Trần Khắc Đức và lý do Việt Nam không có chính trị gia giỏi (Giang Hoàng)

Ngày 20/9/2024 Trần Khắc Đức, một chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giam, mãi tới ngày 9/11/2024, tức gần hai tháng sau, báo chí quốc doanh của chính quyền mới đồng loạt đưa tin việc bắt giữ với cáo buộc hình sự theo điều 117 của bộ luật hình sự. Diễn tiến bất thường của sự việc đặt ra cho anh em THDCĐN nhiều câu hỏi cách hành xử của ban lãnh đạo cộng sản.

Phải hơn hai tháng sau khi bắt giữ, chính quyền Cộng Sản Việt Nam mới chính thức ra thông cáo bắt giữ Trần Khắc Đức.

Trước hết xin giới thiệu sơ qua về Đức. Đây là một thanh niên đặc biệt, sinh ra trong gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ Đức rất vất vả để có thể nuôi Đức và một người em ăn học. Khi còn là sinh viên, vì phản bác lại giáo viên dạy môn chính trị, Đức bị đánh rớt môn học mà tất cả sinh viên ở Việt Nam phải học dù nó hoàn toàn vô tích sự. Đức bỏ học và với kiến thức tin học có được, Đức tự tạo việc làm cho bản thân bằng dịch vụ quảng cáo trên internet với thu nhập khá, đủ tiền trang trải cá nhân và phụ giúp em trai đang học đại học. So với bạn bè đồng trang lứa, Đức khá thành công về mặt tài chính. Trong một lần đi uống cà phê với tôi, Đức nói về dự định mua một căn hộ chung cư tại Sài Gòn. Tôi có khuyên Đức, nếu không bị ràng buộc giữa chỗ ở và công việc thì nên sang Bình Dương mua bởi với số tiền Đức tích góp được, hoàn toàn có thể mua đất và làm nhà. Dự định chưa thành thì Đức bị bắt.

Phải nói thẳng thắn rằng việc bắt Đức là một sai lầm lớn của đảng cộng sản, cáo buộc mà chính quyền đưa ra là Đức đã cho đăng tải các bài viết lên mạng với vai trò quản trị viên và viết bài có nội dung chống phá “nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, chống “chính quyền nhân dân” theo điều 117 của Bộ Luật Hình Sự (BLHS). Đây chỉ là sự suy diễn tùy tiện, nếu dùng chính điều 117 làm tham chiếu thì không thể buộc tội Đức vì các bài viết mà Đức đưa lên mạng không hề nhắc tới “nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, hay “chính quyền nhân dân”. Cùng lắm, chế độ chỉ có thể buộc tội Đức chống lại đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng điều 117 và cả BLHS không hề nói tới điều này.

Nếu những ai đọc bài viết của Đức với bút hiệu Trần Hùng có thể thấy Đức rất có năng khiếu về lý luận chính trị. Viết về đề tài chính trị thì rất nhiều người viết, nhưng đa số chỉ là những bình luận thời sự – chính trị chứa rất ít giá trị tư tưởng lý luận. Các bài viết của Đức đều thể hiện khả năng tư biện với những kiến giải sâu sắc. Đây là điều rất đáng quý, đáng lẽ Đức phải được coi trọng và khích lệ trong một chế độ văn minh. Nhưng Đức lại bị chế độ bỏ tù bởi đây là cách hành xử truyền thống của chế độ cộng sản kể từ khi nó được khai sinh. Chúng ta cần soi nhìn chân dung những lãnh đạo của chế độ cộng sản theo dòng thời gian. Trước hết, thử đọc qua một vài nhận xét của một chính trị gia nổi tiếng nước ngoài.

Trong cuốn “One man’s view of the world” cố thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore viết: “Rủi thay, họ tiến lên các chức vụ đó không phải bởi vì đã quản lý tốt nền kinh tế hay đã thể hiện được tài năng quản trị. Họ đã làm được như vậy bởi vì đã đào hầm từ miền Bắc cho tới miền Nam trong hơn 30 năm.”

