Kiên quyết làm điện hạt nhân : Quá tối tăm và ngu muội (!?) (Chu Tuấn Anh)

Chúng ta đã chứng kiến Cambodia khởi công kênh đào Funan Techno vào năm ngoái. Dù không biết họ có thực hiện xong dự án này hay không nhưng ngay chính quyền Việt Nam cũng hiểu rõ tác hại của kênh đào này thế nào, nó gần như sẽ bức tử hệ sinh thái Nam phần Việt Nam bao gồm cả các hoạt động nông nghiệp. Nó nói lên một sự thực rất rõ ràng là đất nước Việt Nam phải NÓI KHÔNG với những dự án có thể thay đổi môi trường, hệ sinh thái của đất nước một cách vĩnh viễn hoặc có những rủi ro không thể đảo ngược được. 

Có một vài lý do để phản đối điện hạt nhân: 

(1) Chúng ta chưa thể hiểu hết rằng mực nước biển dâng và biến đổi khí hậu sẽ diễn ra như thế nào trong 50 năm tới, và những thảm họa thiên nhiên nào sẽ đến. Việc tồn tại điện hạt nhân trên đất nước Việt Nam sẽ đặt đất nước vào những thảm họa cực lớn. Vào năm 2023, Đức đã phải đóng toàn bộ nhà máy hạt nhân của mình. Còn Nhật Bản, nước đã từng sản xuất hơn 30% điện hạt nhân, sau sự cố năm 2011 đã gần như đóng cửa không thời hạn các lò phản ứng, và giờ điện hạt nhân của họ ở mức không đáng kể. Như vậy chế độ Cộng sản Việt Nam (CSVN) với mọi sự cẩu thả lấy tự tin nào để nghĩ rằng chúng ta có thể an toàn khi xây dựng hai nhà máy hạt nhân trên đất nước? 

(2) Đất nước Việt Nam có một diện tích và quỹ đất rất hạn hẹp. Chúng ta phải hạn chế một cách TUYỆT ĐỐI sử dụng quỹ đất cho những chất thải có chu kỳ phân hủy gần như là vĩnh viễn, nhất là chất thải hạt nhân. Trong thời kỳ phát triển công nghiệp ồ ạt sau khi gia nhập WTO, người dân chúng ta đã chứng kiến cảnh những chất thải không rõ nguồn gốc được đi chôn lấp bừa bãi; và dưới tầng đất mặt, chúng ta không rõ đất và nguồn nước đã bị ô nhiễm như nào. Tất nhiên, việc chôn lấp chất thải hạt nhân không thể làm bừa bãi, và sẽ phải có những hầm xây cất theo tiêu chuẩn riêng, nhưng nó sẽ để lại những chất thải vĩnh viễn trong lòng đất. Với một quỹ đất hạn hẹp, chúng ta không thể chấp nhận điều này. Cố gắng của chúng ta phải là phục hồi – tái tạo lại tự nhiên. Chu kỳ sinh học trong hệ sinh thái phải được diễn ra theo chu kỳ tự nhiên. Trong mọi dự án chúng ta xây dựng, chất thải phải có một vòng đời và quy trình xử lý rõ ràng và chấp nhận được. Chúng ta KHÔNG THỂ chấp nhận bất cứ một rủi ro nào cho môi trường. 

(3) Điện hạt nhân giờ đã đắt hơn điện nắng và gió. Về tính ổn định, có thể dùng khi gas tự nhiên như một loại khí chuyển tiếp và nâng cao hiệu quả trong vận hành nhà trạm và đường truyền tải. Nhưng sau dần thì với đà phát triển của công nghệ điện phân khí hydrogen, hoặc những công nghệ tiềm năng khác, thế giới cũng có thể loại bỏ luôn khí đốt tự nhiên – nguồn năng lượng chuyển tiếp trung gian. Tất cả loại nhà máy điện hiện nay đều có thể gỡ bỏ dễ dàng, nhưng hầu như không có một giải pháp nào để gỡ bỏ nhà máy điện hạt nhân ngoài việc giữ hiện trạng ngừng hoạt động vô thời hạn. Đó sẽ là một rủi ro vĩnh viễn cho đất nước! 

Chính quyền cũng không thể lý luận rằng người dân ủng hộ điện hạt nhân. Người dân đâu có hiểu về tác động của một dự án. Họ đâu có thể đọc những văn bản kỹ thuật và đánh giá tác động? Họ chỉ biết bất mãn khi nhìn thấy một sự sai trái rất cụ thể. Chế độ đang đặt đất nước trong một tai họa hạt nhân không nên có. Không có gì có thể mô tả hết được sự tối tăm và thiển cận của những người lãnh đạo chế độ CSVN.

Chu Tuấn Anh

(04/02/2025)

About the author