Cung cách hành xử của người lãnh đạo trong các thời biến lịch sử (III) (Lê Quế Lâm)

Khi ký tạm ước 14/9, hai bên Pháp Việt Minh đều có dụng ý hoãn binh. Họ cố duy trì mối liên hệ chỉ nhằm để chuẩn bị mưu đồ riêng tư của họ: một bên chuẩn bị tái chiếm Đông Dương, một bên chuẩn bị phát động cuộc kháng chiến. Dù mưu đồ khác nhau nhưng hai bên lại có chung một mục tiêu là ra tay tiêu diệt những người quốc gia. Việt Minh cố giữ mối giao tiếp với Pháp để người Pháp khỏi thương thuyết với những người quốc gia, và nhờ Pháp tiêu diệt các lực lượng quốc gia đối kháng. Sau này khi phát động cuộc kháng chiến chống Pháp thì họ có chính nghĩa hơn và lại độc quyền lãnh đạo toàn dân. Pháp thì thừa nhận chính phủ Việt Minh để nhờ Việt Minh ra tay thanh toán các đối thủ quốc gia, Sau này khi chiến tranh bùng nổ, họ dùng chiêu bài chống cộng sản có chính nghĩa hơn là chiến đấu để tiêu diệt những người yêu nước tranh đấu cho nền độc lập quốc gia. 

Trước lúc đàm phán với Pháp, nội bộ các phe phái Việt Nam đã chia rẽ, đến khi cuộc đàm phán tiếp diễn họ lại càng sát phạt nhau một mất một còn. Ngay khi quân đội Tưởng Giới Thạch vừa rút khỏi miền Bắc (15/6/1946), lực lượng Việt Minh bắt đầu khủng bố các đảng phái đối lập. Võ Nguyên Giáp thực hiện chiến dịch truy quét các các đảng phái đối lập thân Trung Hoa như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, những người Trotskist, các lực lượng chính trị Công giáo thân Pháp.  

Ngày 19/6/1946 báo Cứu Quốc của tổng bộ Việt Minh đăng bài xã luận kịch liệt chỉ trích “bọn phản động phá hoại Hiệp ước Sơ bộ Pháp Việt mùng 6 tháng 3”. Võ Nguyên Giáp dùng lực lượng công an và quân đội do Việt Minh kiểm soát, được Pháp cung cấp vũ khí để thực hiện chiến dịch này. Nguyễn Hải Thần và các lãnh tụ Việt Cách âm thầm rút lui, Nguyễn Tường Tam và những lãnh tụ Đại Việt Dân chính cũng lên đường sang Trung Quốc trong khi lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng rút về các chiến khu, lâm vào tình trạng lưỡng đầu thọ địch: vừa chống Pháp vừa chống Việt Minh và đi dần đến chỗ tan rã. 

Tháng 7/1946, công an Việt Minh tấn công trụ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng ở phố Minh Khai, Ôn Như Hầu và tòa soạn báo Việt Nam -cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc dân Đảng. Hai bên chiến đấu quyết liệt, nhà văn Khái Hưng chủ nhiệm báo Việt Nam bị bắt và sau đó bị thủ tiêu. Tại trụ sở Việt Nam Quốc dân Đảng ở đường Ôn Như Hầu, công an Việt Minh khám phá nhiều dụng cụ làm bạc giả, các dụng cụ tra tấn và dấu vết máu loang lổ trên tường. Theo công an Việt Minh, thì Quốc dân Đảng đã bắt cóc nhiều cán bộ Việt Minh về đây hành hạ và thủ tiêu. Nhiều nguồn dư luận cho rằng Việt Minh đã ngụy tạo thêm để Võ Nguyên Giáp mời cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc đó là quyền Chủ tịch chính phủ (thời gian Hồ Chí Minh còn ở Pháp) đến quan sát. Quá tức giận, cụ Huỳnh ký quyết định giải tán Việt Nam Quốc dân Đảng. 

