Nỗ lực của những anh em trẻ trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là nhằm giữ gìn và tiếp nối những ký ức cùng những lập trường đúng đắn, để chúng trở thành nền tảng tư tưởng lãnh đạo đất nước, thay vì bị lấn át bởi những quan điểm sai lầm mang tính mị dân, trong đó bao gồm cả tư tưởng bảo thủ cho rằng chế độ này có thể tiếp tục duy trì, hoặc rằng việc chuyển đổi đất nước có thể thực hiện trên cơ sở thiếu trung thực và thiếu lương thiện.
1. Những người nối tiếp một ký ức, một thái độ chính trị lương thiện
Xin bắt đầu bài viết này với một câu hỏi “Tại sao chúng ta phải tôn trọng lịch sử dù nó là những gì nằm lại trong quá khứ?” Việc nhìn nhận lịch sử như những gì nó xảy ra có một ý nghĩa gì? Xin trả lời vì một lịch sử nếu được hiểu đúng và được phân tích trên những dữ kiện đúng thì sẽ rút ra được những bài học lịch sử, và nhờ đó chúng ta tránh được những thảm họa tương tự trong tương lai. Một dân tộc lành mạnh cần có một truyền thống tôn trọng lịch sử. Tiếc thay, chế độ Cộng Sản Việt Nam đã bẻ cong lịch sử để phục vụ cho những gì có lợi cho sự cầm quyền của họ.
Sự thật không thể chối cãi là chúng ta đã trở thành nạn nhân của một cuộc nội chiến kéo dài trong lịch sử, bắt đầu từ trước năm 1945 giữa lực lượng cộng sản và các đảng phái quốc gia. Cuộc xung đột này đã dẫn đến cái chết của hàng trăm ngàn đảng viên thuộc các đảng quốc gia như Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng do bị sát hại hoặc ám sát. Bên cạnh đó, các phong trào thanh trừng địa chủ đã khiến gần 200.000 người bị hành quyết hoặc xét xử mà không thông qua tòa án. Cuộc xung đột này tiếp tục chuyển thành cuộc nội chiến Nam – Bắc sau năm 1954, khiến hai triệu dân thường thiệt mạng, và chỉ kết thúc trong sự chia rẽ giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và đất nước Việt Nam.
Năm 2025, chúng ta sẽ kỷ niệm ngày 30/4 trong một hoàn cảnh rất khác. Điều đáng buồn là thời gian đã khiến Việt Nam và cả cộng đồng người Việt hải ngoại thay đổi quá nhiều; những ký ức về cuộc chiến cũng đã phai nhòa. Những người còn lưu giữ ký ức về cuộc nội chiến dần rời xa, hoặc nếu vẫn còn sống, thì quỹ thời gian còn lại của họ quá ít ỏi để có thể tham gia vào một xã hội Việt Nam với bối cảnh hoàn toàn mới. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam không nên quá tự tin rằng họ đã cầm quyền đủ lâu để có thể chối bỏ nhu cầu cấp thiết của hòa giải dân tộc. Bởi lẽ, nếu chúng ta không hòa giải để nhìn nhau như một dân tộc, sự chia rẽ sẽ chỉ tiếp diễn, chuyển từ sự kiện này sang sự kiện khác, hoặc dẫn đến một sự rã hàng chung, khiến mọi người từ bỏ nỗ lực phấn đấu vì đất nước Việt Nam.
Chế độ bắt chí hữu Quách Gia Khang trước thềm kỷ niệm 30/4, một ngày lẽ ra phải được coi là một ngày lễ của hòa giải dân tộc. Nhưng với mọi sự tối tăm và mù quáng, họ đã đàn áp thẳng tay một người Việt Nam và một tổ chức chính trị có lập trường hòa giải dân tộc. Vào năm ngoái thì chế độ đã lấy quyết định đàn áp với một chí hữu khác của chúng tôi là Trần Khắc Đức. Cả hai người anh em của chúng tôi đều ngấp nghé ở độ tuổi 30, đều sinh ra sau năm 1975 và không mang những ký ức hay trải nghiệm về cuộc nội chiến Việt Nam. Họ tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì ủng hộ lập trường dân chủ đa nguyên và hòa giải dân tộc. Đợt làm việc vừa qua, nhiều anh em trong nước của chúng tôi đã phải làm việc với an ninh, đều bị gây sức ép phải từ bỏ đấu tranh và từ bỏ ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nhưng anh em chúng tôi đều giải thích với họ (những người an ninh hoặc điều tra viên) rằng chúng tôi không thể từ bỏ đấu tranh hay lập trường ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, vì đó là con đường và lựa chọn có lợi cho đất nước – trong đó bao gồm cả lập trường hòa giải dân tộc. Chắc chắn rằng, quyết định bắt giam Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang, cũng như rất có thể một số anh em khác trong năm nay, xuất phát từ việc họ kiên quyết khước từ sức ép buộc phải từ bỏ những lập trường đấu tranh chính trị mà anh em chúng tôi đã nuôi dưỡng và thảo luận trong nhiều năm.


