1. Bài phát biểu “Rạng rỡ Việt Nam” [1] của Tô Lâm – vẫn là sự ngoan cố duy trì độc tài đảng trị.
Ngày 2/2/2025, ông Tô Lâm đã đăng một bài viết mang tự đề “Rạng Rỡ Việt Nam” được nhiều tờ báo lớn của chế độ đăng lại. Ấn tượng đầu tiên với bài viết này là nếu người ta đọc tựa đề, người ta hy vọng ông Tô Lâm trình bày cách để Việt Nam có được một tương lai chung tốt đẹp và một vị trí xứng đáng trên thế giới. Nhưng xoay quanh bài viết chỉ là những lập luận cũ rích để giải thích cho việc tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vẫn phải tiếp tục cầm quyền. Và bảy điều ông đưa ra hoàn toàn chỉ liên quan đến việc chỉnh đốn đảng Cộng sản của ông. Điều đó làm người ta tự hỏi dường như ông Tô Lâm không hiểu rằng đất nước Việt Nam không phải là ĐCSVN. Và tương lai của Việt Nam càng không thể gắn liền với ĐCSVN khi mà ai cũng biết nó là nguyên nhân của tình trạng tham nhũng tràn lan, kinh tế và con người kiệt quệ, mà ngay chính ông Tô Lâm cũng một phần thừa nhận. Ưu tiên đầu tiên mà ông Tô Lâm viết ra là tiếp tục kiên định mục tiêu và lý tưởng của Đảng càng khiến những nhân sĩ, trí thức chế độ còn chút ảo tưởng về ông thất vọng. Nó chứng tỏ ĐCSVN không thể đổi mới và đưa đất nước vào một Kỷ Nguyên Mới khi mà nó tuyên bố kiên định (thực chất là ngoan cố) với chủ nghĩa Mác Lênin, và sự độc tài, độc tôn của chế độ.
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/02/to-lam-1.jpg)
Ông Tô Lâm là nhà lãnh đạo đầu tiên trong đảng tiên phong nói rằng cần phải mở ra một Kỷ Nguyên Mới. Nhưng Kỷ Nguyên Mới là gì? Nói vắn tắt đó là một bối cảnh mới rất đặc biệt mà Việt Nam và thế giới sẽ thay đổi triệt để về triết lý chính trị (hoặc một trật tự xã hội mới), cách tổ chức xã hội, tương quan lực lượng, và các tập hợp địa chính trị và công nghệ-kỹ thuật. Nhưng ông Tô Lâm lại khẳng định sự độc tôn về chính trị trong bối cảnh thế giới đang đi vào một giai đoạn dâng trào của làn sóng dân chủ thứ tư. Các quốc gia buộc phải chấp nhận quả quyết dân chủ, và không cho phép chấp nhận một vai trò lãnh đạo độc tôn của một cá nhân hoặc đảng phái. Điều đó không phải là một điều tôi suy diễn ra mà là một sự thực. Chúng ta thấy hậu quả của việc duy trì độc tài chính trị sẽ dẫn đến những kết quả sụp đổ trong nghèo đói và cô lập như Triều Tiên, Cuba, và Venezuela. Do vậy, có thể nhìn nhận rằng bài viết “Rạng rỡ Việt Nam” của ông Tô Lâm đem đến sự tụt lùi trong hành trình đi đến Kỷ Nguyên Mới của dân tộc chứ không mở ra Kỷ Nguyên Mới như ông tuyên bố.