Ngày 28/10/1946, quốc hội họp khóa hai chỉ còn một số đại biểu Việt Minh, các đại biểu Việt Cách và Việt Quốc đều vắng mặt, cụ Huỳnh Thúc Kháng chán nản xin rút lui. Nội bộ Việt Nam càng chia rẽ, thái độ của Pháp càng quyết liệt. Chính phủ Liên hiệp ở Việt Nam tan vỡ thì cuộc đàm phán ở Fontainebleau cũng đi vào bế tắc, mối giao tiếp hai bên Việt Pháp mỗi ngày thêm nặng nề. Về đến Cam Ranh, Hồ Chí Minh đã bị D’Argenlieu trách cứ về vấn đề Nam bộ. Y phản đối việc thành lập ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ là không phù hợp với tinh thần bản Tạm ước 14/9 và yêu cầu ông Hồ Chí Minh phải đích thân ra lịnh ngưng ngay các cuộc tấn công vũ trang ở Nam bộ. 

Xung đột quân sự bắt đầu diễn ra ở Hải Phòng. Đầu tháng 11/1946 quân Pháp tiến chiếm cơ quan hải quan ở cảng Hải Phòng. Vệ quốc quân Việt Minh phản công, Pháp gởi tối thư yêu cầu chính quyền Việt Minh phải rút khỏi Hải Phòng.  

Ngày 23/11/1946, quân đội hai bên đã nổ súng ở cảng Hải Phòng. Chướng ngại vật dựng lên đầy đường phố, một đại tá Pháp đã tử thương khi làm công tác dọn dẹp. Bộ đội Việt Minh tập trung ở khu phố Trung hoa, Pháp yêu cầu triệt thoái nhưng không kết quả, họ liền tấn công bằng đại bác vào thành phố Hải Phòng làm hàng ngàn người thương vong.  

Ngày 29/11 Võ Nguyên Giáp đến tiếp xúc với tướng Molière -tư lịnh quân đội Pháp ở Bắc Việt. Viên tướng này nói thẳng lập trường của Pháp là họ phải kiểm soát Hải Phòng cùng các vùng phụ cận và quốc lộ số 5 Hà Nội – Hải Phòng cũng như các trục lộ nối liền các đồn trú quân của Pháp. Việt Minh không chấp nhận các đòi hỏi của Pháp, họ rút khỏi Hải Phòng và chuẩn bị chiến tranh. 

Ngày 15/12/l946, Hồ Chí Minh gởi thông điệp cho lãnh tụ đảng Xã hội Pháp Léon Blum vừa được bổ nhiệm làm thủ tướng Pháp yêu cầu hành động gấp để cứu vãn tình thế. Người bạn thân hữu mà Hồ Chí Minh đặt nhiều hy vọng đã làm ngơ trước lời yêu cầu của ông. Lúc bấy giờ các lãnh tụ cánh tả Pháp bao gồm đảng Xã hội và đảng Cộng sản đều hy vọng sẽ giành được chính quyền thông qua các cuộc tổng tuyển cử tháng 11/ 1946 nên họ cố tránh làm mất lòng cử tri, từ bỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa. 

Cuộc xung đột lan tràn đến Hà Nội, ngày 18/12 Pháp gởi tối hậu thư yêu cầu Việt Minh phải giao sở công an cho họ, đến ngày 20 là hết hạn. Quân tự vệ Việt Minh mở cuộc tấn công quân Pháp trong đêm 19/12/1946. Hôm sau chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến:  “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ..Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp để cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”. 

Trước khi phát động toàn quốc kháng chiến, các yếu nhân trong chính phủ và quân chính qui Việt Minh đã rút ra ngoài cả rồi, chỉ có các đội quân tự vệ ở lại Hà Nội để đánh phá và bắt người Pháp và những người theo Pháp. Quân tự vệ Việt Minh bám trụ ở thủ đô tiếp tục chống Pháp đến cuối tháng 2/1947 mới rút lui.  

Theo cựu thủ tướng Trần Trọng Kim thì chiến lược của Việt Minh lúc bấy giờ là rút ra ngoài, dùng phương cách du kích và tiêu thổ, nghĩa là đốt phá hết sạch những nhà cửa dinh thự, chỉ để lại đám đất không. Chủ trương tiêu thổ của Việt Minh có hai mục đích: một là gây cản trở cho quân Pháp, đi đến đâu bọn chúng cũng không có chỗ cư trú, thuận lợi cho du kích hoạt động. Hai là làm cho dân cư trong các thành thị mất cả nhà cửa cơ nghiệp, rồi đói khổ điêu đứng, chỉ có theo cộng sản là sống mà không theo thì chết. 