Điều đó chỉ có thể là một minh chứng về vai trò lịch sử của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên như một nơi lưu trữ những ký ức lịch sử của đất nước và khả năng dẫn dắt một thế hệ tiếp nối có được một phản xạ đúng mà thôi. Cần nhấn mạnh điều mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên dành cho đất nước: một ký ức lương thiện và một lựa chọn đúng.
2. Viễn cảnh đang chờ đất nước Việt Nam nếu không dân chủ hóa?
Anh em chúng tôi cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận và nhìn nhận rằng đất nước sắp bước vào một giai đoạn mới. Trước đó, cuộc đấu đá nội bộ gay gắt giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng vốn chỉ kết thúc vào năm 2016 đã vô tình tạo nên một không khí thảo luận sôi động và dẫn đến sự đóng góp ý kiến của những lớp nhân sĩ, trí thức. Tuy nhiên, chính quyền Nguyễn Tấn Dũng, với bản chất tham nhũng và đàn áp tàn bạo, không những không mang lại tiến trình dân chủ hóa mà còn kéo dài chế độ độc tài toàn trị theo hướng bảo thủ hơn, đồng thời gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến. Sau 10 năm kể từ khi Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi vũ đài chính trị, những sai lầm chồng chất đã khiến đất nước ngày càng kiệt quệ, và chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, chính trị và xã hội. Riêng vụ án đại tham nhũng SCB, xảy ra ngay trong thời kỳ cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng – người khởi xướng cuộc chiến chống tham nhũng – được dự báo sẽ gây thiệt hại lên tới 5% GDP của đất nước.
Với một nền kinh tế mà khu vực bất động sản chiếm tỉ trọng hơn 20%, và các ngân hàng lớn (như Techcombank và TP bank) đều có dư nợ bất động sản rất cao, một viễn cảnh sụp đổ về kinh tế – tài chính lớn đang mở ra trước mắt mà gần như không có một biện pháp nào có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đó sẽ diễn ra và kết thúc ra sao? Có lẽ, nó sẽ diễn ra trong một sự mệt mỏi của quần chúng vì vật giá leo thang, mức lương cả đời của người lao động không đủ mua nổi nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn, và một cảm giác muốn bỏ cuộc vì họ thấy rõ ràng đất nước không còn có một chỗ đứng và cơ hội cho họ. Đó sẽ bùng lên như một cuộc khủng hoảng niềm tin, kéo dài không biết đến bao lâu—có thể nhiều năm—nếu chế độ Cộng sản vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước. Cuộc khủng hoảng này sẽ chỉ trượt dài và tự kết thúc khi một thế hệ trẻ trưởng thành mà hoàn toàn mất đi ký ức về quá khứ và đoạn tuyệt với đất nước. Thế hệ này có thể hoàn toàn không mang ký ức nào về cuộc nội chiến Việt Nam giai đoạn 1945-1975, cũng như không nhớ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam từng là một lực lượng gây ra những tội ác đối với đất nước trong lịch sử. Tuy nhiên, chắc chắn rằng đó sẽ là một thế hệ không có nền tảng vững chắc, bị chia rẽ về mọi mặt và không đồng ý rằng cần phải gắn bó với đất nước Việt Nam.
