PHẦN 2: VIỆT NAM TRƯỚC THỀM MỘT KỶ NGUYÊN MỚI
Bài 1: Đất nước đang lâm nguy
Những năm vừa qua, mặc dầu phong trào đấu tranh dân chủ cho đất nước vẫn trầm lắng và tâm lý của người dân tỏ ra chán nản, nhưng gần đây đang có một bầu không khí thảo luận sôi nổi trên diễn đàn ở những kênh truyền thông hải ngoại cũng như mạng xã hội. Không khí này, khác với trước đây do phong trào đấu tranh tạo ra thì nay được khuấy động bởi những biến chuyển dồn dập và mau chóng của tình hình thế giới, và đặc biệt đến từ những xáo trộn bên trong nội bộ đảng cộng sản. Tâm lý chung dù không mấy lạc quan, những nội dung thảo luận cũng không có nhiều đặc sắc. Nhưng tất cả mọi người vẫn cảm nhận được có một điều gì đó rất bất thường đang diễn ra đối với đất nước.
Cảm nhận này hoàn toàn có cơ sở. Từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới đã trải qua những biến cố vô cùng lớn, theo những cách thức không ai ngờ tới và với những hậu quả không lường trước được, đã đẩy nhân loại bước vào một khúc quanh lịch sử trọng đại. Chưa bao giờ sự liên thuộc giữa các dân tộc trong mọi địa hạt lại lớn như lúc này. Đối với dân tộc Việt Nam, giai đoạn hiện nay đang là khúc quanh quan trọng nhất trong lịch sử. Những thử thách và cơ hội của đất nước trong lúc này cần được quan tâm một cách đặc biệt nhất. Điều đáng lo và cần quan tâm là trong khi thế giới đang chuyển động nhanh chóng, các quốc gia khác đang vươn lên mạnh mẽ, thì đất nước đang tụt hậu bi đát về mọi mặt, còn lòng người thì rã rượi. Những nền tảng cơ bản nhất của đất nước vốn đã hao mòn nay càng suy kiệt hơn, đưa đất nước vào một mối nguy tụt hậu vĩnh viễn.
Những ngày tháng đau buồn của đất nước
Cùng với thế giới, Việt Nam khởi đầu năm 2020 với đại dịch Covid-19 đã là thảm kịch với hơn 10% dân số được xác nhận đã bị lây nhiễm và làm hơn 40 ngàn người tử vong ; đại dịch cũng đã khiến nền kinh tế bị đình trệ và gây ra cuộc khủng hoảng xã hội rộng khắp. Điều đáng nói về đại dịch Covid-19 ở Việt Nam là chúng ta đã có một may mắn khi trong suốt năm 2020, mặc dầu ở sát Trung Quốc và cũng có những ca nhiễm, nhưng các nỗ lực truy vết dịch và ý thức tuân thủ của người dân – sau khi chứng kiến sự thảm khốc vì dịch ở Trung Quốc – đã giúp đất nước ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Tuy vậy, chính may mắn trong năm 2020 đã khiến chính quyền, thay vì khiêm tốn và nâng cao cảnh giác để tăng cường sự chuẩn bị nhằm đối phó trong lúc đại dịch đang hoành hành khắp thế giới, thì họ đã tỏ ra kiêu ngạo và buông lỏng kế hoạch chống dịch. Đây là một thái độ rất thiển cận của chính quyền Việt Nam lúc đó khi thế giới đang trải qua một năm 2020 thảm họa với hơn 82 triệu ca nhiễm và 1,8 triệu người tử vong. Chỉ nhìn vào những con số kinh hoàng đó thôi cũng đủ để thấy, nếu không có sự chuẩn bị thì tai họa sẽ sớm đến với Việt Nam, một nước nghèo và lạc hậu với hệ thống y tế yếu kém.

