1. Viễn cảnh về GDP và nền kinh tế thứ 3 Đông Nam Á
Bước vào năm 2025, truyền thông nhà nước đều đăng một dự báo về GDP Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan và Singapore để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á. Theo họ, trong năm 1990, quy mô GDP Thái Lan gấp 10 lần kinh tế Việt Nam, tuy vậy cho đến nay GDP Việt Nam đã đạt 406,5 tỷ USD và quy mô Thái Lan đạt 536,2 tỷ USD; nghĩa là gấp 1,32 lần và với đà tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Thái Lan. Truyền thông của chế độ dường như dùng dữ kiện này để chứng minh luận điểm rằng Việt Nam đã sẵn sàng “vươn mình đi vào kỷ nguyên mới”. Ở thời điểm này, tôi thường liên tường đến một thành ngữ “Half empty, half full”- “nửa đẩy nửa vơi” hay “nửa thành công, nửa thất bại”, mà một số nhà hoạt động chính trị từng dùng mỗi khi chúng tôi đề cập đến một ngưỡng cửa mới của thời đại. Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi cũng đã cảnh báo với chế độ rất nhiều rằng một bước ngoặt của đất nước sẽ chỉ là một thất bại lớn nếu không có một cuộc chuyển hóa về chính trị đúng nghĩa. Chúng ta sẽ “vươn mình” nếu có những lựa chọn đúng và “tiêu vong” nếu đưa ra những lựa chọn sai lầm.
Vào năm 2015, khi xuất bản Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có nêu ra Việt Nam có một dân số xếp vào hàng 14 thế giới (hiện nay là thứ 16), một vị trí địa lý thuận lợi, với những con người cần mẫn; Việt Nam có quyền mong muốn có một chỗ đứng vẻ vang trên thế giới nếu kiên trì trong một vài thập niên. Mặt khác, dữ kiện về GDP Việt Nam sẽ vượt Thái Lan dường như phản ánh về tiềm năng của Việt Nam với quy mô dân số, những gì vốn có về con người, hay địa lý; hơn là sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên, một mặt con số GDP ngày nay được dùng trong kinh tế học để đánh giá một cách tương đối về sự tương quan về dân số, điều kiện con người, địa lý giữa các nền kinh tế; nó không còn dùng một cách tuyệt đối để đánh giá về sự thành công của một dân tộc, một nền kinh tế, hay thành công của những con người và doanh nghiệp trong nền kinh tế đó. Trong cấu thành của GDP Việt Nam có tới gần 30% phụ thuộc vào Samsung (vốn mang hầu hết lợi nhuận trở lại Hàn Quốc), hơn 10% lệ thuộc vào bất động sản, và mới năm ngoái chính phủ đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Nhưng cả Samsung (hay nói rộng ra là dòng chảy tư bản toàn cầu), bất động sản tại Việt Nam, và ngân sách giải ngân cho đầu tư công đều gặp vấn đề; điều này phản ánh bế tắc lớn của Việt Nam trong việc tiếp tục tăng trưởng.
Nói ngắn gọn là chúng ta đang đứng trước một viễn cảnh “vươn mình” vì chúng ta có những điều kiện về dân số, con người, và địa lý để có một chỗ đứng trên thế giới; và một viễn cảnh khác u ám vì những gì đã giúp Việt Nam tăng trưởng đã hoặc sẽ sớm biến mất; và nếu không có những thay đổi kịp thời, chúng ta sẽ tụt hậu, bị bỏ lại vĩnh viễn.
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/01/ky-nguyen-1.jpg)
2. Hà khắc, lột trần nạn cướp bóc, tham nhũng và thiếu đầu tư cho tương lai
Mới đây chế độ vừa ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ với những mức xử phạt hà khắc; ví dụ vượt đèn đỏ, điều khiển xe trên vỉa hè có thể bị phạt từ 4,000,000 – 6,000,000 VNĐ, xấp xỉ mức lương cơ bản của một người lao động. Những hình phạt này đã đối mặt với sự bất bình, và phẫn nộ từ quần chúng. Sự hà khắc đó làm người ta cảm giác rằng lực lượng chấp pháp hoàn toàn là những kẻ cướp (plunderers), hơn là những người đại diện cho trật tự và lẽ phải của Pháp luật. Những người cầm quyền không hiểu rằng diện tích phục vụ cho giao thông (bao gồm cầu đường, vỉa hè, hệ thống hướng dẫn giao thông, các phương tiện công) là một không gian liên đới của đất nước, và cũng là một không gian kinh tế để quần chúng mưu sinh.
