Nhìn Lại Đất Nước Trong Một Giai Đoạn Quan Trọng (Kỷ Nguyên) – Kỳ  3

PHẦN 1: THẾ GIỚI TRONG MỘT KHÚC QUANH LỊCH SỬ TRỌNG ĐẠI

Bài 3: Biến đổi khí hậu, đồng thuận chính trị quan trọng nhất

Năm 2024 vừa khép lại được ghi nhận là năm có nhiệt độ trung bình cao nhất trong lịch sử kể từ khi được ghi chép từ năm 1940, và đồng thời cũng là năm đạt mức trung bình cao hơn 1,5°C so với thời kỳ tiền kỹ nghệ (1850 – 1900). Đây là một tin rất xấu đối với thế giới trong nỗ lực hướng tới các mục tiêu chống biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu các tác động nghiêm trọng đối với môi trường trái đất; đây đồng thời là tin rất đáng lo cho Việt Nam, quốc gia đứng hàng thứ 6 trên thế giới trong danh sách những nước chịu tổn thất nặng nhất do biến đổi khí hậu.

Tình hình xấu đi trong 5 năm qua

Trong một báo cáo thường niên của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có tên Báo cáo Khoảng cách Phát thải 2024: Xin đừng nói suông nữa! (Emissions Gap Report 2024: No more hot air … please!), tổng lượng khí phát thải của năm 2023 đã tăng 1,3% so với năm 2022. Các chỉ số được báo cáo từ năm 2020 cho đến nay của Tổ chức Khí tượng Thế giới đều cho thấy năm sau luôn xấu đi so với năm trước và luôn đạt những kỷ lục mới. Các nhà khoa học đã theo dõi và đánh giá các chỉ số chính về biến đổi khí hậu bao gồm: nồng độ phát thải khí nhà kính; mực nước biển dâng ; nhiệt độ bề mặt trái đất (đất liền lẫn đại dương) ; nồng độ axit hóa trong đại dương ; tốc độ tan băng ở 2 cực trái đất và các dòng sông băng.

Các chỉ số này đang xấu đi, đồng thời cũng đi kèm với những thảm họa thiên tai diễn ra trên khắp thế giới qua từng năm đã được ghi nhận và đánh giá là ngày càng cực đoan. Những thảm họa tiêu biểu nhất có thể kể đến như:

– Những đợt hạn hán xảy ra khắp các châu lục đã gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đôla và có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Có những đợt được xem là “siêu hạn hán” như đã diễn ra ở miền tây nước Mỹ và được xem là nghiêm trọng nhất trong hơn 1000 năm qua, còn hạn hán ở châu Âu trong năm 2022 là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm gần đây. Hạn hán khiến các vụ cháy rừng có quy mô ngày càng lớn và diễn ra ở khắp nơi, có thể kể đến như ở Úc vào các năm 2020 và 2024 ; ở Mỹ năm 2021 ; ở Canada năm 2022 ; các vụ cháy rừng này đã gây thiệt hại hàng chục triệu hecta rừng.

– Lũ lụt gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ thiệt hại như đã diễn ra ở Trung Quốc năm 2020, ở Pakistan năm 2022 hay ở Derna-Libya năm 2023. Lũ lụt còn gây thiệt hại nghiêm trọng ngay cả ở những nơi có điều kiện bảo vệ thiên nhiên tốt như đợt lũ lụt ở Đức, Bỉ vào năm 2021 và Tây Ban Nha năm 2024 vừa qua. Riêng tại Việt Nam, trận lụt lịch sử năm 2020 ở miền Trung và trận lũ lụt sạt lở đất ở miền bắc trong năm 2024 đã gây nên những thiệt rất lớn cả về người và tài sản.

– Thế giới cũng chứng kiến những cơn siêu bão có sức mạnh bất thường và xuất hiện mật độ cao hơn hẳn những giai đoạn trước, như: Ampha ở Ấn Độ năm 2020 ; bão Surigae ở Philippines năm 2021 ; Bão Ian ở Mỹ năm 2022 ; siêu bão Mawar năm 2023 ; ngoài ra còn có cơn bão tồn tại lâu nhất lịch sử là bão Freddy ở Ấn Độ Dương vào năm 2023. Một yếu tố nguy hiểm đã được báo trước từ hậu quả của hiện tượng trái đất ấm lên là lượng hơi nước trong khí quyển hiện cao hơn bất thường, yếu tố này đã khiến các cơn bão trở nên mạnh hơn một cách bất thường trong một thời gian ngắn. Tiêu biểu là siêu bão Helene và siêu bão Milton ở Mỹ năm 2024 vừa qua được xem là những cơn bão có sức mạnh kinh hoàng và đáng sợ nhất trong lịch sử.

Biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng thời tiết đoan. Trong ảnh là hình chụp vệ tinh bão Yagi, một trong những cơn bão lớn lịch sử đổ bộ vào Việt Nam vào tháng 9, 2024

Có thể thấy là chưa bao giờ thế giới ghi nhận một giai đoạn mà ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lại rõ rệt như 5 năm qua. Tính chất cực đoan ở cả hai thái cực hạn hán và bão lũ đã được các nhà khoa học cảnh báo như là một hậu quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu, chỉ vì những cảnh báo này ít được chú ý và cũng khó hiểu với phần lớn mọi người. Khi nói đến hiện tượng ấm lên toàn cầu chúng ta sẽ biết đến hậu quả là nước biển sẽ dâng lên, nhưng sự gia tăng của hạn hán và bão lũ cũng có liên quan mật thiết đến hiện tượng này. Một cách dễ hiểu thì khi bề mặt trái đất ấm hơn sẽ khiến lượng nước bề mặt đại dương bốc hơi nhiều hơn, làm lượng hơi nước tăng lên khi đi vào và ra khỏi bầu khí quyển (vòng tuần hoàn nước trong khí quyển). Điều này đưa đến một hiện tượng mà các nhà khoa học đã kết luận là “những vùng ẩm ướt sẽ dần ẩm hơn và những vùng khô hạn sẽ dần khô hơn”. Hiện tượng đó đã làm thay đổi cường độ mưa khiến một lượng mưa trong năm thay vì trút xuống làm nhiều đợt với cường độ thấp, thì nay trút xuống với lượng mưa rất lớn chỉ qua vài đợt mưa và trong một thời gian ngắn. Hệ quả của nó là gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa so với nhiều năm trước, và cũng gây ra tình trạng hạn hán khắc nghiệt ở các thời điểm mùa khô còn lại trong năm. Các cơn siêu bão ngày càng nhiều và càng mạnh với sức tàn phá ghê gớm, các trận lũ lụt diễn ra nhanh do lượng mưa trút xuống cường độ cao trong một thời gian ngắn hay những đợt hạn hán gây cháy rừng với quy mô ngày càng lớn là những hậu quả thấy được của hiện tượng trên.

Có một vấn đề nghiêm trọng khác ngày càng gia tăng và được chú ý nhiều hơn, đặc biệt ở châu Âu, là hiện tượng Sóng nhiệt. Đây là hiện tượng nhiệt độ trong nhiều ngày liên tiếp cao hơn bình thường khi quá trình phát thải khí nhà kính đã khiến nhiệt độ bị giữ lại trong bầu khí quyển, cùng với độ ẩm gia tăng đã tạo ra hiện tượng sóng nhiệt. Hiện tượng biến đổi khí hậu càng gia tăng thì cường độ và tần suất xuất hiện các đợt sóng nhiệt càng nhiều và cực đoan. Các đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những nhóm người yếu thế như trẻ em, người già và phụ nữ mang thai, những người không đủ khả năng chịu đựng những tác động từ những đợt nắng nóng và mất nước nhanh chóng. Các đợt nắng nóng và sóng nhiệt diễn ra ngay cả ở những vùng ôn đới như châu Âu và bắc Mỹ, khiến hàng chục ngàn người chết mỗi năm.

Điều cần được lưu ý là trong những năm gần đây, nhiệt độ các năm sau luôn cao hơn và đạt kỷ lục so với các năm trước đó, mặc dù nền nhiệt độ đã được làm mát đi phần nào nhờ sự xuất hiện của hiện tượng La Nina. Nếu tình trạng này kéo dài thì với mức nhiệt độ trung bình hiện nay của trái đất, mục tiêu giới hạn ở mức 1,5 độ C mà hội nghị COP 26 năm 2021 (Hội nghị các bên (COP) lần thứ 26 trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)) và mới đây là hội nghị COP 29 năm 2024 đã thống nhất sẽ không thể đạt được và nhân loại sẽ phải gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề.

