
Tháng Tư 2025, tháng “duyên nợ” của người Việt cho dù quan điểm chính trị có vàng hay đỏ khi bước vào thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam.
Với nhiều người Việt hải ngoại, đây là cột mốc của “Tháng Tư Đen”, “Tháng Quốc hận” khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam tự do phải cáo chung vào ngày 30 Tháng Tư 1975, mở màn cho làn sóng di tản của hàng triệu người Việt đi khắp thế giới, kéo dài suốt trong 5 thập kỷ qua.
Dĩ nhiên, chế độ Cộng Sản trong nước cũng tất bật chuẩn bị cho hàng loạt sự kiện để kỷ niệm “chiến thắng” của họ, với những buổi bắn pháo bông, diễu hành, duyệt binh từ quân đội nhiều nước trên đường phố đô thành Sài Gòn trước đây, mà nay họ gọi là thành phố Hồ Chí Minh…
Nhân dịp này, ông Tô Lâm, người đứng đầu Cộng Sản Việt Nam cho đăng tải bài viết với tựa đề: “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, mà theo đó, có đài từ hải ngoại đã có bài viết phân tích cho rằng “Tổng Bí thư Tô Lâm phá bỏ thành trì cuối cùng của chủ nghĩa Cộng Sản”.
Thực hư về điều này như thế nào? Và rằng phải chăng, ông Tô Lâm đã “báo tử” cho chủ nghĩa Cộng Sản để lịch sử đất nước có thể lật sang một trang mới?
Thực tế, trong bài viết của mình, lần đầu tiên, một Tổng Bí thư Cộng Sản đã “dám” đưa ra quan điểm nâng tầm vị thế của khối kinh tế tư nhân, đi ngược hoàn toàn với quan điểm kinh tế chính trị của chủ nghĩa Cộng Sản.
Một mặt, ông Tô Lâm thẳng thừng phê phán khối “doanh nghiệp nhà nước (quốc doanh) nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để lãng phí”.
Mặt khác, ông lại đánh giá rất cao công trạng của khối kinh tế tư nhân trong nền kinh tế trong suốt thời gian vừa qua. Ông cho rằng, dù bị hạn chế “trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính”, kể cả “hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro. Nhiều trường hợp quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản vẫn bị xâm hại bởi sự yếu kém hoặc lạm quyền của một số cán bộ công chức trong thực thi công vụ”. Nhưng khối kinh tế tư nhân vẫn “trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia”.
Theo đó, ông Tô Lâm còn mong muốn khối kinh tế tư nhân phải là “lực lượng tiên phong”, “lực lượng chủ lực” của nền kinh tế.
Quả thật, với tư cách người đứng đầu đảng Cộng Sản, thừa nhận sự thất bại của kinh tế nhà nước (quốc doanh) và ghi nhận công trạng cùng sự mong mỏi nâng tầm vai trò, vị thế của khối kinh tế tư nhân của nền kinh tế quốc dân trong tương lai, chẳng khác nào ông Tô Lâm đã chính thức phá bỏ thành trì lý luận về kinh tế chính trị của chủ nghĩa Cộng Sản.
Thế nhưng, sự phá bỏ của ông Tô Lâm chỉ mới trong phạm vi kinh tế chính trị mà thôi. Hơn nữa, đây cũng chỉ mới là quan điểm cá nhân nêu trong một bài viết. Chúng chưa từng được thể chế hóa thành chính sách để có thể thực thi, thật sự tạo biến chuyển đáng kể trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thành trì chủ nghĩa Cộng Sản vẫn còn trụ cột mang tính chất cốt lõi và nền tảng khác, đó là sự chuyên chính vô sản. Tức là sự độc tài quyền lực chính trị của giới vô sản. Chuyên chính vô sản được Cộng Sản Việt Nam thực thi nghiêm ngặt ngay từ sau khi “cướp chính quyền” vào năm 1945.
Khi ấy, do thế lực còn mỏng, Cộng Sản đã phải tạm thời chấp nhận thành lập chính phủ liên hiệp gồm nhiều đảng phái chính trị. Nhưng đến khoảng giữa năm 1946, khi đã củng cố được quyền lực, Cộng Sản Việt Nam đã trở mặt, dùng thủ đoạn để gạt bỏ tất cả mọi đảng phái quốc gia khác để thực thi độc tài quyền lực chính trị và duy trì sự độc tài ấy cho đến tận ngày nay.
Hiện nay, giới vô sản vẫn hiện diện trong lòng xã hội Việt Nam. Thế nhưng, khó mà hình dung ai đó trong giới vô sản lại là đảng viên Cộng Sản. Nếu không muốn nói đến một thực tế, rằng chỉ có đảng viên Cộng Sản mới là giới hữu sản duy nhất trong xã hội Việt Nam và là công dân hạng nhất “ăn trên, ngồi trốc” trong xã hội ấy.
Thế nên, sự chuyên chính vô sản trong giai đoạn hiện nay đã có sự biến tướng cơ bản, rằng sự độc tài quyền lực chính trị vẫn còn nguyên, nhưng giới vô sản của ngày trước, thì nay đã trở thành giới đảng viên hữu sản nắm giữ độc tài quyền lực chính trị để duy trì ưu quyền và lợi ích.
Độc tài quyền lực chính trị, cũng chính là tư duy sai lầm mang tính chất quyết định, đưa đến nhiều hệ quả tai hại cho đất nước trong suốt nhiều thập kỷ qua, kể từ năm 1946, khiến đất nước sa vào nội chiến, dân tộc bị phân hóa, chia rẽ, các nguồn lực bị phân tán…
Vì thế, có thể nói việc thay đổi quan điểm về kinh tế chính trị, bằng cách thừa nhận sự trở lại của khối kinh tế tư nhân chỉ nhằm mục đích cứu vãn thể chế chuyên chính, độc tài của chế độ Cộng Sản mà người dân đã quá chán chường và oán ghét mà thôi.
Ngày nào chế độ Cộng Sản Việt Nam còn duy trì chuyên chính, độc tài, thì cho dù có cải thiện được nền kinh tế đi chăng nữa, người Việt vẫn tiếp tục phải sống như những công dân hạng hai ngay trên quê hương mình, khi những giá trị tự nhiên như tự do, dân chủ và nhân quyền tiếp tục bị chế độ độc tài tước đoạt. Ngày đó, bóng ma tội ác của chủ nghĩa Cộng Sản vẫn còn hiện diện, ám ảnh trên quê hương Việt Nam.
Hoa Thịnh Đốn, ngày 20 Tháng Tư 2025
Đặng Đình Mạnh
Nguồn: www.facebook.com