Xem bà là mẹ – Thực tế ở những vùng quê chuyên xuất khẩu lao động (Bảo Khánh)

Các hình ảnh trích trong phóng sự “Hơn 71.000 trẻ em ở nước ta không được sống cùng cha mẹ”. Nguồn: Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Đồ họa: Thanh Tường / Luật khoa

“- Con cái nhà ai đây nhỉ? 

– Dạ cháu con bà Lý ạ.”

Một câu trả lời ngô nghê khiến ai nghe thấy cũng bật cười. Nhưng rất nhanh, nụ cười ấy liền thay bằng một cái nhìn thương cảm. Bởi mọi người ở đó đều hiểu, đằng sau sự hồn nhiên kia là cả một khoảng trống trong tâm hồn trẻ nhỏ.

Những cuộc hội thoại như vậy, tôi đã nghe không ít. Cứ mỗi dịp Tết hay nghỉ lễ dài ngày, bà con từ phố thị về quê, cứ thấy đứa trẻ nào lạ mặt là lại tò mò níu lại để hỏi chuyện.

Người lớn thì cười, trẻ con thì gãi đầu gãi tai trả lời.

Và có những câu trả lời chỉ khiến người ta thêm phần nghĩ ngợi.

Ở những vùng chuyên xuất khẩu lao động như quê tôi, chuyện trẻ nhỏ ở với ông bà đã trở thành một điều quá đỗi bình thường. [1]

Có thể bố mẹ các em đi xuất khẩu lao động rồi sinh con tại nước ngoài, sau đó gửi về cho ông bà chăm. Hoặc hai vợ chồng sinh con tại Việt Nam, sau đó để con lại cho ông bà và sang nước ngoài làm việc.

Theo một bài phóng sự/điều tra trên Báo Thanh Niên, chỉ riêng một xóm nhỏ ở Nghệ An đã có gần 300 người xuất ngoại, có nhiều gia đình cả vợ chồng đều đang ở nước ngoài. [2]

Người dân nơi đây cũng phản ánh về việc: “Ở nhà giờ chủ yếu là người già, trẻ con và một ít trung niên”. 

Đằng sau hàng tỷ đồng kiều hối gửi về nước mỗi năm là không ít hình ảnh trẻ nhỏ thiếu vắng tình cha mẹ. [3] Có những đứa bé trên dưới một tuổi đã được gửi cho ông bà chăm để bố mẹ đi nước ngoài làm việc. 

Cứ thế, những tâm hồn non nớt lớn lên cùng với ông bà: được ông bà bón cơm, được ông bà đưa đón đi học, được ông bà vỗ về giấc ngủ, v.v. Nên với các em, ông bà – người gần gũi nhất với mình – chính là bố mẹ.

Còn bố mẹ của chúng thì chỉ hiện diện qua những cuộc gọi video lúc tối muộn vì lệch múi giờ. Đôi khi, các em chỉ đáp qua loa theo những gì ông bà bảo, vì chúng còn quá bé để biết nhớ nhung và mong chờ cuộc gọi từ người thân.

Có chăng, khi nhận những món quà mới mẻ gửi về từ phương xa, các em mới thấy vui khi nghĩ về bố mẹ.

Những đứa trẻ lớn hơn một xíu thì đã biết mong muốn “mẹ đừng đi nước ngoài nữa.” [4]

Không được đồng hành cùng con trong những ngày thơ ấu, nhớ con lắm nhưng chỉ được gặp qua màn hình điện thoại, và không ngày nào bớt lo khi nghĩ đến những  vấn đề có thể xảy ra ở nhà, v.v. [5] Thế nhưng, những người bố người mẹ ấy vẫn lựa chọn làm việc ở một đất nước khác, cách xa con hàng ngàn cây số, lễ tết cũng chẳng thể về thăm con.

Có thể thấy, rất nhiều người Việt Nam đã chọn mưu sinh theo con đường xuất khẩu lao động. Theo số liệu của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũ), trong 11 tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 143.160 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. [6]

Ở lại Việt Nam, với đồng lương ít ỏi của lao động phổ thông, biết bao giờ họ mới đủ tiền để mua một mảnh đất hay xây được một căn nhà đàng hoàng. Thậm chí, thu nhập của họ chẳng đủ nộp phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP. [7] [8]

Thế nên, họ đã chấp nhận mưu sinh ở một đất nước xa lạ với ước mong tích góp được số vốn nhất định để về quê sinh sống. Nhưng rồi, khi xuất khẩu lao động về họ sẽ làm gì – đó thật sự là một bài toán khó. [9]

Trớ trêu thay, việc một bộ phận lớn người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phải đi xuất khẩu lao động, dẫn đến những hoàn cảnh đau lòng khi bố mẹ phải xa con  – đó vốn là nỗi buồn của một đất nước. Nhưng chính quyền Việt Nam lại hết mực tự hào vì xuất khẩu lao động bứt phá, lập kỷ lục mới. [10]

Những người lãnh đạo ở trên cao nào đâu nghĩ rằng, công dân nước mình vì không nhìn thấy tương lai ở quê hương nên mới phải buôn ba đến những miền đất hứa, thậm chí vượt biên bất chấp tính mạng. [11]

Nhiều người ra đi, gửi về những đồng ngoại tệ, nhưng cũng để lại phía sau cả một tuổi thơ của đứa con thiếu vắng vòng tay mẹ, những ông bà lưng còng nhưng vẫn tập lại cách chăm cháu thay con.

Thực trạng xuất khẩu lao động với muôn vàn câu chuyện éo le, không riêng gì việc xem bà là mẹ. Có rất nhiều bi kịch đã xảy ra ở những làng xuất khẩu lao động lớn nhất Việt Nam. [12]

Mới đây, việc bốn người Việt tử vong ở Đài Loan lại khiến tôi suy nghĩ nhiều về những phận người Việt nơi đất khách. [13] Dẫu biết những tai nạn có thể xảy ra với bất kì ai và ở bất cứ nơi đâu, tang thương nào cũng đều khiến chúng ta phải ngậm ngùi.

Nhưng bản thân tôi có nỗi xót xa đặc biệt cho những người Việt phải ra đi nơi đất khách. Nghĩ đến cảnh bố mẹ tiễn con đi trong mong chờ hy vọng, nhận còn về chỉ còn một hũ tro cốt – thật đau đớn vô cùng. 

Có những người gặp tai nạn khi sang đất nước khác mới vỏn vẹn vài ba tháng, họ ra đi còn để lại phía sau một khoản nợ về chi phí để xuất khẩu lao động không hề nhỏ.

Có những đứa bé nghe tin bố mẹ mất nơi đất khách khi chưa đủ lớn để biết đau lòng. Và rất nhiều câu chuyện thương tâm khác. [14]

Thật buồn thay, trong khi chính quyền đang hô hào về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những người dân đã tự tìm cách “vươn mình” để đến những miền đất hứa. [15] Phía trước và phía sau họ đều nặng gánh mưu sinh.

Bảo Khánh
16/05/2025

Nguồn: luatkhoa.com

About the author