2. Không thể duy trì độc đảng trong một thế giới đi về Kỷ Nguyên Mới
Như tôi đã trình bày trong những bài viết đó, và sẽ nhấn mạnh, là trong những thập niên về trước, thế giới đã cho phép những chế độ độc tài nhưng cởi mở về mặt kinh tế tham gia vào phong trào toàn cầu hóa. Tuy nhiên, cho tới nay điều đó đã hoàn toàn chấm dứt. Thế giới đang trong một cuộc sắp xếp lại phong trào toàn cầu hóa, bao gồm việc sắp xếp lại các tập hợp địa chính trị, kéo theo đó là các chuỗi cung ứng, và đặt lại những chính sách kinh tế và cách vận hành mới. Chế độ CSVN có niềm tin mù quáng là họ có thể tiếp tục “đu dây”, hay nói cách khác là cởi mở một phần về kinh tế, nhưng duy trì độc tài. Họ không thể bước vào Kỷ Nguyên Mới với một mánh khóe cũ đã không còn tác dụng (a trick that doesn’t work). Nhưng Việt Nam ở đâu trong một thế giới đang sắp xếp lại các liên minh và tập hợp địa chính trị? Việt Nam đang đơn độc. Và dưới sự lãnh đạo của họ, Việt Nam nằm ngoài các tập hợp và chuỗi cung ứng toàn cầu mới đang được hình thành. Việt Nam dù chưa bị cô lập hoàn toàn, nhưng sẽ có nguy cơ bị cô lập khi được dẫn dắt bởi một lực lượng từ chối dân chủ hóa. Tệ hơn nữa, gần đây báo Quân Đội và một số truyền thông của phe tuyên giáo, và cả Tổng bí thư ĐCSVN Tô Lâm, còn nhắc lại về khái niệm “tự chủ, tự cường”. Nó được nêu ra như một sự thách đố, một lời tuyên bố trung thành với chủ nghĩa đơn phương trong một thế giới đang ngày càng đa phương và đa cực.
Dân chủ hóa phải được hiểu là chìa khóa duy nhất để có một chỗ đứng trong một phong trào toàn cầu hóa mới mà theo nhiều chuyên gia nhận định là có thể bị phân mảnh và được tổ chức mang tính khu vực hơn, nhưng không nhất thiết là các hoạt động trao đổi con người, hàng hóa và thương mại sẽ bị diễn ra kém sôi nổi hơn trước, mà thực tế mang tính chọn lọc và chiến lược hơn. Khi tôi đưa ra ý kiến này, nhiều người ủng hộ chế độ có thể nói vốn FDI những năm gần đây vẫn tăng (năm 2024 tăng 9.4% so với năm 2023), và chứng tỏ rằng Việt Nam vẫn có thể duy trì lập trường như hiện nay mà không bị cô lập. Nhưng nếu xem xét kỹ, có thể thấy hai nước dẫn đầu vốn FDI hiện nay là Singapore và Trung Quốc, thể hiện một phần lớn là giới tài phiệt người Hoa đã thông qua cửa ngõ Singapore để đầu tư vào các dự án bất động sản thu lợi nhuận tức thì, phản ánh một nhóm thương gia và chủ doanh nghiệp của Trung Quốc kéo đến Việt Nam khi các lệnh cấm vận và thuế quan ngày càng áp đặt lên Trung Quốc. Những nguồn vốn này không có nhiều ý nghĩa để giúp Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế. Một số nguồn tiền không có tính dài hạn và tập trung vào các dự án bất động sản, trong khi đó sự hiện diện của giới thương gia và chủ doanh nghiệp Trung Quốc có thể kéo đến việc những doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ không cạnh tranh nổi, vì người Hoa có kinh nghiệm và bài bản hơn hẳn về kỹ nghệ sản xuất, chuỗi cung ứng, và thị trường bán lẻ. Mặt khác, ngay cả những quốc gia từng đổ vốn liếng vào Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc đã không còn tiếp tục cam kết những nguồn vốn lớn vì nhiều lý do khác nhau. Các công ty lớn của Mỹ và châu Âu hầu như đã không chọn Việt Nam làm điểm đến mà thay vào đó họ đến Ấn Độ, Indonesia, Malaysia,.. Đó là những nước tuy chính trị còn chưa ổn định nhưng đã cam kết với dân chủ và được phương Tây nhìn nhận là điểm đến đầu tư trong tập hợp địa chính trị châu Ấn Độ – châu Á Thái Bình Dương. Hơn nữa, chế độ cũng phải hiểu rằng, ngay cả một số doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận đầu tư tại Việt Nam trong thời điểm này, thì chế độ có thể cũng phải đưa ra những nhượng bộ rất lớn vì lối hành xử đơn phương của họ sẽ không được thế giới yểm trợ trong một bối cảnh cạnh tranh đầu tư ngày càng khốc liệt. Trong thời điểm thuận lợi nhất khi Samsung đầu tư vào Việt Nam, chế độ cũng đã phải có những nhượng bộ rất lớn như quy chuẩn môi trường, thuế khóa và vấn đề lương của người lao động; chẳng hạn như năm ngoái chế độ đã không thể thu thuế của Samsung dù có những tài liệu họ chiếm tới khoảng 20% GDP kinh tế của Việt Nam. Phải nói là họ quá tối tăm khi đòi duy trì chủ nghĩa đơn phương và độc đoán chính trị với một nền kinh tế phụ thuộc vào ngoại thương (trên 200%) (!?)