Mọi nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam bằng con đường thương thuyết hòa bình theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc vừa được công bố, đã hoàn toàn sụp đổ. Ngày 22/12/1946, trong diễn văn đọc trước quốc hội, thủ tướng Léon Blum loan báo chiến tranh Việt Nam đã thực sự bùng nổ. Ông cho biết mục tiêu của nước Pháp trong cuộc chiến này là nhằm tái lập an ninh trật tự ở Đông Dương và sau đó sẽ bàn đến việc tổ chức một nước Việt Nam tự trị tự do. Giữa tháng Giêng 1947, đài phát thanh của Việt Minh lên tiếng cho biết họ đã quyết định từ chối thương thuyết với Pháp và hạ lịnh tổng động viên để kháng chiến chống Pháp. (18) 

Thất bại trong việc thương thuyết với Hồ Chí Minh, Pháp liền chuyển sang nói chuyện với những người quốc gia ôn hòa. Đầu tháng 3 năm 1947, lãnh tụ Đảng Xã hội Paul Ramadier thay thế Léon Blum cầm đầu chính phủ liên hiệp gồm các đảng Xã hội, Cộng sản và Dân chủ Thiên chúa giáo. Ramadier bổ nhiệm nghị sĩ Xã hội Emile Bollaert làm cao ủy ở Đông Dương thay thế D’Argenlieu. Bollaert được chính phủ Pháp cho phép đi tìm những phe phái ở Việt Nam chịu thay mặt dân tộc Việt Nam đứng ra thương thuyết với Pháp kể cả Hồ Chí Minh và tổ chức Việt Minh nếu còn có thể được.   

Tháng 5/1947 Bollaert ủy nhiệm viên cố vấn riêng là giáo sư Paul Mus, đảng viên đảng Xã hội, giám đốc trường hải ngoại Pháp, và là bạn thân của Hồ Chí Minh đến tiếp xúc với họ Hồ để cố tìm một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Paul Mus đã gặp Hồ Chí Minh và bộ trưởng Ngoại giao của Hồ Chí Minh là Hoàng Minh Giám tại Cầu Đuống (Phúc Yên) nhưng không có kết quả. Chính Paul Mus dù là bạn thân của Hồ Chí Minh, song ông vẫn khuyến cáo chính phủ Pháp nên tìm gặp cựu hoàng Bảo Đại nói chuyện vì “điều đình với ông Hồ Chí Minh dông dài lắm“.   

Bollaert tin tưởng rằng muốn chấm dứt phong trào kháng chiến và tách các nhóm kháng chiến quốc gia khỏi phe cộng sản, điều cần thiết là phải thỏa mãn nguyện vọng ưu tiên của họ là độc lập. Do đó trong diễn văn đọc tại Hà Đông (Bắc Việt) ngày 15/5 và 10/9/1947 Bollaert hứa hẹn sẽ thừa nhận trên nguyên tắc sự độc lập của Việt Nam trong vòng liên kết với Pháp. Báo Thời sự ở Hà Nội là một trong những cơ quan ngôn luận đầu tiên đưa ra ý kiến mời cựu hoàng Bảo Đại về nước lãnh đạo các phong trào quốc gia chống Cộng và tranh đấu với Pháp để thu hồi nền độc lập quốc gia. 

Trước đó khi chính phủ liên hiệp Quốc Cộng tan vỡ, chiến tranh Việt Minh Pháp bùng nổ, một số lãnh tụ Quốc gia chạy sang Hồng Kông và thành lập Mặt trận Quốc gia ở Hương Cảng. Họ ủng hộ Bảo Đại và khuyên ông ta đứng lên lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước thông qua con đường thương lượng với Pháp. Mặt trận quy tụ một số nhân vật đã từng hợp tác với Việt Minh như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Long và Nguyễn Văn Sâm thủ lãnh đảng Việt Nam Độc Lập ở Nam bộ. 

