Có một chủ nghĩa trường tồn Việt Nam (Trần Đông A)

Người Việt xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, ngày 11/5/2014. Hình minh hoạ.

Những tư tưởng lớn không trở nên vạm vỡ và trường tồn chỉ sau một ngày, một tháng mà có khi phải chờ hàng thế kỷ. Nhưng lịch sử lại cũng có những điểm ngoặt bất ngờ… 

Tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong một Tổ quốc thống nhất, tự do, dân chủ, thịnh vượng đã được nhắc đến đó đây. Nhưng để những lối mòn ấy trong lịch sử tư tưởng trở thành các đại lộ, thậm chí trở thành đạo lý dẫn đường, cần có sự giao thoa giữa thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Đừng ảo tưởng rằng đạo lý ấy sẽ hình thành trong một tháng hay một năm. Đạo là sự bừng tỉnh của cả cộng đồng lẫn người dẫn dắt được lựa chọn. Nó phụ thuộc vào sự tỉnh táo, minh triết và khả năng không chỉ hòa giải lợi ích mà còn hóa giải xung đột, cả trong nội bộ lẫn ngoài xã hội. Để tư tưởng này trở thành đạo lý chung của dân tộc, hãy nhìn lại các vấn đề lớn nêu trong Tuyên bố lịch sử nhân hướng tới ngày 30/4 để tưởng niệm cuộc chiến tranh khốc liệt kết thúc cách đây hơn nửa thế kỷ (1).

“Cuộc chiến tranh ấy đã để lại những đau thương, nhưng cũng là bài học quý giá về sự lựa chọn con đường tương lai cho Việt Nam trong một thế giới không ngừng biến động”. Tuyên bố viết tiếp: “Lịch sử đã chứng minh rằng, các chủ nghĩa rồi sẽ qua đi, nhưng quyền lợi quốc gia và truyền thống dân tộc phải trường tồn. Những giá trị này phải là kim chỉ nam cho mọi thế hệ lãnh đạo, đặt sự thịnh vượng và trường tồn của dân tộc lên hàng đầu. Cuộc chiến cũng dạy chúng ta rằng, những gì từng là xung đột có thể hóa giải khi chúng ta hướng đến tương lai chung, như cách mà các kẻ thù hôm qua đã trở thành các đối tác chiến lược toàn diện hôm nay” (2).

Hơn nửa thế kỷ qua, chưa ai dám xác quyết rằng, chúng ta tri ân tất cả những người đã hy sinh trong cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ, không phân biệt “bên thắng cuộc” hay “bên thua cuộc” (3). Sự hy sinh của cả hai bên là vô cùng cao cả và thiêng liêng để quyết định, ngày nay, ý chí và tương lai Dân tộc Việt Nam này đi về đâu! Quốc gia hay Cộng sản thì mỗi bên đều từng chiến đấu cho những giá trị mình đeo đuổi trong diễn trình lịch sử.

Dân hơn trăm triệu đã trưởng thành?

Thi sĩ Tản Đà đầu thế kỷ 20 từng hỏi: “Dân hai lăm triệu ai người lớn…” Giờ đây, đất nước ta đã hơn trăm triệu dân, nhưng câu hỏi ấy vẫn còn nguyên giá trị. Một dân tộc trưởng thành không chỉ đông dân mà còn cần có trình độ nhận thức, khả năng tư duy độc lập, sự hiểu biết về quyền và nghĩa vụ công dân. Chúng ta có đủ năng lực để cùng nhau xây dựng một đất nước thịnh vượng, dân chủ và tự do hay chưa? Tuyên bố lịch sử nhân ngày 30/4 nhấn mạnh vai trò của giáo dục và nhận thức xã hội. Khi dân trí đủ lớn, những tư tưởng về hòa hợp, đoàn kết và phát triển sẽ không còn là lý thuyết mà sẽ được thực thi trong đời sống hàng ngày.

Lịch sử cho thấy, không có quốc gia nào có thể đi lên mạnh mẽ khi còn chia rẽ nội bộ. Tuyên bố kêu gọi tất cả người Việt, không phân biệt quan điểm chính trị hay ý thức hệ, cùng chung tay xây dựng tương lai. Đây không chỉ là lời kêu gọi suông mà là một điều kiện sống còn để Việt Nam có thể bước sang trang mới, thoát khỏi những quán tính nặng nề của quá khứ. Hòa hợp không có nghĩa là quên đi quá khứ, mà là học cách hướng về phía trước, để mọi công dân đều có cơ hội đóng góp và phát triển trên chính quê hương của mình.