3. Dẫn nhập về Triết lý kinh tế, chính trị cho Kỷ Nguyên Mới
Có một sự kiện tôi đã nêu ra trong một bài viết gần đây về tuyên bố của Liên Âu rằng họ sẽ có những thay đổi lớn để bước vào cuộc tranh địa chính trị với các cường quốc lớn khác trên thế giới. Họ cho rằng châu Âu là cái nôi của các ý tưởng về khoa học và công nghệ, và thực tế họ đã không thua kém Mỹ. Nhưng các công ty này đã lựa chọn tới Mỹ để tiếp cận những thị trường và lượng khách hàng lớn hơn. Trước kia Mỹ và châu Âu nằm trong một tập hợp ý thức hệ tư bản của thời kỳ chiến tranh lạnh, nên họ cảm thấy điều này là hoàn toàn bình thường. Nhưng thực tế cho thấy Mỹ và châu Âu đã tách ra nên họ sẽ phải cạnh tranh để giữ lại tư bản và chất xám. Dân số châu Âu sẽ gần như chỉ có thể giảm, và họ sẽ mất đi vị thế là một tập hợp địa chính trị chiếm gần ¼ kinh tế thế giới nếu họ không tìm cách gia tăng năng xuất. Họ đã cụ thể hóa các vấn đề trong hai báo cáo là Draghi, Letta để rồi đưa ra một loạt các định hướng lớn nhằm đưa châu Âu trở lại quỹ đạo tăng trưởng và gia tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh chính trị thế giới còn đang phân cực, và nhiều lo lắng về bất bình đẳng, tất nhiên tăng trưởng và cạnh tranh sẽ phải đặt trong những triết lý chính trị và kinh tế mới, và sẽ có những cuộc thảo luận lớn về triết lý kinh tế của Kỷ Nguyên Mới hậu Covid trong năm nay. Nhưng thực tế tăng trưởng và cạnh tranh sẽ là ưu tư lớn hơn cả của những nền kinh tế mới nổi (đang cởi mở) mà ngay chính chế độ cũng phải thừa nhận điều đó. Vì những quốc gia này nếu không vươn lên được sẽ có nguy cơ bị tụt hậu vĩnh viễn.
