Hôm 19/02/2025, bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng phản đối các hoạt động xây dựng của Việt Nam tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Từ năm 2022, Việt Nam được cho là đã mở rộng, bồi đắp đảo nhân tạo, tăng 10 lần diện tích một rạn san hô ở quần đảo Trường Sa.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Quách Gia Khôn (Guo Jiakun), trong một cuộc họp báo, được Reuters trích dẫn, khẳng định rằng Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, và nhắc lại rằng “Bắc Kinh luôn phản đối bất cứ hành động chiếm đóng bất hợp pháp nào tại các đảo và bãi cạn trong khu vực này”. Không chỉ Trung Quốc, Việt Nam, mà một số nước khác trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa (Spratly Islands).
Tuyên bố của Bắc Kinh được đưa ra sau khi một nghiên cứu của bộ Tài Nguyên Trung Quốc và Đại học Hải Dương Quảng Đông, công bố hôm 13/02, đăng tải các hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã tăng cường cải tạo Bãi Thuyền Chài, “nạo vét một con kênh rộng 299 mét, với độ sâu khoảng 11 mét, đủ không gian để cho các tàu chiến lớn đi vào”, theo trích dẫn từ báo mạng South China Morning Post.
Nghiên cứu chỉ ra rằng “bến cảng đã được hình thành vào năm 2024”, “các dự án cải tạo đất của Việt Nam, cùng việc xây dựng kênh, bến cảng, đã định hình lại toàn bộ bãi cạn mà Trung Quốc gọi là Bạch Giáo” (Bai Jiao). Theo hình ảnh từ vệ tinh, “các tàu nạo vét của Việt Nam đổ một lượng cát khổng lồ mỗi ngày” để bồi đắp rạn san hô này.
Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) do Việt Nam kiểm soát từ những năm 1980. Theo báo cáo từ tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (CSIS), đây là bãi cạn có địa hình lớn nhất tại Trường Sa hiện, là “tiền đồn duy nhất của Việt Nam cho đến nay”, có khả năng là “một đường băng dài 3.000 mét” đã được xây dưng, (giống như những đường băng mà Trung Quốc xây dựng ở Đá Chữ Thập hay Đá Vành Khăn), “cho phép các máy bay vận tải, giám sát hoặc máy bay ném bom quân sự lớn hơn cất cánh và hạ cánh”.
Báo cáo của CSIS còn đưa ra khả năng Hà Nội không chỉ xây dựng một đường băng duy nhất tại khu vực này, mà có thể còn xây dựng một đường băng khác ở phía tây của bãi cạn Phan Vinh (Pearson Reef). Theo hình ảnh vệ tinh, phía tây của bãi cạn này trước kia chỉ có một cấu trúc bằng bê tông hình chữ Y nhỏ, thì những tháng vừa qua, đã được bồi đắp mở rộng nhanh chóng, đạt chiều dài lên đến hơn 2.400 mét.
Chi Phương
Nguồn : RFI Tiếng Việt, 19/02/2025