Không phải mọi giai đoạn đều có thể sản sinh ra những nhà lãnh đạo vĩ đại. Nhưng tư tưởng dù lớn đến đâu cũng không thể thành hiện thực nếu thiếu đi những con người đủ tâm và đủ tầm để thực hiện nó. Việt Nam cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn, đặt lợi ích dân tộc lên trên tất cả, và có khả năng truyền cảm hứng cho nhân dân. Tuyên bố lấy ngày 30/4 làm “Ngày Đoàn Kết Dân Tộc” nhấn mạnh rằng, chính quyền phải thực sự phụng sự nhân dân, tôn trọng quyền tự do tư tưởng và ngôn luận, thậm chí trả tự do cho những tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm để đảm bảo một xã hội công bằng và minh bạch (4).

Một quốc gia thịnh vượng không thể tồn tại nếu thiếu một hệ thống pháp luật công minh, bảo vệ quyền con người một cách toàn diện. Trong tuyên bố lịch sử, yêu cầu cải cách pháp lý nhằm đảm bảo quyền dân sự và chính trị của mọi công dân là một điều kiện then chốt để Việt Nam bước lên tầm cao mới. Nếu một hệ tư tưởng không có cơ chế chính trị phù hợp để bảo vệ và thực hiện, nó sẽ mãi chỉ là một giấc mơ đẹp nhưng không có thực tế.

Có một chủ nghĩa trường tồn Việt tộc

Thế kỷ XX là thế kỷ của nhiều cuộc chiến tranh, nơi các nước nhỏ bị cuốn vào vòng xoáy xung đột của các cường quốc. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XXI, môi trường quốc tế đang có những thay đổi lớn. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa đa phương và sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế đang tạo ra điều kiện thuận lợi để các nước nhỏ có thể phát triển mà có thể tránh khỏi bị lôi cuốn vào các cuộc xung đột (5). Tuyên bố lịch sử kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tận dụng thời cơ này để giữ vững chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế, và đảm bảo một nền hòa bình bền vững cho các thế hệ mai sau.

Lịch sử dân tộc là dòng chảy trường tồn qua nhiều thế hệ, là sự tiếp nối và kế thừa. Sinh ra trên dải đất hình chữ S, mỗi chúng ta đều có quyền và trách nhiệm đóng góp công sức để quyết định tương lai dân tộc trên từng chặng đường lịch sử. Lý tưởng có thể đúng đắn và cao đẹp, nhưng không phải lúc nào cũng giành được chiến thắng. Có lúc, buộc phải chấp nhận chưa thành công, nhưng những hy sinh ấy, những lý tưởng cao đẹp ấy vẫn luôn âm ỉ cháy trong lòng dân tộc. Đến một ngày, khi điểm hẹn lịch sử tới, ngọn lửa ấy sẽ bùng lên mạnh mẽ, quét sạch những gì không phù hợp với truyền thống dân tộc và quyền lợi của nhân dân, mở ra một thời đại mới, báo hiệu bình minh của đất nước.

Hướng tới kỷ nguyên mới ấy, hãy nhớ về Lý Công Uẩn: Đối với Lý Thái Tổ, yêu dân, trọng dân, không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là bí quyết của việc trị quốc. Luôn luôn vang lên trong tâm trí nhà Vua là câu hỏi dân sống thế nào? Mọi dụ chiếu canh cải đất nước đã tới dân hay chưa? Để trả lời các câu hỏi đó, nhà Vua quyết định xếp lại các tấu biểu để đi vi hành. Trong trang phục một nhà sư, đi nửa ngày tới một ngôi làng cách kinh kỳ không xa, ông đã phát hiện ra bao cảnh đau lòng… Đó là một nhà tù đang giam hãm những tù nhân bị oan khuất. Vua lập tức ra lệnh bỏ ngay chốn lao ngục ấy và bồi thường cho mỗi án oan ba mươi quan tiền (6).

Chủ nghĩa Trường tồn Việt tộc không phải là khẩu hiệu mà là kim chỉ nam cho mọi hành động. Muốn tinh thần này thấm sâu vào tâm hồn dân tộc, cần giáo dục để mỗi người dân hiểu rõ lịch sử, truyền thống và những bài học dựng nước – giữ nước để nuôi dưỡng niềm tự hào, hun đúc ý chí tự lập, tự chủ. Giáo dục phải thông qua các hành động cụ thể, tạo nên những thế hệ biết trân trọng và gìn giữ hồn nước. Từ việc bảo vệ tiếng Việt, phong tục tập quán, đến gìn giữ di sản lịch sử và các giá trị truyền thống, đó chính là giữ lấy linh hồn của đất nước.

Hẳn nhiên, kinh tế là nền tảng của tự chủ. Một đất nước mạnh phải có nền kinh tế độc lập, không quá lệ thuộc vào ngoại bang. Người Việt cần thúc đẩy sản xuất trong nước, ủng hộ doanh nghiệp nội địa và phát triển nền công nghiệp, khoa học – công nghệ tiên tiến. Trường tồn không chỉ dựa vào cá nhân mà phải là sức mạnh của cả cộng đồng. Dù ở trong hay ngoài nước, người Việt cần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chung tay giữ vững chủ quyền và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi công dân có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đấu tranh chống lại mọi mối đe dọa đến sự toàn vẹn của quốc gia.

