Những gì cần phải nói với nhau trong một giai đoạn chuyển tiếp đầy biến động (Chu Tuấn Anh)

Chúng ta có thể lựa chọn duy trì độc tài toàn trị hoặc ngả vào một tâm lý “độc tài sáng suốt” để rồi lụi tàn vì bỏ lỡ thời giờ quý giá của dân tộc, hoặc vẫn vươn lên trong những điều kiện ngặt nghèo và đầy bất ổn nhất vì chúng ta có một mô thức đúng đắn, không ngừng nâng cao mức độ dân chủ để đặt ra những giới hạn phát triển cao hơn và nhanh chóng chuyển hóa nền kinh tế và con người trong một vài thập kỷ tới. Việt Nam cần một lộ trình dân chủ hóa dứt khoát, và tiến trình đó phải được bắt đầu ngay vì là một nhu cầu vô cùng khẩn cấp!

Chu Tuấn Anh

Thế giới đang bước vào một giai đoạn chuyển tiếp đầy biến động như tôi đã trình bày trong một bài viết gần đây. Sự triệt thoái của Hoa Kỳ sẽ dẫn tới những sự đổ vỡ không thể tránh khỏi với thế giới theo quy luật của bẫy Kindleberger, nghĩa là một cường quốc lãnh đạo thế giới giải nhiệm vai trò lãnh đạo của mình, cùng với những trách nhiệm, cam kết với thế giới; trong khi một lãnh đạo thế giới mới chưa kịp hiện diện và lấp lại khoảng trống của sự triệt thoái siêu cường cũ để lại. Trong một thời gian ngắn, liên minh châu Âu cùng khối G7 sẽ phải đảm đương vai trò của những nhà lãnh đạo thế giới trong một giai đoạn chuyển tiếp cùng những cố gắng khôi phục lại sự ổn định về hòa bình, an ninh, trật tự thương mại tư do, cùng những cam kết thế giới nói chung và những mục tiêu mang tính sống còn của nhân loại – chống chịu Biến Đổi Khí Hậu, vấn đề kỹ nghệ và phát triển. Nhưng dù sao châu Âu hay bất cứ quốc gia nào trong khối dân chủ (ngoại trừ Hoa Kỳ) không có tầm vóc của một siêu cường. Sự lãnh đạo đó dù sao cũng chỉ khỏa lấp một phần trong hiện tại. Và trong một thế giới mà không một quốc gia hay một tập hợp địa chính trị nào trên thế giới áp đảo một phần còn lại, thế giới buộc phải xây dựng một văn hóa chung cùng các cơ chế để cùng nhau hợp tác và lãnh đạo đường hướng của nhân loại. Điều này có thể sẽ mất nhiều năm, và do vậy, thế giới vẫn trong một giai đoạn đầy biến động và thậm chí là hỗn loạn. Bài viết này là một cố gắng để trình bày 5 nét đậm lớn của giai đoạn chuyển tiếp của thế giới đang diễn ra để chúng ta hiểu được thái độ và hành động mà người Việt Nam cần phải có nếu chúng ta không muốn đất nước Việt Nam bị bỏ lại chỉ vì mình không hiểu những gì đang diễn ra.

