Trong những năm gần đây, Đông Nam Á đã trở thành một điểm nóng của các hoạt động tội phạm có tổ chức, đặc biệt là đường dây lừa đảo trực tuyến, chủ yếu do các băng nhóm có tổ chức Trung Quốc cầm đầu. Nhiều người bị dụ dỗ, cưỡng bức đến làm việc tại các trung tâm lừa đảo ở Miến Điện, Cam Bốt, để đi lừa đảo những người cả tin khác, bằng những thủ đoạn công nghệ tinh vi.
Hồi đầu tháng 1/2025, một vụ việc gây chấn động dư luận Trung Quốc và khu vực liên quan đến nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh Việt (Wang Xing). Theo truyền thông Trung Quốc, Vương Tinh Việt rời khỏi Trung Quốc đến Thái Lan theo một lời mời tham gia quay phim. Tuy nhiên, sau đó anh mất tích tại Mae Sot, một thị trấn biên giới giữa Thái Lan và Miến Điện.
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/02/lua-dao-0.webp)
Sau khi điều tra, cảnh sát Thái Lan xác nhận rằng nam diễn viên Trung Quốc này là nạn nhân của một đường dây buôn người. Trong một video do truyền thông Trung Quốc đăng tải, anh cáo buộc một nhóm đàn ông có vũ trang đã bắt cóc anh, đưa anh đến biên giới Miến Điện và giam giữ anh trong một tòa nhà cùng với nhiều nạn nhân khác mang quốc tịch khác nhau.
Vụ việc của Vương Tinh Việt đã gây xôn xao công luận tại Trung Quốc, một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng buôn người và cưỡng bức lao động tại các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á. Đáp lại, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường trấn áp các tổ chức lừa đảo xuyên biên giới.
Ngày 16/01/2025, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á phối hợp mạnh tay để đối phó với tội phạm lừa đảo qua mạng. Trong một cuộc họp tại Côn Minh (Trung Quốc), quan chức từ các nước Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Việt Nam đã nhất trí triệt phá các trung tâm lừa đảo trực tuyến, phối hợp bắt giữ các đối tượng cầm đầu, giải cứu và hồi hương các nạn nhân bị lừa sang nước ngoài.
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng hàng trăm nghìn người đã bị các băng nhóm tội phạm dụ dỗ và buộc phải làm việc tại các trung tâm lừa đảo và hoạt động trực tuyến bất hợp pháp trên khắp Đông Nam Á. Một báo cáo năm 2023 của Liên Hiệp Quốc ước tính các hoạt động phát triển nhanh chóng này tạo ra hàng tỷ đô la mỗi năm.
Tại Việt Nam, nhiều vụ lừa đảo dụ dỗ người lao động ra nước ngoài đã được truyền thông trong nước phản ánh. Đặc biệt, các nhóm tội phạm thường lợi dụng tâm lý muốn tìm « việc nhẹ lương cao » để đưa người sang Cam Bốt, Philippines, Thái Lan, nơi họ bị ép buộc làm việc trong các đường dây lừa đảo trực tuyến được cho là do tội phạm Trung Quốc điều hành.
Nhiều nạn nhân cho biết họ bị giam giữ, phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và nếu không tuân theo, họ có thể bị hành hạ, tra tấn tàn bạo.
Năm 2022, công luận rất chú ý tới vụ 40 người Việt tháo chạy khỏi sòng bạc (casino) ở Cam Bốt, bơi qua sông Bình Di để về Việt Nam. Vụ việc phơi bày thực trạng buôn người và cưỡng bức lao động trong các tổ chức tội phạm xuyên biên giới. Theo báo chí trong nước, hồi tháng Một vừa qua, cảnh sát Việt Nam cũng đã bắt giữ hai phụ nữ Việt, chuyên dụ dỗ lừ các nạn nhân sang Cam Bốt làm việc tại các công ty trái phép.
RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn bà Sharlene Chen, giám đốc nghiên cứu tại tổ chức Humanity Research Consultancy (HRC), một công ty tư vấn có trụ sở tại Anh Quốc, chuyên về đào tạo, nghiên cứu và vận động chính sách chống chế độ nô lệ hiện đại và nạn buôn người. HRC hợp tác với các chính phủ, đại sứ quán, các tổ chức tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để giải quyết các vấn đề như lao động cưỡng bức, vi phạm quyền lao động và lừa đảo trực tuyến.
Xin cảm ơn bà Sharlène Chen đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt. Trước tiên bà có thể cho biết tại sao khu vực Đông Nam Á, gần đây lại được coi là điểm nóng, trung tâm của lừa đảo online ?
Vấn đề này có thể bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế và địa chính trị. Dự án Một vành đai một con đường của Trung Quốc đã mang lại những khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á. Nhưng thật không may, điều đó cũng đồng nghĩa với việc một số nhóm tội phạm Trung Quốc có tổ chức xuyên quốc gia, cũng đang tràn vào các quốc gia này, ở Cam Bốt, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Philippines.
Trước đại dịch Covid-19, Cam Bốt có cả một ngành công nghiệp, kinh doanh sòng bài và giải trí, nhưng sau khi nước này ra lệnh cấm chơi cờ bạc tại casino hay trực tuyến, nhiều sòng bài, khách sạn 5 sao đã bị bỏ trống, các nhà đầu tư rút về nước, tạo ra cơ hội cho các nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng những nơi đó cho các hoạt động phạm tội, trong đó có lừa đảo trực tuyến.
Một yếu tố quan trọng khác là tình trạng thực thi pháp luật yếu kém và nạn tham nhũng ở một số quốc gia này, tạo điều kiện cho các tổ chức lừa đảo hoạt động, không quá lo lắng bị can thiệp. Các nhóm tội phạm cũng đã điều chỉnh chiến thuật, chuyển từ các hoạt động lừa đảo tài chính truyền thống, sang các biện pháp hung hăng hơn, cưỡng bức người đến làm việc, để thực hiện các vụ lừa đảo trên nhiều ứng dụng hẹn hò, nền tảng truyền thông xã hội khác nhau để lừa tiền của các nạn nhân.
Vì vậy, ở đây chúng ta thấy hai loại nạn nhân khác nhau : nạn nhân buôn người, những người đã bị dụ dỗ vào khu phức hợp lừa đảo và bị ép buộc phạm tội, và những nạn nhân bị những tên tội phạm này lừa đảo tài chính.
Các trung tâm lừa đảo hoạt động như thế nào ?
Các mạng lưới lừa đảo thường được điều hành trong các khu phức hợp lớn hoạt động tương tự như các tòa nhà văn phòng. Các khu phức hợp này cho thuê không gian cho các công ty lừa đảo, giống như cách các trung tâm thương mại cho thuê cửa hàng cho các thương hiệu khác nhau. Chủ sở hữu khu phức hợp cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, Wi-Fi và an ninh, trong khi các công ty lừa đảo tiến hành các hoạt động gian lận của họ.
Trong nhiều trường hợp, những chủ sở hữu khu phức hợp này cũng hối lộ các quan chức thực thi pháp luật địa phương để tránh các cuộc đột kích và bắt giữ. Những tên tội phạm điều hành các vụ lừa đảo tạo ra các nhóm có cấu trúc, chia nhóm, mỗi nhóm chịu trách nhiệm các vai trò khác nhau, bao gồm nhắm mục tiêu vào nạn nhân, rửa tiền và quản lý các nền tảng đầu tư giả mạo.
Bà đề cập đến việc các nhóm tội phạm Trung Quốc xâm nhập các quốc gia này, điều hành các mạng lưới lừa đảo. Liệu có bằng chứng cụ thể về việc những băng đảng phạm tội có tổ chức do người Trung Quốc cầm đầu ?