Trong một không gian chiếm 6-8% diện tích của đô thị (như ở Hà Nội), phương tiện giao thông công cộng không có gì ngoài những tuyến xe bus chật chội, và không có những tuyến metro trong thành phố; phần lớn người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (chủ yếu là xe gắn máy) để di chuyển. Tại những thành phố phát triển, tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng chiếm khoảng 50-60%, với Singapore thì tỷ lệ người dân tham gia sử dụng phương tiện công cộng lên tới 93.5%. Nhưng có lẽ, nếu có một tính toán nghiêm chỉnh thì phương tiện giao thông công cộng ở Hà Nội chỉ đáp ứng 20-30% dân số (chủ yếu là xe bus), với một mức độ hài lòng với dịch vụ rất thấp. Phần lớn người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân để mưu sinh, và điều đó tố cáo sự tệ hại của các chính quyền Cộng sản đã không dành một ưu tư nào để nâng đỡ người dân hay đầu tư vào tương lai của các thành phố lớn ở Việt Nam. Dự án Hà Đông-Cát Linh kéo dài hơn 10 năm còn là một bằng chứng sống về sự tham nhũng và yếu kém của chính quyền, khiến cho mọi kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng đều không thể thực hiện được. Giả sử nếu các thành phố lớn của Việt Nam đều có một cơ sở giao thông công cộng tương đối, có lẽ cũng sẽ không có sự nhộm nhoạm, mất trật tự như tình hình giao thông hiện tại. Và sự hà khắc của Nghị định 168 dường như đâm thêm một nhát dao, một đòn trừng phạt vào những người dân vốn đã là nạn nhân của một chính quyền tham nhũng và yếu kém.
Trong không gian đó, có những đoạn đường được cơi nới theo thời gian và không được thiết kế dựa trên nhu cầu giao thông của hiện tại. Trước đó, người tham gia giao thông đã sử dụng thêm diện tích vỉa hè để giảm thiểu tắc đường. Nghị định 168 sẽ đẩy cao sự hà khắc khiến người dân bị đẩy vào cảnh sử dụng cơ sở hạ tầng vốn không được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của họ, điều đó sẽ tệ hơn với tần suất tắc đường gia tăng cùng với ô nhiễm không khí đô thị. Một không gian liên đới mà người dân có những quy ước riêng để thể hiện sự gắn bó và tình cảm đồng bào đang bị phá vỡ, khi sự hà khắc của Nghị định 168 sẽ khiến cho người dân phải lựa chọn không nhường đường cho xe cứu thương để tránh bị “phạt nguội”.
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/01/nghi-dinh-168.jpg)
Nhiều chuyên gia chế độ từng ca ngợi về nền kinh tế không chính thức “informal economy” là một nét đậm của tính linh động trong kinh tế Việt Nam. Đó là một sự vô duyên và thiếu những kiến thức căn bản của những người được gọi là “chuyên gia”. Họ chỉ chăm chăm nhìn vào những hoạt động kinh tế phi chính thức mà con số thu nhập bình quân đầu người, thuế thu nhập cá nhân không bao quát được; mà không hiểu rằng đó là phương thức sinh tồn của quần chúng trong một xã hội bấp bênh và không có những đầu tư chung vào tương lai. Một đặc tính của nền kinh tế phi chính thức là trong đó có những hoạt động không thực sự là phi pháp, nhưng sẽ vi phạm những quy định về hành chính và trong một thời gian nhất định, cần sự thấu hiểu và cảm thông của chính quyền (như buôn bán hàng rong, tham gia giao thông lấn vỉa hè). Những người tổn thương nhất của Nghị định 168 sẽ là những người sinh sống bằng những ngành nghề không chính thức như tài xế xe ôm, giao hàng.
Nghị định 168 còn lột trần một sự thực rằng xã hội Việt Nam đã không linh động như mọi người nghĩ. Chúng ta có một xã hội chật chội, với cơ sở hạ tầng dần không đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, và một chính quyền thiếu những đầu tư đúng mực cho tương lai.
