
Đất nước ta tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một đất nước mới. Miền Trung mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18. Nước ta đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai và chủng tộc. Tuy vậy tổ chức của ta lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Lịch sử của ta là lịch sử của người Kinh. Văn hóa của ta là văn hóa của người Kinh. Các quan niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và chủ yếu nhắm phục vụ cho người Kinh. Có lẽ là quá trình mở nước và giữ nước khó khăn của ta đã không cho ta thời giờ và phương tiện để suy nghĩ một cách nghiêm túc về một chính sách cộng đồng, nhưng phải nói thực là chúng ta rất thiếu sót về điểm này. Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu của mình, nếu cần bằng bạo lực. Tình trạng này nếu không được nhận định rõ rệt để kịp thời có chính sách thỏa đáng có thể dẫn tới những hậu quả rất tai hại, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới. Nhiều quốc gia đang và sẽ còn phải khốn đốn vì những cuộc nổi dậy cuồng nhiệt của các sắc tộc ít người vùng lên đòi bản thể. Nếu chúng ta không cảnh giác để cho tình trạng này xảy ra thì hai vùng rộng lớn của đất nước là miền núi phía Bắc và miền Cao Nguyên Trung Phần có thể trở thành bất ổn và không phát triển được.
Các cộng đồng đều phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn trước luật pháp cũng như trong tình cảm dân tộc.
Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn ý đồ đồng nhất hóa để mưu tìm đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung.
Ngày nay người Kinh đã chiếm đa số trên khắp lãnh thổ, giải pháp thành lập những vùng tự trị cho các sắc tộc không còn khả thi nữa, nhưng tản quyền sẽ cho phép các sắc tộc có tiếng nói đáng kể trong các chính quyền địa phương. Văn hóa, ngôn ngữ của các sắc tộc ít người phải được coi là thành phần của văn hóa Việt Nam mà nhà nước có nhiệm vụ gìn giữ. Lịch sử Việt Nam cũng phải được xét lại và được coi như lịch sử của các sắc dân đã hợp lại để tạo thành đất nước Việt Nam.
Tinh thần tôn trọng các cộng đồng cũng phải được mở rộng ra tới các cộng đồng tôn giáo, các cộng đồng tư tưởng, các cộng đồng nghề nghiệp và các cộng đồng không thành hình thái do nếp sống khác nhau của từng địa phương mà có. Các cộng đồng này phải được đảm bảo chỗ đứng và tiếng nói trong sinh hoạt quốc gia.
Kể từ ngày 30/04/1975 chúng ta lại có thêm một cộng đồng quan trọng mới : cộng đồng người Việt hải ngoại. Những người Việt Nam này đã phải bỏ nước ra đi vì không thể chịu đựng những biện pháp hạ nhục, trù dập và phân biệt đối xử. Đất nước Việt Nam phải mở rộng vòng tay và tấm lòng đối với họ. Họ phải được nhìn nhận quyền công dân tức khắc và trọn vẹn, cho họ cũng như cho con cái sinh ra tại nước ngoài.
Sự hình thành của cộng đồng Việt Nam hải ngoại là một yếu tố rất mới và một may mắn lớn cho đất nước. Nhờ cộng đồng này người Việt Nam đã làm quen được với mọi nếp sống và mọi nền văn minh, đã thử nghiệm mọi khuôn mẫu tổ chức xã hội, đã len lỏi vào mọi bộ môn khoa học kỹ thuật. Cộng đồng này, một khi nối lại được quan hệ bình thường với đất nước, sẽ là một bảo đảm rằng Việt Nam sẽ là một nước cởi mở, sẽ rũ bỏ được mọi cố chấp và thành kiến, sẽ vĩnh viễn ra khỏi ngõ cụt cố chấp. Cộng đồng này tuy chưa đông đảo và còn cần được tăng cường nhưng có tiềm năng đóng góp lớn cho đất nước. Người Việt hải ngoại sẽ là những đầu cầu khoa học, kỹ thuật, văn hóa, thương mại vô cùng quí báu mà nhà nước Việt Nam không có phương tiện để tạo ra. Kinh nghiệm cho thấy rằng các quốc gia phát triển mau chóng trong những năm gần đây đều đã nhờ sự đóng góp của một cộng đồng hải ngoại hùng mạnh. Bất cứ một nhà nước Việt Nam khôn ngoan nào cũng phải khuyến khích liên lạc giữa trong và ngoài nước, nhìn nhận một thực thể Việt Nam Hải Ngoại và tìm mọi sáng kiến để cộng đồng Việt Nam hải ngoại ngày một lớn hơn, mạnh hơn.
Trích : Khai sáng kỷ nguyên thứ hai (Chương V: Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, Mục 4: Xác định Việt Nam là đất nước xây dựng trên các cộng đồng)
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên – THDCĐN
(Rally for Democracy and Pluralism – RDP)
Các ngôn ngữ khác
- Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (tiếng Trung Hoa : 第二纪元的启蒙书)
- Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (tiếng Anh : Open the Second Era)
Mua sách trên Amazon:
- Tại Mỹ (12 USD) : amazon.com
- Tại Pháp (11,69 €) : amazon.fr
- Tại Anh (7,94£) : amazon.co.uk
- Tại Đức (11,85 €) : amazon.de