Làm thế nào để xây dựng ra tập hợp dân chủ đó? Lịch sử của các nước, các thời cũng đã chứng tỏ rằng mọi cuộc đấu tranh cách mạng muốn thành công đều phải qua năm giai đoạn rõ rệt. Cuộc vận động dân chủ, tuy bao dung về tinh thần và bất bạo động trong phương pháp, cũng vẫn là một cuộc đấu tranh cách mạng bởi vì nó nhằm thay đổi cả chế độ chính trị lẫn tổ chức xã hội. Như thế chúng ta cũng phải qua lộ trình năm giai đoạn đó, một lộ trình dài và khó khăn đòi hỏi những cố gắng bền bỉ trong nhiều năm.
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/02/5-giai-doan-2-1024x932.webp)
2.1. Xây dựng một cơ sở tư tưởng
Cơ sở tư tưởng của một kết hợp chính trị, ngoài những giá trị được tâm đắc và tôn vinh, gồm một dự án chính trị, những lý luận bảo vệ cho những chọn lựa trong dự án, và một đồng thuận trong chiến lược đấu tranh. Dự án đó phải là một tổng hợp công phu giữa một nhận định nghiêm túc về bối cảnh đất nước và những tư tưởng đúng đắn nhất của thời đại. Một phong trào chính trị muốn thành công cần được xây dựng trên một cơ sở tư tưởng mạnh. Cơ sở tư tưởng phải là một lý tưởng đủ đẹp và đủ tính khả thi để vừa gắn bó mọi chí hữu với nhau vừa tranh thủ được sự yểm trợ cho phong trào. Giai đoạn xây dựng cơ sở tư tưởng có thể coi là tạm hoàn tất khi đã có dự án chính trị được thành phần có trí tuệ nhất của đất nước đánh giá là nghiêm túc và khả thi.
2.2. Xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt
Tranh thủ sự ủng hộ cho dự án chính trị, tổ chức nhân lực và phương tiện để đưa cuộc đấu tranh tới thành công là công việc của đội ngũ cán bộ nòng cốt. Trong cuộc vận động dân chủ hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn lớn là những người có khả năng chính trị vừa ít vừa phân tán. Cố gắng chính như vậy phải là, một mặt, bằng mọi cách quy tụ những phần tử quý hiếm đó và, mặt khác, cố gắng đào tạo ra những cán bộ nòng cốt mới. Công việc này tuy rất khó nhưng không thể né tránh bởi vì cuộc đấu tranh chính trị nào xét cho cùng cũng vẫn là cuộc đọ sức giữa những đội ngũ cán bộ. Một tổ chức chính trị luôn luôn phải tôn trọng một tỷ lệ nào đó giữa đội ngũ cán bộ nòng cốt và tổng số thành viên. Sức khỏe cần hơn sức vóc. Phẩm chất cần hơn số lượng. Trong thời đại hiện nay, khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại cho phép một nhóm nhỏ quan hệ trực tiếp và thường xuyên với quần chúng, vai trò của đội ngũ cán bộ nòng cốt lại càng quan trọng.
2.3. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện
Cuộc đấu tranh nào muốn thành công cũng cần những phương tiện. Phương tiện không phải chỉ là phương tiện vật chất. Phương tiện có thể là của tổ chức, do các thành viên và cảm tình viên đóng góp, cũng có thể là của các tổ chức đồng minh, và cũng có thể là khả năng vận động những sự yểm trợ của các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do báo chí, các nhân vật có uy tín trong một bối cảnh nào đó. Các phương tiện có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức và đến từ nhiều nguồn khác nhau. Điều quan trọng là phải tiên liệu được và hoạch định được sự sẵn sàng của chúng. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện là điều tối quan trọng bởi vì trong đấu tranh chính trị hoặc phải có các phương tiện cần thiết cho đường lối của mình, hoặc sẽ phải không nhiều thì ít thực hiện đường lối của kẻ cung cấp phương tiện.
