Kỳ họp bất thường lần 9 Quốc hội khóa 15: Những điểm đáng chú ý (BBC Tiếng Việt)

Sau một tuần diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa 15, sự kiện đã bế mạc vào ngày 19/2 với nhiều điểm đáng chú ý, trong đó có sự thông qua các luật về tổ chức bộ máy, nghị quyết về phát triển khoa học – công nghệ, chủ trương phát triển điện hạt nhân, và tăng trưởng kinh tế 8%.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp

Cùng BBC News Tiếng Việt nhìn lại những điểm đáng chú ý trong kỳ họp lần này.

GDP năm 2025 tăng 8%

Tại phiên bế mạc ngày 19/2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề xuất Việt Nam phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới. Mục tiêu này tạo áp lực cho ngành năng lượng, khiến nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng từ 12-16%/năm.

Là một trung tâm sản xuất trong khu vực, Việt Nam đang nỗ lực tăng cường nguồn cung cấp điện để hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, với trọng tâm có nguồn năng lượng sạch hơn.

Cũng trong sáng 19/2, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, với 459/460 đại biểu tán thành.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang được tái khởi động sau tám năm tạm dừng, với hai nhà máy số 1 và 2 đặt tại xã Phước Hải và Vĩnh Hải. Dự kiến nhà máy đầu tiên vận hành năm 2030, chậm nhất cuối năm 2031.

Bên cạnh đó, trong cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đây là nghị quyết nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các ngành kinh tế.

Một bài phân tích của Reuters đăng tải hôm 18/2 cho rằng các quy định mới này có thể giúp công ty Starlink của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk cung cấp dịch vụ internet vệ tinh tại Việt Nam.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa 15
Chụp lại hình ảnh,Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa 15

Tinh gọn bộ máy Chính phủ

Trọng tâm của kỳ họp Quốc hội lần này là về tinh gọn bộ máy.

Chiều 18/2, Quốc hội thông qua các đề xuất của Chính phủ trong việc cơ cấu, tổ chức bộ máy, nhân sự, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 1/3.

Theo đó, cơ cấu chính phủ Việt Nam sau khi Quốc hội kiện toàn có chính thức có 25 thành viên, gồm một thủ tướng, bảy phó thủ tướng, 14 bộ trưởng và ba cơ quan ngang bộ.

Như vậy, sau tinh gọn, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ giảm hai người, nhưng lãnh đạo Chính phủ lại có thêm hai phó thủ tướng.

Hai phó thủ tướng mới là ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng. Trước khi kiện toàn, ông Chính giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương. Còn ông Dũng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được sáp nhập vào Bộ Tài chính.

Có 5 bộ mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ 10 bộ, cụ thể như sau:

  • Bộ Tài chính: được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ trưởng là ông Nguyễn Văn Thắng – người trước đó giữ chức Bộ trưởng Tài chính trước tinh gọn.
  • Bộ Xây dựng: được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải. Bộ trưởng là ông Trần Hồng Minh – người trước đó giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
  • Bộ Nông nghiệp – Môi trường: được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ trưởng đầu tiên của bộ này là ông Đỗ Đức Duy – Bộ trưởng TN&MT.
  • Bộ Khoa học và Công nghệ: được thành lập trên cơ sở hợp nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng là Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng – bộ trưởng Bộ TT&TT.
  • Bộ Nội vụ: được thành lập trên cơ sở hợp nhất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Bà Phạm Thị Thanh Trà – bộ trưởng Bộ Nội vụ trước thời điểm tinh gọn – vẫn giữ vai trò lãnh đạo bộ này.
  • Bộ Dân tộc – Tôn giáo: một bộ mới được thành lập trên cơ sở Ủy ban Dân tộc hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung được bầu giữ chức bộ trưởng bộ mới này.

Trước khi bộ máy kiện toàn, có ba bộ trưởng đã được điều động nhận công tác khác.

Đầu tiên là Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư tỉnh ủy Hà Giang.

Tiếp đến, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được điều động giữ chức Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM.

Một ngày trước cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt được điều về làm Phó trưởng Ban Tuyên Giáo và Dân vận trung ương.

Cũng trong ngày 18/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan được Quốc hội bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội.

Như vậy, trong 10 bộ trưởng của bộ máy cũ, có 6 bộ trưởng mới, một người lên làm Phó thủ tướng, một người là Phó chủ tịch Quốc hội, một người về địa phương và người còn lại qua một ban Đảng.

Ngoài các bộ mới, cơ cấu tổ chức Chính phủ vẫn duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ hiện có.

Trước đó, cũng liên quan tới nhân sự Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vào hôm 14/2 đã ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng thêm số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Cụ thể, Quốc hội đồng ý bổ sung một thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bốn thứ trưởng Bộ Tài chính, bốn thứ trưởng Bộ Xây dựng, hai thứ trưởng Bộ Nội vụ và một phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang có bốn thứ trưởng, tương tự như Bộ Tài chính.

Bộ Giao thông – Vận tải hiện có 4 thứ trưởng, sáp nhập vào Bộ Xây dựng đang có 5 thứ trưởng.

Bộ Tài chính và Bộ xây dựng sau sáp nhập đều sẽ có tối đa 9 thứ trưởng mỗi bộ.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ tiếp nhận Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để thành Bộ Nội vụ.

Trong khi Bộ Nội vụ hiện tại có 3 thứ trưởng thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có 5 thứ trưởng. Số lượng tối đa sau sáp nhập của bộ này là 7. Như vậy, sẽ có một thứ trưởng chuyển công tác khác.

Chính phủ tinh gọn

Luật Tổ chức Quốc hội

Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội hôm 17/2 với 100% phiếu bầu tán thành (461/461).

Theo đó, Quốc hội sẽ bổ sung quy định liên quan việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội vào Luật Tổ chức Quốc hội.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can.

Đáng chú ý, đại biểu Quốc hội khi đang trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên cũng thuộc diện này.

Cũng theo luật mới, các đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức, viên chức khi bị cơ quan như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ra nghị quyết tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu đó.

Các đại biểu này chỉ được khôi phục lại trách nhiệm và quyền hạn của mình khi được kết luận không vi phạm, không bị kỷ luật, hay cơ quan điều tra đình chỉ điều tra, vụ án, hoặc tòa án tuyên vô tội hay được miễn trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp bị xử lý kỷ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khôi phục quyền của đại biểu đó, hoặc có thể đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.

Với những Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong năm 2024, nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam đã bị tạm đình chỉ nhiệm vụ, thôi nhiệm hoặc bãi nhiệm, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến các vụ án hình sự. Một số trường hợp đáng chú ý bao gồm ông Lê Thanh Vân (bị kết án bảy năm tù), ông Dương Văn Thái (liên quan đến vụ án công ty Thuận An), và bà Hoàng Thị Thúy Lan (về tội nhận hối lộ).

Trước đó, quy trình tạm đình chỉ thường bắt đầu khi cơ quan điều tra đề nghị khởi tố, bắt giam đại biểu, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ra nghị quyết đồng ý và tạm đình chỉ nhiệm vụ.

Ông Lê Thanh Vân
Cựu Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Nguồn : BBC Tiếng Việt

Đường dẫn bài gốc

About the author