Trong lúc thế giới đã phát triển thành công vacxin và đã tiến hành tiêm chủng ngay từ cuối năm 2020 thì ở Việt Nam, mãi đến tháng 3 và tháng 4 năm 2021 mới có những đợt tiêm chủng đầu tiên với số lượng rất ít, chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho các trường hợp ưu tiên như nhân viên y tế. Trong lúc người dân chưa được tiêm ngừa thì dịch bùng phát với biến chủng Delta diễn ra đúng dịp người dân nghỉ lễ 30/4 năm 2021 đã làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống y tế. Với chính sách Zero-Covid học theo Trung Quốc, chính quyền đã cho phong tỏa nhiều đợt kéo dài nhiều tháng, làm đảo lộn hoàn toàn mọi sinh hoạt xã hội. Kết quả là dù chính quyền đã rất quyết tâm nhưng thiệt hại về nhân mạng đã rất lớn. Trước những đau thương mà người dân phải gánh chịu, những phát biểu kiêu ngạo trước đó của các lãnh đạo có trách nhiệm trở nên lố bịch, chỉ còn lại những phát biểu chua chát.
Nếu những đợt dịch bùng phát năm 2021 phơi bày sự thiển cận của các lãnh đạo chính quyền thì sự thật về các vụ án “chuyến bay giải cứu” hay “kit test Việt Á” trong năm 2020 mà chính quyền tuyên truyền ngạo nghễ, đã là sự bẽ bàng đối với người dân. Điều đau xót nhất là trong lúc sự tồn vong của dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng, những cấp lãnh đạo cao nhất và có trách nhiệm nhất lúc đó dưới chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc lại lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Nếu trong vụ kit test Việt Á họ nâng khống giá vật tư để bòn rút ngân sách, thì trong vụ các công ty nghiên cứu vacxin như Nanogen, họ đã kêu gọi người dân đóng góp vào quỹ nghiên cứu để tìm cách tham nhũng. Trong vụ “chuyến bay giải cứu”, họ lợi dụng tình cảnh nguy khốn của đồng bào khi đang ở các nước dịch bệnh để bán các dịch vụ hồi hương với giá cao ngất ngưởng. Không có một chính quyền nào trên thế giới trong giai đoạn đại dịch lại có những hành động vô lương tâm như vậy.
Từ trước khi đại dịch diễn ra, theo một thống kê không đầy đủ được báo chí của chính quyền đưa ra, thì ở nước ta có đến 30% người dân có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số này thật ra chỉ là phần nổi ghi nhận được. Sau đại dịch, ngoài những hậu quả phải chịu đựng do di chứng từ virut, những tác dụng phụ của vacxin, thì chính sách phong tỏa cực đoan diễn ra nhiều đợt trong một thời gian dài đã đưa đến những tác hại vô cùng lớn đối với sức khỏe tâm thần của người dân. Chúng ta đang phải chứng kiến một xã hội khủng hoảng nặng về tâm thần, đưa đến những sự việc ngày càng bất thường và sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Đất nước đang lâm nguy từ trong nền tảng là con người, với sự xuống cấp nghiêm trọng của sức khỏe cộng động.
Kinh tế đã lâm vào khủng hoảng
Vào năm 2019, Việt Nam được xem là nước có tiềm năng phát triển nhất trên thế giới. Lý do là lúc đó Việt Nam được xem là một điểm đến tự nhiên có nhiều điều kiện thuận lợi để đón nhận các khoản đầu tư từ làn sóng rút khỏi Trung Quốc của các tập đoàn lớn. Làn sóng này được tăng tốc từ năm 2020 khi đại dịch bùng phát. Trong chính quyền Việt Nam thời điểm trước đó cũng đã có những phát biểu mang đến cảm tưởng về xu hướng thoát Trung. Tuy nhiên, tai họa đầu tiên là đại dịch Covid đã ập tới. Chính quyền Việt Nam thay vì có kế hoạch chống dịch một cách khoa học thì lại chọn cách chống dịch rập khuôn Trung Quốc với Zero-Covid đã làm tê liệt phần lớn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng nặng nề lên tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Trang Nikkei Asia xếp hạng Việt Nam chót bảng (121/121) trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ về chống đại dịch Covid-19 và đánh giá thấp triển vọng phục hồi kinh tế. Sự bất mãn và thất vọng đối với các biện pháp cực đoan của chính quyền khiến nhiều hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI này rời khỏi Việt Nam, kéo theo đó nguồn vốn đầu tư mới bị ngưng lại.