Tô Lâm đã đặt ra những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế cho chế độ rằng họ sẽ tăng 8% vào năm nay và trên hai con số giai đoạn 2026-2030, và trở thành một nước thu nhập cao vào năm 2045. Nhưng dường như những gì chế độ đang đặt ra rất xa với với một đất nước Việt Nam đang kiệt quệ về mọi mặt và khủng hoảng sau đại dịch Covid-19, và dựa trên sự thêu dệt hơn là một thực tế. Hiện tại dường như người dân không còn quan tâm đến những thống kê hay mục tiêu về GDP của chế độ, vì thực tế mức lương và mức sống của người lao động đã không tăng lên. Nhiều người nói vật giá năm 2025 đã tăng 1.5-2.5 lần so với năm 2020, và sức mua trong dịp Tết 2025 đã giảm đi nhiều so với mọi năm. Chế độ sẽ phải bị chất vấn liệu Việt Nam có đang tăng trưởng, hoặc tăng trưởng đã đi đâu và vào tay ai? Trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam”, ông Tô Lâm đã không nhắc đến sự khó khăn của 100 triệu người dân Việt Nam, người mà ông nhắc đến 5.4 triệu đảng viên, và cho rằng họ không ngừng lớn mạnh, và là niềm tin, trí tuệ và ý chí đoàn kết của dân tộc. Phải chăng điều đó càng thể hiện một sự lố bịch là gần như mọi công trạng, bổng lộc đều tập trung hết vào 5.4 triệu đảng viên, cấu thành một lực lượng chiếm đóng đất nước Việt Nam? Sự tuyên truyền của chế độ về tăng trưởng và sự thêu dệt sẽ không giúp chế độ duy trì được như họ nghĩ mà còn làm trầm trọng hóa bất mãn trong quần chúng, điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã chỉ ra trong dự án chính trị của mình về mức lương thấp, những điều kiện lao động nhọc nhằn và thiếu đảm bảo, và một môi trường xuống cấp dẫn đến những chi phí khổng lồ đặt lên y tế và chăm sóc sức khỏe con người. Cần phải nhấn mạnh rằng, chế độ CSVN hiện nay hoàn toàn không có một chính sách kinh tế phù hợp với thời đại, ngoài những mục tiêu sáo rỗng mang nặng mùi tuyên giáo. Việc đưa Việt Nam trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045 cũng là một mục tiêu hoàn toàn lố bịch khi chính chế độ đứng đầu bởi ông Tô Lâm đã ban hành Nghị định 168 đưa ra những mức phạt hành chính vi phạm khi tham gia giao thông cao bằng 50%-250% thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam. Chỉ có thể kết luận là những lãnh đạo chế độ CSVN hiện nay do Tô Lâm đứng đầu hoàn toàn xa vời với thực tại. Mặt khác, cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước đang cởi mở, giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nội địa, và giữa những người lao động trong thị trường lao động sẽ diễn ra ngày càng thêm phần khốc liệt. Nhưng hiện giờ chế độ CSVN đang lãnh đạo đất nước với một thái độ bất dung. Một mặt chế độ phải nhượng bộ tư bản nước ngoài; một mặt họ công khai yểm trợ về cho những tài phiệt bất động sản, tư bản đỏ như Vingroup, Sun Group, một điều mà ai cũng nhìn thấy. Đây hoàn toàn là một lớp doanh nhân bất tài đã làm giàu nhờ chiếm đoạt đất đai và tài nguyên của đất nước với để làm giàu cho bản thân. Điều này cũng được chỉ ra trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai : “Chúng ta đã lỡ giai đoạn cất cánh. Khi một nước chậm tiến bắt đầu vươn lên nhờ hội nhập vào sinh hoạt kinh tế thế giới thì sự thành công hay thất bại chủ yếu là ở chỗ có tạo ra được hay không một lớp doanh nhân đúng nghĩa, lương thiện, có kiến thức và có bản lãnh. Sự thực không thể chối cãi là chính sách gọi là “đổi mới”, mở cửa về kinh tế nhưng vẫn khép chặt về chính trị, đã chỉ tạo ra, trong tuyệt đại đa số, những doanh nhân giả làm giàu nhờ hối mại quyền thế và kinh doanh bất chính.” Trở lại với “tăng trưởng” và “cạnh tranh” sẽ là hai đề tài được bàn luận nhiều trong thời gian tới giữa các chuyên gia kinh tế và chính trị gia để tìm ra một triết lý kinh tế và chính trị mới cho thời đại.
