PHẦN 1: THẾ GIỚI TRONG MỘT KHÚC QUANH LỊCH SỬ TRỌNG ĐẠI
Bài 2: Nga xâm lăng Ukraine, thế giới trong một khúc quanh lịch sử trọng đại
Biến cố Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022 đã là sự kiện địa chính trị lớn nhất trong 5 năm qua của thế giới và kéo dài đến nay vẫn chưa chấm dứt. Cuộc chiến này không chỉ đơn thuần là việc Nga tấn công Ukraine và là vấn đề của châu Âu, mà đã là cuộc chiến của Nga tấn công vào nền dân chủ và là vấn đề của cả thế giới. Những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của cuộc chiến này đã đưa thế giới bước vào một khúc quanh lịch sử trọng đại. Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn nhất từ cuộc chiến này, với hậu quả sẽ làm thay đổi cục diện chính trị của đất nước và thúc đẩy một vận hội lớn cho tiến trình dân chủ của dân tộc.
![Xe bọc thép của Nga chạy qua thị trấn Armyansk ở phía bắc bán đảo Crimea](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/02/nga-xam-luoc-ukraina-0-1024x575.jpeg)
Theo những ước tính gần đây của Mỹ, tổn thất về nhân mạng của cả hai bên là rất lớn, trong đó phía quân Nga đã chịu thương vong lên đến hơn 615.000 người (115.000 người chết và 500.000 người bị thương), còn phía quân Ukraine là hơn 300.000 người (57.000 người chết, 250.000 người bị thương). Đây đã là cuộc chiến gây thương vong trực tiếp do giao tranh nhiều nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, và là cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ thế chiến thứ hai.
Ngoài ra, sự tàn khốc của cuộc chiến – do sự tàn bạo của Nga – còn khiến đất nước Ukraine tan hoang với hàng chục thành phố bị tàn phá, trong đó có những thành phố bị phá hủy hoàn toàn ; hàng chục ngàn người dân vô tội Ukraine chết và bị thương ; hàng chục triệu người phải rời bỏ nhà cửa để tháo chạy khỏi bom đạn. Thiệt hại về kinh tế là không thể đong đếm ; theo ước tính gần đây, Ukraine cần khoảng 500 tỷ đô la để tái thiết lại đất nước sau chiến tranh.
Cột mốc cho một khúc quanh lịch sử lớn
Điều đặc biệt nghiêm trọng của cuộc chiến này là nó đã được phát động bởi Nga – một nước thuộc Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc – nhằm chống lại một nước có chủ quyền được Liên Hợp Quốc công nhận. Putin đã bao biện cho cuộc chiến này bằng những lý do rất ngây ngô, nhưng xét cho cùng lý do thật sự khiến Putin quyết định tấn công Ukraine là để chống lại làn sóng dân chủ thứ tư đang tràn vào Nga. Những nước xung quanh Nga, từ những nước bị Nga chi phối như Belarus đến những nước nằm trong vùng ảnh hưởng quan trọng của Nga như Kazakhstan hay Georgia đều đang quả quyết tiến về dân chủ. Ukraine cũng là một nước trong số đó, cuộc cách mạng Cam năm 2004 và cách mạng Maidan năm 2014 là những lần người dân Ukraine biểu quyết chọn lựa dân chủ. Khát vọng dân chủ bủa vây quanh nước Nga và đang trào dâng trong lòng nước Nga. Hành động xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/02 của Putin có thể xem là sự tiếp nối của biến cố năm 2014, nhưng đây là một hành động tăm tối của ông ta. Khát vọng dân chủ đã là đồng thuận chung của cả loài người và lần này là làn sóng thứ tư không thể cưỡng lại, chống lại nó chỉ là lựa chọn trứng chọi đá. Quyết định này cho thấy sự tuyệt vọng của Putin nhưng cũng đồng thời phơi bày văn hóa chính trị của nước Nga, nơi bạo lực và lý của kẻ mạnh vẫn đang ngự trị.
