Tôi xin được đóng góp bài viết này như một ý kiến cá nhân mang ảnh hưởng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên để nhìn nhận lại về những di sản của cuộc chiến tranh lạnh của thế kỷ trước, và cho thấy cuộc chiến tranh lạnh không hề có lợi cho tiến trình dân chủ hóa. Tính nội chiến, và những di sản của nó của nó, đã cản trở tiến trình dân chủ hóa bằng cách đem đến sự thù địch giữa hai khối người trong cùng một quốc gia, trong khi dân chủ hóa phải xuất phát từ tinh thần hòa giải, liên đới, và ý thức về một tương lai chung. Sự thắng thế của nó đã làm cho chúng ta chìm trong sự tự phụ và không xét lại Chủ nghĩa tự do phóng khoáng coi thị trường tự do là giải pháp cho mọi vấn đề, quên đi những cố gắng về liên đới, cải thiện thể chế, và nâng cao tư tưởng chính trị.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gần như không có khả năng xảy ra, nếu hiểu chiến tranh lạnh là những gì đã diễn gia giữa hai tập hợp chính trị Hoa Kỳ và Liên Xô như những gì chúng ta chứng kiến. Dù thế nào, chiến tranh lạnh không có lợi và sẽ có hại cho đất nước Việt Nam, nên chúng ta không cần phải trông chờ nó sẽ xảy đến. Phong trào dân chủ hóa vẫn đang tiến tới vì thế giới ngày nay đã coi dân chủ, nhân quyền, và cam kết với những mục tiêu tiến bộ như đồng thuận căn bản của hợp tác và phát triển, đó là hậu thuẫn lớn nhất của chúng ta. Và trên cơ sở đó, đất nước Việt Nam cần thêm tinh thần liên đới, hòa giải, một ý thức về tương lai chung để huy động mọi con tim và khối óc trong long đất nước Việt Nam. Tôi tin rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một chuẩn bị cho tất cả những gì tốt đẹp đó, không những thế, đó là một chuẩn bị kỹ càng và quả quyết nhất.
Thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh lạnh mới?
Kể từ thời điểm Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, đã có rất nhiều người nói về một cuộc chiến tranh lạnh sẽ xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tương tự như những gì xảy ra sau năm 1975 giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, đại diện cho hai khối ý thức hệ đối đầu là Tư bản chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa. Bất cứ một thế cuộc nào được xác lập trên thế giới vào những thập kỷ tới sẽ chi phối và ảnh hưởng tới mọi mặt xã hội trên đất nước Việt Nam chúng ta, bao gồm cả chính trị và và văn hóa. Và với những người đang đấu tranh cho dân chủ, đó có thể là cơ sở để định hướng đường lối đấu tranh và nhận diện cơ hội. Do đó, chúng ta sẽ phải bàn về những gì sẽ xảy ra cùng với khả năng một cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Đầu tiên, cuộc chiến tranh lạnh (Cold War) thực ra không thực sự diễn ra đúng như cái tên của nó. Đúng là chúng ta đã chứng kiến sự cạnh tranh giữa hai mô hình Hoa Kỳ và Liên Xô về mọi mặt và mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế, công nghệ – kỹ thuật, và quân sự. Thậm chí đã có những thời điểm Hoa Kỳ và Liên Xô ngấp nghé ngưỡng cửa một cuộc thế chiến, để rồi cả hai bên cùng kiềm chế vì đều sở hữu vũ khí hạt nhân (như cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba năm 1962 kéo dài 13 ngày). Tuy thế, ở những mặt trận ngoài khối Liên Xô – Đông Âu, và Mỹ – Tây Âu, thì những cuộc nội chiến đẫm máu đã xảy ra trải khắp từ Đông Nam Á, châu Phi, các nước Mỹ Latinh. Chẳng hạn như năm 1965-1966, tại Indonesia, cuộc nội chiến đã kết thúc với một cuộc truy sát và thảm sát 1000,000 người cộng sản hoặc bị tình nghi là công sản. Ở Myanmar, những người thuộc phe cộng sản cũng phát động những phong trào nổi dậy và tổ chức các nhóm phiến quân với mục đích ban đầu để chống lại những người thuộc phe quốc gia của chính quyền ông Aung San. Có những lúc họ rất mạnh và kiểm soát được nhiều vùng nông thôn, cũng như tranh thủ các sắc dân thiểu số tại Myanmar, để rồi gần như bị triệt tiêu và đặt ra ngoài vòng pháp luật bởi chính quyền tatmadaw. Tại châu Phi cũng nổ ra các cuộc nội chiến lớn mà tiêu biểu là nội chiến tại Congo (từ năm 1960-1965), nội chiến Angola và Mozambique (từ năm 1975 đến những năm 2000). Có thể nói chiến tranh lạnh đã để lại những di sản là những cuộc nội chiến lớn nhỏ trong nội bộ các quốc gia, với sự yểm trợ của Phương Tây và Liên Xô, hầu như rất khốc liệt và không có sự khoan nhượng, để giành giật những chiến thắng nhỏ nhất về quân sự và ý thức hệ. Phải nói bắt đầu ngay sau thế chiến thứ hai với sự chia cắt của châu Âu thành hai phần là Đông Âu và Tây Âu (trong đó Đức bị chia cắt thành hai nửa) tưởng chừng đã kết thúc, thì nó đạt tới một cao trào mới vào những thập niên 1950 với cuộc nội chiến hài miền Nam Bắc bán đảo Triều Tiên (chỉ trong 3 năm ngắn ngủi nhưng có tới 2.5 triệu người chết, và hai miền đất nước gần như chia cắt vĩnh viễn, và chỉ chấm dứt khi Trung Quốc đổ bộ hàng triệu quân vào Bắc Triều Tiên). Cuộc chiến tranh lạnh đạt đỉnh điểm những năm 1960 với cao điểm của các cuộc nội chiến và gia tăng tần suất của những lần thế giới ngấp nghé trên bờ vực chiến tranh hạt nhân. Nó dần dịu lại những năm 1970, nhưng cũng vô cùng khốc liệt khi Liên Xô gần như dồn toàn lực vào chiến tranh Afghanistan vào cuối thập kỷ đó. Chiến tranh lạnh chính thức chấm dứt năm 1989 và đầu những năm 90, nhưng di sản của đổ vỡ, bất ổn và xung đột vẫn nối dài cho tới những năm đầu của thế kỷ 21.
Nhưng nhắc đến di sản nội chiến của Chiến Tranh Lạnh, chúng ta không thể không nhắc đến một nước mà đã có một cuộc nội chiến gần như xuyên suốt kéo dài cho tới 30 năm nối tiếp bởi những cuộc tàn sát Quốc – Cộng, phong trào thanh trừng giai cấp địa chủ, nội chiến hai miền Bắc Nam, phong trào thuyền nhân và những trại tập trung giáo dục chính trị có tới hàng triệu người, đó là Việt Nam. Có thể nói, ngày hôm nay đất nước Việt Nam chúng ta vẫn chưa có dân chủ và còn phải sống trong chế độ độc tài là vì cuộc nội chiến Việt Nam đã kéo dài nhiều hơn chúng ta dự tính. Và di sản nội chiến này cũng trở thành trở ngại của tiến trình dân chủ hóa một cách triệt để tại Philippines và Indonesia; là sự đổ vỡ của đất nước Myanmar hay Campuchia (với thảm họa Khmer đỏ, một phần của di sản chiến tranh lạnh), là sự nối tiếp của những bất ổn, và xung đột tại châu Phi, một phần nào đó là Trung Đông, vv.
Công tâm mà nói, chúng ta cần phải quả quyết rằng di sản của chiến tranh lạnh là một di sản có hại cho thế giới và có hại cho đất nước Việt Nam. Và dù vì lý do nào thì đây cũng là một bước đi lầm lỡ của thế giới. Giữa hai tập hợp ý thức hệ đại diện bởi Liên Xô và Hoa Kỳ, Liên Xô đã đại diện cho chủ nghĩa độc tài toàn trị và một thứ ý thức hệ sai trái là lấy tập thể để chà đạp phẩm giá và hạnh phúc của cá nhân, lấy bạo lực làm phương pháp để tiến hành cách mạng (thay đổi một thực tại, dù có thể là một thực tại bất công và cần phải thay đổi). Lập trường của phe cộng sản là hoàn toàn sai trái và chúng ta không thể bênh vực họ. Tuy vậy, trong tập hợp ý thức hệ Hoa Kỳ cũng có những chế độ độc tài cánh hữu không quả quyết với dân chủ, nhân quyền và các giá trị tiến bộ. Họ chỉ chọn về phe Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc chiến tranh lạnh, với một chút cởi mở về kinh tế và xã hội dân sự. Hơn nữa, Hoa Kỳ dù là một nước dân chủ nhưng cũng từng lợi dụng cuộc chiến tranh lạnh để triệt tiêu lập trường dân chủ xã hội ở Mỹ và di sản của tổng thống Franklin D. Roosevelt bằng cách gắn mác họ là những người thân cộng. Phong trào này kéo dài từ năm 1950-1954 mang tên McCarthy. Họ đã lợi dụng tình trạng chiến tranh lạnh để triệt tiêu đối thủ chính trị vốn đề cao bình đẳng xã hội và chống lại giới tài phiệt.

Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đã có nhiều phân tích, lý luận để chỉ ra những sai lầm của chủ nghĩa tự do phóng khoáng, nghĩa là đặt kinh tế thị trường lên trên dân chủ; đặt tư bản lên trên nhu cầu liên đới xã hội, tinh thần bác ái và bình đẳng; cẩu thả và dung túng những đầu sỏ kinh tế và tài phiệt có hại cho chính kinh tế thị trường lành mạnh và sinh hoạt dân chủ. Nhưng tại sao một thứ chủ nghĩa có hại như vậy lại không được nhận diện và sửa chữa kịp thời? Có nhiều người nói là vì sự thành công và tài sản khổng lồ chủ nghĩa đó là mang lại giai đoạn 1995-2010. Tuy vậy, nó cũng là thủ phạm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2010, sự lúng túng và bị động trước đại dịch Covid năm 2016, và một phong trào dân túy diễn ra từ 2015 cho đến tận hôm nay. Theo thiển ý của tôi, sự kéo dài quá đáng của chủ nghĩa tự do phóng khoáng (liberalism/neoliberalism) là vì trong chiến tranh lạnh, phe phương Tây đã không đặt ra nhu cầu xét lại vì sự phân cực trên thế giới và tâm lý cạnh tranh. Sau chiến tranh lạnh thì họ lại ngạo nghễ nghĩ rằng chủ nghĩa tự do phóng khoáng là động cơ khiến họ giành chiến thắng trước chủ nghĩa cộng sản, và đó cũng là chủ nghĩa sẽ kết thúc của lịch sử (the end of history), do vậy không có nhu cầu xét lại. Nhưng không phải như vậy. Phương Tây đã chiến thắng phe cộng sản nhờ có một chế độ cho phép sự hình thành của một nền dân chủ cơ bản, từng bước dân chủ hóa thể chế, mở rộng các quyền tự do chính trị – dân sự, và nhân quyền, và những ưu tư về phẩm giá của con người.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang theo đuổi lập trường triệt thoái
Trở lại với câu hỏi “Liệu có một cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không?”. Trong những tháng đầu tiên của năm 2025, chúng ta thấy Trung Quốc cho ra đời mô hình trí tuệ nhân tạo Deep Seek, được họ quảng cáo là ưu việt và tinh giản hơn các mô hình trí tuệ nhân tạo của phương Tây. Tuy vậy, nhiều chuyên gia sau này đã khám phát ra rằng thực tế mô hình Deep Seek chỉ là một sản phẩm phát triển dựa trên mã nguồn mở của OpenAI và được tinh chỉnh lại để hiệu quả hơn mà thôi. Nếu có một cuộc cạnh tranh AI giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đi chăng nữa thì nó cũng không thể đạt tới quy mô của một cuộc cạnh tranh gay gắt về ý thức hệ. Trung Quốc có một dân số tỷ dân, một địa lý rộng lớn và một nguồn tài nguyên khổng lồ. Họ có khả năng cạnh tranh với mọi siêu cường hay tập hợp chính trị lớn trên thế giới; dù tương lai của họ chỉ có thể đảm bảo khi dân chủ hóa (Điều này, thật đáng tiếc, khó có thể thực hiện ở Trung Quốc trong tương lai gần, bởi vì sự sụp đổ của một đế chế thường kéo dài, gây ra quá nhiều xáo trộn và bất ổn, làm cho việc tái tổ chức và tiến đến dân chủ hóa trở nên khó khăn. Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc có thể đạt được dân chủ hóa trong khi vẫn duy trì toàn vẹn lãnh thổ).