Hậu quả nếu các mức cảnh báo bị vượt qua

Mức nhiệt độ trung bình của trái đất đã cao hơn 1,1°C và ngay cả ở mức nhiệt độ do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra hiện nay, thế giới cũng đã phải chịu ​​những hậu quả tàn khốc. Theo UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc), chỉ riêng 55 nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất do khí hậu đã phải chịu thiệt hại hơn 500 tỷ đô la Mỹ trong 20 năm qua. Còn theo UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn) thì chỉ riêng trong năm 2022, đã có hơn 32 triệu người phải di cư do các tác động của thời tiết như lũ lụt, bão, cháy rừng và hạn hán. Tổng số người chết do biến đổi khí hậu trong 25 năm kể từ năm 2000 đến 2024 ước tính sẽ vượt quá 4 triệu.  

Các sự kiện thời tiết cực đoan như hiện tượng các khối băng và sông băng tan nhanh chóng ở cả bắc cực lẫn nam cực khiến mực nước biển tăng lên. Kể từ năm 1901, mực nước biển đã dâng 19cm với trung bình mỗi năm tăng 1,7mm, tuy nhiên chỉ trong giai đoạn ngắn 10 năm từ 2007 đến 2016 thì trung bình mỗi năm mực nước biển đã dâng xấp xỉ 4mm. Tốc độ dâng lên của mực nước biển từ đó đến nay đã chỉ tăng lên chứ không giảm đi. Nhiệt độ nước biển tăng -cả bề mặt lẫn trong lòng đại dương- kéo theo các phản ứng dây chuyền làm cho hệ thống san hô bị tẩy trắng hàng loạt, qua đó khiến hệ sinh thái biển bị tổn hại vô cùng nghiêm trọng.

Trong trường hợp mức nhiệt trung bình vượt quá 1,5°C thì sẽ khiến khí hậu phát sinh các “điểm bùng phát” mà từ đó, sẽ làm khí hậu thay đổi vĩnh viễn theo hướng tiêu cực và không thể trở lại trạng thái cũ. Băng ở bắc cực tan hoàn toàn sẽ làm nước biển dâng lên 7,2m và không thể bị đảo ngược. Các lớp băng vĩnh cửu ở Alaska hay cao nguyên Tây Tạng sẽ tan chảy, kéo theo một lượng khổng lồ khí carbon và khí metan (vốn được tích tụ trong các lớp băng vĩnh cửu) bị giải phóng vào khí quyền, làm nhiệt độ trái đất càng gia tăng nhanh chóng. Lượng nước ngọt trên trái đất sẽ giảm và làm trầm trọng tình trạng hạn hán ; rừng Amazon sẽ bị phá hủy mà không thể phục hồi ; etc.. rất nhiều các điểm bùng phát với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng khác. Nhân loại đang sống trong một giai đoạn mà những tai họa kinh hoàng chưa có đã và đang đến.

Điều đáng lo là sau 10 năm, khoảng 70% quốc gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (năm 2015) không thực hiện đủ cam kết và mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 1,5°C sẽ thất bại. “Nếu đà này cứ tiếp tục thì vào năm 2100 nhiệt độ khí quyển sẽ cao hơn từ 2,4°C đến 2,7°C so với thời Tiền Kỹ Nghệ với những hệ quả nghiêm trọng. Mực nước biển đã dâng cao thêm 20 cm trong 30 năm qua và sẽ dâng cao thêm hơn 1 mét nữa từ đây tới năm 2100. Nhiều đảo sẽ biến mất, nhiều vùng bờ biển sẽ bị tràn ngập, 570 thành phố lớn sẽ phải di tản, các vùng đất còn lại sẽ khô cằn, nạn cháy rừng sẽ trở thành thường xuyên, khoảng một triệu sinh vật, động vật cũng như thực vật, sẽ bị tiêu diệt. Nguồn hải sản có thể giảm 40%. Đó chỉ là một vài điểm trong phúc trình vài ngàn trang của LHQ. Các nước ven biển sẽ là những nước bị thiệt hại nặng nhất. Trong một vài thế kỷ sau sự sống có thể biến mất dù trái đất vẫn tiếp tục quay chung quanh mặt trời.