3. Khi chế độ nói về “Một nền kinh tế nhân văn”
Một điều nghịch lý là trong thời gian về trước, một số chuyên gia của chế độ đã tư vấn cho giới quan chức dùng thuật ngữ “nền kinh tế nhân văn”, hay “nền kinh tế lấy con người làm trung tâm” (human economy). Quan chức và tuyên giáo của chế độ đã dùng thuật ngữ này một cách lặp lại sáo rỗng như chỉ để ca ngợi “sự nhân văn” không có thực trong nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, sự nhân văn không có thực của lãnh đạo đảng, nhà nước. Nhưng nền kinh tế nhân văn trên hết là nền kinh tế lắng nghe nhu cầu của con người, những gì người dân làm và suy nghĩ, mà những điều hiển nhiên cần làm là:
Mở rộng những quyền chính trị và dân sự, điều mà thế giới đã nhìn nhận với Tuyên ngôn về Nhân quyền phổ cập và Công ước về Quyền chính trị và dân sự. Điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nêu rõ trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai: Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập của Liên Hiệp Quốc và các công ước đính kèm sẽ được coi là thành phần khắng khít của hiến pháp Việt Nam.
Mở ra một không gian sinh hoạt thoải mái và tiện nghi cho người dân Việt Nam. Một chính sách mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đề xuất một mô thức tản quyền, một đầu tư để thiết lập các khu công nghiệp trải đều trên khắp lãnh thổ, đầu tư quan trọng cho cơ sở hạ tầng giao thông để tránh nạn nhân mãn tại các thành phố lớn mà các quốc gia đang mởmang gặp phải. Một mặt tôn trọng quyền được lựa chọn nơi sinh sống và làm việc của người dân, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhấn mạnh nhu cầu khuyến khích tái phối trí dân số và lực lượng lao động, vốn là một hiện tượng tự nhiên và thường trực trong mọi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Đáng tiếc là Việt Nam đã chỉ được lãnh đạo bằng khối óc tập quyền, dân số và hoạt động kinh tế đã chỉ tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn.
Ngoài ra 10 trong 12 định hướng lớn trong mô thức của Việt Nam đã trình bày ở chương V Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có đầy đủ và hoàn chỉnh những đặc tính của một nền kinh tế nhân văn, lấy con người làm trung tâm như :
“Lấy tự do làm động lực phát huy sự sáng tạo và tinh thần cầu tiến,
Phát huy lòng yêu nước tự nguyện,
Phát huy và tôn trọng Xã Hội Dân Sự,
Xây dựng nước Việt Nam trên tình thần xây dựng cộng đồng,
Một nền kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng,
Tiến tới công nghiệp và dịch vụ,
Đẩy mạnh thị trường nội địa,
Không ngừng cảnh giác, cố gắng liên đới xã hội,
Thực hành kiểm soát dân số một cách văn minh,
Xây dựng một hạnh phúc quốc gia phẩm chất ngay trong cố gắng.”
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã là một tổ chức trình bày một cách dõng dạc và cụ thể nhất thế nào là một nền kinh tế nhân văn, hoặc lấy con người làm trung tâm. Và tất nhiên không có một điều nào mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề xuất có thể thực hiện được trên một bầu không khí ngột ngạt, một chính quyền vừa toàn trị về thái độ, vừa tối tăm về tri thức. Làm sao để vươn mình tiến tới Kỷ nguyên mới như phát biểu của tổng bí thư đảng Cộng sản Tô Lâm với sự gia tăng về hà khắc trong xã hội hiện tại, và một dân số bị tước đoạt các quyền tự do, quyền con người; một đất nước đã không được đầu tư vào tương lai, một thực trạng kinh tế chẳng nhân văn cũng chẳng lấy con người làm trung tâm như chính chế độ tuyên truyền.
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/01/chinh-tri-1.webp)
4. Kỷ nguyên vươn mình và Tinh giản bộ máy
Một trọng tâm của Kỷ nguyên vươn mình mà Tô Lâm bàn tới là nhu cầu tinh giản hóa bộ máy mà được Tổng bí thư Tô Lâm đề cập là một nhiệm vụ cấp thiết phải làm xong trong tháng 12/2024 và đi vào ổn định trước 25/2/2025 theo Nghị quyết 18-NQ/TW. Nhiều báo đăng rằng sẽ có hơn 100,000 công chức, viên chức sẽ bị tinh giản, một số liệu chế độ đưa ra hiện tại là 20% biên chế hưởng lương. Bên cạnh đó là việc tinh giản các đầu mối, bộ ngành, tái tổ chức lại chính quyền. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao một quyết định liên quan đến công ăn việc làm của biết bao nhiêu con người gắn bó với chế độ lại được thực hiện nhanh và chớp nhoáng như vậy? Lý do mà ông Tô Lâm đưa ra là ngân sách đã phải chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, nếu tăng lương thì sẽ lên tới 80-90% ngân sách, không thể còn ngân sách để làm các hoạt động khác.