Một điều nữa là Trung Quốc cũng không còn khả năng lôi kéo thêm đồng minh sau sự phá sản của Dự án vành đai con đường và sự tháo chạy của họ khỏi Lào, Cambodia, Sri Lanka. Một điều rõ nhất có thể nhìn thấy là vốn viện trợ trực tiếp nhà nước của Trung Quốc cho những “đồng minh” của họ đã giảm và chỉ còn ở mức không đáng kể. Thực tế, chính dự án này đã tạo ra một mặt trận ngầm “chống Trung Quốc” tại châu Á – Thái Bình Dương vì nó dung túng những chính quyền tham nhũng và đẩy 22 quốc gia đến bờ vực phá sản. Trên tất cả, lý do thực sự và quan trọng nhất là Trung Quốc cũng không còn một lý tưởng và một ý thức hệ nào để tham gia một cuộc chiến tranh lạnh. Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng họ muốn “né tránh cuộc chiến tranh lạnh” vì những lý do rất cơ bản là tư bản đang đào thoát khỏi Trung Quốc, những quỹ đầu tư đang thắt chặt điều kiện cho vay, và những vốn đầu tư mới về FDI đã giảm 99% trong 3 năm, và đạt ngưỡng âm vào năm 2023. Một cuộc chiến tranh lạnh bắt buộc sự rút lui triệt để của tư bản nước ngoài khỏi Trung Quốc và làm gia tăng một mặt trận chống Trung Quốc tại châu Á Thái Bình Dương, điều mà chắc chắn những lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn không muốn đối mặt. Chúng ta cũng nghe nhiều về cuộc khủng hoảng của giới trung lưu của Trung Quốc với sự sụp đổ của ngành bất động sản và thị trường tài chính. Chúng ta thấy sự rã hàng của người trẻ của Trung Quốc với phong trào “nằm ườn ra không làm gì”, “bỏ thành phố về quê”, “bỏ công việc văn phòng làm lao động chân tay” (let it rot); cùng với tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ trên mức 15-20% (theo thống kê chính thức), và có nhiều nguồn nói con số này có thể là từ 30%. Chắc chắn rằng, sự rã rượi này sẽ làm cho xu hướng triệt thoái mạnh hơn theo thời gian hơn là xu hướng mở rộng, bành trướng, và lôi kéo một mặt trận ý thức hệ.

Mặt khác, nếu Trung Quốc triệt thoái, Mỹ có tiến tới phát động một cuộc chiến tranh lạnh hay không? Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2025 đưa Donald Trump tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ không liên tiếp và sự trở lại của lập trường “Nước Mỹ trên hết”, một lập trường triệt thoái của Hoa Kỳ khỏi vai trò lãnh đạo trong khối dân chủ. Lập trường nước Mỹ trên hết được nhiều trí thức Việt Nam tung hô mặc dù nó chứa đựng mọi sự thiển cận và gian manh. Nước Mỹ trên hết cũng chưa một nội hàm là nước Mỹ sẵn sàng làm mọi thứ có lợi cho nước Mỹ (được hiểu một cách hạn hẹp theo những gì những lãnh đạo dân túy như Donald Trump muốn hiểu), ngay cả việc biến những nền dân chủ mới nổi thành con tin, phá hoại những cố gắng mang tính sống còn của nhân loại, phá hoại những cố gắng và ưu tư chung của thế giới bao gồm Biến đổi khí hậu, an ninh, và nhân quyền. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã trình bày tất cả những điều này ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump trước sự phản đối của một bộ phận lớn nhân sĩ trí thức thủ cựu. Nhiều người chỉ nhận ra gần đây khi Trump muốn đối thoại đơn phương với Putin rồi áp đặt lên Ukraine và châu Âu, và đặt Ukraine lên bàn đàm phán với Nga để thực hiện lời hứa khi tranh cử tổng thống của mình. Nhiều nhân sĩ trí thức còn lập luận, thực tế đó là một nước cờ cao minh của Donald Trump, nhưng chúng ta cũng không quên rằng Donald Trump đã đòi đóng cửa USAID, dù phần lớn viện trợ của USAID được phân bổ cho các mục tiêu nhân đạo thuần túy, trong đó có những cứu trợ cho Ukraine (về nhân đạo, và y tế). Nước Mỹ triệt thoái khỏi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu cũng đặt một dấu hỏi lớn là Mỹ có đang chuyển trục sang mặt trận châu Á – Thái Bình Dương như những nhân sĩ, trí thức Việt Nam mong đợi không? Tôi muốn nhấn mạnh rằng các nước châu Á – Thái Bình Dương đều đối mặt với một cuộc khủng hoảng chung mang tên khủng hoảng Biến đổi khí hậu; nhiều thành phố châu Á – Thái Bình Dương có nguy cơ biến mất vĩnh viễn nếu mực nước biển tăng tới 0.3-1.2 mét vào năm 2100. Nếu Hoa Kỳ đã xác nhận rằng họ ngừng đấu tranh cho thế giới tự do và những giá trị tiến bộ, và chỉ theo đuổi quyền lợi của mình hoặc của một nhóm tài phiệt trong đất nước Mỹ với cái giá là có thể gây hại cho các nền dân chủ và các mục tiêu chung của thế giới (tiến bộ); thì thật là một sự tai hại và thiển cận nếu nhân sĩ trí thức Việt Nam mong đợi Hoa Kỳ sẽ phát động một cuộc chiến ý thức hệ với Trung Quốc. Một mặt trận nữa Hoa Kỳ cũng muốn triệt thoái là Liên Hợp Quốc (LHQ), vốn là một diễn đàn quan trọng để bảo vệ các giá trị dân chủ và nhân quyền trên thế giới; Mỹ đã rút khỏi Tổ chức sức khỏe thế giới, và Hội đồng Nhân quyền LHQ. Phải nhấn mạnh rằng nước Mỹ dưới thời Donald Trump là một tuyên bố rằng họ đã từ bỏ đấu tranh cho một thế giới dân chủ – tiến bộ. Nhưng, sự triệt thoái của Mỹ chưa chắc đã có hại cho tiến trình dân chủ của thế giới mà tôi sẽ phân tích sau, dù sự triệt thoái mang tên Donald Trump là sự triệt thoái có hại cho chính nước Mỹ.
Chúng ta thấy rõ sự ti tiện và “trẻ con của chính quyền Trump. Vừa rồi, Trump bãi bỏ một quy định từ thời chính quyền Biden là không mua và sử dụng ống hút nhựa tại các văn phòng và trụ sở chính quyền, và thay thế bằng ống hút giấy. Trump cấm mua và sử dụng ống hút giấy chỉ để đi ngược và chống lại người tiền nhiệm. Ông ta còn phát biểu một cách lưu manh và vô học là “ông hút nhựa vứt xuống đại dương không việc gì, cá mập vẫn sống bình thường”. Thực ra số lượng ống hút của các văn phòng, trụ sở chính quyền Hoa Kỳ dung chẳng đáng bao nhiêu, đây thuần túy chỉ là một quy định mang tính biểu tượng và làm gương nhằm để chấm dứt thực trạng chính quyền là người mua ông hút nhựa lớn nhất trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đang là một xã hội tiêu thụ và cũng là một trong những nước xả rác lớn nhất ra đại dương, trong đó có một bãi rác trôi nổi lớn từ Hawaii cho tới bờ biển bang California. Đại dương không phải chỉ là vùng lãnh hải mà Hoa Kỳ có thể độc chiếm mà là tài sản chung của những quốc gia và vùng lãnh thổ gắn liền với nó. Có thể nói gì về sự vô trách nhiệm và thô thiển được biểu hiện một cách công khai của người lãnh đạo đứng đầu của Hoa Kỳ? Đó là một sự triệt thoái đáng bị lên án. Sự triệt thoái này còn khuyến khích những xu hướng chống lại Hoa Kỳ từ những nước đang cởi mở, vốn có một di sản chia rẽ và có những trường phái chống Mỹ từ thời kỳ chiến tranh lạnh, và cảm tình của các nước đồng minh của Mỹ. Lập trường triệt thoái của Donald Trump là một lập trường làm suy yếu hơn là có lợi cho khối dân chủ, và điều đó sẽ chỉ ngày càng rõ ràng. Ngược lại, trong một trật tự thế giới mới đang dần hình thành, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể trở thành một tiếng nói tích cực và đóng góp vào các diễn đàn và liên minh đa phương, nếu họ hành động một cách đúng đắn, tôn trọng các đồng minh, và theo đuổi một chính sách đối ngoại dựa trên những cam kết chung và các giá trị tiến bộ cơ bản đã được phần lớn thế giới công nhận.