Nhiều chính trị gia và kinh tế gia thuộc hai phái trung hữu và trung tả đều đồng thuận rằng họ buộc phải thiết kế một chính sách kinh tế thuận lợi cho tăng trưởng, nâng cao tính cạnh tranh về hiệu suất và khối lượng trong một bối cảnh thế giới cạnh tranh về mọi mặt và mọi phương diện. Tuy nhiên, những người cánh tả cấp tiến cũng đặt ra những ưu tư lớn về tình trạng bất bình đẳng và bấp bênh đã dẫn đến sự trỗi dậy của làn sóng dân túy trong suốt một thập kỷ qua. Việc đặt tính cạnh tranh trở thành ưu tư hàng đầu của kinh tế có thể dẫn đến sự gia tăng về áp lực trong xã hội của một bộ phận quần chúng đang sống vẫn phải sống trong một tình trạng bấp bênh về thu nhập, mức sống, cơ hội vươn lên, và chỗ đứng trong xã hội. Và đó sẽ là một cuộc thảo luận lớn về triết lý kinh tế bắt đầu tại những nước phát triển và càng được thảo luận trong lòng những quốc gia đang vươn lên. Thực tế cuộc thảo luận này đã có từ trước đó vào năm 2015 với cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu và khi làn sóng dân túy nổi lên ở Mỹ và châu Âu chỉ một năm sau đó, và nó càng trở thành tâm điểm khi cuộc cạnh tranh toàn diện trên thế giới được đưa đến cao trào. Thế nhưng, họ sẽ sớm nhận ra rằng đây là vấn đề về tâm lý xã hội hơn là một vấn đề thuần túy về kinh tế. Và để giải quyết được điều đó, cần phải có một nền tảng quốc gia mạnh để mọi người hiểu chúng ta đang cùng nhau cố gắng vì một đất nước của tất cả và một tương lai chung hơn là những cố gắng của cá nhân để tìm kiếm sự giàu có riêng và những thành công riêng. Hay nói cách khác, để đi tới một Kỷ Nguyên Mới (có nghĩa là hành trình tìm kiếm thành công tập thể), chúng ta cần một đồng thuận chung dựa trên truyện thuyết mới cho đất nước và cho nền kinh tế. Dường như những kinh tế gia và những chính trị gia của các trường phái họ đã thảo luận về các mặt của vấn đề giữa cạnh tranh và bình đẳng, giữa tăng trưởng và nhu cầu bảo vệ môi trường. Có thể đều đúng. Nhưng họ quên rằng sinh hoạt chính trị là tìm kiếm đồng thuận chung. Và trong cố gắng đó, chúng ta phải luôn cố gắng trả lời câu hỏi: “về định nghĩa của hạnh phúc và điều gì khiến người Việt Nam cảm thấy hạnh phúc và xứng đáng ngay khi đang phải góp mình vào một cố gắng đầy gian truân của đất nước”. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn tự hào rằng, chúng tôi đã chuẩn bị cho hành trang đi vào Kỷ Nguyên Mới bằng dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai và đã phấn đấu không ngừng để tìm kiếm đồng thuận chung cho nó. Lời giải của vấn đề thời đại đã được Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trình bày trong chương V. Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, và mục 12. Xây dựng một quốc gia phẩm chất ngay trong cố gắng: ”Những người cầm quyền cộng sản đã rất dối trá khi nói rằng Việt Nam ngày nay là nước có thu nhập trung bình. Sự thực trái hẳn. Chúng ta rất nghèo và ở rất dưới mức trung bình thế giới. Vào năm nay, 2015, sản lượng bình quân mỗi đầu người trên thế giới là gần 11.000 USD mỗi năm, tại nước ta ước lượng vừa phải là gần 1.500 USD, nghĩa là chỉ bằng 15% mức trung bình thế giới. Chúng ta tụt hậu một cách bi đát. Ngay cả nếu từ nay chúng ta đạt được mức tăng trưởng đều đặn cao hơn 2% so với thế giới, một thành tích khả quan, thì cũng phải một thế kỷ nữa chúng ta mới thực sự trở thành một nước trung bình. Nhưng