Lịch sử nhân loại cho đến trước cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) đã chỉ là lịch sử các cuộc chiến tranh, nơi mà các nước mạnh đi xâm lược các nước yếu nhân danh quyền của kẻ mạnh chỉ vì thấy mình mạnh hơn. Chỉ sau cuộc thế chiến thứ nhất với những tổn thất quá lớn về nhân mạng, những tiếng nói kêu gọi hòa bình mới dần được lắng nghe, từ đó triết lý chính trị thế giới bắt đầu thay đổi. Sau cuộc thế chiến thứ hai, với những thiệt hại ghê gớm về người và tài sản, cùng với đó là sự chín muồi của một triết lý chính trị mới, đã đưa thế giới đi đến sự đồng thuận xem hòa bình là giá trị cao nhất. Liên Hợp Quốc đã được thành lập với hiến chương cùng luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình bằng cách ngăn ngừa các hành động xâm lược đối với các quốc gia có chủ quyền; bên cạnh đó là bản Tuyên ngôn nhân quyền phổ cập và các công ước quốc tế đi kèm đặt quyền con người, trong đó quyền sống lên cao nhất.
Hành động xâm lược tàn bạo của Putin đã vi phạm trắng trợn công pháp quốc tế, khiến trật tự hòa bình thế giới kể từ thế chiến thứ hai bị phá vỡ và làm cho tư tưởng chính trị, luật pháp quốc tế lùi lại gần 100 năm. Sự hung bạo của một nước thuộc Hội đồng bảo an với vai trò bảo đảm an ninh thế giới nhưng lại ngang nhiên xóa bỏ công pháp quốc tế đã khiến thế giới bàng hoàng và thức tỉnh. Ngày 24/03/2022, tròn một tháng sau ngày quân Nga tiến vào Ukraine, ba hội nghị thượng đỉnh được tổ chức khẩn cấp bởi các tổ chức lớn là NATO, G7 và Liên Hiệp Châu Âu để bàn về cuộc chiến Ukraine đã nhanh chóng đi đến các Tuyên bố chung lên án Nga và lộ trình hạn chế hợp tác với các chế độ độc tài. Hàng loạt các lệnh trừng phạt nặng nề chưa từng có đã áp dụng cho Nga, với tất cả sự dứt khoát và phương tiện cần có. Các hội nghị cũng thúc đẩy sự đồng thuận giữa các nước dân chủ và các tập đoàn đa quốc về việc chấm dứt phong trào toàn cầu hóa duy lợi nhuận bất chấp chế độ chính trị. Từ nay, khối các nước dân chủ chiếm hơn 2/3 GDP toàn cầu sẽ chủ yếu hợp tác với nhau, những trao đổi với khối các nước độc tài sẽ chỉ ở mức tối thiểu. Nga và các quốc gia độc tài khác trong đó có Việt Nam đã và đang vô cùng khốn đốn trước sự thay đổi này.
Nước Nga suy sụp và đang trả giá
Cuộc chiến cho đến nay đã gần 3 năm và đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao, nhưng những diễn biến cho đến nay đã chỉ xác nhận thêm cuộc chiến này là một thất bại ê chề của Putin. Quân và dân Ukraine đã chứng tỏ quyết tâm và lòng dũng cảm khi đối đầu với một đội quân Nga hùng mạnh hơn họ gấp nhiều lần, khiến quân Nga chịu những tổn thất vô cùng lớn để chỉ có được những vùng lãnh thổ khiêm tốn với ít giá trị chiến lược.
Theo mục tiêu ban đầu của Putin thì quân Nga chỉ cần vài ngày là lật đổ được chính quyền dân chủ của người dân Ukraine để áp đặt một chính quyền bù nhìn của Nga, nhưng cho đến nay Nga đã chỉ đặt mục tiêu kiểm soát 4 vùng đã tuyên bố sáp nhập là Donetsk, Lugansk, Zaporizhya, và Kherson. Quân Nga hiện đang phải chịu tổn thất nhân mạng lớn nhất kể từ đầu cuộc chiến trong 3 tháng cuối cùng của năm 2024 – với trung bình 1.500 người mỗi tháng – chỉ để cố gắng kiểm soát phần lãnh thổ còn lại của 4 tỉnh này, trước khi phải ngồi vào bàn đàm phán. Tình hình trên chiến trường hiện nay đang rất khó khăn cho Ukraine khi họ phải liên tục rút lui ở các tỉnh này, nhưng xét về tầm quan trọng của cuộc chiến thì trọng tâm lại nằm ở bán đảo Crimea, nơi chiếm đến 90% giá trị chiến lược của cuộc chiến. Cùng với các vũ khí tầm xa đang có, Crimea nằm hoàn toàn trong vùng oanh kích của Ukraine và họ đã thành công trong việc tấn công hạm đội biển Đen của Nga ở quân cảng Sevastopol thuộc Crimea, buộc hạm đội này phải rời bỏ khu vực chiến lược tối quan trọng này ở biển Đen. Đây là một lợi thế rất lớn dành cho Ukraine cho giai đoạn thỏa thuận chấm dứt chiến tranh sau này.