Để có một ý niệm về những cảnh báo trên hãy nhìn lại lịch sử trái đất. Trong giai đoạn ấm lên gần đây nhất, khoảng 20.000 năm trước, nhiệt độ đã tăng lên 5°C trong 5.000 năm (nghĩa là chỉ trung bình 1°C trong mỗi ngàn năm thôi). Sự ấm lên rất chậm chạp này đã đủ để thay đổi hẳn thế giới. Nước biển đã dâng lên 120 mét, khiến mặt biển chiếm quá 2/3 diện tích trái đất. Nhiều vùng đất đã thành biển (trong đó có Biển Đông của chúng ta). Nhiều bộ lạc sống tản mát đã phải quy tụ lại và nhiều quốc gia đã dần dần hình thành. Sự nhắc lại này cho thấy mức gia tăng nhiệt độ 2,7°C là một con số khủng khiếp, cũng như mức dâng cao 1 mét của nước biển.” (1)

Những kết luận và nhận định trên của các nhà khoa học về khí hậu và môi trường là một trong số ít những gì đã được phát đi trong một thời gian dài, cùng với những ngôn từ mạnh mẽ nhất để cảnh báo về những thảm họa khủng khiếp mà nhân loại sẽ đối mặt trong một tương lai rất gần.

Một trở ngại lớn

Một khó khăn lớn hiện nay của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là sự trỗi dậy khắp nơi của chủ nghĩa dân túy và sự ngoan cố của chế độ độc tài. Năm nước có lượng phát thải khí nhà kính cao nhất – Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Brazil – trong năm 2023 chiếm gần 55% tổng lượng phát thải toàn cầu, trong đó nước dẫn đầu và bỏ xa phần còn lại của danh sách là Trung Quốc chiếm tới 30%. Các lãnh đạo độc tài và dân túy vẫn tìm đủ mọi cách để trì hoãn các cam kết trong các thỏa thuận khí hậu ; đặc biệt là Donald Trump, tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hiện nay trở lại nhiệm kỳ 2 đã tiếp tục thực hiện hành động vô trách nhiệm đó.

Các lãnh đạo dân túy và độc tài đều không quan tâm  đến các vấn đề khí hậu. Trong ảnh: Donald Trump trong một chuyến vận động tranh cử tại Pennsylvania

Bước vào năm 2025, những trở ngại này không những không giảm đi mà còn đang gia tăng. Các nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất đang được lãnh đạo bởi những người độc tài luôn tỏ ra chống đối nỗ lực bảo vệ môi trường và khí hậu. Hai nước Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 38% tổng lượng phát thải khí nhà kính đang trì hoãn mốc thời gian cam kết giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch ; nước Mỹ với 11% lượng phát thải của thế giới được lãnh đạo bởi Donald Trump, một người chống môi trường và khí hậu bằng tất cả sự thiển cận ; nước Nga với 5% lượng phát thải và là một trong những nước khai thác dầu khí lớn nhất vốn đã không có ưu tư về môi trường, nay còn đang điên cuồng gia tăng công nghiệp quốc phòng phục vụ cho cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Nhìn vào những thiệt hại do biến đổi khí hậu đang gây ra và những dự báo kinh hoàng về một tương lai ảm đạm của môi trường và khí hậu, trước sự nhỏ bé của con người, chúng ta càng thấy rõ hơn sự tầm thường và thiển cận của những nhà lãnh đạo độc tài. Trái đất với sự phức tạp và nhiều bí ẩn chưa được khám phá đã là nơi chứa đựng những thách thức lớn cho con người, ngay cả trong hoàn cảnh tốt hơn nếu chúng ta không gây nên hiện tượng trái đất ấm lên thì quá trình thích nghi với môi trường sống trên trái đất cũng đã là một cố gắng lớn. Bằng chứng là những trận động đất do quá trình biến đổi địa chất gây ra, cùng những hệ quả đi kèm như sóng thần hay núi lửa, đã gây ra biết bao nhiêu thảm kịch về nhân mạng ở khắp nơi. Trong 5 năm vừa qua, chúng ta không thể quên những trận động đất chết chóc ở Haiti năm 2021, ở Afghanistan năm 2022 hay thảm kịch động đất làm chết 50.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria năm 2023.