Tai họa thứ hai là cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine. Cuộc xâm lăng tăm tối này đã gây kinh hoàng cho thế giới, buộc các nước dân chủ – chiếm 2/3 GDP thế giới – đi đến quyết định chấm dứt chính sách hợp tác dễ dãi đối với các chế độ độc tài. Các nước như Việt Nam chỉ có một con đường dân chủ hóa để vươn lên trong bối cảnh phong trào toàn cầu hóa duy lợi nhuận đang được xét lại. Tuy vậy, những lá phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc được biểu quyết rập khuôn theo Trung Quốc để từ chối lên án hành vi xâm lược của Nga đã cho thế giới thấy, chính quyền cộng sản Việt Nam đã chọn đứng hẳn về phe độc tài và chống lại khối các nước dân chủ. Đây là một quyết định thiển cận vì với ngoại thương hơn 200% GDP, Việt Nam có một nền kinh tế lệ thuộc lớn vào thế giới, nhất là vào khối các nước dân chủ có sức mạnh kinh tế áp đảo. Hậu quả là ngay trong năm 2023, ngoại thương đã giảm 6,9% (trong đó xuất khẩu giảm 4,4%, nhập khẩu giảm 8,9%), tổng xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 8%, tổng xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm 4,3%.
Những dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế ở trong nước đã rõ rệt và diễn biến nhanh chóng, thể hiện qua làn sóng thất nghiệp gia tăng ngay trong các ngành đóng góp nhiều cho GDP như dệt may, bất động sản và xây dựng, công nghệ và ngành dịch vụ. Năm 2024 vừa qua, chỉ riêng 2 phường của quận Bình Tân là phường Tân Tạo và phường Bình Hưng Hòa đã giảm gần 100.000 trường hợp đăng ký tạm trú so với năm 2023 do những hộ gia đình này không quay trở lại Sài Gòn nữa ; đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ về tình trạng thất nghiệp. Các con số tăng trưởng kinh tế hàng năm do chính quyền đưa ra như 5,05% cho năm 2023 hay 7,09% cho năm 2024 tạo cảm tưởng kinh tế đang đi lên, nhưng qua hình ảnh thực tế cuộc sống mà người dân thấy và cảm nhận lại trái ngược. Mặc dầu lãi suất tiền gửi ngân hàng trong hai năm 2023 và 2024 ở mức rất thấp, nhưng lượng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng của người dân lẫn doanh nghiệp đang đạt mức cao kỷ lục. Điều này phản ánh tâm lý của người dân và nhà đầu tư đang rất bi quan vào kinh tế.
Một vấn đề nghiêm trọng khác được nhắc đến nhiều trong giai đoạn này là tình trạng khủng hoảng của ngành xây dựng và bất động sản. Với mô hình kinh tế rập khuôn theo Trung Quốc, ngành bất động sản và xây dựng ở Việt Nam cũng chiếm gần 30% GDP của cả nước. Đây là mức rất cao, vượt xa mức báo động để tránh kinh tế rơi vào khủng hoảng là 15%. Dù ở một mức độ nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, ngành bất động sản và xây dựng ở Việt Nam cũng đã tạo ra những hệ lụy vô cùng lớn cho nền kinh tế. Một đặc tính của ngành xây dựng là khi ngành này phát triển thì sẽ kéo những ngành liên quan đi lên và ngược lại. Với một tỉ trọng gần 30% GDP, khả năng kéo theo các ngành khác có thể khiến ảnh hưởng của ngành xây dựng và bất động sản lên nền kinh tế đến 50%. Sự khủng hoảng của ngành xây dựng và bất động sản đã được thừa nhận trong những năm vừa qua và hiện đang đưa đất nước vào rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.