Điều mà chúng ta có thể nhìn thấy là sau gần ba năm chiến tranh khốc liệt thì cả Ukraine lẫn Nga đều đang yếu đi và cùng gặp nhiều khó khăn, tổn thất về nhân mạng và khí tài của hai bên đã rất lớn. Điểm khác biệt là trong khi xã hội Ukraine đã thích nghi với thời chiến nhờ những khoản viện trợ đúng đắn của đồng minh thì xã hội Nga kiệt quệ vì kinh tế đang sụp đổ. Tinh thần binh sĩ của hai bên đều mệt mỏi nhưng người lính Ukraine có ý chí và được tiếp thêm sức mạnh bởi lý tưởng bảo vệ tổ quốc, trong khi quân Nga – với thân phận của người bị cưỡng ép đi xâm lược – đã chỉ là sự chịu đựng.
Hiệu lực trong cuộc chiến hiện chủ yếu đến từ các vũ khí như UAV và Ukraine đang cho thấy sự sáng tạo để giành được ưu thế và hiệu quả hơn so với đối thủ. Với việc được các nước đồng minh cho phép sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga, cuộc chiến đã thật sự lan rộng vào trong nước Nga. Các hoạt động phá hoại cứ điểm hậu cần quân sự Nga bao gồm các kho dầu quan trọng và các sân bay chiến lược bằng UAV của Ukraine, đã buộc người Nga phải nhìn nhận chiến tranh đang vào sâu trong lãnh thổ và từ nay họ sẽ không còn được an toàn. Cụm từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Putin dùng để chỉ cuộc chiến xâm lược toàn diện vào Ukraine đã trở nên lố bịch trong mắt người Nga; cùng với hàng trăm ngàn xác lính tử trận và thương binh mang theo những câu chuyện thảm hại về cuộc chiến của quân Nga trở về, áp lực xã hội lên chính quyền Putin đang rất lớn.
Một trong những mục tiêu được Putin tuyên bố là ngăn chặn Ukraine gia nhập khối NATO để ngăn khối này tiến gần đến nước Nga, nhưng kết cục là đã khiến hai nước có truyền thống trung lập là Thụy Điển và Phần Lan chính thức gia nhập NATO, kéo biên giới NATO gần với Nga hơn và với một đường biên giới dài hơn. NATO không những hồi sinh và mạnh hơn mà cái giá phải trả của Nga cho cuộc chiến này đối với khí tài cũng vô cùng lớn, đến nỗi, Nga đã phải cầu viện vũ khí từ 2 nước nghèo đói là Iran và Triều Tiên. Tương quan lực lượng giữa NATO và Nga vốn dĩ đã lớn, hiện nay với kho vũ khí đã cạn kiệt thì quân lực của Nga so với NATO đã không còn đáng kể.
Hậu quả về kinh tế đối với nước Nga đã đến lập tức ngay sau quyết định dứt khoát của các nước dân chủ. Với một nền kinh tế phụ thuộc nặng vào ngoại thương và năng lượng, Nga đã nhanh chóng bộc lộ điểm yếu sau khi bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có. Sau một năm diễn ra cuộc chiến, nhóm nghiên cứu đại học Yale dẫn đầu bởi ông giáo sư Jeffrey Sonnenfeld dẫn ra nhiều con số quan trọng : Đã có hơn 1.000 công ty đa quốc gia lớn rời khỏi Nga sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ; tổng doanh thu nội địa của hơn 1000 công ty này tương đương với 40% GDP trước chiến tranh của Nga. Việc rút lui này đã có tác động làm tê liệt niềm tin của giới tư bản toàn cầu và các công ty còn lại ở Nga vào kinh tế nước này. Một số lĩnh vực của nền kinh tế suy giảm đến 90% trong đó có ngành ôtô.
Vào cuối năm 2023, cũng theo nhóm nghiên cứu trên thì ngành năng lượng – trụ cột của nền kinh tế Nga – gặp khó khăn nghiêm trọng khi doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đã giảm một nửa. Giá trị các doanh nghiệp nhà nước Nga trong đó có Gazprom đã giảm 75%. Không những vậy, để phục vụ cho cỗ máy chiến tranh chính quyền Putin còn tiến hành tịch thu hoặc quốc hữu hoá các công ty tư nhân khiến hoạt động các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng triệu người đã rời bỏ đất nước mà phần đông trong số đó là những người có học vấn và tài sản, ước tính có đến 10% trong số họ là những người lao động trong ngành công nghệ mà Nga đang rất thiếu. Tư bản cũng đang tháo chạy khỏi Nga, đã có hơn 253 tỷ đô la vốn tư nhân rút lui trong khoảng thời gian kể từ đầu cuộc chiến đến tháng 6/2023.