Dù cao ủy Đông Dương  D’Argenlieu đã cử đại diện đến Hồng Kông thuyết phục Bảo Đại trở lại nắm chính quyền, song cựu hoàng vẫn giữ thái độ dè dặt. Do đó, nhiều đoàn thể chính trị đã nhóm họp ở Sàigòn, Huế và Hà Nội. Ngày 9/9/1947 họ cử một phái đoàn gồm 24 đại diện sang Hồng Kông trình bày nội tình đất nước với Bảo Đại và mời cựu hoàng trở về gánh vác việc nước. Thấy vậy Bảo Đại mới lên tiếng với các phóng viên ngoại quốc: “nếu quốc dân còn tín nhiệm thì tôi sẵn sàng đứng ra đàm phán với Pháp để thỏa mãn những nguyện vọng chung“.

Khi tiếp đại diện của Bollaert, Bảo Đại đặt điều kiện tiên quyết với Pháp là: Việt Nam phải độc lập và thống nhất, trong đó việc quy hoàn Nam bộ vào lãnh thổ quốc gia là điều kiện tối yếu để ông trở lại chấp chánh. 

Ngày 7/12/1947 Bollaert và Bảo Đại chính thức gặp nhau tại Vịnh Hạ Long. Trong cuộc hội kiến đầu tiên này, Bollaert chấp nhận những điều kiện do cựu hoàng đưa ra: thống nhất đất nước, quân đội và ngoại giao tự trị, bãi bỏ mọi kiểm soát và can thiệp có tính chất liên bang.  

Về vấn đề thống nhất, Bollaert cho biết là chính phủ Pháp có thể chấp nhận loại bỏ chính phủ Nam Kỳ phân ly nhưng chưa rõ dân ý Nam kỳ như thế nào? Sau đó Bollaert bay sang Paris thỉnh thị chính phủ Pháp, còn Bảo Đại trở về Hương Cảng tham khảo ý kiến các giáo phái và đoàn thể quốc gia về vấn đề chủ quyền và thống nhất đất nước. 

Để ủng hộ Bảo Đại, ngày 19/12/1947, một phái đoàn nữa gồm những nhân vật tên tuổi ở Nam kỳ như Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu… Họ khuyến cáo cựu hoàng cử thủ tướng Cộng hòa Nam kỳ nay đã đổi tên thành Cộng hòa Nam phần, một phần của lãnh thổ  Việt Nam, làm thủ tướng Chính phủ Quốc gia Lâm thời, đương nhiên đất nước đã thống nhất, không còn chia ly. Trong khi đó, sau khi nhận chỉ thị của chính phủ Pháp, Bollaert lên tiếng trên Đài phát thanh Sàigòn ngày 30/11/1947: “Hồ Chí Minh ngoan cố nên Pháp không bao giờ điều đình lại với Cộng sản nữa, mà duy nhất chỉ nói chuyện với cựu hoàng Bảo Đại“. 

Ngày 27/5/1948 cựu hoàng Bảo Đại đề cử ông Nguyễn Văn Xuân đảm nhận chức vụ thủ  tướng Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam. Hai tuần sau, ngày 8 tháng 6, trên một chiến hạm bỏ neo tại Vịnh Hạ Long, Bollaert nhân danh chính phủ Pháp và Nguyễn Văn Xuân -thủ tướng Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam đã ký thỏa ước Vịnh Hạ Long. Pháp nhìn nhận Việt Nam độc lập và tự do thực hiện sự thống nhất quốc gia, nhưng trên thực tế các lãnh vực ngoại giao, quân sự, kinh tế và tài chánh vẫn còn bị Pháp kiểm soát. Bất mãn vì sự thất hứa của Bollaert, Bảo Đại bỏ sang Âu châu, cương quyết khước từ lời mời của Pháp trừ khi Việt Nam được độc lập và thống nhất thực sự. Cuối cùng vì áp lực của Hoa Kỳ, Pháp chịu nhượng bộ trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương. 

