Lviv – Quảng trường của Tương lai, Moskva – Sân khấu của quá khứ (Tran NamAnh)

Ngày 9/5 năm nay, lịch sử một lần nữa rẽ nhánh. Một bên là Quảng trường Đỏ – nơi Vladimir Putin duyệt binh giữa tiếng động cơ xe tăng và những khẩu hiệu giáo điều cũ kỹ. Một bên là Quảng trường Rynok ở Lviv – nơi hai thiếu niên Ukraine, một người mất chân vì bom đạn Nga, một người mang vinh quang học thuật quốc tế, cùng nhau giương cao lá cờ châu Âu. Một bên là tàn tích của một đế chế cô độc đang ngụy tạo chính nghĩa, một bên là hơi thở sống động của tương lai đang quật cường vươn lên từ đổ nát.

Một thế giới chọn Ukraine – không chọn Moskva

Buổi họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao Liên Âu – Ukraina tại Lviv (Ukr) ngày 9/5/2025

Sự tương phản không thể rõ ràng hơn. Khi 35 phái đoàn từ các nước EU và ngoài EU đến Ukraine để kỷ niệm Ngày châu Âu ngay trên đất nước đang bị xâm lược, thì ở Moskva, Putin phải chật vật dựng lên một lễ duyệt binh để che giấu sự vắng mặt của gần như toàn bộ thế giới văn minh.

Tại Lviv, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Johann Waddefuhl – đại diện cho nền kinh tế số một châu Âu – cam kết hỗ trợ Ukraine “ở quy mô và thời gian cần thiết”. Trong khi đó, trên lễ đài ở Nga, Putin chỉ có thể khoe khoang về “tình hữu nghị” với vài quốc gia ngoài lề – những kẻ hoặc bị cô lập, hoặc nợ ân nghĩa Kremlin, hoặc quá sợ hãi để lên tiếng phản đối.

Cờ EU giương cao bởi nạn nhân của chính Nga

Không có biểu tượng nào sâu sắc hơn hình ảnh Yana Stepanenko – thiếu nữ mất đôi chân trong một cuộc tấn công tên lửa – giương cao lá cờ châu Âu giữa lòng Lviv. Trong khi Putin thao thao bất tuyệt về “chiến thắng chủ nghĩa phát xít mới”, thì chính nạn nhân của ông ta lại là người nâng cao giá trị tự do và đoàn kết châu Âu bằng hành động sống còn.

Thiếu nữ 12 tuổi tham gia 1/2 marathon tại Ukraine sau khi mất 2 chân bởi hỏa tiễn Nga

Cái chân bị mất của Yana là tuyên ngôn sống động về sự tàn nhẫn của Nga và lời nhắc nhở không thể lờ đi về cái giá mà người Ukraine đang trả thay cho lục địa này. Cô không cần xe tăng, không cần diễn văn, không cần hô hào – sự hiện diện của cô đã là bản cáo trạng lặng lẽ mà đanh thép nhất dành cho Putin.

Nga duyệt binh – Châu Âu hành động

Khi Putin khoe những tên lửa siêu vượt âm và xe bọc thép tại Quảng trường Đỏ, châu Âu gửi các hệ thống phòng không IRIS-T, xe tăng Leopard, và viện trợ nhân đạo đến Kyiv, Kharkiv, và Kherson. Một bên là kho vũ khí để hủy diệt, một bên là viện trợ để sống sót.

Hình ảnh lễ duyệt binh ở Moskva trông như một đoạn phim tua lại từ thời Liên Xô: ồn ào, nghiêm trang, và rỗng tuếch. Còn ở Lviv, lá cờ châu Âu tung bay giữa tiếng nhạc nhẹ, nụ cười và giọng nói của người trẻ – như một lời tuyên bố không cần vũ khí: chúng tôi là châu Âu, và chúng tôi sẽ sống, bất chấp bom đạn của ông.

Lịch sử đã đổi trục

Ngày 9/5 từng là ngày tưởng niệm quá khứ vĩ đại. Nhưng từ năm 2022 trở đi, nó mang một ý nghĩa khác: cuộc chiến giữa hai con đường – độc tài sắt máu và dân chủ tử tế. Lviv đã chọn con đường tiến tới tương lai, giữa gạch vụn và vết thương. Moskva thì quay ngược về quá khứ, giữa tượng đài và lời nói dối.

Chúng ta không cần thêm bằng chứng để biết ai là phía chính nghĩa. Chúng ta chỉ cần nhìn: Ai đang bị bom rơi, mà vẫn giương cao lá cờ xanh sao vàng? Ai đang cười giữa hoang tàn? Ai đang gửi hy vọng thay vì thù hận?

Và ai đang duyệt binh – một mình.

*** Tran NamAnh tổng hợp và bình luận.

Nguồn: www.facebook.com

About the author