Con số gần nhất và rõ ràng nhất cho sự sụp đổ của nền kinh tế Nga là hiện nay, lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương đã lên đến 21%, như vậy lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại sẽ khoảng 25%, mức lãi suất mà các doanh nghiệp khó tiếp cận. Chính quyền Putin có thể thao túng các con số và đưa ra bức tranh trái ngược với thực tế nhưng những tổ chức theo dõi thông qua kết quả từ hoạt động mua bán của các công ty nước ngoài với Nga đã cho thấy rằng, hầu như mọi lĩnh vực của nền kinh tế nước này đã sụp đổ.
Tương lai nào cho Putin và cuộc chiến?
Mối nguy lớn nhất của Ukraine không đến từ những khó khăn trên chiến trường, cũng không đến từ các đợt tấn công hèn hạ của Nga vào các mục tiêu dân sự để khủng bố tinh thần người dân, mà đến từ sự bất ổn của nước Mỹ. Sự kiện Donald Trump thắng cử và trở thành tổng thống Mỹ đang đưa đến nguy cơ gây khó khăn cho nỗ lực viện trợ và hậu thuẫn cho Ukraine. Có thể vì vậy mà châu Âu đã có sự chuẩn bị từ trước đó, khi các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, etc.. đã ký thỏa thuận đảm bảo an ninh song phương trong 10 năm dành cho Ukraine ; riêng nước Anh vừa thể hiện cam kết lâu dài với thỏa thuận hợp tác an ninh thời hạn lên đến 100 năm. Ngoài ra, ngay từ những ngày đầu của năm 2024, đã có nhiều sáng kiến và hành động được đưa ra như : Hội nghị hòa bình cho Ukraine ; thành lập “liên minh pháo binh” thuộc nhóm liên lạc mở rộng Rammstein do Đức dẫn đầu ; “sáng kiến đạn pháo” của Cộng hòa Czech nhằm tăng khả năng cung cấp đạn pháo từ các nước ngoài Châu Âu. Mặc dầu vậy thì hy vọng về sự hỗ trợ về khí tài của Mỹ đối với Ukraine không phải là hết, những tập đoàn chế tạo vũ khí lớn của Mỹ sẽ rất có lợi khi Mỹ viện trợ cho Ukraine, và các tập đoàn này vẫn đang có ảnh hưởng lớn ở Mỹ.
![](https://thongluan-rdp.online/wp-content/uploads/2025/01/donald-trump-1.avif)
Việc Donald Trump từ bỏ lời hứa ảo tưởng “chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ” đã được thấy trước, điều khó đoán là một người bất thường như Trump có thể lấy viện trợ vũ khí để gây sức ép lên Ukraine buộc nước này nhường bốn vùng đất mà Nga đã tuyên bố sáp nhập để đổi lấy thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Phía Ukraine sẽ khó chấp nhận điều kiện này. Tuy vậy thì dù Ukraine có nhượng bộ hay không thì kết quả của cuộc chiến này cũng chỉ có một, đó là thất bại của Nga. Thất bại chắc chắn này không phải đến từ những diễn biến trong gần 3 năm qua, mà đã bắt đầu từ khi Putin quyết định tấn công vào Ukraine. Không thể chiếm đóng được một nước như Ukraine chỉ với xe tăng, và cũng không thể có một chính quyền bù nhìn ở Kiev sau câu trả lời của người dân nước này qua cuộc cách mạng Maidan. Viện trợ vũ khí của Mỹ rất quan trọng đối với Ukraine để đương đầu với quân xâm lược, nhưng trong trường hợp bị hạn chế thì kết quả vẫn sẽ không khác, chỉ là cuộc chiến và sự đau khổ của người Ukraine lẫn người dân vô tội của Nga sẽ kéo dài thêm một cách vô ích.
Các nước đồng minh dân chủ, đặc biệt là các nước châu Âu, đã rất sáng suốt khi dành hơn một nửa tổng giá trị các gói viện trợ cho tài chính và hỗ trợ nhân đạo để giúp Ukraine tái thiết lại đất nước ngay trong chiến tranh. Tính toán này rất quan trọng. Hàng ngày các thành phố vẫn bị tên lửa và máy bay không người lái của Nga tấn công nhưng nỗ lực xây dựng và ổn định cuộc sống cho người dân Ukraine đã củng cố tinh thần bất khuất cho toàn xã hội. Đây là một thành công lớn vì đã tạo nên một hậu phương vững chắc, giúp binh sĩ của họ yên tâm hơn trên tiền tuyến.
