Hoa Kỳ và Việt Nam – Hai đại diện của chủ nghĩa đơn độc của nước lớn và nước nhỏ ! (Chu Tuấn Anh)

Chỉ trong một vài ngày ngắn ngủi, Hoa Kỳ lại trở lại hình ảnh một tay đồ tể bị thế giới khinh ghét, mà các quốc gia đó không phải là bè lũ độc tài, họ là những đồng minh của Mỹ : Đan Mạch/EU, Mexico, Canada, và Brazil. Trump không loại trừ khả năng sẽ đem quân đến chiếm Green Land (điều mà Trump không có thẩm quyền), hùng hổ đòi kênh đào Panama, gọi vịnh Mexico là Vịnh Hoa Kỳ, còng tay người nhập cư trái phép đem về Brazil. Ông ta nói về một nước Mỹ sẽ bành trướng, và tất nhiên người ta chỉ biết cười khẩy.

Một đoạn video trên X của RCN Radio cho thấy hình ảnh những người bị Mỹ trục xuất về Brazil bị đeo còng tay. Chính quyền Brazil đã lên án hành vi này là vô nhân đạo.

Nhưng giờ có một sự thực là nước Mỹ có thể áp đảo mọi nước khác với trọng lượng của họ, nhưng Hoa Kỳ không còn khả năng và đồng thuận để lãnh đạo thế giới. Khi Trump rút ra khỏi Thỏa thuận Paris, 24 bang Hoa Kỳ lập tức tuyên bố họ sẽ dùng thẩm quyền tiểu bang của họ để duy trì ở lại trong Hiệp Ước này. Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ khiến cho nhiều tiểu bang hoặc liên minh các tiểu bang cấp tiến, tìm một con đường đối ngoại riêng, thậm chí gia nhập những liên minh quốc tế và khu vực riêng mà ngay cả khi chính quyền Liên Bang không gia nhập. Có lẽ từ nay nếu chính quyền Liên Bang Mỹ lấy một quyết định đi ngược với thế giới thì còn có nguy cơ gây chia rẽ trong chính đất nước của mình. Hoa Kỳ là một nước lớn và trước nay đã đơn độc theo chủ nghĩa đơn phương. Nhưng có vẻ hiện nay Hoa Kỳ buộc phải chấp nhận đa phương dù muốn hay không. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi đối thoại với WEF về Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong cuộc trò chuyện với ông Phạm Minh Chính tại diễn đàn World Economic Forum, ông Chính nói rằng họ (chế độ) đã bàn với chính quyền Trump một số điều, một số điều thì họ còn đang thảo luận. Người phỏng vấn cũng tiết lộ rằng bà đã gặp một số người trong bộ máy của Trump và họ cho biết họ chưa quyết định áp thuế Việt Nam vì họ chưa rõ Việt Nam thân thiện với Mỹ hay Trung Quốc. Nhưng có một vấn đề khổng lồ mà hình như cả hai đều lảng tránh (an elephant in the room) là vấn đề Việt Nam buộc phải dân chủ. Thực ra việc từ chối dân chủ hóa cũng là một thứ chủ nghĩa đơn phương của nước nhỏ, vì ngày nay phần lớn diễn đàn đa phương và cộng đồng quốc tế đều coi dân chủ là những điều kiện căn bản. Việt Nam cũng không thể tiếp tục duy trì chủ nghĩa đơn phương của mình được, nhất là khi chúng ta là một nước nhỏ và phụ thuộc vào thế giới. Từ chối dân chủ hóa sẽ chỉ làm đất nước đi vào một giai đoạn tụt hậu, chia rẽ ngày càng trầm trọng (giữa số ít thủ cựu cố giữ quyền lực và tuyệt đại đa số cảm thấy cần phải tiến lên), và có thể sẽ dẫn đến bạo loạn. Họ (Phạm Minh Chính và người phỏng vấn) đã né tránh Việt Nam không thể duy trì “chủ nghĩa đơn phương” của mình trong một trật tự đa phương mà đồng thuận chính là dân chủ. Những gì họ thảo luận với Trump thực tế không đáng tin. Đằng nào từ lâu Hoa Kỳ cũng không còn một chính sách nhất quán tại châu Á – Thái Bình Dương, cụ thể là hiệp ước thương mại tự do TPP của Obama đã bị hủy bỏ dưới nhiệm kỳ đầu của Trump, rồi được Biden hồi sinh dưới cái tên IPEF, nhưng gây tranh cãi trong Quốc hội trong chính nhiệm kỳ của Biden, và chắc chắn sẽ chết yểu dưới nhiệm kỳ 2 của Trump. Thứ hai là Trump sẽ sớm bị cô lập trong nước Mỹ, và khả năng cao Trump sẽ đón thất bại sớm trong bầu cử giữa nhiệm kỳ khi mọi sự yếu kém dần lộ ra. Ngay cả Trump hứa sẽ nâng đỡ chế độ đó sẽ là một lời hứa tạm thời và không đáng tin. 

Một lựa chọn ổn định và chắc chắn nhất cho Việt Nam lúc này là lựa chọn kiên quyết tiến tới dân chủ hóa đất nước trên tinh thần đa nguyên và hòa giải dân tộc.

Chu Tuấn Anh

(27/01/2025)

About the author