1. Thấy gì qua những phát biểu đầu năm của Tô Lâm và Lương Cường
Trong dịp giao thừa, chế độ đã lựa chọn Lương Cường là người đọc lời chúc tết đêm giao thừa theo nghi thức truyền thống của chế độ. Không biết vì ông Lương Cường bị hạn chế phát biểu hay không có gì để nói, nhưng đây là một bài diễn văn chỉ vỏn vẹn 3 phút và vô cùng khô khan. Ông nhắc lại việc Việt Nam đã đạt được 15/15 thành tích về kinh tế, đã gặt hái được nhiều thành tựu tự hào bất chấp “sóng to gió lớn” (mà không rõ là sóng gió nào). Tất nhiên thì những lời tán dương đó không cảm nhận được ở trên mâm cơm, cuộc sống mưu sinh chật vật của quần chúng Việt Nam. Nếu nhiệm vụ của người đứng đầu đất nước là đại diện cho sự đoàn kết, và tình cảm liên đới của mọi lớp người trong xã hội, thì hình như lời chúc tết của ông Lương Cường chỉ dành để chúc cho giới quan chức và doanh nhân chế độ. Nó không có bóng dáng của những người lao động, lớp người bình dân chiếm tuyệt đại đa số trên lãnh thổ Việt Nam này.
Ông nói về năm 2025 sẽ đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, là năm tăng tốc, bứt phá. Thế nhưng sự kiện gì, tăng tốc bứt phá thế nào và ở trên những địa hạt gì thì không ai biết. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thường quan niệm rằng các vấn đề chính trị phải trở thành những vấn đề được mọi người dân Việt Nam quan tâm, nó trở thành vấn đề trên bàn ăn, trong các cuộc nói chuyện gia đình của người Việt. Nhưng trước tiên để làm được điều đó thì phải có một bầu không khí cởi mở và khuyến khích mọi ý kiến được nêu ra. Nhưng có lẽ, trong một dịp sum vầy của người Việt, ông Lương Cường đã nói những điều xa vời, và hoàn toàn chẳng liên quan gì đến số phận của đại bộ phần quần chúng Việt Nam.
2. Hai phiên bản của “câu chuyện Việt Nam”
Ngày hôm sau thì ông lại phát biểu rằng “Câu chuyện Việt Nam được bạn bè quốc tế đón nhận, ngưỡng mộ”. Có lẽ là ông nói tới tốc độ tăng trưởng GDP cao trong suốt một thập kỷ qua của Việt Nam. Nhưng là một người trong chế độ, chắc ông cũng thừa hiểu tính thực tế của con số mà chế độ đưa ra và nội hàm tăng trưởng ở Việt Nam. Chắc chắn ngay cả chính chuyên gia của họ nói thành thực thì thực tế hiện tại đất nước chúng ta đang rất bi đát. Ngay cả World Bank, một ngân hàng phát triển không được quyền đưa ra những ý kiến chính trị, cũng cảnh báo mô hình phát triển của Việt Nam thiếu bền vững. Việt Nam đứng đầu trong danh sách các nước tốc độ phát thải cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (một dấu hiệu cho thấy môi trường sống của Việt Nam đang bị hủy hoại và có nguy cơ khi chưa thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp thì chi phí khắc phục và tổn hại do ô nhiễm gây ra sẽ lớn hơn nhiều những tăng trưởng đạt được), giáo dục bậc cao thuộc hạng thấp nhất trong khu vực, và là một nền kinh tế phục thuộc nghiêm trọng vào ngoại thương. Mà thực ra là những điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã từng phát biểu. Một phát hiện nữa của World Bank là Việt Nam là một trong những nước tham gia FTA nhiều nhất nhưng thực thi những hiệp định thương mại tự do không nhiều, mà nguyên nhân tôi đã từng giải thích gián tiếp trong một bài viết khi cho rằng lối ngoại giao “tự lực, tự chủ, tự cường” rỗng tuếch mà họ theo đuổi là một thứ chủ nghĩa đơn phương, kiên quyết chống lại dân chủ hóa khi mà dân chủ và nhân quyền đã trở thành quy ước sinh hoạt chung của thế giới đa phương. Nếu thực sự tự chủ, tự cường thì ông Lương Cường đã không phải vội vã đi sang Trung Quốc trước ngày nhậm chức chủ tịch nước.
Thực ra, xây dựng một câu chuyện, hay truyện thuyết cho Việt Nam, cũng chỉ là một điều Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã kêu gọi trong suốt những thời gian qua. Nhưng nội hàm của câu chuyện này phải là một dự án chính trị nghiêm túc, một thái độ lương thiện “Truyện thuyết đổi đời của họ sẽ phải là một tư tưởng chính trị lành mạnh và phong phú làm nền tảng cho một dự án chính trị vừa đúng vừa khả thi lại vừa có khả năng tranh thủ sự hưởng ứng nồng nhiệt của tất cả mọi người không phân biệt thành phần xã hội, địa phương và quá khứ chính trị.” – Trích “Truyện thuyết mới nào cho Việt Nam ? (Nguyễn Gia Kiểng)”. Dường như “câu chuyện Việt Nam” của ông Lương Cường là một câu chuyện ngụy biện mang tính tuyên giáo. Nó vô nghĩa và ngô nghê. Vì những gì giải thích ở trên, nó không thể gắn kết được mọi thành phần xã hội và quá khứ chính trị để mở ra một kỷ nguyên mới. Một câu chuyện Việt Nam ý nghĩa hơn là câu chuyện đã được trình bày trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
3. Ông Tô Lâm nhìn thấy trật tự thế giới nào ?