Chúng ta đang đứng trước một giai đoạn mà nếu không có những cố gắng dân chủ hóa thì đất nước của chúng ta rất có thể sẽ đứng trước nguy cơ giải thể. Nhưng những người lãnh đạo ĐCSVN cũng không nên nghĩ rằng nếu đất nước Việt Nam gục ngã theo cách như vậy mà họ duy trì được quyền lực thì họ vẫn sẽ chấp nhận. Một giai đoạn bất ổn và một đất nước lâm vào khủng hoảng kéo dài sẽ khiến bất kỳ cá nhân hay lực lượng nào nắm quyền lãnh đạo đều khó tránh khỏi thất bại trong thời gian ngắn và trở thành nạn nhân của chính tình trạng đó nếu họ chỉ cầm quyền nhằm duy trì trật tự độc tài và kiểm soát. Đây sẽ là một viễn cảnh bi thảm cho đất nước, và thậm chí cả cho những người đang nắm quyền.
3. Một tập hợp, và một cố gắng chung trước một khúc quanh của dân tộc
Anh em chúng tôi tập hợp với nhau để đấu tranh là vì đều ý thức được rằng nếu không có những cố gắng cần thiết cho đất nước thì một viễn cảnh rất tăm tối sẽ xảy đến như đã trình bày ở trên. Chúng tôi nhận thấy rằng trong phong trào giải phóng đất nước trước năm 1945, Phan Châu Trinh là một người có thái độ đúng đắn và lương thiện. Ông kiên định với lập trường bất bạo động, trái ngược với con đường bạo lực cách mạng mà Phan Bội Châu, phe Cộng sản và các phe quốc gia theo đuổi. Lập trường “khai dân trí” của ông thường bị nhiều nhân sĩ trí thức hiểu lầm. Thực ra, điều ông nhấn mạnh là muốn thay đổi về chính trị thì trước hết phải có những nỗ lực thay đổi về văn hóa chính trị — điều mà ông gọi là “dân trí.” Thực ra điều này cũng tương tự điều mà anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang làm. Chỉ có điều chúng tôi làm bài bản và tiến bộ hơn thời đại của ông mà thôi. Nhưng tiếc thay, những ký ức và giá trị tư tưởng của Phan Chu Trinh đã không được nối tiếp thông qua một tổ chức và một tập thể chính trị. Bằng chứng là lập trường đấu tranh bạo lực và gây ra nội chiến để giải quyết mâu thuẫn ý thức hệ đã thắng thế hơn con đường của Phan Châu Trinh, khiến đất nước rơi vào chuỗi thảm kịch nối tiếp nhau. Phải gần một thế kỷ sau, khi mọi chuyện đã an bài, người ta mới nhìn nhận rằng Phan Châu Trinh đã đúng. Nỗ lực của những anh em trẻ trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là nhằm giữ gìn và tiếp nối những ký ức cùng những lập trường đúng đắn, để chúng trở thành nền tảng tư tưởng lãnh đạo đất nước, thay vì bị lấn át bởi những quan điểm sai lầm mang tính mị dân, trong đó bao gồm cả tư tưởng bảo thủ cho rằng chế độ này có thể tiếp tục duy trì, hoặc rằng việc chuyển đổi đất nước có thể thực hiện trên cơ sở thiếu trung thực và thiếu lương thiện.
Dường như, có một thời điểm dư luận đã quá khắt khe với anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, khi nói rằng “chúng tôi làm chính trị salon”, nghĩa là chỉ nói chứ không hành động. Nguyên nhân là vì sự thiếu nội quan khi không thể đặt bản thân vào những gì anh em chúng tôi vun đắp, và vì một sự thật nghiệt ngã là một cuộc cách mạng dân chủ đôi khi cần những cố gắng kéo dài hàng thập niên, thế kỷ chứ không thể chớp nhoáng được. Nhưng đó cũng là một sự khắt khe cho những người trẻ như Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang. Họ đã có những đóng góp cho phong trào dân chủ hóa thông qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Những đóng góp đó thay vì được nhìn nhận là những cố gắng để cứu đất nước Việt Nam khỏi thảm họa mất nước, để mở ra một tiến trình dân chủ hóa lương thiện trên tinh thần hòa giải dân tộc, và đưa đất nước Việt Nam vào một Kỷ nguyên mới, thì lại bị chế độ bóp méo và nhìn nhận như những đe dọa cho họ.