Như vậy, Tổng bí thư Tô Lâm lại vô tình tố cáo một sự thực rằng những điều tôi đã kết luận trong bài viết này là chính quyền đã không có ưu tư, và đầu tư hay chuẩn bị gì cho tương lai, cơ sở hạ tầng dựa trên những thói quen và suy nghĩ của quần chúng Việt Nam là hoàn toàn chính xác! Toàn bộ ngân sách quốc gia dùng để chi cho một bộ máy đã không phấn đấu cho tương lai của Việt Nam, và thất thoát vào tham ô và lãng phí. Như vậy một chế độ đang cản trở cho một cố gắng tương lai chung có tư cách gì để mở ra một tương lai mới, hay theo ngôn ngữ của ông Tô Lâm là vươn mình đi vào kỷ nguyên mới? Tinh giản hóa trong một thời gian ngắn có thể làm tê liệt, gây rối loạn trong một bộ máy vốn đã nhiều vấn đề; và rất có thể có nhiều quan chức sẽ hối lộ cấp trên để được ở lại, và những phần làm việc thực tế bị cắt bỏ. Tinh giản bộ máy thực tế là một cuộc phẫu thuật nhộm nhoạm mang tính tự phát để cứu chữa một bộ máy không thể sửa chữa và gần như sẽ sớm đi vào thất bại.
Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đã trình bày vô cùng chi tiết về nguồn tài chính để phục hưng đất nước bao gồm Chấm dứt tình trạng tham nhũng mà thủ phạm lớn nhất là đảng Cộng Sản Việt Nam: Hiện nay hàng trăm ngàn người được trả lương chỉ để làm việc cho bộ máy của Đảng Cộng Sản. Hàng ngàn nhà và phòng ốc bị chiếm dụng trái phép làm trụ sở, văn phòng cho các chi bộ đảng. Cán bộ, đảng viên tham nhũng lợi dụng quyền thế biển thủ một phần quan trọng tổng sản lượng quốc gia. Trong tương lai khi Đảng Cộng Sản phải chấp nhận một chỗ đứng bình thường ngang hàng với các chính đảng khác, nhà nước sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách lớn, giải tỏa một nguồn nhân lực lớn và thu hồi một số tài sản lớn. Những nguồn tài trợ quan trọng nhất và càng ngày càng dồi dào hơn là do chính sự phát triển của kinh tế. Hiện nay rất nhiều ngành nghề bị tê liệt, rất nhiều tài năng bị triệt tiêu do bị cấm cản hay sách nhiễu. Trả lại tự do kinh doanh thực sự cho dân chúng với những bảo đảm của một chế độ dân chủ pháp trị chân chính là ta đã khai thông được nhiều sinh lực mới và có thể chờ đợi những đóng góp mới. Chính sách kinh tế đúng đắn và lương thiện này cũng sẽ có khả năng động viên nguồn tài chính còn lại trong nhân dân. Không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh mà chúng ta sẽ có nhờ giải tỏa và động viên sinh lực của một dân tộc gần 100 triệu người cần mẫn. Chúng ta có quyền chờ đợi những thành quả nhanh chóng và to lớn.