Một chỉ số phản ánh tình trạng sức khỏe kinh tế của Việt Nam vô cùng nguy ngập là tỷ lệ nợ của khối các doanh nghiệp phi tài chính. Vào năm 2020 con số này là 237%, hiện nay đã là năm 2025 và con số này rất có thể đã lên đến 300% sau 5 năm. Đối với các nước phát triển, tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp phi tài chính không được vượt quá 80% GDP, ở các nước có mức thu nhập trung bình thế giới khoảng hơn 10.000 đô-la/năm không được vượt quá 60% GDP, còn những nước có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam thì không được quá 50%. Như vậy khối nợ của khu vực doanh nghiệp phi tài chính của Việt Nam đã vượt ít nhất 5 lần mức báo động đỏ ở trên. Khủng hoảng kinh tế của Việt Nam sẽ rất bi đát.
Bất lực trước biến đổi khí hậu
Mưa bão, lũ lụt năm nào cũng có, nhất là tại miền Trung, nơi mà sống chung với thiên tai đã là điều bình thường từ lâu, thì điều khó tưởng tượng là thảm họa mưa lũ lịch sử năm 2020 đã chứng kiến một sự bất lực toàn diện. Điều quan trọng cần được nhắc lại trong đợt lũ lụt này là hiện tượng một lượng mưa rất lớn trút xuống miền Trung, đặc biệt là tỉnh Thừa thiên Huế, chỉ trong một thời gian rất ngắn. Chỉ trong một thời gian khoảng 5 ngày, mực nước sông Hương chạm mốc báo động 4 tương đương với lũ lịch sử năm 1999 – trận lũ cần thời gian hơn 10 ngày và với lượng mưa gấp đôi – để đạt đỉnh lịch sử. Hiện tượng này là một trong những hậu quả điển hình của biến đổi khí hậu đã được đề cập trong bài “Biến đổi khí hậu, đồng thuận chính trị quan trọng nhất”. Những gì diễn ra đã cho thấy chính quyền hoàn toàn bất ngờ trước diễn biến quá nhanh của tình hình, công tác dự báo và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đã không theo kịp yêu cầu.

Và hậu quả đã đến chỉ để phơi bày ra những tình trạng bất lực khác, khi công tác ứng phó, di dời và cứu hộ của lực lượng phòng chống thiên tai của chính quyền không thể đáp ứng được nhu cầu vì trang thiết bị lạc hậu và đối mặt với tình huống bất ngờ. Tình trạng nguy hiểm của người dân vào những giờ phút nguy khốn trong khi chính quyền bất lực đã khiến người dân ở các tỉnh thành khác phải huy động những chiếc thuyền cứu hộ ở khắp nơi đưa về tâm lũ. Công tác cứu trợ sau đó cũng cho thấy cơ quan Mặt trận tổ quốc bị lu mờ trước hình ảnh của những cá nhân là những người nổi tiếng kêu gọi quyên góp tiền cứu trợ.
Một tác nhân khác rất quan trọng khiến diễn biến lũ lụt trở nên bất ngờ là rừng ở các khu vực đồi núi đã không còn, với lượng mưa lớn nhưng không có cây cối của rừng giữ nước đã khiến lũ chồng lũ và các trận lũ quét chảy với tốc độ rất cao.