Trong những năm gần đây, chính quyền Lào, Philippines và Cam Bốt đã trục xuất hàng nghìn công dân Trung Quốc bị tình nghi điều hành các hoạt động lừa đảo. Lời khai của những người sống sót sau khi trốn thoát khỏi các khu phức hợp lừa đảo này xác nhận rằng nhiều người trong số họ được quản lý bởi những người nói tiếng Hoa.
Cần lưu ý là không phải tất cả những kẻ cầm đầu đều đến từ Trung Quốc. Một số tổ chức tội phạm có thể là người Malaysia, Singapore và Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc. Những nhóm này khai thác các khu kinh tế của Đông Nam Á và sự giám sát yếu kém của cơ quan quản lý để mở rộng mạng lưới của họ.
Bà có thể nêu ra một số chiến thuật lừa đảo trực tuyến được sử dụng ?
Một trong những chiến thuật được sử dụng từ nhiều năm qua là thông qua các nền tảng nhắn tin Telegram hay mạng xã hội để tuyển dụng nạn nhân. Nhiều tổ chức lừa đảo đăng tin tuyển dụng giả mạo hứa hẹn mức lương cao ở các nước Đông Nam Á. Những người trẻ tuổi tìm kiếm việc làm đã bị lừa bởi những quảng cáo này, và bị cưỡng bức đưa vào các khu phức hợp lừa đảo, bị buộc phải đi lừa đảo người khác.
Dù không liên quan, những chiến thuật này cũng đã được sử dụng trong các vụ cưỡng bức hôn nhân. Một số phụ nữ Miến Điện đã bị dụ dỗ bằng những lời hứa về công việc lương cao ở Trung Quốc, và bị buôn bán và rơi vào các cuộc hôn nhân cưỡng bức.
Sự phát triển của các loại công nghệ hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và phương tiện truyền thông xã hội, đã hỗ trợ các nhóm tội phạm thực hiện lừa đảo như thế nào ?
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc khiến những trò lừa đảo này trở nên hiệu quả hơn. Tội phạm mạng sử dụng công nghệ deepfake và hình ảnh do AI tạo ra để tạo ra những nhân vật giả, thường là những người có ngoại hình hấp dẫn hoặc doanh nhân thành đạt để dụ dỗ nạn nhân vào các vụ lừa đảo tình cảm hoặc đầu tư.
Một số trò lừa đảo thậm chí còn liên quan đến việc thu thập mẫu giọng nói từ các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok và Instagram. Sau đó, các nhóm tội phạm có thể sử dụng AI để tạo các cuộc gọi video giả, lừa các thành viên trong gia đình nạn nhân tin rằng họ đang gặp nguy hiểm và yêu cầu trả tiền chuộc. Những chiến thuật này khiến trò lừa đảo trở nên thuyết phục hơn và khó phát hiện hơn.
Một trong những khía cạnh gây sốc trong mạng lưới lừa đảo trực tuyến, xuyên quốc gia ở Đông Nam Á, đó là nhiều kẻ lừa đảo trên thực tế cũng là nạn nhân. Bà có thể giải thích về điều này được không ?
Trên thực tế, đây là một trường hợp điển hình về tội phạm cưỡng bức, có nghĩa việc bị ép buộc tham gia vào bất kỳ hoạt động tội phạm nào. Chúng tôi mong muốn tất cả các nạn nhân của tội phạm cưỡng bức, sẽ không bị coi là tội phạm và do vậy, họ cần được bảo vệ, được bảo vệ như những người sống sót sau nạn buôn người, thay vì bị buộc tội là kẻ lừa đảo.
Làm thế nào mà những nhóm tội phạm có thể dụ dỗ, thao túng người đến làm việc, tiến hành lừa đảo?
Ban đầu, các nhóm tội phạm đưa ra những hình ảnh về cuộc sống xa hoa, với xe sang, khách sạn 5 sao…, để thu hút các nạn nhân, đến Cam Bốt hay Thái Lan làm việc cho họ. Ngay khi họ đến nơi, họ nhận ra rằng không hề có khách sạn 5 sao nào cả, không hề có công việc về lập trình web hay chăm sóc khách hàng nào và họ đã bị lừa. Công việc thực tế mà họ phải làm là trở thành kẻ lừa đảo.