Trong cuộc xung đột Pháp-Việt Minh ở Nam Bộ và cuộc đàm phán giữa Pháp với chính phủ Hồ Chí Minh hồi năm 1945-46, Hoa Kỳ giữ thái độ trung lập. Họ không muốn dính líu đến vấn đề Đông Dương, nhưng hết sức quan tâm đến diễn tiến tình hình ở đây. Trong công điện gởi sứ quán Hoa Kỳ ở Paris, ngoại trưởng Marshall nhắc nhở: “Chúng ta hoàn toàn thừa nhận lập trường là Pháp có chủ quyền ở Đông Dương và chúng ta không muốn tỏ ra là mình đang tìm cách phá hoại lập trường đó, đồng thời chúng ta không thể nhắm mắt trước thực tế là có hai bên trong vấn đề này. Việc Pháp tiếp tục có mặt ở Đông Dương phản ảnh một giải pháp thực dân đã lỗi thời và nguy hiểm ở khu vực đó. Mặt khác chúng ta không được làm ngơ trước thực tế là ông Hồ Chí Minh có quan hệ trực tiếp với Cộng sản và đương nhiên chúng ta không muốn thấy các chính quyền của thực dân đế quốc lại được thay thế bằng triết lý và tổ chức chính trị do Kremlin chỉ đạo và kiểm soát“.

Với quan điểm trên nên tháng 9/1945 Truman từ chối lời yêu cầu của De Gaulle xin Hoa Kỳ cung cấp phi cơ và tàu thủy để chở quân Pháp sang Đông Dương. Sau đó Hoa Kỳ cũng bác bỏ yêu cầu của Paris xin cung cấp vũ khí để giúp Pháp chống Việt Minh. Truman cũng làm ngơ trước những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh hồi tháng 8 và 9/1945 yêu cầu Hoa Kỳ “một quán quân về dân chủ” hãy can thiệp để Việt Nam trở thành một nước được Mỹ bảo hộ trong một thời gian trước khi độc lập như trường hợp Phi Luật Tân. 

Hoa Kỳ hoàn toàn đứng ngoài cuộc trong vấn đề Đông Dương cho đến năm l948. Từ giữa năm này, khi quan hệ hai khối Đông Tây bắt đầu căng thẳng, chính giới Hoa Kỳ hết sức quan tâm trước sự bành trướng của Liên Xô ở Đông Âu và tỏ ra lo ngại việc ông Hồ Chí Minh đi theo cộng sản. Nhưng các báo cáo của bộ Ngoại giao xác nhận họ không tìm ra được bất cứ một bằng chứng cụ thể nào cho thấy ông Hồ Chí Minh thực tế đã nhận chỉ thị của Điện Cẩm Linh. Tuy nhiên “nếu có một mưu đồ do Mạc tư Khoa chỉ huy ở Đông Nam Á thì Đông Dương quả là một trường hợp bất thường chưa hề có”

Chính vì vậy Hoa Kỳ gây áp lực mạnh hơn buộc Pháp nhượng bộ chấp thuận cho các nước Đông Dương được độc lập khá hơn. Một nền độc lập được cho là cần thiết để “làm hậu thuẫn cho chủ nghĩa quốc gia có thể phát triển, nhờ đó Hoa Kỳ hy vọng sẽ khuyến khích dân chúng Việt Nam tích cực ủng hộ ông Bảo Đại là người không Cộng sản để thay thế ông Hồ Chí Minh và tổ chức Việt Minh. Ông Bảo Đại có thể thực hiện được một giải pháp chính trị công bằng với những người Quốc gia ôn hòa, do đó sẽ làm giảm bớt những hiểm họa do việc các phong trào đấu tranh giành độc lập có thể bị phe cực đoan thao túng“.  

Dù vậy Hoa Kỳ vẫn chưa ủng hộ thỏa ước Élysée 8/3 vì sợ ông Bảo Đại quá yếu. Trong bức điện gởi Sứ quán Hoa Kỳ ở Paris, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Trong lúc này chúng ta không thể đưa nước Mỹ đi cam kết một cách vô điều kiện để ủng hộ chính phủ của một người bản xứ khi mà chính phủ này không phát huy được tín nhiệm đối với nhân dân Việt Nam, có thể cuối cùng trở thành một chính phủ bù nhìn, tách rời dân chúng và chỉ tồn tại được nhờ sự có mặt của giới quân sự Pháp“. 