Thảm họa ở miền Trung năm 2020 đã lặp lại ở miền bắc năm 2024 với cơn bão Yagi được xem là mạnh nhất trong vòng 70 năm. Đặc điểm cần chú ý nhất của bão Yagi là sau khi tiến vào biển Đông, cơn bão này đã liên tục mạnh lên do bề mặt biển lẫn trong lòng đại dương có nhiệt độ cao bất thường, hậu quả của hiện tượng ấm lên của trái đất. Trận bão đổ bộ vào đã gây những thiệt hại rất lớn về tài sản, nhưng thiệt hại về người lại không đáng kể so với những trận mưa do hoàn lưu bão Yagi gây ra. Đã có hơn 300 người chết vì lũ lụt và các trận lũ quét. Điều đáng nói là chính quyền ở các tỉnh miền núi phía bắc đã hoàn toàn bất ngờ và bị động, trong khi các đợt mưa lớn do hoàn lưu bão là hiện tượng tất yếu mà ai cũng biết. Không phải là các cơ quan cảnh báo thiên tai đã không cảnh báo, nhưng những gì trải qua đã cho thấy là bộ máy chính quyền ở các địa phương này đã hoàn toàn tê liệt, hậu quả của một tình trạng chính trị tê liệt từ trước đó. Sự kiện toàn bộ người dân một ngôi làng di dời mà chính quyền không biết để rồi cho là họ bị vùi lấp và mất tích, đã tố giác tình trạng tê liệt này.
Thảm họa lũ lụt ở miền bắc năm 2024 cũng bộc lộ ra một vấn đề nghiêm trọng tương tự như ở miền Trung năm 2020 và cũng như mọi nơi khác là rừng ở nước ta đã không còn. Diện tích rừng nguyên sinh ở Việt Nam chỉ còn 0,25%, trong khi diện tích rừng đã được trồng lại chủ yếu là rừng sản xuất thì không có khả năng giữ nước và sớm muộn cũng sẽ bị đốn hạ. Những hình ảnh nham nhở của tuyệt đại đa số các ngọn đồi trong một vùng rộng lớn ở miền bắc sau thảm họa đã cho thấy thảm kịch vừa qua là khó tránh khỏi, chỉ là vấn đề khi nào có những trận mưa lớn mà thôi. Chính quyền đã tỏ ra rất cố gắng và quyết tâm trong việc ứng phó và cứu trợ người dân, nhưng sự quyết tâm này cùng với bức tranh toàn cảnh đã chỉ làm nổi bật lên hiện trạng tan nát của đất nước cũng như tình trạng bất lực của họ.
Đặc tính quan trọng và là điểm chung của hai đợt lũ lụt lịch sử ở miền Trung 2020 và miền Bắc 2024 là thiên tai trở nên cực đoan, và các tỉnh nơi xảy ra thảm họa đều là những vùng có nhiều đồi núi, địa hình dốc và không còn rừng. Các trận lũ lụt đều do tác động của hoàn lưu sau bão gây ra những trận mưa rất lớn trong một thời gian rất ngắn, trong khi đó các chính quyền địa phương đều không lường được diễn biến, không có sự chuẩn bị cần thiết và bất lực trong ứng phó. Nếu nhìn vào những yếu tố đã tạo nên hai thảm họa ở nước ta, sẽ thấy một sự tương đồng với thảm họa ở thành phố Derna của Libya năm 2023, trận lũ đã gây nên cái chết của hàng nghìn người. Thật khó để tượng tượng một thảm kịch tương tự như tại thành phố Derna của Libya diễn ra ở Việt Nam vì sẽ rất thảm khốc, nhưng các yếu tố tạo nên thảm họa vẫn còn đó ở hầu hết các tỉnh miền núi nước ta trong khi các đặc tính cực đoan của biến đổi khí hậu đang ngày càng đậm nét.
Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam đang cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng, không chỉ biểu hiện qua những biến cố cấp bách như bão lũ mà còn diễn ra âm thầm như cháy rừng và sạt lở đồi núi trên một phạm vi rất lớn. Vấn đề còn trở nên cấp bách hơn khi nước ta thuộc hàng những nước bị ảnh hưởng tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu trong khi vẫn đang là một nước nghèo nàn và lạc hậu. Điều đáng lo là trong hoàn cảnh đó, ý thức về mối nguy của biến đổi khí hậu trong xã hội chưa được chú ý và coi trọng đúng mức.