Cuộc chiến ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có vẻ sẽ không diễn ra như nhiều nhân sĩ, trí thức Việt Nam mong đợi. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải lo lắng về việc nó không xảy ra; như đã phân tích ở trên, một cuộc Chiến tranh Lạnh thực tế sẽ gây hại cho quá trình dân chủ hóa, thay vì mang lại lợi ích. Nó tạo ra sự chia rẽ và xung đột ngay trong chính các quốc gia, dẫn đến việc chia rẽ này sẽ cản trở những nỗ lực dân chủ hóa một cách thực tâm.
Phong trào dân chủ hóa Đông Âu đi lên và thoát khỏi tâm lý Chiến tranh lạnh
Đến đây, chúng ta hãy cùng nhìn lại phong trào dân chủ hóa diễn ra tại Đông Âu kéo dài từ giữa thập niên 50 và hoàn tất trong thắng lợi trong những năm đầu của thập niên 90. Nét đậm của phong trào này là nó bắt nguồn từ một tinh thần kết hợp và liên đới được xiển dương trước sự cô lập, chia rẽ của các chế độ độc tài Cộng sản Đông Âu. Đó là một sự ý thức rõ ràng rằng sau một vài thập kỷ theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, họ đối mặt với một sự cô lập triệt để với những người châu Âu có cùng chung những nền tảng văn hóa và suy nghĩ cơ bản; và một tương lai đen tối đang chờ đợi họ nếu không có một sự thay đổi về chính trị. Do đó, dân chủ hóa là một nhu cầu bắt buộc, cho phép Đông Âu đoàn tụ với Tây Âu, Đông Đức trở lại đoàn tụ với Tây Đức. Sự đoàn tụ này cho phép chấm dứt một viễn cảnh xung đột trong lòng châu Âu, đem đến một tương lai mới cho các nước Đông Âu và thuộc Liên bang Xô Viết. Vì sức mạnh của nó là đấu tranh cho một sự đoàn tụ của đất nước (với Đức) và một cộng đồng châu Âu chung; do đó lựa chọn bất bạo động là một lựa chọn tất yếu. Những con người của phong trào dân chủ hóa tại Đông Âu, như Công đoàn Đoàn kết, Hiến chương 77, cũng là những người đi lên từ lập trường liên đới xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, và xóa bỏ bất bình đẳng về xã hội và chính trị. Đó hoàn toàn không phải là một lập trường của chủ nghĩa tự do phóng khoáng, đặt thị trường tài chính lên trên nhu cầu liên đới xã hội và tinh thần bình đẳng. Nhiều người có thể phản đối cách nhìn nhận của tôi, nhưng không thể chối cãi rằng Việt Nam là một chiến trường chính của cuộc xung đột ý thức hệ giữa Mỹ và Liên Xô. Ngày nay chúng ta chưa có dân chủ dù cái giá chúng ta phải trả là hơn 2 triệu nhân mạng (và có thể đã còn lớn hơn thế). Nhưng một phong trào khác tại Đông Âu không bị ảnh hưởng bởi sự phân cực giữa hai siêu cường, tập trung vào xiển dương tinh thần liên đới và hòa giải đã đem đến một kết quả về dân chủ hóa dù phải kéo dài một vài thập kỷ.
Một xu hướng khác diễn ra sau chiến tranh lạnh là thái độ tự phụ của phương Tây, cho rằng chủ nghĩa tự do phóng khoáng là con đường duy nhất và là “điểm cuối của lịch sử”, đã dẫn đến sự triệt thoái về đà tiến của phong trào dân chủ. Những người dân chủ tại Đông Âu, vì thiếu những dự án chính trị cụ thể và gắn kết tổ chức, đã nhanh chóng không giữ được lập trường ban đầu của mình. Họ thiếu những cuộc thảo luận cần thiết cho một tương lai bắt buộc phải đến, để rồi lạc trong những dòng tâm tư của quần chúng muốn bắt kịp thật nhanh Tây Âu về kinh tế và mức sống, xu hướng di cư của thế hệ trẻ Đông Âu tới Tây Âu và Hoa Kỳ, những dịch chuyển và gia tốc nhanh chóng của thế giới khi bước vào thế kỷ 21. Chính sự thiếu hụt đó đã dẫn đến một Đông Âu vẫn còn bất ổn với những chính trị gia dân túy, có một liên hệ với những lực lượng cộng sản cũ hoặc xuất than từ tài phiệt. Cần phải nhấn mạnh là chính sự thắng thế của chủ nghĩa phóng khoáng, coi thị trường là giải pháp của tất cả, bỏ qua những cố gắng về nâng cao thể chế, nâng cao tư tưởng chính trị, những đầu tư đúng mực cho tương lai là nguyên nhân làn sóng dân chủ đã vụt tắt ngay khi nó đang ở đà thắng thế, để một số nước lại quay lại quỹ đạo của độc tài hoặc không thành thực trong tiến trình dân chủ hóa.