Đứng trước những hiểm họa lớn, ngoài khả năng cảnh báo, ứng phó và khắc phục hậu quả thì trách nhiệm và tầm nhìn của chính quyền mỗi nước có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu các thiệt hại. Hậu quả của biến đổi khí hậu và thiên tai không phân biệt biên giới hay sự giàu nghèo giữa các quốc gia nhưng trong những quốc gia có điều kiện tốt hơn, người dân ở đó sẽ được bảo vệ tốt hơn. Ngược lại, ở những nước mà sự độc tài  luôn đi kèm với sự tồi dở và bất lực như Việt Nam thì số phận của người dân sẽ chỉ là sự chịu đựng.

Hy vọng từ các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu

Mặc dầu những cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã được thế giới nhìn nhận như là một tình trạng báo động khẩn cấp sau bước ngoặt từ hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất lần thứ 3 tại Rio de Janeiro năm 1992, nhưng cho đến nay, sau nhiều Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc với các cam kết mạnh mẽ được ký thì thành tựu đạt được trên thực tế lại khá khiêm tốn so với yêu cầu.

Hội nghị quan trọng nhất gần đây là COP 26 ở Glasgow (Vương quốc Anh) năm 2021, hội nghị diễn ra trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng vẫn quy tụ được hơn 20.000 đại biểu đến từ nhiều quốc gia, trong đó có hơn 120 lãnh đạo các nước. Hội nghị COP 26 đã đạt được những cam kết mạnh mẽ hơn so với hội nghị lịch sử ở Paris 2015 về tất cả các mục tiêu, từ giới hạn nhiệt độ trái đất dưới 1,5°C và qua đó đặt ra mục tiêu giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, cho đến các mục tiêu bảo vệ môi trường rừng và đại dương. Hội nghị lần này còn đạt được cam kết về gói hỗ trợ tài chính 100 tỷ đôla Mỹ của các nước giàu dành cho các nước nghèo để theo đuổi các mục tiêu khí hậu.

Bước qua năm 2022 đầy biến động với cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine, hội nghị COP 27 ở Ai Cập đón hơn 35.000 đại biểu và 100 lãnh đạo trên thế giới. Hội nghị diễn ra trước những thông tin vô cùng u ám đối với tương lai khí hậu khi Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã công bố một báo cáo, dự báo rằng với những gì đang diễn ra thì nhân loại đang đi đến một thế giới với nhiệt độ sẽ cao hơn ít nhất 2,6°C. Ngoài ra, nhóm mang tên Scientist Rebellion (Cuộc nổi dậy của nhà khoa học) với khoảng 1.000 khoa học gia từ bốn chục quốc gia đã ra công bố ngày 27/10/2022, kêu gọi đối diện với sự thực đó là ‘‘mục tiêu 1,5°C đã chết’’. Trong bối cảnh đó, hội nghị đã kéo dài thêm 1 ngày so với dự kiến do không thống nhất được mức giảm nguyên liệu hóa thạch và kết thúc với một thành quả đáng ghi nhận là đã thành lập quỹ “Loss and Damage Fund” (Tổn thất và Thiệt hại) nhằm hỗ trợ cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là các quốc gia đảo nhỏ và các nước nghèo.

Hội nghị COP 28 ở Dubai (UAE) năm 2023 với sự tham dự của khoảng 80.000 người, trong đó có nhiều lãnh đạo và nguyên thủ các quốc gia. Hội nghị được đánh giá cao với bản báo cáo “First Global Stocktake”, đánh dấu việc lần đầu tiên có một bản báo cáo đánh giá toàn diện về tiến độ thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris kể từ khi được thông qua. Báo cáo này đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, mặc dù đã có những nỗ lực nhất định, nhưng thế giới đang thất bại trong các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, trong đó có mục tiêu kìm hãm mức ấm lên của trái đất ở ngưỡng dưới 1,5°C. Việc nhìn nhận thực tế rằng thế giới đang đi trật hướng trong các mục tiêu khí hậu có ý nghĩa quan trọng, khiến các nước phải nhìn vào trách nhiệm trong các cam kết của mình để cùng nhau tiến tới những hành động mạnh mẽ hơn. Bản báo cáo cũng thúc đẩy các nước tăng tốc chuyển đổi năng lượng với mục tiêu tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, hội nghị cũng nêu bật nhu cầu về tài chính cho các mục tiêu chống biến đổi khí hậu phải lên đến hàng nghìn tỷ đôla, những gói tài chính hiện nay vì vậy là quá thấp.

