Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam: Thực hành một chính sách kiểm soát dân số văn minh

bùng nổ dân số

Chúng ta hiện đã có một dân số gần 100 triệu dân, đứng hàng thứ 13 trên thế giới, với một diện tích rất hẹp, 330.000 cây số vuông. Đã thế tỷ lệ đất đai thực sự canh tác và sinh sống được của ta lại rất thấp, chỉ ở mức một phần ba. Trong khi đó dân số của ta tiếp tục gia tăng hơn một triệu người mỗi năm. Mặt khác khả năng kinh tế và mức độ chuyển hóa về công nghiệp và dịch vụ của ta chưa cho phép dự trù những đầu tư lớn vào việc mở rộng vùng đất sinh hoạt. Đà gia tăng dân số dù đã giảm trong những năm gần đây vẫn còn một vấn đề lớn đòi hỏi một cách nhìn thông suốt. Một mặt dân số tuy vẫn gia tăng một cách đáng kể nhưng tỷ lệ gia tăng dân số không thể giảm một cách đột ngột mà không tạo ra trong một tương lai gần một gánh nặng kinh tế do sự đảo ngược tỷ lệ trẻ – già. Mặt khác cho tới nay sự sút giảm của đà gia tăng dân số đã chủ yếu đạt được với giá đắt là khiến chúng ta trở thành một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, với những hậu quả tai hại về tâm lý và xã hội.

Kinh nghiệm của các chính quyền cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cho thấy là một chính sách hạn chế sinh đẻ quả quyết đến độ dã man chỉ làm xuống cấp con người chứ không làm giảm dân số. Vấn đề cần được giải quyết ở tận gốc rễ văn hóa và nhân sinh quan của nó. Trong giáo dục học đường và đại chúng cần phổ biến các kiến thức về ngừa thai và bình thường hóa quan hệ nam nữ, cần tách rời việc lập gia đình và có con cái với việc thỏa mãn nhu cầu sinh lý.

Sinh đẻ nhiều cũng do hai nguyên nhân khác mà ta cần khắc phục, đó là trình độ văn hóa và vai trò xã hội kém của phụ nữ, và sự lo âu của tuổi già. Nâng cao trình độ văn hóa của phụ nữ và hội nhập một cách tích cực phụ nữ vào sinh hoạt kinh tế xã hội là một đầu tư cần thiết để chặn đà gia tăng dân số. Mọi kinh nghiệm trên thế giới đều chứng tỏ rằng càng có trình độ văn hóa cao, càng tham gia tích cực vào sinh hoạt kinh tế, phụ nữ càng có khuynh hướng tự hạn chế sinh đẻ. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng bảo đảm một lợi tức tối thiểu cho người già, một bắt buộc của mọi xã hội văn minh, sẽ hạn chế được một cách đáng kể đà gia tăng dân số vì con đông trước hết là một đảm bảo cho tuổi già ở các nước thiếu an sinh xã hội. Phải săn sóc người già nếu không muốn phải tiếp nhận thêm quá nhiều trẻ thơ mà chúng ta không có khả năng nuôi dưỡng và giáo dục. Chính sách này sẽ tạo một tâm lý an toàn và chắc chắn sẽ làm giảm mức sinh đẻ, nhất là với niềm tin là lợi tức bảo đảm cho tuổi già sẽ càng ngày càng tăng với phát triển kinh tế.

Sau cùng chúng ta cũng có quyền tin tưởng là đà gia tăng dân số sẽ giảm xuống trong một xã hội văn minh không trọng nam khinh nữ đến độ phải đẻ cho đến khi có con trai, một xã hội có thông tin đầy đủ và có cơ hội thăng tiến cho mọi người. Một khi có đủ lạc quan để lập kế hoạch cho tương lai mình, các cặp vợ chồng sẽ tự nhiên nhận thấy họ phải hạn chế số con cái.

Trích : Khai sáng kỷ nguyên thứ hai (Chương V: Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, Mục 11: Thực hành một chính sách kiểm soát dân số văn minh) 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên – THDCĐN

(Rally for Democracy and Pluralism – RDP)


Tải toàn bản tại đây


Các ngôn ngữ khác


Mua sách trên Amazon:

About the author