời điểm này cả người chống xâm lược lẫn kẻ xâm lược đều đứng trước những khó khăn to lớn — Ukraine thì thiếu tiền bạc và vũ khí trầm trọng, còn Nga thì đang tiến đến bờ vực của sự kiệt quệ. Sự phá sản của Putin trong kế hoạch tốc chiến tốc thắng khi khai hoả cuộc chiến để phải theo đuổi chiến tranh sắp tròn 3 năm, sự mất đất đầy ô nhục ở vùng Kursk đã sắp đầy 6 tháng là những bằng chứng thất bại bất khả biện bác của Putin và đám thủ hạ. Cả hai nền kinh tế đều bị chiến tranh tàn phá. Cả hai dân tộc đều đã tổn thất đến con số triệu sinh mạng.
Nhưng cá nhân tôi thấy Ukraine đang có nhiều thuận lợi hơn Nga. Chống lưng cho Ukraine là chính nghĩa và lẽ phải chống xâm lược, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc, là dư luận quốc tế có lương tri, còn chống lưng cho Nga chỉ là tham vọng đế quốc của một dân tộc đã bị tẩy não và những nhà chính trị vị kỷ, đầy dã tâm. Ngoài ra, trong điều kiện Donald Trump tái chấp chính ở Hoa Kỳ, chính giới châu Âu cũng đã bừng tỉnh trước mối hiểm hoạ từ nước Nga, quốc gia quốc xã mới của thế kỷ 21.
Dĩ nhiên, nếu có được sự hậu thuẫn tích cực và hiệu quả của Mỹ, cuộc kháng chiến của Ukraine sẽ thuận lợi hơn nhiều và sẽ tất thắng. Nhận thức được điều này, Tổng thống Zelensky đã có những động thái ngoại giao rốt ráo ngay từ khi Donald Trump mới chỉ là một ứng cử viên đang vận động tranh cử. Theo nhiều nguồn tin, ông đã đề xuất với Donald Trump những lợi ích to lớn ở Ukraine một khi Ukraine chiến thắng — đối với Donald Trump, “công bằng” chính là lợi ích thiết thực của Mỹ. Rất có thể, cùng với kế hoạch mới “100 ngày” thay cho kế hoạch “24 giờ”, nhận thức của Trump và các cộng sự của ông đã có những chuyển biến thể hiện ở tông giọng của ông về chủ đề chiến tranh Ukraine đã ít nhiều rẽ lái.
Trump có nhu cầu to lớn phải kết thúc chiến cuộc ở Ukraine, bởi đó là một phần trọng đại về chính sách đối ngoại trong agenda tranh cử của ông. Nhưng ông có hoàn thành đại sự này hay không là điều khó khẳng định trước bởi lẽ, như đã chỉ ra ở trên, cuộc chiến tranh này không thể bị cưỡng bức chấm dứt một cách bất công và vô đạo đức.
Ngày 23 tháng 1 năm 2025
Trần Quốc Khánh
Nguồn : FB Quoc Khanh Tran