“Dân chủ – Cộng hòa” với triết lý “Trường tồn”

Trong kỷ nguyên mới đang tới, rất cần sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các giá trị của “Chủ nghĩa Trường tồn Việt tộc” với tư tưởng “Dân chủ – Cộng hòa”, chỉ mới chớm hình hài thuở hồng hoang của chế độ (7). Đây không chỉ là sự tái sinh lịch sử mà còn là một bước đi chiến lược cho tương lai. Khi toàn cầu hóa, công nghệ và biến đổi khí hậu đang định hình lại thế giới, Việt Nam có cơ hội khẳng định vị thế như một quốc gia tự chủ, bền vững và thịnh vượng. Với dân chủ thực sự, pháp quyền vững mạnh và bản sắc văn hóa trường tồn, chúng ta không chỉ vượt qua thách thức mà còn có thể góp phần vào việc giải quyết các vấn đề chung của nhân loại. Khi người lãnh đạo thấm nhuần được hệ giá trị “Chủ nghĩa Trường tồn Việt tộc” với tư tưởng “Dân chủ – Cộng hòa”, sẽ dẫn dắt dân tộc vượt qua mọi thử thách, tiếp nối tinh thần tự cường của cha ông, viết tiếp trang sử hào hùng của nước Việt muôn đời.

Nhân năm mới, nhắc lại câu đối Tết đầy suy tư của TS. Hà Sỹ Phu: “Năm Thìn qua, RỒNG gặp nghẽn hết bay cao, cụp RÂU đỏ… im hơi lặng tiếng!Tết Tỵ tới, RẮN thừa cơ còn quấn chặt, thè LƯỠI vàng … nhả ngọc phun châu !” (8). Nói phải đi đối với làm! Người lãnh đạo cần phải nêu cao gương sáng ấy! Những người Việt từ trong nước đến năm châu hãy cùng nhau hành động, làm rạng danh xứ sở, khẳng định với thế giới rằng chúng ta là một dân tộc kiêu hùng, mang trong mình tinh hoa con cháu Lạc Hồng. Chúng ta cầu mong các thời đại vẻ vang của tiền nhân ban phúc lành đến toàn thể đồng bào, đem đến một năm mới bình an, hạnh phúc. Mỗi người hãy cùng nhau chung tay bảo vệ và xây dựng đất Mẹ Việt Nam, để Tổ quốc ngày càng hưng thịnh, rạng ngời.

Mỗi năm là một mắt xích trong chuỗi dài bất tận của lịch sử, mỗi tháng, mỗi giờ, mỗi phút là những khoảnh khắc ghi lại nhịp sống không ngưng nghỉ của dân tộc. Năm nay, chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu một chu kỳ mới, khép lại một nửa thế kỷ đã qua để mở ra những cơ hội rực rỡ hơn – sống với danh dự, vươn tới sự thịnh vượng vững bền, dưới sự chứng giám và phù trợ của hồn thiêng sông núi Đại Việt (8). Tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong một Việt Nam thống nhất, tự do, dân chủ và thịnh vượng là một tư tưởng cao đẹp. Nhưng để biến tư tưởng ấy thành đạo lý dẫn dắt dân tộc, chúng ta không chỉ nói, mà phải hành động – cùng nhau làm việc, cùng nhau phấn đấu để kiến tạo một tương lai mới.

Hãy biến ngày 30/4 không chỉ là một cột mốc lịch sử, mà còn là ngày khởi đầu cho một Việt Nam đại đoàn kết, hướng về tương lai!

Tham khảo:

(1, 2, 4) https://www.facebook.com/share/p/164mtqsjqu/

(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%AAn_th%E1%BA%AFng_cu%E1%BB%99c

(5) https://www.sggp.org.vn/huong-den-ky-nguyen-moi-trong-the-gioi-phan-cuc-phi-thuong-post779357.html

(6) http://trannhuong.net/tin-tuc-57068/doc-tieu-thuyet-lich-su–suy-nghi-ve—hien-tuong-hoang-quoc-hai.vhtm

(7) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/819669/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-dan-chu-va-yeu-cau-cung-co-moi-quan-he-giua-nha-nuoc-va-nhan-dan-trong-giai-doan-hien-nay.aspx

(8) https://diendantheky.net/ha-si-phu-cau-doi-tet-at-ty-2025/

(9) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/the-cua-dat-nuoc-trong-ky-nguyen-vuon-minh-phat-trien-giau-manh-thinh-vuong-cua-dan-toc-viet-nam

  • Trần Đông ATrần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Nguồn: voatiengviet.com

About the author