Phong trào dân chủ hóa Việt Nam không cần một chiến tranh lạnh
Trở lại với đất nước Việt Nam của chúng ta, chúng ta phải đồng thuận với nhau là chúng ta không cần phải tìm kiếm cứu cánh cho dân chủ thông qua một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu cuộc chiến tranh này thực sự xảy ra, chúng ta rất có thể gặp phải một mối họa khi Trung Quốc sẽ mua chuộc và khống chế một bộ phận trong đảng Cộng sản, và một mặt trận chống Trung Quốc (bao gồm những người có cảm tình với dân chủ, và một số lực lượng chưa chắc đã thành thực với dân chủ nhưng có lập trường chống Trung Quốc) sẽ nhìn bên kia như kẻ thù chống lại đất nước và cần phải tiêu diệt. Đó là một viễn cảnh đen tối và chắc chắn có hại cho đất nước. Chúng ta cần một phong trào dân chủ, đề xiển dương sự hội nhập của Việt Nam vào thế giới, và hội nhập vào các giá trị dân chủ và tiến bộ của thế giới. Chúng ta cần đề cao tinh thần bao dung và hòa giải dân tộc, và tuyệt đối lên án mọi thái độ gây phân cực và chia rẽ trong đất nước Việt Nam, để huy động mọi khối óc và con tim cho cố gắng dân chủ hóa và thực hiện một giấc mơ chung của đất nước Việt Nam. Đồng minh của chúng ta là một thế giới tuyệt đại đa số đã chấp nhận dân chủ và nhân quyền như là những điều kiện căn bản cho hợp tác và phát triển.

Tuy thế, chúng ta cũng nên nhắc lại với những người công sản rằng, việc tỏ ra cô lập và thủ cựu lúc này là một hành động vô trách nhiệm và tai hại với đất nước. Tai hại hơn là trong cơn hoảng loạn đó, có một bộ phận trong chế độ tỏ ra thân Trung Quốc thông qua dự án đường sắt kết nối Hà Nội và Trung Quốc và với vốn vay từ Trung Quốc. Đây là một thái độ thách thức và có nguy cơ gây nội chiến ngay trong chính nội bộ đảng cộng sản và dân tộc Việt Nam. Đằng nào thay đổi chính trị là một quy luật tất yếu khi chế độ hiện tại đã mất đi lý tưởng và trở nên mục nát. Nhưng nó cũng có thể diễn ra theo nhiều kịch bản, trong đó kịch bản có lợi nhất cho con người và đất nước Việt Nam là dân chủ hóa dưới dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nếu đảng Cộng sản ngày hôm nay quyết tâm ngăn cản một lập trường dân chủ hóa đề cao sự đa nguyên, liên đới, và hòa giải, thì những gì đất nước chúng ta phải đối mặt là một kịch bản biến đổi chính trị trong đổ vỡ và hỗn loạn. Nhất là thế giới của chúng ta hôm nay dù gì vẫn là một thế giới đầy những biến động và ẩn số. Dân chủ hóa cần tiến tới như một sự đảm bảo để đất nước chúng ta đi lên trong một thế giới bất ổn (growth in a disruptive world), hơn là một “tai nạn” bất ngờ rơi xuống, để rồi hy vọng trở thành sự thất vọng, cơ hội trở thành hỗn loạn, và chúng ta sẽ nhìn nhau như kẻ thù hơn là những người đồng bào, và chúng ta sẽ không tìm thấy một tương lai ở đất nước Việt Nam nữa. Chúng ta phải đấu tranh quyết liệt cho một tương lai chung của đất nước Việt Nam!
Chu Tuấn Anh
(21/02/2025)