Phát Triển Khoa Học – Kỹ Thuật Cần Một Tinh Thần Và Một Thể Chế Dân Chủ (Chu Tuấn Anh)

[…] chúng ta chưa bao giờ đặt một lập trường dân chủ cho những định hướng phát triển khoa học kỹ thuật. Phát triển kỹ thuật cần một câu chuyện về dân chủ, phát triển quốc gia, cùng những triết lý và định hướng đúng đắn. Dù sao, chúng ta cũng sắp chấm dứt sự phát triển khoa học, kỹ thuật một cách xô bồ; độc quyền bởi Hoa Kỳ và thiếu tổ chức. Mọi quốc gia phải chuẩn bị về thể chế và cố gắng dân chủ hóa để tiếp tục phát triển trong một trật tự thế giới mới. […]

Tin giả

Dẫn nhập về đổi mới khoa học kỹ thuật trong một kỷ nguyên mới

Tôi viết bài này với mong muốn đóng góp một phần khiêm tốn vào kỷ nguyên mới, nơi các cuộc cạnh tranh về khoa học và công nghệ ngày càng gia tăng theo thời gian. Nhiều chuyên gia nhận định rằng nếu một quốc gia không thể bắt kịp những thành tựu khoa học và công nghệ, họ sẽ tụt hậu ít nhất 10 năm. Tuy nhiên, việc bắt kịp khoa học – công nghệ chưa bao giờ chỉ đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật hay kỹ trị, mà đó còn là một vấn đề mang tính thể chế. Chỉ những quốc gia thực sự có sự chuẩn bị mới có thể thích nghi với xu hướng này, trong khi những quốc gia chậm trễ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và là người lãnh đạo chế độ hiện nay, cũng nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới khoa học – kỹ thuật. Ông đã tự phong mình là Trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phát Triển Khoa Học – Công Nghệ Và Chuyển Đổi Số. Ông từng tuyên bố rằng: “Khoa học – công nghệ là con đường duy nhất đưa đất nước phát triển.”

Tuy nhiên, tôi cho rằng ông Tô Lâm không có đủ kiến thức và hiểu biết về kỹ thuật để đảm nhận vai trò này. Các vấn đề kỹ thuật ngày càng trở nên phức tạp và cần được giao cho tập thể các nhà khoa học. Nếu ông Tô Lâm thực sự muốn đóng góp, điều quan trọng nhất ông có thể làm là thừa nhận rằng thời đại khoa học – kỹ thuật không dành cho một nền lãnh đạo toàn trị, độc đoán. Thay vào đó, đất nước cần một thể chế cởi mở nhất có thể để thúc đẩy sự phát triển.

Một trong những định hướng mà chế độ đã ban hành là Nghị quyết 57-NQ/TW, với tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, với quy mô kinh tế số chiếm tối thiểu 50% GDP. Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghệ số của khu vực và thế giới, thuộc nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, có tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm với các nước tiên tiến, đồng thời thu hút 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tầm nhìn năm 2045 này có vẻ không gì hơn ngoài một loạt khẩu hiệu xa rời thực tiễn của lãnh đạo chế độ, nếu nó không đi kèm với những thay đổi về thể chế và triết lý lãnh đạo bắt buộc – trong đó có dân chủ hóa.

Vấn đề vai trò độc quyền của Hoa Kỳ về phát triển Khoa học Kỹ thuật

Để mở đầu bài viết này, có một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận: Hoa Kỳ nắm giữ một vai trò gần như độc quyền và áp đảo trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ trên thế giới. Chúng ta cũng bàng hoàng khi nhận ra rằng, trong một giai đoạn mất cảnh giác, phần lớn thế giới (đặc biệt là thế giới dân chủ) đã đặt niềm tin và sự tuân phục vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, trong khi vai trò độc quyền của nước này về khoa học – công nghệ không được xem xét như một vấn đề an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh Hoa Kỳ suy yếu về tinh thần dân chủ và ngày càng trở nên hẹp hòi như hiện nay, vai trò độc quyền này sẽ bị đặt lại.