chúng ta có thời giờ đó không trước khi sự chán nản và thất vọng làm tan rã đất nước? Chắc chắn chúng ta không có thời giờ đó, chúng ta phải bắt kịp sự chậm trễ trong vòng một thế hệ. Đó là một thách đố rất lớn.Thách đố càng lớn hơn vì tất cả mọi yếu tố đều bất lợi. Xã hội băng hoại, lòng người thất vọng và ly tán, tinh thần dân tộc xuống rất thấp, môi trường ô nhiễm, đạo đức suy đồi, các băng đảng tội phạm hoành hành trong khi xã hội dân sự vắng mặt. Di sản của chế độ cộng sản thật là kinh khủng. Chúng ta sẽ phải động viên những cố gắng cực kỳ lớn về mọi mặt trong khi sẽ còn phải sống với sự nghèo khổ và thua kém trong một thời gian khá dài.Trong hoàn cảnh đó chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là xây dựng trên đất nước Việt Nam, và trên quy mô quốc gia, một hạnh phúc lấy phẩm chất làm chính ngay trong khi còn đang phải phấn đấu cam go để đạt tới sự sung túc. Đó là một hạnh phúc mà ta có thể gọi là một hạnh phúc quốc gia phẩm chất. Một cách cụ thể hạnh phúc đó thể hiện qua một bối cảnh quốc gia bình yên và phấn khởi trong đó con người dù chưa sung túc nhưng có đầy đủ tự do, được trân trọng và được bảo đảm an ninh, nhân phẩm, quyền lợi, sức khỏe và cơ hội thăng tiến trong một xã hội hài hòa, bình yên và liên đới, với một môi trường thân thiện. Đó là điều kiện để mọi người có thể chấp nhận những khó khăn của hiện tại và nỗ lực để vươn lên; cố gắng càng lớn thì càng phải được chia sẻ đồng đều và con người càng cần được khích lệ. Xã hội Việt Nam phải có hình ảnh của một gia đình hạnh phúc vì hòa thuận và vui vẻ, chia sẻ một cách hợp tình hợp lý những hy sinh cũng như những thành tựu đạt được, dưới một mái nhà giản dị nhưng sạch sẽ và ngăn nắp, trong niềm tin là ngày mai sẽ hơn hôm nay.Điều quan trọng nhất cũng là điều có thể làm ngay vì không đòi hỏi những chi phí lớn. Đó là cải thiện môi trường, cảnh quan và các nơi công cộng. Do văn hóa truyền thống chúng ta chưa ý thức được tầm quan trọng của môi trường dù vấn đề đã rất nghiêm trọng và đã ảnh hưởng trực tiếp lên mọi người. Sự thiển cận đã khiến các cấp lãnh đạo nối tiếp nhau không ý thức được rằng phát triển, kể cả phát triển kinh tế, chỉ có thể bền vững nếu môi trường được bảo vệ. Các nhà máy ô nhiễm gây thiệt hại trong lâu dài cho xã hội nhiều lần lớn hơn lợi tức ngắn hạn mà chúng tạo ra. Tham nhũng là nguyên nhân chính cho phép phá hoại môi trường; sự vắng mặt của xã hội dân sự là một nguyên nhân khác. Thực trạng kinh ngạc là cho tới nay nước ta vẫn chưa có một hiệp hội bảo vệ môi trường nào dù môi trường đã bị tàn phá tới mức độ nguy kịch và vẫn còn tiếp tục bị tàn phá, trong khi tại các nước văn minh giàu mạnh bảo vệ môi trường đã trở thành mục tiêu của vô số hiệp hội, có cả những chính đảng lấy môi trường làm ưu tư cao nhất. Đối với thế giới ngày nay môi trường đã trở thành một vấn đề chính trị nền tảng.Chúng ta không thể dung túng những nhà máy không có xử lý khói và chất thải nhân danh lợi ích kinh tế. Chúng ta cũng phải nghiêm cấm việc chặt phá rừng và lấp, lấn ao hồ. Các tiện nghi vệ sinh công cộng phải đầy đủ. Hệ thống thoát nước phải hoàn chỉnh. Xây dựng phải có quy hoạch, mỗi khu vực chỉ được xây dựng theo một vài kiểu nhà với một số mầu sắc. Phải tăng cường các phương tiện chuyên chở công cộng, đánh thuế môi trường trên ôtô và xe máy, khuyến khích sử dụng xe đạp; cấm xe có động