Còn trong một bài phát biểu của ông Tô Lâm mang tựa đề “Tổng Bí thư Tô Lâm trả lời phỏng vấn nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025: Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới” được đăng trên báo QĐND thì ông đưa ra một loạt những sáo ngữ và mục tiêu không hề thực tế cho chế độ. Ông thừa nhận rằng từ giờ đến năm 2030 sẽ là một giai đoạn quan trọng để xác lập “trật tự thế giới mới”. Nhưng không biết trật tự thế giới mới của ông Tô Lâm là gì khi ông đang chuẩn bị cho giai đoạn 100 năm ngày thành lập đảng và tiếp tục khẳng định đảng CSVN sẽ lãnh đạo đất nước một cách toàn diện và tuyệt đối.
Trong chương II của dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai – “Làn sóng dân chủ thứ tư và trật tự của thế giới mới” chúng tôi đã trình bày rằng đằng nào thì hiện nay đa số các quốc gia trên thế giới đã là quốc gia dân chủ, chỉ còn vài quốc gia còn công khai khẳng định chế độ độc đảng, những chế độ này sẽ bị quét sạch trước làn sóng dân chủ thứ tư và trật tự thế giới mới đang hoàn tất phải là trật tự dân chủ. “Đầu thế kỷ 20, hơn một thế kỷ sau làn sóng dân chủ đầu tiên, chỉ có khoảng mười nước dân chủ: Mỹ và một vài nước Tây và Bắc Âu. Đã thế, trừ Hoa Kỳ, các nước này cũng chưa hẳn là dân chủ bởi vì đồng thời cũng là những nước thực dân vi phạm nhân quyền ở các thuộc địa. Mặc dù những thăng trầm, bước vào thế kỷ 21 hai phần ba trong tổng số gần hai trăm quốc gia trên thế giới đã có dân chủ. Hiện nay, năm 2015, tỷ lệ này là hơn ba phần tư và trong số các nước bị coi là độc tài cũng chỉ có vài nước dám công khai khẳng định chế độ độc đảng. Cuộc hành trình của thế giới về dân chủ đang gia tốc, một trật tự thế giới mới đang hoàn tất.” Phát biểu của ông Tô Lâm thì nhiều phần bài bản và có văn vẻ hơn ông Lương Cường, nhưng nó cuối cùng cũng chỉ thể hiện sự đơn điệu, lạc long và thứ chủ nghĩa độc đoán, đơn phương đang được chế độ cố gắng duy trì.
4. Chọn trở thành “con tin” của chế độ cộng sản hay “con tin” của dân chủ
Nhưng điều gì khiến ông Tô Lâm, hay Lương Cường vẫn cố gắng bảo vệ chế độ này cho đến tận hôm nay? Dù họ là những người cấp tiến hay thủ cựu thì đó không phải những mẫu người có niềm tin hay lý tưởng vào chủ nghĩa cộng sản. Cả Tô Lâm và Lương Cường đang bị chế độ Cộng sản Việt Nam bắt làm con tin. Ông Nguyễn Phú Trọng đã qua đi và để lại một đảng cộng sản tham nhũng trầm trọng, chia rẽ, và gia tăng cướp bóc. Và có lẽ một bộ phận đảng viên và thành phần trong chế độ có lẽ đang mang trong mình một tâm lý hoảng loạn. Họ tỏ ra thủ cựu vì một phần cảm thấy mặc cảm vì đã gắn liền cả đời với một chế độ đã gây ra những tội ác với dân tộc Việt Nam, một phần họ cảm thấy tội lỗi đó lớn khiến cho một tương lai dân chủ cũng chưa chắc đảm bảo cho họ được chấp nhận trong dân tộc Việt Nam. Dù sao đó là một suy nghĩ sai lầm. Vì nếu Việt Nam dân chủ hóa với tinh thần hòa giải dân tộc và mọi người được cởi trói để tham gia vào quá trình xây dựng đất nước, cùng nhau đi vào một kỷ nguyên mới, nếu câu chuyện Dân chủ đa nguyên trở thành niềm tin của người dân Việt Nam, không có nghĩa lý gì chúng ta phải đặt nặng công tội quá khứ mà chậm trễ thời giờ của tương lai. Với tư cách là những người lãnh đạo hiện nay, ông Tô Lâm hay ông Lương Cường phải có trách nhiệm dẫn dắt quần chúng đảng viên đi về phía của lẽ phải sự thực, từ bỏ độc tài để chấp nhận dân chủ đa nguyên. Có lẽ họ đã quá tối tăm để thay vì là những người lãnh đạo một tập thể, dù là một tập thể tạm bợ tự biến mình thành con tin của tập thể đó.
Một người nữa cần phải nhắc đến là ông Phạm Minh Chính. Ông đã có thời gian tu nghiệp tại Romania và đã chứng kiến bi kịch xảy đến cho phe của Nicolae Ceaușescu. Lẽ ra ông phải có một thái độ rất chừng mực và khiêm tốn hơn vào lúc này, và có trách nhiệm phải cảnh giác cho đồng chí của mình về một nguy cơ có thể xảy đến. Nhưng thái độ bỗ bã, tự phụ của ông trong nhiều phát biểu gần đây khiến cho người ta nghi ngờ liệu ông Chính đã hành động một cách đúng đắn. Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cần hiểu rằng ở thời điểm này quyết định trở thành con tin của một chế độ hỗn loạn và thủ cựu là vô cùng tối tăm và tai hại. Lựa chọn đúng đắn duy nhất là trở thành “con tin của dân chủ”, nói ra những tiếng nói đúng để dẫn dặt một tập thể dù chỉ còn là tạm bợ và không thể kéo dài đi về phía sự thực và lẽ phải để mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Dân Chủ Đa Nguyên, nơi mà chắc chắn họ sẽ có một vị trí xứng đáng nếu họ phấn đấu vì nó!
Chu Tuấn Anh
(30/01/2025)