Trước khi rời Nhà Trắng, Joe Biden đã ban hành Chính sách Khung Chia sẻ Trí tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence Diffusion Framework). Trọng tâm của chính sách này là quy định về các quốc gia được phép nhập khẩu chip trí tuệ nhân tạo từ Hoa Kỳ. Khung chính sách này chia các quốc gia thành ba nhóm:

  • Nhóm thứ nhất gồm 18 nước đồng minh và đối tác, bao gồm các thành viên của nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes), gồm Úc, Canada, New Zealand và Anh; các nước thuộc khối NATO như Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển; và một số đồng minh dân chủ Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhóm này được quyền tự do nhập khẩu chip AI từ Hoa Kỳ nhưng phải tuân thủ các chính sách kiểm soát nhập khẩu chip do Hoa Kỳ đặt ra.
  • Nhóm thứ hai bao gồm phần lớn các quốc gia còn lại, bị giới hạn rất nghiêm ngặt về số lượng chip nhập khẩu và phải đáp ứng các điều kiện khắt khe liên quan đến môi trường phát triển thuật toán và trí tuệ nhân tạo.
  • Nhóm thứ ba gồm các quốc gia bị coi là thù địch với Hoa Kỳ, chẳng hạn như Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên.

Tất nhiên, chính sách này đã vấp phải nhiều phản đối quyết liệt vì sự bất công của nó. Điều đó có nghĩa là, trong một trật tự khoa học – kỹ thuật do Hoa Kỳ thiết lập như hiện nay, chỉ có 18 nước đồng minh thân cận của Mỹ mới có cơ hội phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, trong khi phần lớn thế giới thuộc nhóm hai hoàn toàn không có cơ hội cạnh tranh.

Chẳng hạn, Ba Lan là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Âu và từng có lập trường thân Mỹ hơn là thân châu Âu trong nhiều chính sách đối ngoại. Nước này cũng đã xây dựng một nền dân chủ tương đối ổn định và chắc chắn. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ được xếp vào nhóm hai. Điều này chẳng khác nào một đòn giáng mạnh vào triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực châu Âu.

Tất nhiên, những bất cập này có thể được điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu Donald Trump tái đắc cử và tạo ra sự hỗn loạn trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh, thì tình hình có thể trở nên khó lường hơn. Các nhân vật lãnh đạo hiện tại như J.D. Vance hay Elon Musk thậm chí không ngần ngại coi châu Âu như một đối thủ của Hoa Kỳ. Do đó, tương lai phát triển trí tuệ nhân tạo của các nước châu Âu thuộc nhóm một cũng không còn được đảm bảo, trừ khi họ sớm đưa ra những khoản đầu tư và chính sách thích hợp để giành lại quyền tự chủ về công nghệ.

Từ đây, chúng ta có thể thấy rằng vấn đề phát triển khoa học – kỹ thuật mang tính địa chính trị sâu sắc, bởi lẽ không một quốc gia nào có thể phát triển nếu không được tiếp cận và trao đổi bí quyết công nghệ. Câu hỏi đặt ra là: liệu ông Tô Lâm và tập thể lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có nhận thức được rằng dân chủ hóa và các cam kết lớn với chủ nghĩa đa phương là bước đi tất yếu và cấp thiết để Việt Nam không bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh này hay không? Nếu họ tiếp tục duy trì chủ nghĩa đơn phương bằng cách từ chối mọi yêu cầu về dân chủ hóa và mở rộng nhân quyền, thì chắc chắn việc phát triển khoa học – công nghệ—thứ mà ông Tô Lâm coi là con đường duy nhất để phát triển đất nước—sẽ chỉ là một giấc mộng viển vông.

