Thiết lập văn hoá Hoà Giải để Hoà Hợp cùng chung sống (Thiên Nga)

Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp các sứ quân là nội chiến. Loạn Tam Vương, loạn Quách Bốc là nội chiến. Nhà Mạc cướp ngôi Lê, Tây Sơn diệt chúa Nguyễn, Gia Long trả thù Tây sơn, tất cả là nội chiến. Đất nước bị chia cắt liên miên. Chiến tranh, giết hại, nổi loạn, trả thù, thanh trừng xuất hiện dày đặc trong tâm trí khiến hạt giống “hoà giải” không thể nảy mầm.

Lại nói đến thời hiện đại, chúng ta tiếp tục là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản, một thứ Khổng Giáo thời hiện đại. 20 năm nội chiến Quốc Gia – Cộng Sản. Bên thắng cuộc thi hành những chính sách bỏ tù, hạ nhục, phân biệt với bên thua. Bên thua cuộc thì nuôi dưỡng những sân hận lớn đến mức thù hận tột đỉnh với bên thắng và với cả quê hương.

Từ “hoà giải” và “văn hoá hoà giải” là những khái niệm thiếu vắng trong văn hoá của dân tộc chúng ta.

Chúng ta được sinh ra trong văn hoá Khổng Giáo, một thứ văn hoá quái đản không đặt nền tảng trên giá trị tôn trọng sự khác biệt và đối thoại. Khổng Giáo chủ trương đàn áp bằng cả các biện pháp cứng và mềm những người đối lập và đề cao sự vâng phục không phản biện. Hậu quả của thứ văn hoá đó là lịch sử của Việt Nam chúng ta chỉ được viết bằng máu tươi của chính người Việt.

Tất cả khiến cho chất liệu nhân bản và tình cảm với quốc gia bị tổn hại và đả phá nghiêm trọng. Điều đó thật sự cần một sự hoà giải rất lớn và lâu dài để hàn gắn những vết nứt.

Chưa kể đến là trong một thời kỳ biến đổi không thể lường trước được của thế giới, những thay đổi dồn dập thách đố tất cả những nền tảng cũ và giá trị cũ. Điều đó là một thách thức bởi vì nó tạo sự chênh lệch xã hội và xung đột quyền lợi xảy ra mọi lúc mọi nơi nhất là trong nội bộ quốc gia. Xét trên hoàn cảnh đó và tình trạng âm ỉ của xã hội Việt Nam, chúng ta đang đứng trước mối nguy hiểm rất lớn đến từ viễn cảnh quốc gia giải thể.

Cho nên hoà giải với Việt Nam chúng ta không chỉ là một triết lý quản trị mà còn là một ưu tư rất cấp bách bắt buộc phải thực hiện nếu chúng ta còn muốn xây dựng lại một đất nước được nhìn nhận như là một tương lai chung và vận mệnh chung. Đó cũng là lời đáy lòng và lý tưởng cho quê hương mà Tập Hợp chúng tôi theo đuổi suốt 40 năm.

Đứng trước viễn cảnh đất nước thua kém vĩnh viễn và tình thế mà đảng cộng sản đang ở giai đoạn cuối của tiến trình cáo chung, hiển nhiên là chưa có một lúc nào đất nước ta đứng trước những cơ hội và thách thức lớn như hiện nay. Thách thức quan trọng nhất của những người đấu tranh dân chủ hiện nay là thảo luận về một hệ thống tương lai cho Việt Nam. Hệ thống đó bắt buộc phải phục vụ dựa trên mẫu số rất quan trọng là: thiết lập văn hoá Hoà Giải toàn diện trên bình diện quốc gia để Hoà Hợp cùng chung sống.

Vì thế, lựa chọn tối ưu của chúng ta chắc chắn phải là một hệ thống có thể tôn vinh – nhìn nhận tất cả phẩm giá con người Việt Nam, vận động sử dụng được tất cả mọi nguồn lực nhân xã Việt Nam, hoà giải tất cả những đổ vỡ đã xảy ra trong suốt tiến trình lịch sử để đi đến hoà hợp dân tộc, mưu tìm sự thoả hiệp đối thoại, chống lại mọi hình thức chuyên chính và tất cả những tiêu chuẩn trên đều phải đặt trên mẫu số là sự liên đới xã hội.

Chúng ta quả quyết lựa chọn dân chủ đa nguyên dựa trên khả năng đáp ứng những tiêu chí trên. Đại diện không thể tốt hơn của điều đó, là một nhà nước dân chủ đại nghị.

Thiên Nga

About the author