2.4. Xây dựng cơ sở quần chúng
Cơ sở quần chúng cần được hiểu trước hết là tập thể thành viên ngoài đội ngũ cán bộ nòng cốt. Sự kiện một thành viên thuộc vào đội ngũ nòng cốt hay cơ sở có thể là do trình độ chính trị nhưng cũng có thể vì những lý do khác: sức khỏe, thời giờ có thể dành cho cuộc tranh đấu, hoàn cảnh gia đình và cá nhân ở một thời điểm. Cơ sở quần chúng cũng là những tập thể các thân hữu, đặc biệt là các thân hữu có uy tín. Sau cùng, cơ sở quần chúng cũng là vốn cảm tình mà tổ chức đã tranh thủ được. Cố gắng xây dựng cơ sở quần chúng chủ yếu là một cố gắng tuyên truyền nhằm hai mục tiêu: một là thuyết phục quần chúng về sự cần thiết phải đóng góp vào một giải pháp chung cho đất nước chứ mỗi người không thể tự giải quyết các vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân; hai là tranh thủ sự đồng tình của quần chúng đối với tổ chức. Cơ sở quần chúng có thể coi là khả quan khi đã đủ mạnh để làm đai truyền giữa tổ chức và nhân dân tại các thành phố lớn.
2.5. Tiến công giành chính quyền
Chỉ sau khi bốn giai đoạn trên đã được thực hiện, nghĩa là tổ chức đã đủ mạnh, mới có thể nghĩ đến việc tiến công giành chính quyền và phương pháp để giành chính quyền mới có thể được quyết định. Trong thực tế những người dân chủ Việt Nam phải dứt khoát loại bỏ giải pháp vũ trang ngay từ đầu vì giành chính quyền bằng bạo lực đòi hỏi phát động nội chiến điều mà mọi người Việt Nam phải dứt khoát lên án. Không gì tàn phá một quốc gia bằng nội chiến và không ai có quyền nhân danh bất cứ gì để phát động nội chiến. Thế giới văn minh đã từ bỏ bạo lực như một phương tiện đấu tranh chính trị, dân tộc Việt Nam sau những kinh nghiệm đau đớn của giai đoạn nội chiến vừa qua lại càng phải từ khước bạo lực một cách dứt khoát hơn. Chiến lược của những người dân chủ Việt Nam là diễn tiến hòa bình. Chiến lược đó có nghĩa là thắng lợi của dân chủ sẽ đến do áp lực từ xã hội. Áp lực này thể hiện chủ yếu qua hai hình thức; một là sự thay đổi cách suy nghĩ và hành động của người dân đặt chế độ vào thế việt vị lố bịch, ngôn ngữ chính thức của chính quyền trở thành trò cười, các cấp lãnh đạo xấu hổ vì chức vụ của họ; hai là quần chúng dần dần trút bỏ được sự sợ hãi và ngày càng có thể được động viên để tham gia những cuộc biểu tình lớn; tới một điểm nào đó chính quyền sẽ bị đặt trước chọn lựa hoặc nhượng bộ hoặc sẽ bị lật đổ vì quần chúng đứng dậy. Dĩ nhiên chúng ta mong muốn kịch bản chính quyền cộng sản nhượng bộ và tham gia vào tiến trình dân chủ hóa.
Nhưng làm thế nào để động viên quần chúng. Mọi nghiên cứu và kinh nghiêm đều cho thấy một quần chúng dù bất mãn tới đâu cũng chỉ nổi dậy đấu tranh nếu có đủ ba điều kiện:
Một là: mọi người cảm thấy gắn bó trong một số phận chung và chỉ có thể có lối thoát chung chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm giải pháp cá nhân; mặt khác mọi người đồng ý rằng thảm kịch chung đến từ một tập thể được nhận diện rõ rệt. Nói cách khác phải có ý thức về hai tập thể rõ rệt, một “tập thể ta” nạn nhân của một “tập thể địch”. Trong trường hợp Việt Nam điều kiện này có nghĩa là quần chúng Việt Nam ý thức rằng Đảng Cộng Sản là nguyên nhân của tình trạng tệ hại hiện nay và chỉ có thể có giải pháp chung cho cả đất nước chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm một giải pháp cá nhân.