Nhưng thế độc quyền đang thay đổi

Nhưng nếu phát triển khoa học – kỹ thuật là một vấn đề địa chính trị, thì địa chính trị cũng đang thay đổi theo đà suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Một khảo sát đáng kinh ngạc và đáng báo động cho thấy 75% các nhà khoa học muốn rời khỏi Hoa Kỳ, dù nước này từng được xem là quê hương của các nhà khoa học và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là kết quả của sự phá hoại đầy nhiệt thành—cả về mặt tình cảm lẫn thể chế dân chủ—dưới thời chính quyền Trump.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump tuyên bố rằng biến đổi khí hậu là một “cú lừa”, công kích một số nhà khoa học, điển hình như Anthony Fauci trong đại dịch COVID-19—một bác học tài năng và đáng kính—đồng thời đưa ra những phát biểu mang hàm ý chống người nhập cư. Những tác động mang tính phá hoại về thể chế thậm chí còn được thực hiện một cách công khai hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump.

Trump đã triệt thoái ra khỏi nhiều cam kết với thế giới – như USAID (bao gồm nhiều sáng kiến đưa các nhà khoa học trở thành những tiếng nói trong lĩnh vực phát triển); WHO, sáng kiến nghiên cứu thuốc ngăn ngừa và điều trị ung thư. Điều này chẳng khác gì như một đòn đánh vào những nền tảng mang tính nhân văn của ngành khoa học và định hướng toàn cầu phát triển bền vững. Trump thực hiện đúng tinh thần của dự án 2025 (hay Project 2025) đánh vào DEI – Diversity, Equality, and Inclusion, nghĩa là Đa dạng, Bình đẳng, và Bao trùm/Không gạt ai ra ngoài lề. Nhưng đó cũng là những nền tảng căn bản của phát triển Khoa học – Công nghệ. Người ta có thể nói về những sự “bất công” một cách hẹp hòi, nhưng thử đặt một câu hỏi nếu không có những người da màu, phụ nữ, những nhóm người thiểu số, thì liệu khoa học của Mỹ có thành tựu như ngày hôm nay? Sự tấn công vào DEI không thể hiểu theo một nghĩa nào khác ngoài việc đánh vào sự tự tôn và cá tính của những người làm công tác khoa học; vốn không chỉ cần sự chính xác, tỉ mỉ mà còn cần một tinh thần bao dung.

Một trong những động thái mới nhất của chính quyền Trump là tấn công vào các trường đại học. Nhưng ông ta không nhận ra rằng đại học chính là nền tảng của các nghiên cứu căn bản và là một cơ chế đảm bảo cho tương lai phát triển khoa học – kỹ thuật của Hoa Kỳ; chứ không chỉ dựa vào các phòng thí nghiệm hay những sáng kiến trong các tập đoàn doanh nghiệp.

Chưa kể, DOGE của Musk đã sa thải hàng loạt nhân sự, trong đó có nhiều chuyên gia về nguyên tử—những người đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia—để rồi sau đó lại cố gắng tuyển dụng họ trở lại.

Cũng cần phải nói rằng, khi Musk gia nhập liên minh với Trump, nhiều người từng xem ông là một thiên tài về kỹ thuật và công nghệ, với đế chế Tesla và một bộ óc xuất chúng. Nhưng thực tế, Musk thành công nhờ một môi trường vô cùng cởi mở và sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Hoa Kỳ. Nhiều nhà khoa học và nhà nghiên cứu đã công khai chống lại Musk, bởi không có những nghiên cứu căn bản của họ thì sẽ không thể có những đổi mới mà Tesla đạt được.