Thành công trong việc nhìn nhận nhu cầu và kêu gọi gia tăng tài chính cho khí hậu của COP 28 đã tạo tiền đề cho hội nghị COP 29 ở Baku (Azerbaijan) trong năm 2024 vừa qua. Hội nghị COP 29 đã là hội nghị quy tụ được nhiều người tham dự nhất trong lịch sử với khoảng 85.000 người. Kết quả quan trọng nhất của hội nghị lần này là đã tiến tới được một thỏa thuận tài chính trong đó, các nước phát triển sẽ cung cấp ít nhất 300 tỷ đô la mỗi năm cho các nước đang phát triển -với mục tiêu dài hạn là 1.300 tỷ đô la- để chuyển đổi năng lượng tái tạo nhằm giảm mạnh lượng khí thải nhà kính. Nguồn tài chính này còn hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương trong việc bảo vệ cuộc sống và sinh kế của những người yếu thế trong các nước này trước những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu.

Tương lai của cuộc chiến chống khí hậu

Nhìn chung, những Hội nghị COP trong 5 năm qua dù không đáp ứng sự kỳ vọng của những tổ chức bảo vệ môi trường, nhưng trong bối cảnh khó khăn từ đại dịch Covid-19 cho đến những bất ổn về địa chính trị từ cuộc chiến ở Ukraine thì những gì đạt được qua các hội nghị có thể xem là đáng khích lệ. Điều quan trọng là thế giới đã có sự trấn tĩnh để nhìn nhận những thiếu sót trong trách nhiệm theo đuổi các mục tiêu khí hậu, qua đó làm nổi bật vấn đề liên thuộc sống còn giữa các quốc gia với nhau trước những hậu quả của biến đổi khí hậu. Điều này thúc đẩy các nước, đặc biệt là các nước giàu, đẩy mạnh hỗ trợ cả về tài chính lẫn công nghệ cho các nước nghèo cũng như nghiêm túc hơn trong việc tuân thủ các quy định cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với những cảnh báo thảm họa mà nhân loại đang đối mặt, đã là một trận chiến sống còn. Cuộc chiến này đòi hỏi những khoản tài chính rất lớn, thực hiện với tất cả quyết tâm trong một sự đồng thuận lớn, điều chỉ có thể có khi các quốc gia thấy được sự liên đới trong một số phận chung. Mặc dầu cam kết từ các hội nghị về khí hậu vẫn còn khiêm tốn và các kết quả đạt được của các nước trên thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra do nhiều trở ngại nhưng qua diễn biến của các hội nghị COP, thế giới đang cho thấy một sự đồng thuận ngày càng lớn về những mối nguy của biến đổi khí hậu. Số lượng đại biểu tham gia các hội nghị khí hậu được tổ chức hàng năm, kể từ COP 21 năm 2015 đến nay đều tăng và đạt con số ấn tượng, nhất là hội nghị COP 29 vừa qua ở Baku, Azerbaijan với 85.000 đại biểu.

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu lần thứ 29 (COP29) có số lượng đại biểu tham gia kỷ lục, 85.0000 đại biểu.

Sự quan tâm ngày càng nghiêm túc đối với biến đổi khí hậu là rất quan trọng, vì đối với nhân loại, đây là một vấn đề vừa mới, vừa khó hiểu và cũng chỉ vừa mới được nhìn nhận cách đây không lâu. Đạt được sự đồng thuận qua những gì đã thấy kể từ hội nghị COP 21 ở Paris, nhất là trong 5 năm qua, cũng đã giúp thế giới xác nhận được biến đổi khí hậu là vấn đề chính trị quan trọng nhất của loài người. Những khó khăn và trở ngại đang chờ đợi chúng ta ở tương lai trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn còn rất lớn, nhưng khó khăn và trở ngại lớn nhất là nhận thức về những hậu quả của nó và sự liên đới trong một số phận chung của loài người, đã được khơi thông.

Kỷ Nguyên

(07/02/2025)

(Còn tiếp)

(1) Nguyễn Gia Kiểng. COP 26 và những ân nhân của thế giới. Thông luận 15/11/2021

About the author