Mực nước biển dâng hàng năm cao bao nhiêu với những hậu quả nào đã chỉ là sự kiện được quan tâm bởi các nhà quan sát chuyên môn, nhưng hậu quả mà nó mang lại đối với nước ta đang là thảm họa có tác động hàng ngày, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng triều cường, nước mặn xâm nhập sâu hàng chục kilomet vào trong đất liền qua các kênh rạch đã gây ra tình trạng mặn hóa nguồn nước, dẫn đến vấn đề thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu cho một vùng rộng lớn. Thảm họa môi sinh này ảnh hưởng đến vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng nhất của cả nước, tác động đến cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu người. Điều đáng nói là hiện trạng này đã có từ lâu, hiện đã rất nghiêm trọng và chỉ có thể nặng nề hơn nhưng cho đến nay, chính quyền vẫn chưa có một kế hoạch nào nghiêm chỉnh ở tầm vóc quốc gia cho vấn đề đặc biệt nghiêm trọng này của miền nam.

Theo một nghiên cứu của Climate Central – một tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng về nghiên cứu biến đổi khí hậu – đã đưa ra cảnh báo về những khu vực ven biển sẽ bị nước biển dâng lên nhấn chìm vào năm 2050, ảnh hưởng đến 150 triệu người trên thế giới. Trong đó, miền nam nước ta với 20 triệu người và là vùng nông nghiệp quan trọng nhất của cả nước sẽ bị chìm dưới mực nước biển. Như vậy, vùng kinh tế phát triển nhất của đất nước đang bị đe dọa, và thảm họa này đang dần diễn ra trên thực tế. Một khủng hoảng di cư đưa đến khủng hoảng xã hội cùng với mất mát quá lớn về môi trường sống nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ. Nước biển dâng cũng khiến bờ biển dọc đất nước ngày càng thu hẹp lại, trong khi đây lại là lợi thế rất lớn cho phát triển ngành du lịch và thương mại.
Đối phó với một vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có một chính quyền được lãnh đạo bởi những chính đảng xem môi trường và khí hậu là ưu tư hàng đầu, được thể hiện một cách nghiêm chỉnh trong một dự án chính trị. Vấn đề môi trường và khí hậu chưa bao giờ có chỗ đứng trong chủ nghĩa Mác-Lênin, và cũng không có trong cương lĩnh của đảng cộng sản Việt Nam. Cho đến nay Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) là tổ chức chính trị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đưa vấn đề môi trường vào dự án chính trị của mình, và xem đây là một vấn đề sống còn đối với dân tộc. Kinh nghiệm ở nhiều nước, ngay cả ở các nước phát triển cho thấy là ngay cả với một chính quyền xem trọng vấn đề môi trường và khí hậu, thì cần một ý chí chính trị mạnh mẽ mới có thể đưa tới hiệu quả thật sự trong các cam kết và hành động đối với các mục tiêu bảo vệ môi trường sống. Ý chí chính trị này chỉ có thể có khi chính quyền đó được lãnh đạo bởi những chính trị gia vừa uyên bác, vừa thật sự coi trọng môi trường và hiểu rõ những mối nguy của biến đổi khí hậu đối với sự tồn vong của đất nước.
Đứng trước những mối nguy đã trở nên nghiêm trọng và cấp bách của môi trường và khí hậu, chúng ta phải rất cảnh giác và cần có một sự quan tâm đặc biệt. Khó khăn và thách thức sẽ vô cùng lớn nhưng không thể không đối mặt, và vì vậy cần đặt niềm tin vào những tổ chức có dự án chính trị dành quan tâm đặc biệt đối với môi trường sống. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xem ưu tư bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho người Việt Nam là điều kiện bắt buộc trong tiến trình xây dựng lại đất nước, bởi chúng tôi nghĩ rằng sẽ chẳng còn gì quan trọng nữa nếu môi trường bị hủy hoại và không thể sinh sống. Một ý thức trách nhiệm đặc biệt như vậy đối với dân tộc của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã tất yếu đưa đến với tổ chức những thành viên có tình yêu đặc biệt đối với môi trường. Nổi bật trong số đó là anh Trần Khắc Đức, một trí thức tích cực trong các hoạt động bảo vệ môi trường và ủng hộ hoàn toàn một dự án chính trị đặt ưu tư môi trường lên hàng đầu như Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Chính quyền đã rất thiếu trách nhiệm với đất nước khi đứng trước vô vàn những mối nguy như hiện nay, họ lại bắt giữ một người ưu tú hiếm hoi mà dân tộc rất cần như anh Trần Khắc Đức.