Hai là: có một tổ chức để động viên và lãnh đạo quần chúng; vai trò cốt lõi của tổ chức là để giữ nguyên khí thế đấu tranh, tránh những sai lầm gây chán nản. Quần chúng không kiên nhẫn. Cố gắng động viên quần chúng sẽ thất bại nếu có những tổ chức khác nhau đưa ra những lời kêu gọi khác nhau, hay nếu có chia rẽ trong tổ chức lãnh đạo.
Ba là: tổ chức lãnh đạo phải đủ mạnh để quần chúng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi. Quần chúng không lãng mạn.
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/02/3-dieu-kien-van-dong-quan-chung-1024x582.webp)
Trong vài năm qua đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn hay phản kháng chính quyền cướp đoạt đất đai. Tất cả những cuộc biểu tình này, nếu mục tiêu là thay đổi chế độ, đều còn ở rất dưới mức độ cần thiết, ngay cả để đạt một kết quả tương đối, vì chúng đều sai tiến trình. Vận động quần chúng chỉ có thể là giai đoạn cuối cùng trong năm giai đoạn kể trên. Hơn nữa những cuộc biểu tình này cũng không có được một điều kiện nào trong ba điều kiện cần có để động viên quần chúng.
Năm giai đoạn phải đi theo thứ tự nhưng không nhất thiết là giai đoạn trước phải hoàn tất giai đoạn kế tiếp mới bắt đầu. Các giai đoạn gối đầu lên nhau. Tiến trình năm giai đoạn là một công thức hướng dẫn hành động, nó là một điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ. Đi sai tiến trình này thì chắc chắn thất bại nhưng theo đúng tiến trình chưa chắc đã thành công. Sự thành công còn tùy thuộc nhiều yếu tố định lượng: cơ sở tư tưởng được hưởng ứng đến mức độ nào, cán bộ nhiều hay ít và khả năng thế nào, phương tiện dồi dào tới mức nào.
Một nhận xét rất quan trọng là hai giai đoạn đầu, xây dựng một cơ sở tư tưởng và hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, chiếm gần hết thời giờ và công lao của một cuộc cách mạng. Phải vài thập niên mới có nổi một cơ sử tư tưởng đúng đắn, lành mạnh, được quần chúng chia sẻ và một đội ngũ cán bộ chừng vài trăm người với vài chục người là những cán bộ thực sự nòng cốt, nắm vững cơ sở tư tưởng, có bản lãnh, có quyết tâm, có kỹ thuật và kỷ luật đấu tranh.
Nhưng một khi hai yếu tố này đã có, tổ chức có thể dựa vào một vận hội lịch sử mà phát triển rất nhanh chóng và giành được thế chủ động trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng.
Nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là cuộc vận động dân chủ hiện nay mới chỉ ở giữa giai đoạn thứ nhất và bước đầu của giai đoạn thứ hai. Nhưng không phải vì thế mà có thể kết luận bi quan rằng thắng lợi của dân chủ còn xa.
Trích : Khai sáng kỷ nguyên thứ hai (Chương VII: Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên, Mục 2)
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên – THDCĐN
(Rally for Democracy and Pluralism – RDP)
Các ngôn ngữ khác
- Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (tiếng Trung Hoa : 第二纪元的启蒙书)
- Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (tiếng Anh : Open the Second Era)
Mua sách trên Amazon:
- Tại Mỹ (12 USD) : amazon.com
- Tại Pháp (11,69 €) : amazon.fr
- Tại Anh (7,94£) : amazon.co.uk
- Tại Đức (11,85 €) : amazon.de