Musk có thể là một người am hiểu kỹ thuật và có khả năng quản trị doanh nghiệp, nhưng ông ta chưa bao giờ là đại diện cho sự phát triển khoa học – kỹ thuật ở tầm quốc gia. Đây thực ra cũng là một sự lặp lại (dù không hoàn toàn) bài học của Samsung ở Hàn Quốc—một tập đoàn ngày càng trì trệ và trở thành vấn đề của nền kinh tế nước này. Không có một nhà kỹ trị nào, dù là Musk hay Tô Lâm, có thể tự mình thúc đẩy sự phát triển khoa học – kỹ thuật.

Sự lỗ mãng của Trump và Musk đã giáng một đòn trí mạng vào những nền tảng phát triển khoa học của Hoa Kỳ. Musk có thể sẽ sớm phải rời đi dưới sức ép từ các cổ đông của Tesla, nhưng những tổn thất mà ông ta và Trump để lại dường như là không thể đảo ngược.

Địa chính trị đang thay đổi nhưng nó sẽ dẫn đến một kết quả nào?

Và cuộc thương chiến chính là chiếc đinh cuối cùng đóng chặt thế độc quyền của Hoa Kỳ trong vai trò thống trị về khoa học – kỹ thuật. Nó cũng đặt ra một vấn đề mang tính tình cảm khi nhiều nhà khoa học và chuyên gia cảm thấy tổ quốc của họ bị Trump sỉ nhục và bị o ép bởi một cuộc thương chiến đầy xúc phạm; vì thế, họ sẽ chọn cách rời đi.

Nhưng bên cạnh đó, còn có một lập luận mang tính kinh tế và thị trường như tôi đã trình bày—và đó không chỉ là quan điểm cá nhân tôi mà còn là một tuyên bố nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong EU Compass to Regain Competitiveness. Theo đó, các doanh nghiệp start-up châu Âu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, cùng đội ngũ chuyên gia và nhà khoa học vốn đông đảo hơn so với Hoa Kỳ, đã chuyển đến Mỹ để tìm kiếm một thị trường rộng lớn hơn—nơi có hoạt động đầu tư và tiêu dùng sôi động hơn, thay vì một nền kinh tế thiên về tiết kiệm như ở châu Âu—nhằm mở rộng quy mô và phát triển thành những doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Sự dịch chuyển này cũng diễn ra nhờ vào mối quan hệ gắn kết mang tính anh em, cùng chia sẻ những giá trị và triết lý nền tảng.

Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ tự dựng lên những rào cản thuế quan và biến mình thành một ốc đảo, quá trình nhập cư của những ý tưởng khoa học – kỹ thuật, cùng với dòng vốn đầu tư vào Hoa Kỳ, sẽ bị triệt tiêu. Khi đó, một nền kinh tế từng sở hữu nguồn vốn dồi dào, liên tục nghiên cứu và đổi mới như Hoa Kỳ sẽ dần lụi tàn.

Thực tế, việc thay thế vai trò của Hoa Kỳ trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật sẽ là một nhu cầu cấp thiết, nhưng không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Thế giới sẽ phải nỗ lực thu hút lại nguồn nhân tài và các startup của mình bằng cách duy trì một nền kinh tế cởi mở và năng động nhất. Đồng thời, họ cũng phải đầu tư vào một hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua cả nguồn vốn nhà nước và tư nhân, bao gồm các viện nghiên cứu, tổ chức phi lợi nhuận, sáng kiến doanh nghiệp,… cùng với cơ sở hạ tầng phục vụ thu thập, chia sẻ và lưu trữ dữ liệu, phát triển và làm chủ những công nghệ cốt lõi, đặc biệt là công nghệ chip.

Tất nhiên, việc thay thế hoặc cùng nhau thay thế vai trò của Hoa Kỳ chỉ đặt ra đối với các nước lớn, trong khi các quốc gia nhỏ và nền kinh tế mới nổi vẫn phải kết hợp giữa nghiên cứu độc lập và tiếp nhận công nghệ thông qua trao đổi. Tuy nhiên, trong một trật tự địa chính trị mới, trao đổi công nghệ không thể diễn ra một cách tùy tiện mà phải dựa trên những đồng thuận về dân chủ và nhân quyền—những yếu tố đã trở thành nền tảng trong hợp tác và quan hệ quốc tế.