Cảnh giác trước một tình trạng lâm nguy
Thế giới đang chứng kiến phong trào toàn cầu hóa được xét lại và đẩy mạnh cùng với các giá trị tiến bộ, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông với mạng xã hội, và bây giờ là sự bùng nổ của trí khôn nhân tạo, đang tạo ra một sự thay đổi chóng mặt đưa đến cơ hội lẫn thách thức cho mỗi quốc gia. Sự tụt hậu và nguy cơ thua kém vĩnh viễn là có thật đối với những dân tộc không thể nắm bắt cơ hội để vươn lên hoặc không tìm thấy cơ hội để vươn lên.
Với vị trí địa lý có tầm quan trọng đặc biệt, nằm sát những trục giao thông huyết mạch của thế giới và trong một vùng đặc biệt năng động, Việt Nam có nhiều triển vọng để vươn lên trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, nhưng đi kèm với đó cũng đối mặt với nhiều thách thức của bối cảnh địa chính trị. Tuy vậy, hiện đất nước ta vẫn đang là một trong những nước nghèo và lạc hậu nhất trên thế giới, và người dân Việt Nam vẫn chưa có được những quyền con người căn bản nhất. Càng đáng lo hơn khi dân tộc hiện còn đang phải oằn mình chịu đựng một trong những chế độ cộng sản bạo ngược cuối cùng, quản lý đất nước một cách thô vụng và vẫn đang tỏ rõ quyết tâm bám trụ quyền lực. Một trong những hậu quả trước mắt là đã khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, hoàn toàn bất lực trước những thử thách do tình hình thế giới mang lại.
Chính quyền cộng sản Việt Nam không những đẩy những cơ hội vươn lên của dân tộc ra xa mà còn đưa thêm những tai họa vào một đất nước vốn đã suy sụp về nhiều mặt. Không phải đến bây giờ đất nước mới lâm nguy nhưng tình hình đã trở nên nguy ngập trong 5 năm vừa qua vì những tai họa được nêu ra ở trên đã đưa đến những thiệt hại vô cùng to lớn cả về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Từ một nước được đánh giá là có triển vọng lớn nhất trên thế giới vào năm 2019, sau những phản ứng tệ hại trong đại dịch Covid-19 và thái độ thiển cận đối với cuộc chiến Nga-Ukraine, Việt Nam đã trở thành một nước lụn bại và bế tắc. Đất nước đã bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thủa khi để các tập đoàn đa quốc trên đường tháo chạy khỏi Trung Quốc, thay vì chọn nước ta như một điểm đến tự nhiên, thì đã chọn các nước khác ở xung quanh chúng ta. Cơ hội vô cùng lớn đó đã qua đi. Trong hoàn cảnh hiện nay, nguy cơ thua kém vĩnh viễn đã hiện rõ hơn bao giờ hết. Đất nước thật sự đang lâm nguy.
Kỷ Nguyên
(12/02/2025)
(Còn tiếp)
Loạt bài Nhìn Lại Đất Nước Trong Một Giai Đoạn Quan Trọng
Phần 1: Thế Giới Trong Một Khúc Quanh Lịch Sử Trọng Đại
- Bài 1 : Đại dịch Covid-19, thảm họa dịch tễ thế kỷ
- Bài 2 : Nga xâm lăng Ukraine, thế giới trong một khúc quanh lịch sử trọng đại
- Bài 3 : Biến đổi khí hậu, đồng thuận chính trị quan trọng nhất
- Bài 4 : Đế quốc Trung Quốc đang lâm nguy
- Bài 5 : Nước Mỹ từ nhiệm vai trò lãnh đạo trong một trật tự thế giới mới