1.     Sự suy giảm về hợp tác an ninh, gìn giữ hòa bình

Trong các bài viết gần đây, tôi cũng chỉ ra rằng thế giới đang đứng trước một giai đoạn chuyển tiếp đầy biến động trước khi đi vào một trật tự mới ổn định. Giai đoạn đó được đánh dấu bằng một thế giới với hợp tác về an ninh và hòa bình suy giảm đáng kể 1, và là một hệ quả trực tiếp của sự giải nhiệm của Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo và trước tiên là một đảm bảo về sự hiện diện quân sự tại NATO. Đúng là sự triệt thoái thô bạo về vai trò bảo an này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trực tiếp với thế giới dân chủ, nhưng nó cũng thực sự không đáng lo. Hiện nay, vấn đề rủi ro của thế giới chủ yếu là Nga với cuộc xâm lăng của Ukraine. Cuộc xâm lăng hiện nay đã trở thành một cuộc chiến mà châu Âu cũng phải tham gia, trước hết là vai trò yểm trợ của một hậu phương cho tiền tuyến; và nước Nga đang kiệt quệ phải đối mặt với một tập thể liên Âu với trong lượng kinh tế gấp 8 lần mình. Như tôi đã từng trình bày, nếu Ukraine có thể cầm cự trong cuộc chiến thì dân chủ hóa có thể tiến lên trên thế giới, và hiện nay họ có mọi triển vọng để tiếp tục cuộc chiến. Những cuộc xung đột khu vực như giữa Do Thái và người Palestine, Azerbaijan và Armenia, và gần đây nhất là giữa Ấn Độ và Pakistan, phần nào phản ánh một trật tự thế giới thiếu những công cụ để duy trì hòa bình và tích cực giải quyết những tranh chấp, một phần phản ánh một tâm lý lấn cấn về tư duy dân chủ, quan niệm quốc gia còn dựa trên lãnh thổ, sắc tộc của một bộ phận cực đoan và tâm lý của một bộ phận quần chúng còn chưa thực sự lành mạnh. Nhưng cũng không hẳn là không có những biện pháp để chấm dứt hoặc ít nhất là đưa trở lại bình ổn. Như vậy, trong một bối cảnh châu Âu cùng đồng minh dân chủ nhanh chóng tái thiết quân lực để thay thế vai trò bảo an của Hoa Kỳ, thế giới sẽ trở lại một quỹ đạo ổn định với sự chấm dứt của cuộc chiến Nga-Ukraine và đảo ngược xu hướng gia tăng của các cuộc xung đột, tranh chấp lãnh thổ. Chúng ta hoàn toàn có thể có một triển vọng dân chủ hóa tiến bước trong hòa bình và trật tự. Điều đó có thể đến nhanh hơn người ta tưởng!

2.     Vấn đề thương mại tự do và toàn cầu hóa

Nét đậm thứ hai là thương mại tự do và chuỗi cung ứng toàn cầu đã đứt gãy trước cuộc thương chiến của Donald Trump gây ra với thế giới, hay nói cách khác là phong trào toàn cầu hóa xô bồ sẽ chấm dứt. Thực ra, chúng ta cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Donald Trump trước sự sụp đổ của phong trào toàn cầu hóa. Trong bài viết Điều gì sai khi ông Tô Lâm trích dẫn mô hình Trung Quốc, tôi có đề cập đến Trung Quốc như một ví dụ của những hành động trắng trợn vi phạm những luật lệ của WTO, bao gồm tài trợ thiếu công bằng để hạ giá thấp hơn giá trần nhằm độc quyền hóa thị trường và đánh đuổi các tập đoàn của nước ngoài, cưỡng bức chiếm đoạt công nghệ, thu mua một số nguyên liệu thô với giá cao để chế biến lại với giá thấp nhằm độc quyền các ngành chế biến nguyên liệu thô, chèn ép những nền kinh tế thuộc khối các quốc gia mới nổi khác. Thực hành kinh tế thô bạo kèm theo một thái độ thù địch của Tập Cận Bình với Hoa Kỳ vào năm 2014 đã khiến cho chính quyền Obama vô cùng bối rối và tìm đến TPP như một cứu cánh để kiềm chế sự bành chướng của Bắc Kinh thông qua liên kết thương mại tự do với các khối châu Á-Thái Bình Dương 2. TPP đã không thành công vì Donald Trump lên cầm quyền vào năm 2016 và tuyên bố hủy bỏ Hiệp Ước thương mại này, nhưng xu hướng FDI đào thoát khỏi Trung Quốc vẫn ngày một gia tốc. Và sự gia tốc này cũng sớm muộn cũng dẫn đến hồi kết của phong trào toàn cầu hóa xô bồ được chống bởi hai cột trụ Hoa Kỳ, cường quốc tiêu thụ và tài chính; và Trung Quốc với vai trò cường quốc sản xuất.

