Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Nguyễn Duy Ngọc làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thay cho ông Trần Cẩm Tú. Ông Ngọc cũng được bổ sung vào Bộ Chính trị. Ông Trần Lưu Quang được bầu bổ sung vào Ban Bí thư.
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/01/nguyen-duy-ngoc-0.webp)
Tại hội nghị diễn ra vào ngày 23/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có các quyết định quan trọng về nhân sự.
Theo đó, ông Nguyễn Duy Ngọc, người từng là thứ trưởng Bộ Công an, đã được bầu làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và được bổ sung vào Bộ Chính trị.
Ông Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, được bầu bổ sung vào Ban Bí thư.
Với sự bổ sung này, hiện Bộ Chính trị có 16 người và Ban Bí thư có 13 người.
Sai quy định
Xét theo Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, việc ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị là sai quy định vì ông chưa đủ tiêu chuẩn.
Quy định 214 nêu các tiêu chuẩn cho các chức danh nói trên, trong đó, bên cạnh các tiêu chuẩn mang tính định tính (như đạo đức, yêu nước, bản lĩnh chính trị…) là các tiêu chuẩn định lượng (thời gian công tác, các chức vụ đã đảm trách…).
Theo đó, tiêu chuẩn đối với ủy viên Bộ Chính trị được quy định tại mục 2.2 như sau:
- Là ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên
- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương. Trường hợp ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.
Tương tự, tiêu chuẩn đối với chức danh chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được quy định tại mục 2.8 như sau:
- Đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên
- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc phó trưởng ban đảng Trung ương hoặc cấp thứ trưởng và tương đương.
Ông Nguyễn Duy Ngọc là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, tức đến nay chưa làm trọn một nhiệm kỳ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tức chưa đủ tiêu chuẩn để vào Bộ Chính trị hoặc giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trước đây, việc ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng và bổ sung vào Ban Bí thư cũng đã sai Quy định 214, vì ông không đủ tiêu chuẩn.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương là gì?
Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Trung ương Đảng.
Nhiệm vụ chính của ủy ban này là chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Xét tới việc cán bộ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền Việt Nam đều là đảng viên và việc Đảng lãnh đạo toàn diện ở Việt Nam, ủy ban này có quyền lực rất to lớn trong việc tác động đến bộ máy nhân sự.
Việc xử lý cán bộ cấp lãnh đạo cao, gồm cả các ủy viên Bộ Chính trị, đều dựa trên báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương là những ban đảng từng đóng vai trò đắc lực, chủ chốt trong công cuộc “đốt lò” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước đây, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College (Mỹ) từng nhận xét với BBC News Tiếng Việt rằng các ban đảng, như Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được thành lập giúp trao thêm quyền hạn để khẳng định sự kiểm soát và kỷ luật của Đảng.
Vào tháng 6/2024, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã ký Quyết định 165 của Bộ Chính trị ban hành quy trình ba bước xem xét, thi hành kỷ luật với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Quyết định này nhấn mạnh vai trò chủ chốt của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc kỷ luật cán bộ cấp cao.
Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam không có thẩm quyền bắt giữ, thẩm vấn đảng viên. Thay vào đó, Cơ quan điều tra của Bộ Công an – được xem là thanh bảo kiếm của Đảng – làm nhiệm vụ này.
Từ đầu năm 2024 đến nay, có tới năm ủy viên Bộ Chính trị, hai trong số này thuộc “Tứ Trụ”, đã phải xin thôi chức vì “vi phạm những điều đảng viên không được làm”, xuất phát từ báo cáo và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ủy ban này còn có chức năng “đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc yêu cầu tổ chức và cá nhân có thẩm quyền thi hành kỷ luật, thay đổi hình thức kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với đảng viên”.
Đáng chú ý nhất, ba nhân vật từng nằm trong “Tứ Trụ” gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đều bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật ngay cả khi đã thôi chức. Trong đó, ông Phúc và ông Huệ nhận kỷ luật cảnh cáo, ông Thưởng chưa bị xem xét vì đang điều trị bệnh.
Việc Bộ Chính trị đưa ra hình thức kỷ luật với các nhân vật chủ chốt này đều dựa trên đề nghị và báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trước đó, biến động nhân sự gần đây nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là việc bầu ông Vũ Hồng Văn làm phó chủ nhiệm. Ông Văn từng Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) tới cuối năm 2023. Khi đó, ông Văn là thiếu tướng.
Nhân vật thân cận của ông Tô Lâm
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/01/nguyen-duy-ngoc-1.webp)
Ông Nguyễn Duy Ngọc được coi là một trong những nhân vật thân cận của ông Tô Lâm, từ thời ông Lâm còn làm bộ trưởng Công an.
Ông Nguyễn Duy Ngọc sinh năm 1964 ở Hưng Yên, cùng quê với Tổng Bí thư Tô Lâm. Ông có trình độ chuyên môn là thạc sĩ luật, cao cấp lý luận chính trị.
Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, từng giữ chức thứ trưởng Bộ Công an.
Ông Ngọc từng công tác nhiều năm ở Công an TP Hà Nội, trải qua các chức vụ như trưởng Công an huyện Thanh Trì, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội.
Trước khi trở thành thứ trưởng Bộ Công an vào tháng 8/2019, ông Ngọc là Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Ông Ngọc được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăng hàm thượng tướng vào tháng 12/2023. Khi là phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, ông Ngọc là người ký ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng.
Tháng 11/2016, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an.
Sau khi Bộ Công an bỏ cấp tổng cục, ông Ngọc làm Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03).
Tháng 8/2019, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Công an, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Khi đó, thủ trưởng của ông Ngọc là Bộ trưởng Tô Lâm.
Ngày 3/6/2024, ông Ngọc được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Như phân tích ở trên, ông Ngọc được bổ nhiệm vào vị trí này là sai Quy định 214 về “khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” do ông chưa “là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên”.
Theo thông lệ, người đảm trách chức vụ chánh Văn phòng Trung ương Đảng thường là ủy viên Ban Bí thư vì tính chất đòi hỏi của công việc.
Khoảng hai tháng sau khi đảm nhận chức vụ tại Văn phòng Trung ương Đảng, ông Ngọc được bầu vào Ban Bí thư.
Đến ngày 23/1, ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nguồn : BBC Tiếng Việt, 23/01/2025