Quyết định bắt Khang, bắt Đức hay bất cứ tù nhân chính trị nào khác càng làm hy vọng chuyển tiếp về dân chủ đa nguyên trong hòa bình và trật tự hẹp lại. Chế độ không thể nào dân chủ hóa một mình, khi ngăn chặn hết những người lấy dân chủ làm lý tưởng đời mình.
Có lần một người anh từng chia sẻ với tôi rằng “Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nợ Yến Vương tuổi thanh xuân, anh em phải có trách nhiệm trả lại cho nó”. Quách Gia Khang đã tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) từ khi em 18 tuổi, và đã dành 10 năm tuổi trẻ để đóng góp bền bỉ cho giấc mơ chung cho Việt Nam. Lần đầu tiên tôi đọc những khái niệm về dân chủ đa nguyên, về những giải thích cặn kẽ trong Tổ Quốc Ăn Năn, về một tâm lý thừa hưởng từ Nho Giáo mà chúng ta cần vứt bỏ để vươn lên…đều là những bình luận sâu sắc từ em.

Tôi mở mắt và nhỏ lệ.
Dù ý thức được rủi ro khi dấn thân hoạt động chính trị nhằm mưu tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, nhưng tôi không thể tránh khỏi cảm giác bàng hoàng khi hay tin quyết định khởi tố theo điều 109 với em. “Công an tỉnh Đồng Nai lấy quyết định bắt tạm giam đối với Quách Gia Khang (28 tuổi) để điều tra về hành vi ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Hoàn toàn là một điều bịa đặt và xúc phạm với niềm tin, lý tưởng mà Khang và anh em THDCĐN theo đuổi. Từ khi thành lập vào năm 1982, chúng tôi đã đặt nền tảng căn bản cho cuộc vận động dân chủ hóa đất nước trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, theo đường lối đấu tranh bất bạo động. Hơn 40 năm qua, chúng tôi đã luôn kiên định trên con đường vận động tư tưởng bằng lẽ phải, sự bao dung, thuyết phục để mưu tìm đồng thuận dân tộc.
Trong các nội dung khởi tố của công an với Quách Gia Khang, và với Trần Khắc Đức trước đó đều nói rằng THDCDN là tổ chức phản động lưu vong. Nhưng thế nào là phản động? Nếu định nghĩa chính xác từng câu chữ phản động là chống lại một chuyển động đúng vậy thì lý tưởng dân chủ đa nguyên, kinh tế tư nhân dựa trên sáng tạo, liên đới quốc gia, và hòa giải hòa hợp thể hiện như một triết lý điều hành quốc gia liên tục là sai? Câu trả lời rất đơn giản nếu chúng ta thành thật. Và từ lưu vong vào lúc này, khi mà Việt Nam đã mở cửa, hội nhập sâu rộng với thế giới gợi lại một di sản của thời chiến tranh lạnh, mà chúng ta cần phải hàn gắn thay vì khoét sâu.
Việt Nam đang đứng trước một khúc quanh lớn từ chính những vấn đề nội tại và bối cảnh chung của thế giới. Vào giai đoạn 1990, khi bức tường Berlin sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu và chính cái nôi của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô, chế độ đã chuyển mình được nhờ học và dựa theo Trung Quốc mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ vẫn duy trì độc tài đảng trị và mở đường cho kinh tế với trọng tâm dựa trên xuất khẩu. Họ còn được tiếp tay bởi sự hân hoan tự mãn của khối dân chủ, mà trong đó Hoa Kỳ dẫn đầu về “sự kết thúc của lịch sử”. Dân chủ đã thắng và lịch sử đã kết thúc. Chấm. Từ nay chỉ làm kinh tế và các quốc gia độc tài còn sót lại sẽ dần dân chủ hóa khi tăng cường hợp tác, trao đổi hàng hóa với thế giới.
Nhưng sau vài thập kỷ theo đuổi con đường này, kinh tế Việt Nam đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn. Bong bóng bất động sản đã vỡ, và những liên minh như SCB – Vạn Thịnh Phát sẽ tiếp nối nhau…Trong khi đó, với một tình trạng phụ thuộc nặng nề vào ngoại thương, Việt Nam không tránh khỏi những tác động của toàn cầu hiện tại. Nguy cơ tụt hậu khi chưa tiến vào khu vực thu nhập trung bình, già hóa dân số vào năm 2030, môi trường bị ô nhiễm nặng nề…là những nguy cơ đã và đang xảy ra mà chính những lãnh đạo của đảng cộng sản hiện tại cũng không phủ nhận. Chúng ta không còn một con đường nào khác ngoài việc quả quyết tiến tới dân chủ hóa đất nước, nếu còn hy vọng một giấc mơ chung cho Việt Nam.
Quyết định bắt Khang, bắt Đức hay bất cứ tù nhân chính trị nào khác càng làm hy vọng chuyển tiếp về dân chủ đa nguyên trong hòa bình và trật tự hẹp lại. Chế độ không thể nào dân chủ hóa một mình, khi ngăn chặn hết những người lấy dân chủ làm lý tưởng đời mình.
Việt Dân
(19/03/2025)