Chúng ta cũng phải nhắc tới sự gia tăng trong xu hướng bảo hộ chọn lọc (targeted industrial policies) đã có từ trước thời Donald Trump. Theo một báo cáo mới của World Bank, các can thiệp thương mại đã tăng rất đáng kể vào giai đoạn 2020-2024 khi chính quyền Joe Biden và châu Âu đã trở lại với các chính sách công nghiệp (industrial policies)- bao gồm chính sách trợ giá, ưu đãi thuế, áp đặt quy định và hạn chế về thương mại lên một số ngành công nghiệp với các lý do về an ninh và địa chính trị (chẳng hạn như sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc). Tất nhiên, những xu hướng “bảo hộ chọn lọc” như này không hoàn toàn vô lý vì trong một thế giới thương mại tự do, hàng hóa với giá rẻ từ các nước khác có nguy cơ gây ra những thiệt hại nặng nề với những ngành công nghiệp bản địa và chúng ta vẫn phải duy trì vì lý do an ninh kinh tế hay địa chính trị; hay có những sản phẩm nhập khẩu được sản xuất không tuân thủ những tiêu chuẩn về môi trường – xã hội, có dấu hiệu vi phạm quyền con người, v.v. Tuy nhiên, những chính sách công nghiệp này cần rất chọn lọc và phải được thiết kế một cách hợp lý, kèm theo quy định báo cáo dưới một cơ chế lớn để vận hành thương mại tự do mà chúng ta đã có sẵn là WTO. Chính sách công nghiệp (hay đúng hơn là bảo trợ công nghiệp) không thể được dùng một cách tùy tiện. Dù sao thì xu hướng này cũng bắt buộc WTO phải tự cải tổ chính mình. Nó cũng dẫn đến hồi kết của phong trào toàn cầu hóa.

Biểu đồ về các chính sách trợ giá/bảo hộ công nghiệp ngày càng gia tăng kể từ năm 2020 3

Tuy nhiên ở đây tôi cũng nhấn mạnh một lần nữa là thương mại tự do đem đến sự lưu thông về hàng hóa, con người, và theo đó là tư tưởng; hình thành một sự phân chia lao động hợp lý giữa các quốc gia để sản phẩm ngày càng rẻ và dễ tiếp cận với con người là một xu hướng đúng và cần được duy trì để tiếp tục một mức độ tăng trưởng và phồn thịnh của thế giới. Cuộc khủng hoảng này không xét lại thương mại tự do, mà nó đòi hỏi một hệ thống thương mại tự do khác, trật tự và bài bản hơn.

3.     Sự sụp đổ của mô thức Hoa Kỳ

Chúng ta phải coi sự sụp đổ của mô thức Hoa Kỳ là một vấn đề lớn, vì như Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đã nhận định trong mỗi quốc gia đều có vấn đề Hoa Kỳ của riêng mình, và sự hiện diện của Hoa Kỳ là một bảo đảm. Tuy nhiên, sự bảo đảm này ít nhiều đã thay đổi kể từ ngày chúng tôi ra mắt Dự án chính trị vào năm 2015. Tất nhiên, sự giải nhiệm vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ là một điều tự nhiên không thể tránh khỏi: GDP của Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu thế giới nhưng không còn là một áp đảo khi đã từ một đa số giờ chỉ còn là 15% của GDP toàn cầu. Nhưng sự giải nhiệm của Hoa Kỳ cũng có một lý do căn bản là mô thức chính trị – kinh tế của Hoa Kỳ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng trong một thế giới người ta chỉ có thể lãnh đạo bằng cách làm gương hoặc lãnh đạo bằng một mô thức dân chủ lành mạnh thay vì áp đặt bằng quy mô và vũ lực.