Ngày 8/3/1949, tại Dinh tổng thống Pháp (Điện Élysée) cựu hoàng Bảo Đại và tổng thống Vincent Auriol ký hiệp ước Élysée. Pháp chính thức nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập thống nhất thuộc khối Liên Hiệp Pháp, có chủ quyền ngoại giao và nội trị, có quân đội và tư pháp riêng. Tuy nhiên chủ quyền thực sự vẫn còn nhiều hạn chế vì hậu quả của tình trạng chiến tranh với Việt Minh và việc gia nhập khối Liên Hiệp Pháp khiến Việt Nam phải theo đúng chính sách do Thượng hội đồng và Nghị viện Liên Hiệp Pháp đề ra.  

Ngày 24/4/l949, hội đồng Đại biểu Nam kỳ gồm 16 Pháp và 48 Việt bỏ phiếu chấp nhận việc sáp nhập Nam Kỳ vào Quốc gia Việt Nam. Quyết nghị được Quốc hội Pháp thông qua ngày 3/6/1949. Quốc gia Việt Nam chính thức ra đời ngày 1/7/1949 và chính phủ đầu tiên do Bảo Đại đích thân điều khiển. Kỹ sư canh nông Trần Văn Hữu làm thủ hiến Nam phần, Thủ  hiến Trung phần là Dược sĩ Phan Văn Giáo -một nhân sĩ miền Trung, từng tham gia phái đoàn 24 nhân vật từ trong nước đến Hồng Kông vận động Bảo Đại về nước chấp chánh. Thủ hiến Bắc phần là ông Nguyễn Hữu Trí -lãnh tụ Đại Việt Quốc Dân Đảng.  

Ngày 18/1/1950 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Cộng) là quốc gia đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của ông Hồ Chí Minh, tiếp theo là Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu (30/1/1950). Trong bối cảnh đó, ngày 7/2/1950, Mỹ, Anh và một số nước Tây Âu chính thức công nhận và thiết lập bang giao với Quốc gia Việt Nam.

Đầu tháng 9/1951, thủ tướng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Quốc gia Việt Nam tham gia hội nghị 51 nước đã góp phần trong việc đánh bại Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, tại San Francisco (Hoa Kỳ). Tại hội nghị ông bày tỏ quan điểm ủng hộ các nước đồng minh phương Tây, yêu cầu Nhật Bản bồi thường chiến tranh. Cũng nhân hội nghị này ông khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ông tuyên bố: “Việt Nam rất hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mng các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

                                                                        *

Mối oan án của Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh không được giải tỏa, chính nghĩa của người quốc gia yêu nước bị hoen ố, gây ảnh hưởng xấu cho những người chiến đấu cho dân chủ, tự do trong cuộc chiến Quốc Cộng vừa qua. Định kiến với đầu óc kỳ thị đã làm phân hóa dân tộc, tai hại cho đất nước. Những người đấu tranh cho độc lập thống nhất quốc gia thông qua con đường thương thảo hòa bình theo đúng pháp lý quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc lại bị lên án là tay sai của Pháp. Nhiều người cho rằng chính quyền Quốc gia chỉ là chế độ bù nhìn do thực dân Pháp tạo ra với “giải pháp Bảo Đại”. Sau đó các chính phủ quốc gia thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa cũng bị gán ghép là tay sai của Mỹ.

Vì Pháp không chấp nhận Việt Nam được hoàn toàn độc lập tự chủ, nên từ khi Quốc gia Việt Nam ra đời, đa số những người quốc gia chân chính đều không muốn hợp tác với một chính phủ Quốc gia thân Pháp, điển hình là Ngô Đình Diệm, người đã từng khuyến cáo Bảo Đại phải cứng rắn với lập trường Việt Nam độc lập và thống nhất. Trong đó còn có một số lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng như Lê Ngọc Chấn, Nguyễn Hòa Hiệp, Xuân Tùng… Ngoài ra còn có Trần Văn Hương, nguyên chủ tịch Mặt trận Kháng chiến tỉnh Tây Ninh, Trần Văn Văn, ủy viên Kinh tài Ủy ban Kháng chiến Nam bộ… Số người này đã từng hợp tác với Việt Minh nhưng sau khi thấy được bộ mặt thật của người cộng sản, họ bỏ kháng chiến trở về thành và cũng không ra hợp tác với các chính quyền thân Pháp. Ngoài ra còn có một số lớn trí thức không dám hợp tác với chính quyền quốc gia vì sợ bị Việt Minh khủng bố. 

Cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Minh vẫn còn tiếp diễn nhưng tính chất của cuộc đấu tranh này đã thay đổi. Chính Hồ Chí Minh đã xác nhận: “Kháng chiến Việt Nam là một hình thức cao rộng của giai cấp đấu tranh, nghĩa là cuộc đấu tranh lớn lao trên toàn thế giới giữa thế giới tư bản và thế giới cộng sản. 

Nhờ cuộc kháng chiến này mà những người quốc gia ôn hòa đã tranh thủ được nền độc lập cho đất nước bằng con đường thương lượng hòa bình. Dù nền độc lập ban đầu còn nhiều hạn chế sẽ được kiện toàn dần dần, nhưng người quốc gia đã đi sau về trước. Mục tiêu đấu tranh giành độc lập của người Quốc gia đã hoàn tất, công cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân của cộng sản không những mất đi phần nào ý nghĩa mà còn biến Việt Nam trở thành đấu trường chính của cuộc xung đột giữa hai thế giới đối lập hình thành sau Thế chiến II. 

Năm 1945, sau khi giành được chính quyền, ông Hồ Chí Minh khôn khéo vận động ngoại giao với khối thế giới tự do, ông mượn những ý tưởng về dân chủ tự do trong Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hoa Kỳ để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và dùng tiêu đề Độc lập, Tự do, Hạnh phúc của chủ nghĩa Tam dân: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc của Trung Hoa Quốc Dân Đảng làm nền tảng cho chế độ mới. 

Bước thành công kế tiếp trong sự nghiệp chính trị của chủ tịch Hồ Chí Minh là triệt hạ, cô lập và trung lập hóa một cách hợp pháp những đối thủ chính trị đối lập, những người có khả năng lèo lái dân tộc đi ra ngoài quỹ đạo cộng sản, để ông độc quyền lãnh đạo cuộc cách mạng do ông vạch ra. Ông lại lợi dụng nhiệt tình yêu nước của nhân dân trong lúc bọn thực dân Pháp trở lại Đông Dương để phát động cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập tự do nên đã thu hút được lòng dân. Những điểm này sẽ giúp ông hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như là một lãnh tụ ái quốc chân chính của một nước thuộc địa. 

Nhưng ba năm sau với thắng lợi của cộng sản Trung Quốc, do tham vọng tranh quyền lãnh đạo “Thế giới Cách mạng” của Mao Trạch Đông, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên trên thế giới công nhận chính phủ Hồ Chí Minh (18/1/1950), bắt buộc Liên Xô và các nước cộng sản khác phải đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (30/1/1950). Trung Cộng trở thành hậu phương lớn yểm trợ kháng chiến Việt Minh, kể từ đó ông Hồ Chí Minh dựa hẳn vào Bắc Kinh để đương đầu với chính phủ hợp pháp của Bảo Đại vừa được Pháp trao trả độc lập. Ảnh hưởng Trung Cộng ngày càng phát triển trong hàng ngũ Việt Minh, tất cả các chính sách và đường lối cách mạng của Trung Cộng như cải cách ruộng đất, chiến tranh nhân dân, trường kỳ kháng chiến… đều được Việt Minh áp dụng tại Việt Nam. 

Mưu đồ nhân danh một nhà cách mạng yêu nước, núp kín trong lòng Quốc tế Cộng sản, để chiến đấu cho chính nghĩa của dân tộc của ông Hồ Chí Minh đã bị lật tẩy. Từ đây ông phải công khai đứng trong trận tuyến chống chủ nghĩa đế quốc do Liên Xô lãnh đạo. Đất nước trở thành vũ đài của cuộc xung đột thế giới, 

Việc Trung Cộng, Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu đã công khai công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh, lúc đó Hoa Kỳ và các nước Tây phương mới chính thức đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại lãnh đạo (7/2/1950). 