Người Việt Nam là một dân tộc nghị lực và khả năng nhất Đông Nam Á. Sinh viên của họ đến Singapore theo diện học bổng ASEAN rất nghiêm túc với việc học hành và thường có điểm số cao nhất. Với những người dân thông minh như vậy, thật tiếc là họ không phát huy được tiềm năng của mình. ”Đó là những lãnh đạo sáng lập của đảng cộng sản. Những lãnh đạo hiện nay là hậu duệ của những người mà tài năng và công lao chỉ là “đào hầm”. Họ là những người may mắn, được học hành và nâng đỡ bởi thế hệ cha, chú, con đường thăng tiến bằng phẳng, hanh thông. Đáng lẽ họ phải hiểu biết hơn những bậc tiền bối của họ. Nhưng qua cách hành xử với những người khác ý kiến, họ vẫn chưa khá hơn thế hệ trước bao nhiêu. Vẫn là phản xạ dùng cơ bắp chứ không phải trí tuệ.

Nhận xét của Lý Quang Diệu không chỉ là nỗi hổ nhục của đảng cộng sản, mà còn đặt ra câu hỏi đau nhức cho cả dân tộc Việt Nam: Tại sao chúng ta chỉ có những lãnh đạo chính trị tồi dở như vậy suốt cả thời gian dài?

Câu trả lời đơn giản vì chúng ta không có môi trường chính trị lành mạnh đúng nghĩa. Đảng cộng sản Việt Nam dù có tuổi đời gần 100 năm với hàng triệu đảng viên nhưng nó cũng không phải là môi trường chính trị lành mạnh ngay cả trong nội bộ của nó. Bằng chứng là nó không sản ra chính trị gia tầm vó nào dù có thời gian tồn tại khá dài với nhiều triệu đảng viên.

Nhưng thế nào là môi trường chính trị lành mạnh đúng nghĩa? Đó là không gian tự do với nguyên tắc không có ý kiến nào cấm nêu ra, không có đề tài nào cấm bàn đến. Trong không gian tự do đó, thảo luận chính trị diễn ra liên tục giữa những cá nhân có ưu tư với hiện tình đất nước. Thảo luận có thể diễn ra trong gia đình, trong quán cà phê, bên bàn trà, trong trường học, trong các chính đảng, trong nghị trường, trong các cuộc vận động tranh cử, trên các phương tiện truyền thông, báo chí, in ấn… làm nổi bật những cá nhân, những nhà chính trị qua ý kiến và sáng kiến khi thảo luận. Như vậy, đóng góp quan trọng nhất lúc này của những người như Trần Khắc Đức là góp phần tạo ra môi trường chính trị lành mạnh cho đất nước.

Dĩ nhiên, không phải ai quan tâm hay dấn thân chính trị cũng thành chính trị gia hay nhà tư tưởng. Cũng như không phải ai đá bóng cũng thành cầu thủ, thành ngôi sao bóng đá. Nhưng nếu xã hội không có ai đá bóng hay có quá ít người đá bóng thì những người có tố chất chơi bóng không có môi trường để phát triển, để thành cầu thủ. Trước thế kỷ 20, Việt Nam không có cầu thủ bóng đá nào cả, không phải vì thời đó trong cộng đồng người Việt không có ai có tố chất cầu thủ. Lý do chỉ đơn giản là khi đó chúng ta chưa có môi trường bóng đá. Chính trị cũng vậy. Phải có môi trường chính trị lành mạnh, đúng nghĩa mới có thể sản sinh ra những chính trị gia thực thụ. Những người biết quản trị đất nước bằng trí tuệ và đạo đức chứ không phải cai trị đất nước bằng công an và nhà tù.

Khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Áo là nước bại trận, một nhà quân sự của họ đã thốt lên cay đắng: “Trong khi nước Áo bại trận, thì nhiều Napoleon của Áo đang phải đi cày. ”Tình trạng của chúng ta hiện nay tồi tệ hơn nhiều. Trong khi đại đa số người dân đã chán nản và thờ ơ với đất nước, thì một thiểu số nhỏ nhoi còn quan tâm tới hiện tình đất nước, theo cách nói của ông Nguyễn Gia Kiểng, họ là chút ý chí và tình cảm còn lại của dân tộc. Họ không những bị gạt ra ngoài lề xã hội mà còn bị tống giam chỉ vì muốn đóng góp cho quê hương. Như vậy làm sao đất nước có thể vươn mình trong kỷ nguyên mới như ông tổng bí thư Tô Lâm hô hào. Và kỷ nguyên mới chỉ có thể là kỷ nguyên tự do, dân chủ, kỷ nguyên thứ hai của lịch sử dân tộc Việt Nam mà anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong đó có Trần Khắc Đức đã và đang dồn mọi cố gắng để hiện thực hóa nó.

Giang Hoàng

(25/01/2025)

About the author