Kỷ nguyên kinh tế cẩu thả và hoang dại (Chu Tuấn Anh)

Phạm Minh Chính và Tô Lâm
Ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính đang mang trở lại lối làm kinh tế cẩu thả và hoang dại kiểu Nguyễn Tấn Dũng?

Năm 2025 sẽ là một năm bản lề của một kỷ nguyên mới cho thế giới và đất nước. Dù vậy, chế độ Cộng sản Việt Nam (CSVN) vẫn ngoan cố từ chối dân chủ hoá đất nước. Nhưng không dân chủ hoá thì họ còn lựa chọn nào? Cả Tô Lâm và Phạm Minh Chính đang hô hào cho một loạt các chính sách kinh tế mang tính tạm bợ, cẩu thả đến mức hoang dại giống hệt như những gì ông Nguyễn Tấn Dũng đã muốn thực hiện. Khi tuyên bố mở ra một kỷ nguyên mới, họ đã thu hút được một lượng quần chúng, phần lớn là các nhân sĩ, ủng hộ mình vì thực ra đổi mới là tâm tư của đại đa số quần chúng Việt Nam. Nhưng nếu họ thành công thì kỷ nguyên mới chưa kịp mở ra đã vụt tắt. Những điều này cũng đã được ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN), phân tích trong cuộc phỏng vấn gần nhất với kênh Người Việt Chanel

Một số biện pháp kinh tế sẽ được chế độ theo đuổi có thể kể đến như sau:

1. Lạm dụng đầu tư công để tăng trưởng kinh tế giả tạo đang vắt kiệt ngân sách từ trung ương đến địa phương và gây ra nợ nần cho thế hệ tương lai. Họ cũng đang rục rịch đem kỹ nghệ đường sắt của Trung Quốc về xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam mà không hiểu rõ rằng tập đoàn đường sắt Trung Quốc đang rơi vào tình trạng phá sản; và nếu dự án này được thực hiện, nó sẽ có một số phận rất bấp bênh.

2. Phát triển điện hạt nhân: họ đang đem đến cho đất nước một mối nguy mới, vì sự tồn tại của điện hạt nhân trong một đất nước có nhiều rủi ro trước thiên tai và điều kiện khí hậu cực đoan sẽ đặt hàng chục triệu người Việt trong tình trạng mất an toàn. Một sự cố hạt nhân có thể chia cắt đất nước về địa lý; và toàn bộ môi sinh đường bờ biển sẽ bị hủy hoại. Tệ hơn, rất có thể họ sẽ nhập về công nghệ điện hạt nhân của Nga, một quốc gia đang có một tương lai rất bất định.

3. Phát triển và khai thác đất hiếm: Việt Nam không có một điều kiện thích hợp để khai thác chất bán dẫn. Chúng ta có mật độ chất bán dẫn không cao trong đất, địa hình đồi núi và đồng bằng rất ít, và những cánh rừng hầu như đã bị tàn phá: khai thác đất hiếm bao gồm phá rừng và đào bới những quả đồi sẽ khiến cho toàn bộ môi sinh của các vùng miền núi, cao nguyên, trung du Việt Nam bị hủy hoại. Một cơn bão như Yagi vào những năm tới sẽ gây ra nhiều tổn thương và đẩy quần chúng vào cảnh cùng cực hơn.

4. Vẫn kiên trì nền kinh tế dựa trên FDI và ngoại thương. Nguồn vốn FDI của Việt Nam đang gặp những thách thức lớn vì chúng ta thấy rõ trong giai đoạn hậu Covid các nhà đầu tư đã chọn Indonesia, Ấn Độ, Brazil hơn là Việt Nam; các nhà đầu tư truyền thống như Samsung đang bước vào giai đoạn tinh giản và thu nhỏ quy mô sản xuất. Về thương mại, họ cũng đang gặp khó khăn khi thế giới đang định hình lại toàn cầu hoá và cuộc thương chiến của chính quyền Donald Trump. Rất có thể Mỹ sẽ đánh thuế quan Việt Nam. Sự lệ thuộc vào ngoại thương một cách quá đáng sẽ khiến kinh tế Việt Nam sụp đổ trước những biến cố và dịch chuyển của kinh tế thế giới. 

Những chính sách ở trên của họ nếu thực hiện sẽ đem đến tình trạng kiệt quệ về môi trường và nguồn lực của đất nước, và hậu quả là đất nước sẽ không vực dậy được. Ông Tô Lâm và Phạm Minh Chính cần được nhận diện như những thầy lang băm chứ không phải những tiếng nói cải tổ trong đảng. Bằng chứng lớn nhất không thể chối cãi là ông Tô Lâm đã biến đảng và nhà nước thành một chế độ công an trị và Hưng Yên hoá bộ máy cầm quyền trong đảng. Xã hội dân sự đang bị bóp nghẹt hơn, và một tập thể khác thân Tô Lâm lên cầm quyền thay vì mở rộng cho mọi tiếng nói. Họ không đại diện cho những điều đất nước cần: dân chủ, đa nguyên trên tinh thần hòa giải dân tộc và những chính sách hợp lý, hài hoà, những đầu tư cần thiết vào tương lai đất nước. Kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ đa nguyên chứ không thể là cái bánh vẽ của Tô Lâm và Phạm Minh Chính.

Chu Tuấn Anh

(09/02/2025)

About the author