Chúng ta cũng phải đồng ý rằng họ gần như sẽ là những người trẻ cuối cùng của đất nước còn tham gia vào cuộc đấu tranh dân chủ trước khi kỷ nguyên này khép lại. Họ là những người không trực tiếp trải qua cuộc nội chiến Việt Nam nhưng đã thấu hiểu và tiếp nối những bài học lịch sử đúng đắn và lựa chọn ủng hộ hòa giải dân tộc. Thời đại của họ đang vô cùng gấp gáp, và họ đã nhìn thấy nguy cơ sụp đổ của quốc gia Việt Nam ngay trước mắt. Tuy nhiên, họ vẫn tin rằng đất nước còn kịp đón chuyến tàu cuối cùng để bước vào kỷ nguyên mới — bằng chính những nỗ lực phi thường của bản thân để đấu tranh cho những lập trường, những tư tưởng, triết lý và chính sách đúng đắn. Phần những người trẻ ở thời đại họ đã bỏ cuộc, và sẽ bỏ cuộc vĩnh viễn nếu đất nước không có dân chủ hóa. Thế hệ trẻ trong tương lai có lẽ sẽ bị chia rẽ với nhau và tách biệt với đất nước Việt Nam nếu lập trường hòa giải dân tộc không thắng thế. Anh em nhân sĩ, hay cả những người cộng sản đã nhận thức được sự thảm hại của chủ nghĩa cộng sản và có tình cảm với quá trình dân chủ hóa, đôi khi lại chỉ nhìn vào những chi tiết bề nổi. Có thể họ không đồng tình với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về một vài vấn đề, từ đó mất đi sự ủng hộ. Nhưng suy cho cùng, bản sắc của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, mà nhờ hai chí hữu Khang và Đức, chúng tôi không phải tốn quá nhiều giấy mực để giải thích, là một sự tiếp nối – sự tiếp nối về thế hệ và sự tiếp nối về những tư tưởng cùng lập trường đúng đắn. Và có lẽ, họ, những con người có triển vọng nhất, có tình cảm nhất với đất nước và muốn đấu tranh đến cùng trong thế hệ trẻ 9x, đã lựa chọn gia nhập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nếu chúng ta không ủng hộ họ, chúng ta sẽ đánh mất chính những gì mình đã đấu tranh và tương lai của đất nước, vì có lẽ họ là thế hệ trẻ cuối cùng mà chúng ta còn tin tưởng và hy vọng.
Chắc chắn rằng, nếu chế độ bắt giữ chúng tôi, đó chỉ là một cơ hội để anh em chúng tôi cùng nhau tuyên ngôn về những lập trường mình theo đuổi, và bày tỏ tình cảm với đất nước Việt Nam một cách dõng dạc và quả quyết nhất. Chúng tôi cũng sẽ không từ bỏ đấu tranh, ngay cả khi phải đối mặt với hậu quả là cảnh lao tù, vì tương lai của đất nước Việt Nam và vì giấc mơ Việt Nam đã được trình bày trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Chắc chắn rằng, điều hai chí hữu Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang mong muốn lúc này hơn bao giờ hết là sự hy sinh cả tuổi thanh xuân để đấu tranh (cả hai chí hữu đã có gần 10 năm đấu tranh dù tuổi đời còn rất trẻ) và một vài năm tù đày của họ sẽ không vô ích. Nó sẽ được đánh đổi bằng một chiến thắng quả quyết của lập trường dân chủ đa nguyên và hòa giải dân tộc. Anh em chúng tôi ở bên ngoài cũng chia sẻ một tinh thần tương tự. Chúng tôi, một mặt, cho rằng thái độ bắt bớ anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là đáng lên án và mù quáng, nhưng mặt khác, cũng đã chuẩn bị cho lời cuối cùng trước khi phải ra tòa, cùng với nguy cơ phải chịu cảnh tù đày. Chúng tôi sẽ thanh thản nếu đó là quyết định của những kẻ cầm súng và gươm. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này sẽ không thể dừng lại, vì đất nước Việt Nam và vì những con người mà chúng tôi coi là đồng bào, trong đó có cả những người cộng sản, dù đáng tiếc thay, họ luôn hành động chống lại đất nước.
Chu Tuấn Anh
(21/03/2025)