5. Dân chủ hóa đất nước là con đường duy nhất để mở ra Kỷ Nguyên mới
Sau một giai đoạn kéo dài của ông Nguyễn Phú Trọng với những phát biểu, và ngôn ngữ hoàn toàn tách rời thực tế. Khi mà đất nước đang ở trong một tình trạng vô cùng bi đát vì tụt hậu thì ông tự hào nói rằng “chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ như ngày hôm nay”. Chế độ cộng sản đã chấp nhận ngừng suy nghĩ và ngừng kết nối với thực tế để từ chối dân chủ hóa. Ông Tô Lâm và một tình thế khá cấp bách đã vô tình đưa chế độ trở lại việc suy nghĩ để tìm ra lời giải mà chế độ không hề có. Và một lý do giản dị là đảng cộng sản không thể dùng vũ lực để đàn áp thời gian, họ phải chuyển động theo dòng thời gian và lịch sử dù muốn hay không. Đúng là Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh để đi về vị trí vốn có của mình về mặt dân số, con người, và địa lý. Nhưng chúng ta đang đứng trước nguy cơ sẽ ngừng tăng trưởng và mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp nếu không có những cố gắng dân chủ hóa, hay một cuộc cải tổ toàn diện về thể chế chính trị và những chính sách lớn của quốc gia tương đương với một cuộc chuyển hóa lớn. nói giản dị là một xã hội, nền kinh tế bậc cao hơn cần những yếu tố, và triết lý chính trị, tổ chức xã hội tương xứng. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là một lời giải để đi vào cuộc chuyển hóa đó. Những điều kiện cũ đã giúp Việt Nam tăng trưởng đang dần biến mất, nhưng những điều kiện mới sẽ có khi chúng ta mở ra một Kỷ nguyên dân chủ hóa; chẳng hạn đầu tư sẽ trở lại một nước Việt Nam dân chủ, một nền kinh tế nội địa sẽ mở ra trước sự mở mang của tự do sáng tạo, và một đất nước mở rộng hơn về không gian và tài nguyên chất xám con người vì thực hiện tản quyền và Đa nguyên,…
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/01/dan-tuy-0-1-1024x710.jpg)
Thế giới đang bước vào một Kỷ nguyên công nghệ với sự nở rộ của AI, tự động hóa, Big Data, và những bước tiến lớn trong ngành công nghiệp năng lượng. Điều đáng nói là những công nghệ này đã chỉ tập trung ở các nước phát triển và được nắm giữ bởi một thiểu số. Nó sẽ gia tốc sự tụt hậu giữa các nước phát triển và đang phát triển. Việt Nam cần dân chủ hóa để hội nhập triệt để và được chia sẻ những bí quyết công nghệ và được yểm trợ trong tiến trình phát triển của dân tộc. Phong trào toàn cầu hóa xô bồ và vai trò của Hoa Kỳ như một lực lượng áp đảo về kinh tế và nhà lãnh đạo thế giới cũng dần bị xóa bỏ; khi đồng thuận Washington khép lại thì chỉ còn một đồng thuận duy nhất là đồng thuận dân chủ! Do vậy, chống lại dân chủ hóa là chống lại hội nhập và chấp nhận viễn cảnh tụt hậu vĩnh viễn. Mặt khác, thế giới cũng đi vào một thời kỳ mới mà thế Toàn Tân- Holocene, một trạng thái của Trái đất được mô tả là có một khí hậu, nhiệt độ, lượng mưa ổn định để văn minh loài người phát triển sẽ biến mất; để lại một trái đất với những thiên tai và bất ổn, và ở đó mọi sự thiếu chuẩn bị cho tương lai sẽ phải trả giá.
Đất nước Việt Nam đang trước một ngưỡng cửa “có thể thành công và thất bại” “half empty, half full”. Mà không dân chủ hóa đất nước có thể mở ra một thời kỳ vô cùng tăm tối cho đất nước và hỗn loạn và đưa Việt Nam đi vào nguy cơ bị giải thể. Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không có một lý do nào để thù ghét cá nhân trong đảng Cộng Sản Việt Nam, lý do giản dị chúng tôi đấu tranh là để vực dậy đất nước và cứu đất nước khỏi nguy cơ giải thể, hoặc tiêu vong. Do đó, đây là một thời điểm tất cả đảng viên cộng sản cần gạt bỏ những ngờ vực để nhìn vào sự thật và đặt đất nước lên trên quyền lợi ích kỷ cá nhân.
Mặt khác sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào nếu nó làm chậm tiến trình dân chủ hóa của đất nước. Cần phải khẳng định rằng những giải pháp ông Tô Lâm sẽ không đưa đất nước đi vào một Kỷ nguyên mới, được định nghĩa là một giai đoạn mới của lịch sử mới, với sự thay đổi toàn diện về suy nghĩ và cách tổ chức xã hội- chính trị. Ông Tô Lâm và bất cứ ai trong chế độ cộng sản cũng có thể trở thành một nạn nhân của sự tàn bạo mà chính nội bộ chế độ cộng sản tạo ra khi họ cho rằng Kỷ Nguyên mới đó sẽ gắn liền với sự lãnh đạo độc quyền của đảng cộng sản và phải được định hướng “chủ nghĩa xã hội”. Ngược lại họ đều có thể là tác nhân của lịch sử nếu trở thành đồng minh của một lực lượng mong muốn dân chủ hóa, đất nước trên một tinh thần đa nguyên và hòa giải dân tộc. Đây là một thời điểm để chúng ta cùng nhau cố gắng để Dân chủ đa nguyên và Hòa giải dân tộc trở thành nội dung của Kỷ nguyên mới, thay vì đi vào một thực trạng đen tối, một đoạn buồn của đất nước.
Chu Tuấn Anh