Trong tình cảnh ngược lại, với trọng lượng kinh tế chỉ ở mức chưa tới 2% GDP của thế giới trước chiến tranh và hiện nay chỉ còn khoảng 1%, nước Nga đã cho thấy họ không thể cầm cự lâu dài trước khối các nước dân chủ – với trọng lượng kinh tế gấp 40 lần Nga – đứng sau hậu thuẫn Ukraine. Thất bại hoàn toàn trong các mục tiêu trên chiến trường, cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế đang khiến chế độ Putin lung lay và hiện đã có những tiếng nói phản đối chiến tranh ở Nga, từ tướng lĩnh cho đến nhà báo. Sự sụp đổ của nền kinh tế Nga khiến tài sản của nhóm oligarchs (những nhà tài phiệt siêu giàu và có sức ảnh hưởng) sụt giảm nghiêm trọng, điều có thể dẫn đến mối nguy về một cuộc đảo chính đẫm máu trong chính quyền Putin.
Cuộc chiến này sẽ còn kéo dài bao lâu? Thời điểm chính xác kết thúc cuộc chiến không ai biết được vì Putin vẫn đang điên cuồng, nhưng chắc chắn ngày cuộc chiến kết thúc đang đến rất gần. Liên bang Nga vốn dĩ không thể có tương lai trong một thế giới đang quả quyết hướng về dân chủ, trong đó, chỉ những quốc gia được quan niệm như một dự án tương lai chung thì mới có thể tồn tại. Nước Nga là một đế quốc không có dự án tương lai chung, các nước Cộng hòa và các vùng lãnh thổ khác thuộc liên bang Nga đã chỉ bị khuất phục bởi bạo lực trong suốt chiều dài lịch sử. Cuộc xâm lược vào Ukraine đã khiến cho tiến trình tan rã bắt buộc của Liên bang Nga diễn ra nhanh hơn, thời điểm cuộc chiến này kết thúc cũng là lúc quá trình tan rã sẽ được đẩy mạnh.
Tình hình hiện nay trên chiến trường đang vô cùng khó khăn cho cả hai bên, Nga đang đẩy binh sĩ vào lò lửa chiến tranh với thiệt hại nhân mạng trong 3 tháng cuối năm cao nhất từ đầu cuộc chiến với trung bình 1.500 binh sĩ mỗi ngày, còn Ukraine đang chịu sức ép bị mất đất với diện tích ngày càng tăng. Mục đích của Putin khi điên cuồng đẩy quân Nga vào chỗ chết là để quyết chiếm trọn 4 tỉnh đã công bố sáp nhập, vì đây là một chiến tích không thể không có đối với ông ta nếu không muốn gặp nguy hiểm. Ông ta đã đưa Nga vào nền kinh tế chiến tranh với 40% ngân sách dành cho quốc phòng và an ninh, nhưng đây chỉ là một cố gắng chạy trốn sự thật. Hành động này của Putin cho thấy ông ta đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, vì nguồn lực nước Nga không cho phép cuộc chiến kéo dài thêm trong khi Ukraine vẫn đang đứng vững trước sự hỗ trợ tài chính quan trọng của đồng minh. Tham vọng quyền lực và mối nguy cho sinh mạng đã khiến Putin chỉ biết cắm đầu về phía trước, dù biết phía trước là vực thẳm, vì sau lưng hiện nay là sự phẫn nộ của đám chóp bu trong chính quyền và cả xã hội Nga.
Không ai khác, chính Putin đang là người mong muốn cuộc chiến này chấm dứt sớm nhất nhưng cũng đồng thời biết rằng, sẽ khó mà đạt được giải pháp chấm dứt chiến tranh theo cách ổn thỏa vì Ukraine đang tỏ ra không chịu nhượng bộ về lãnh thổ. Nếu cuộc chiến chấm dứt với kết quả khiêm tốn sau khi đã phải trả giá quá đắt về mọi mặt từ nhân mạng cho đến kinh tế, thì Putin sẽ là người tiếp theo phải trả giá. Thậm chí, một thỏa thuận ngừng bắn làm mất mặt nước Nga có thể sẽ là dấu chấm hết cho triều đại của Putin.
Kỷ Nguyên
(05/02/2025)
(Còn tiếp)