Có thể, trong bối cảnh chấm dứt thế độc quyền của Hoa Kỳ, thế giới sẽ đề cao sự hợp tác hơn là đối đầu phe phái, và trên danh nghĩa sẽ không có sự ngăn cấm các nước đang phát triển tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, để thực sự tiếp cận được công nghệ, các quốc gia này sẽ phải tuân thủ những khung chính sách và chuẩn mực về thể chế cũng như các quyền con người mà nhà nước phải đảm bảo.

Dù thế nào, việc cởi mở và chia sẻ công nghệ vẫn có lợi cho sự phát triển hơn là độc quyền và giữ riêng cho mình. Nhưng công nghệ cũng là một vấn đề an ninh—làm sao có thể mở cửa hoàn toàn nếu vẫn tồn tại những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền? Nếu tiếp tục chối bỏ các quyền con người và không có một lộ trình dân chủ hóa, thì lấy căn cứ nào để đổi mới khoa học – kỹ thuật?

Có một cuộc thư hùng về khoa học công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ?

Việc mô hình Generative AI DeepSeek sở hữu trí thông minh đáng kinh ngạc, có khả năng đối đầu trực diện với các mô hình do Hoa Kỳ phát triển, khiến nhiều người hình dung về một cuộc so tài quyết liệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đúng là Trung Quốc là một cường quốc với nguồn nhân lực dồi dào và tài nguyên khổng lồ, hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với phương Tây. Nhưng liệu một thể chế cấm đoán cùng với những khủng hoảng sắp tới có cho phép họ duy trì và phát huy được những nguồn lực đó?

Trung Quốc hiện đang đối mặt với những bất ổn vĩ mô; thị trường tiêu dùng và sức mua vẫn yếu, không có dấu hiệu phục hồi, bất chấp các gói kích cầu khổng lồ sắp được bơm vào nền kinh tế—dường như đã nhờn thuốc và không còn tác dụng kích thích tăng trưởng. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thể chuyển đổi từ nền công nghiệp gia công sang một nền kinh tế dịch vụ.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ Trung Quốc cũng đang rơi vào trạng thái “nằm oài” — một thái độ buông xuôi trước áp lực của một xã hội ngột ngạt, thiếu sự cởi mở cần thiết để họ tiếp tục cống hiến. Tình trạng bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều người cảm thấy sự cống hiến của họ trở nên vô nghĩa.

Tất cả những yếu tố này đang giết chết tinh thần sáng tạo và đổi mới của một lớp lao động trẻ—những người lẽ ra phải làm việc năng suất hơn (dù họ kỳ vọng giảm giờ làm, đồng nghĩa với việc phải đổi mới hơn) để bù đắp cho tốc độ già hóa dân số. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế, xã hội và sự tù túng về chính trị lại không cho phép điều đó xảy ra.

Mặt khác, công nghệ không hẳn là một cuộc ganh đua. Thực tế thì sự phồn vinh của công nghệ không vào tay những người sáng chế mà vào những quốc gia, vùng lãnh thổ ứng dụng được công nghệ vào cơ sở hạ tầng, đời sống, và dịch vụ công bao gồm giáo dục và chăm sóc y tế. Trung Quốc gần như chắc chắn đang đứng trước một cuộc đại khủng hoảng về chính trị và xã hội, và người ta cũng khám phá ra cả Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đang gặp vấn đề chứ cũng chẳng có một cuộc cạnh tranh nào đáng kể cả.

Phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam

Để phát triển khoa học kỹ thuật ở Việt Nam, chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc dân chủ hóa, nhằm xây dựng một thể chế cởi mở, lương thiện và có khả năng hội nhập với thế giới, từ đó có thể được chia sẻ công nghệ. Mặt khác, phát triển công nghệ kỹ thuật không chỉ là nghiên cứu khoa học. Nó còn cần những tiếng nói về phát triển bền vững và xã hội dân sự, thậm chí là những tiếng nói chính trị, để bảo vệ các thành quả khoa học và đảm bảo rằng chúng được ứng dụng.

Nhưng một chính quyền bắt bớ và đàn áp tự do ngôn luận một cách tùy tiện thì làm sao đảm bảo những ý kiến đúng đắn sẽ được lắng nghe và trở thành chính sách chủ đạo. Chế độ đang nhầm lẫn giữa sự hỗn loạn và quyền tự do ngôn luận — một công cụ sản xuất của con người trong nền kinh tế tri thức, với những sản phẩm đầu ra phi vật thể, được đặt trên một thị trường tiêu dùng nội địa mạnh và một nền kinh tế tư doanh và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn.

Ông Tô Lâm đã đúng khi nói rằng phát triển khoa học kỹ thuật là con đường duy nhất. Nghĩa là, nếu chúng ta không chạy đua kịp, chúng ta sẽ nhanh chóng tụt hậu so với thế giới, và còn tụt hậu hơn nữa. Muốn vươn lên thành một nước thu nhập trung bình cao, điều đó đòi hỏi những nỗ lực kéo dài suốt vài thập kỷ — nhưng ngay cả một quá trình dài như vậy cũng sẽ gặp phải gian nan trong việc không ngừng đổi mới và sáng tạo. Tuy nhiên, chế độ Cộng sản của ông không có ngôn ngữ và nền tảng để phát triển và đổi mới khi các ông vẫn muốn duy trì một lối cầm quyền độc đoán và toàn trị, với một lãnh đạo chế độ muốn thực thi kỹ trị như một cứu cánh tuyệt vọng.

Tôi thường nói về hòa giải dân tộc ở cuối mỗi bài viết như một cách trấn an với những người cộng sản và chế độ rằng chúng tôi sẽ luôn là một lực lượng ôn hòa, muốn hàn gắn, và là một chỗ dựa cho các bạn khi các bạn trở thành nạn nhân của chính mình. Cũng cần nhấn mạnh rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên coi hòa giải dân tộc là một triết lý lãnh đạo quốc gia — một nền kinh tế phát triển nhanh và tái cấu trúc không ngừng cần được xây dựng trên tinh thần hòa giải, với những ưu tư không ngừng về liên đới xã hội. Nhà nước và lực lượng cầm quyền phải có vai trò hòa giải, chứ không chỉ đại diện cho một lớp người trong xã hội. Một chế độ bắt bớ và đàn áp những người hòa giải, chối bỏ nhu cầu hòa giải thì làm sao có thể kiểm soát được một xã hội có thể tiến rất nhanh theo đà tiến bộ của thế giới, trong khi kỳ vọng và những xung đột tiềm tàng ngày càng gia tăng.

Một lời cuối cho thế giới của chúng ta, tại sao chúng ta lại chìm trong những “tệ nạn” của công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật, như nạn tin giả, misinformation, hoặc những thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân túy — tức là những xu hướng chống dân chủ? Một lý do theo tôi là vì chúng ta chưa bao giờ đặt một lập trường dân chủ cho những định hướng phát triển khoa học kỹ thuật. Phát triển kỹ thuật cần một câu chuyện về dân chủ, phát triển quốc gia, cùng những triết lý và định hướng đúng đắn. Dù sao, chúng ta cũng sắp chấm dứt sự phát triển khoa học, kỹ thuật một cách xô bồ; độc quyền bởi Hoa Kỳ và thiếu tổ chức. Mọi quốc gia phải chuẩn bị về thể chế và cố gắng dân chủ hóa để tiếp tục phát triển trong một trật tự thế giới mới.

Chu Tuấn Anh

(08/04/2025)

About the author