Quốc hội họp bất thường lần 9: Bàn về vấn đề gì? (BBC)

Kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa 15 từ ngày 12-19/2 sẽ quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự và nhiều nội dung then chốt khác, truyền thông trong nước đưa tin.

Tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua bốn luật, năm nghị quyết quan trọng nhằm sắp xếp, hoàn thiện thể chế và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị, đồng thời quyết định bốn nội dung khác thuộc thẩm quyền, theo dự kiến chương trình của kỳ họp đăng trên trang Quochoi.vn.

Trọng tâm của kỳ họp lần này là phục vụ việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương.

Trong số các tờ trình được trình Quốc hội xem xét, có 6 tờ trình liên quan đến việc sắp xếp và tổ chức bộ máy, bao gồm: dự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); tờ trình nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; tờ trình nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ; dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Trước đó, vào hôm 10/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 1/2025.

Nghị quyết yêu cầu các bộ phận gấp rút hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới trước ngày 15/2 và đảm bảo đi vào hoạt động từ ngày 1/3.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Ngày đầu tiên của kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa 15 sẽ có một số nội dung nổi bật tập trung vào tổ chức Quốc hội, tổ chức Chính phủ và tổ chức chính quyền địa phương.

Trung ương Đảng vào hôm 24/1 đã thống nhất bộ máy Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, 5 cơ quan thuộc Chính phủ.

Chính phủ Việt Nam trước khi tinh gọn bao gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Ngoài ra, còn có 8 cơ quan khác trực thuộc Chính phủ, chẳng hạn như Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam…

Dự kiến, 10 bộ sau đây sẽ hợp nhất thành 5 bộ mới:

  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng) và Bộ Tài chính (Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng) thành Bộ Tài chính.
  • Bộ Xây dựng (Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị) và Bộ Giao thông Vận tải (Bộ trưởng Trần Hồng Minh) thành Bộ Xây dựng.
  • Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ trưởng Lê Minh Hoan) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ trưởng Đỗ Đức Duy) thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
  • Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng) và Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt) thành Bộ Khoa học và Công nghệ.
  • Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ trưởng Đào Ngọc Dung) và Bộ Nội vụ (Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà) thành Bộ Nội vụ.

Như vậy, một khi sáp nhập, số bộ trưởng từ các bộ này dự kiến giảm từ 10 còn 5 người. Hiện vẫn chưa rõ ai ở, ai đi nhưng thẩm quyền phê chuẩn bổ nhiệm và bãi nhiệm chức vụ bộ trưởng là thuộc về Quốc hội.

Trong khi giảm số bộ bằng cách sáp nhập, Trung ương quyết định thành lập mới Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.

Ủy ban Dân tộc là một cơ quan ngang bộ còn Ban Tôn giáo Chính phủ là một cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ. Quốc hội rất có thể sẽ phê chuẩn bổ nhiệm một bộ trưởng mới khi mà Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (Hầu A Lềnh) mới đây đã được điều về Hà Giang giữ chức bí thư Tỉnh ủy.

Một nhân vật khác, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Xây dựng, cũng đã rời Hà Nội về TP HCM giữ chức phó bí thư thường trực Thành ủy trong một quyết định được Đảng công bố sáng 25/1. BBC đã phân tích sự kiện này trong một bài viết đăng tải cùng ngày.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung từng bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách vào tháng 4/2024. Ông Dung bị cáo buộc liên quan tới “gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện”.

Trong khi đó, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong nhiệm kỳ này chiếc ghế bộ trưởng đã có 3 người ngồi, gồm ông Trần Hồng Hà (người hiện là phó thủ tướng), ông Đặng Quốc Khánh (đã bị bãi nhiệm) và hiện tại là ông Đỗ Đức Duy.

Như vậy, với việc giảm 5 bộ và thành lập một bộ mới, sau tinh gọn, khối Chính phủ còn lại 17 bộ và cơ quan ngang bộ.

Không chỉ nội các Chính phủ, khối Quốc hội dự kiến cũng được sắp xếp lại. Theo đó, một số ủy ban được sáp nhập hoặc đổi tên, cụ thể như sau:

  • Ủy ban Đối ngoại giải thể, nhiệm vụ chuyển về Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội và Bộ Ngoại giao.
  • Ủy ban Quốc phòng và An ninh đổi tên thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.
  • Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp hợp nhất thành Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.
  • Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách hợp nhất thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính.
  • Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa – Giáo dục hợp nhất thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội.
  • Ban Dân nguyện được nâng cấp thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội.
  • Ban Công tác đại biểu trở thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.

Sau khi sắp xếp lại, khối Quốc hội giảm hai ủy ban so với trước đây.

Cuộc tinh gọn do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng đang được tiến hành rầm rộ và được truyền bá mạnh mẽ, ồ ạt khắp các phương tiện truyền thông trong nước những tháng vừa qua.

Ước tính khoảng 100.000 cán bộ công nhân viên chức nhà nước chịu ảnh hưởng từ việc này.

Người nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178 sẽ nhận lương hưu và khoản hỗ trợ từ ngân sách. Nhà nước dự kiến chi 130.000 tỷ đồng cho đợt tinh giản biên chế.

Cũng trong hôm 12/2, Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Đây sẽ là một mục tiêu đầy thách thức khi trước đó Quốc hội đã giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho Chính phủ năm nay là 6,5-7%.

Mục tiêu này đã được điều chỉnh sau khi ông Tô Lâm phát động phong trào “vươn mình vào kỷ nguyên mới” với tham vọng đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm vào hôm 4/2 tại trụ sở Trung ương Đảng đã yêu cầu các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện các chủ trương, giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025, tạo đà cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng hai con số.

Trong những ngày họp còn lại (Quốc hội nghỉ họp vào ngày Chủ nhật 16/2), Quốc hội sẽ thảo luận một số nội dung quan trọng khác như dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận;…

Nguồn : BBC Tiếng Việt, 11/02/2025

Đường dẫn bài gốc

About the author