Năm 1952, Quốc gia Việt Nam xin gia nhập Liên Hiệp Quốc được Đại Hội đồng thông qua với 40 phiếu thuận và 5 phiếu chống (12 nước vắng mặt). Hội đồng Bảo An biểu quyết với 9 phiếu thuận chỉ có Liên Xô dùng quyền phủ quyết bác bỏ. Dù không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc, song từ tháng 10/1949, Quốc gia Việt Nam lần lượt trở thành hội viên chính thức của nhiều cơ quan quốc tế như Viễn Đông Kinh ủy hội, Tổ chức Y tế thế giới, Lao động thế giới, Lương nông thế giới, Văn hóa thế giới… 

Ngày 3/7/1953, Pháp quyết định trao trả độc lập hoàn toàn cho ba nước Đông Dương dẫn đến Hiệp ước về Độc lập (Traité D’Indépendance) ký ngày 4/6/1954 giữa thủ tướng Pháp Jooeph Laniel và thủ tướng Quốc gia Việt Nam Bửu Lộc: Quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập, không còn trong Liên bang Đông Dương thuộc khối Liên Hiệp Pháp, gồm các điều khoản sau đây: 

– Điều 1: Nước Pháp công nhận nước Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn độc lập có đầy đủ chủ quyền và thẩm quyền do Quốc tế công pháp công nhận. 

– Điều 2: Nước Việt Nam thay thế nước Pháp trong các quyền lợi và trách nhiệm do những hiệp ước mà Pháp đã ký thay cho Việt Nam. 

– Điều 3: Nước Pháp cam kết chuyển giao cho Việt Nam thẩm quyền các công sở do Pháp chi phối trên lãnh thổ Việt Nam. 

– Điều 4: Hiệp ước sẽ bắt đầu thi hành ngay sau khi ký kết và bãi bỏ tất cả mọi án văn trái ngược với hiệp ước trên đây. 

 Lúc bấy giờ, Quốc gia Việt Nam đã được 35 quốc gia trên thế giới thừa nhận. Ngày 16/6/1954, bốn ngày sau khi chính phủ Bidault đổ, tổng thống Pháp Réné Coty bổ nhiệm Mendès-France lập chính phủ mới để chấm dứt chiến tranh Đông Dương. Trước bước ngoặc của lịch sử dân tộc, quốc trưởng Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, thay thế hoàng thân Bửu Lộc. 

Trước đó ba tháng, thủ tướng Laniel đã công khai ngỏ ý trước Quốc hội rằng Pháp cần chấm dứt chiến tranh bằng cách thỏa hiệp với Việt Minh. Đích thân Bảo Đại đã đến gặp René Coty và Laniel để phản đối dự định nghị hòa với cộng sản. Ông tuyên bố với báo chí: không chấp nhận bất cứ hiệp ước nào do Pháp ký với đối phương đi ngược với quyền lợi dân tộc. 

Trong hồi ký, cựu hoàng nhắc lại rằng: “trong tình thế hiện tại, không có ai hơn ông Diệm được. Ông ấy là một bảo đảm chắc chắn nhất để chống cộng sản, ông ta quả thật là người của thời cuộc“. Bảo Đại đã giao toàn quyền quân sự lẫn dân sự cho thủ tướng Diệm điều khiển vận mạng đất nước để đối phó với tình hình khẩn trương lúc bấy giờ. Khi giao trọng trách này, Bảo Đại yêu cầu Diệm “hãy thề là sẽ bảo vệ đất nước chống lại bọn cộng sản vô thần và nếu cần chống lại người Pháp nữa“. 

                                                                                                Lê Quế Lâm 

Xin độc giả theo dõi bài kế tiếp: Nguyễn Văn Xuân & Vũ Quốc Thúc: Chính khách Nam Kỳ giúp Sĩ phu Bắc hà trao dồi kiến thúc để phục vụ dân tộc.

About the author