cơ xăng dầu tại trung tâm các thành phố và những khu đông người; trừng phạt nghiêm khắc những công ty xây dựng cầu đường thi công gian trá. Chúng ta sẽ bãi bỏ dự án Bô-xít Tây Nguyên, đình chỉ các dự án điện hạt nhân, ngay cả những dự án đang thi công, loại bỏ điện hạt nhân cho tới khi các kỹ thuật xử lý phế liệu thỏa đáng đã tìm được và nước ta đã có đầy đủ khả năng để bảo đảm an toàn tuyệt đối của các lò phản ứng. Những biện pháp đó tuy có thể làm giảm lợi nhuận nhất thời của một số công ty nhưng sau cùng vẫn có lợi ích kinh tế lớn vì bảo vệ và khuyến khích đầu tư trong nhiều ngành khác, nhất là ngành du lịch, và điều quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe và cuộc sống yên vui. Ô nhiễm là một vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người bởi vì nước sạch, không khí trong lành, không gian yên lặng là những quyền con người cơ bản nhất.Xây dựng một xã hội hài hòa, bình yên và liên đới không đòi hỏi những chi phí lớn vượt khả năng quốc gia như nhiều người lầm tưởng. Chúng không thấm vào đâu so với số tiền mà những quan chức tham ô cướp đoạt của đất nước, một chính quyền trong sạch sẽ có phương tiện. Điều mà nó đòi hỏi là điều mà chúng ta có thể làm được ngay cả khi chưa giàu. Đó là luật pháp tuyệt đối lương thiện, minh bạch và được tôn trọng. Đó là một chính quyền quyết tâm không thỏa hiệp với tham nhũng được điều hành bởi những người có kiến thức, có tầm nhìn và lấy phục vụ đất nước làm lý tưởng của đời mình, một chính quyền không thể bị ngờ vực là gian trá. Nhân dân Việt Nam đã quá quen với những hy sinh và chịu đựng cho nên có thể chấp nhận những cố gắng rất phi thường; họ cũng có thể tha thứ cả những sai lầm, với điều kiện là tin rằng những người lãnh đạo đã sai nhưng không phải là những người ngu dốt và gian trá mà chỉ sai vì mọi người đều có thể sai trên những quyết định khó khăn và phức tạp. Chúng ta có thể có những người lãnh đạo như thế, nhưng họ chưa có cơ hội vì chưa có sức mạnh tập trung của đội ngũ. Cố gắng chính của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ trước, bây giờ và sau này là phát hiện, tập trung lại và đào tạo thêm những con người như thế mà đất nước đang cần.” (Hết trích).
Trở lại bài viết của Tô Lâm “Rạng rỡ Việt Nam”, ông ta cho rằng đảng CSVN là chính đảng duy nhất có thực lực, tính chính danh và khả năng lãnh đạo đất nước trong giai đoạn tới. Phải phủ nhận ngay rằng đó là một phát biểu không chỉ tối tăm mà còn sai trái. Sự lãnh đạo độc tài của một đảng cướp bóc và một lớp người hành xử như một lực lượng chiếm đóng buộc phải chấm dứt trong một tương lai gần. Đảng cộng sản cũng không có trí tuệ và khả năng thích nghi trong một bối cảnh mới và một Kỷ Nguyên Mới của đất nước và thế giới. Một điều anh em chúng tôi luôn nhắc lại là những lãnh đạo và đảng viên ĐCSVN cần phải chấm dứt những luận điệu cả về sự thực và đạo đức của mình để bảo vệ chế độ, khi mà chế độ đó đang sụp đổ với một gia tốc lớn và họ có thể là nạn nhân của sự sụp đổ đó. Trong khi đó, họ có một lựa chọn khác là đứng về một lực lượng chính trị đã có chuẩn bị cho một tương lai bắt buộc phải đến mà nhất là lực lượng đó hoàn toàn ôn hòa, muốn xây dựng một đất nước mới xứng đáng trên tinh thần hòa giải dân tộc.
Chu Tuấn Anh
(03/02/2025)
**********
Tham khảo
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/rang-ro-viet-nam-813840