Một khi bị mắc bẫy, họ phải chịu những điều kiện tàn bạo, bao gồm giờ làm việc dài, bạo hành thể xác và hình phạt nghiêm khắc nếu họ không đạt được chỉ tiêu lừa đảo.
Chúng tôi đã ghi nhận các trường hợp nạn nhân kể lại về việc phải làm cùng 40 người khác, bị chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm chịu trách nhiệm lừa đảo một số tiền tối thiểu, thường là 200.000 đô la mỗi tháng. Nếu họ không đạt được chỉ tiêu thì sẽ bị đánh đập, bị tra tấn điện hoặc bị buộc phải đứng dưới nắng trong nhiều giờ. Sự ngược đãi về mặt tâm lý và thể xác, thao túng tâm lý họ, để không thể chạy trốn.
Những nhóm lừa đảo này thường nhắm tới đối tượng nào để tuyển dụng ? Nhóm người nào dễ bị dụ dỗ hơn ?
Hầu hết nạn nhân đều từ 18 đến 40 tuổi, thường là những người trẻ tuổi, có thể nói là ngây thơ, thiếu kinh nghiệm ra nước ngoài. Nhiều người muốn tìm kiếm việc làm ở nước ngoài lương cao, và bị lừa bởi các quảng cáo việc làm giả mạo. Nhiều nạn nhân bị dụ dỗ đi lừa đảo cũng có những kỹ năng ngôn ngữ hay công nghệ cao, được tuyển dụng để có thể giao tiếp với các đối tượng là người phương Tây hoặc tạo nội dung lừa đảo bằng các công cụ AI.
Mặc dù một số lượng lớn nạn nhân đến từ Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện và Philippines, nhưng chúng tôi cũng ghi nhận nhiều nạn nhân từ châu Phi, đặc biệt là Kenya, Uganda và Ethiopia.
Mặc dù đã có nhiều vụ đột kích phá vỡ các trung tâm lừa đảo của cảnh sát tại nhiều nước, nhưng tại sao các hoạt động này vẫn tiếp tục phát triển ?
Các mạng lưới lừa đảo có khả năng thích ứng cao. Khi chính quyền phá vỡ một hang ổ nào, tội phạm chỉ cần di dời hoạt động sang một quốc gia khác. Ví dụ, nhiều hoạt động đã chuyển từ Cam Bốt sang Miến Điện, Lào và thậm chí là Dubai.
Ngoài ra, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã tạo ra các đặc khu kinh tế ở Đông Nam Á, một số nơi này đã trở thành chỗ ẩn náu an toàn cho các tổ chức lừa đảo do sự giám sát lỏng lẻo.
Bà có lời khuyên nào cho mọi người để tránh bị lừa đảo trực tuyến không?
Biện pháp tốt nhất là nâng cao nhận thức và thận trọng. Đối với những người tìm việc, cần phải luôn xác minh các lời mời làm việc. Ngay cả trên các nền tảng chuyên nghiệp như LinkedIn, vẫn có tình trạng lừa đảo. Người dùng mạng xã hội nên tránh chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, bao gồm cả kế hoạch đi lại và bản ghi âm giọng nói.
Công chúng không nên dễ dàng tin vào các cơ hội đầu tư nghe có vẻ quá tốt, quá hấp dẫn để trở thành sự thật.
Các công ty công nghệ, nền tảng mạng xã hội, cũng phải chịu trách nhiệm lớn hơn, bằng cách cải thiện việc kiểm duyệt nội dung để phát hiện và xóa các thông báo tuyển dụng, việc làm gian lận và quảng cáo lừa đảo.
Đây là vấn đề toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn. Chính phủ, các công ty công nghệ và các tổ chức tài chính phải hợp tác với nhau để phá bỏ các mạng lưới này và bảo vệ nạn nhân của tội phạm cưỡng bức.
Chi Phương
Nguồn : RFI Tiếng Việt