Sự sụp đổ của mô thức Hoa Kỳ có hai nét đậm chủ yếu là sự sụp đổ của mô hình tổng thống chế và chủ nghĩa phóng khoáng.  Chỉ trong vòng 100 ngày kể từ khi lên làm tổng thống, Donald Trump đã ban hành 124 sắc lệnh bằng quyền hành pháp, một con số chưa từng có tiền lệ với bất cử tổng thống Hoa Kỳ nào nhằm đánh phá thể chế dân chủ của Hoa Kỳ và triệt thoái khỏi các cam kết với thế giới. Tuy nhiên theo một cuộc khảo sát của CBS, có tới 64% người Mỹ nghĩ rằng Trump đang cố gắng gia tăng quyền lực tổng thống, và 75% người được khảo sát cho rằng Donald Trump nên thông qua Quốc hội để ban hành luật 4. Theo nhiều kinh nghiệm về những lần dân chủ bị triệt thoái, một chế độ tổng thống chế còn cho phép một mức độ tương đối khi có một tổng thống hành xử chừng mực và chia sẻ quyền lực với Quốc hội. Nhưng chế độ tổng thống suy sụp và đi vào quỹ đạo độc tài khi tồn tại một chế độ tổng thống tìm cách loại bỏ quyền lực của quốc hội để tùy tiện sử dụng quyền lực hành pháp (chúng ta có thể thấy rõ ở trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan). Nhiều người có thể cho rằng thực tế Donald Trump đang bị cô lập và sẽ gặp những thất bại lớn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhưng sự suy thoái của thế chế dân chủ Hoa Kỳ đã vượt ra ngoài việc loại bỏ Donald Trump.

Nét đậm thứ hai của mô thức Hoa Kỳ là chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism hay neoliberalism) đã là một lý luận cho sự buông thả để loại bỏ những mẫu mực trong sinh hoạt kinh tế và thị trường tài chính để giúp tăng trưởng kinh tế, và một tâm lý chủ quan rằng tăng trưởng dâng trào sẽ kéo theo tất cả mọi người (hay mọi thành phần trong xã hội). Tuy nhiên, chúng ta đã sớm khám phá ra rằng đó là một ngụy biện của một thiểu số tài phiệt thuộc giới top 1% và top 10% hậu thuẫn để thoát ly ra khỏi những sinh hoạt kinh tế khuyến khích cạnh tranh công bằng, những sinh hoạt tài chính mẫu mực, đồng thời trốn tránh đóng thuế một cách có trách nhiệm tại Hoa Kỳ và toàn cầu; từ đó nắm toàn bộ quyền điều phối lợi tức từ tăng trưởng kinh tế và phong trào toàn cầu hóa và thị trường tài chính (thông qua phố Wall). Điều đó đã khiến bất bình đẳng giữa top 1%, top 10% (đại diện của những tập đoàn lớn vốn chẳng có một lá phiếu nào) và phần còn lại của dân số (những người vừa là lao động trong nền kinh tế, vừa là cử tri trong thể chế dân chủ).

Nhưng tính chính đáng của thị trường tự do, bên cạnh việc đó là một phương thức kinh tế ưu việt hơn mọi nền kinh tế tập thể – kế hoạch, còn là một nhìn nhận về tương quan giữa các thành phần trong xã hội: về mối tương quan chính quyền – với “tư nhân”– chính quyền chỉ làm nhiệm vụ tái phân phối tài sản, và một số công việc hạn chế để điều hòa nền kinh tế- không phải nơi tích trữ tài sản; giữa các thành phần “tư nhân”, hay giữa các bộ phận trong xã hội cần có một sự cân bằng về trọng lượng kinh tế tương đương với tiếng nói và đại diện của họ trong xã hội. Việc để cho những tập đoàn lớn độc quyền hóa thị trường; cạnh tranh bất lợi, chèn ép những doanh nghiệp vừa và nhỏ; và dùng đồng tiền để can thiệp vào sinh hoạt chính trị và lá phiếu của quần chúng là một hành động chống lại thị trường tự do và cũng chống lại tinh thần tự do, dân chủ về chính trị. Mô hình kinh tế chính trị của Hoa Kỳ đã tích lũy những mâu thuẫn rất lớn và cần một sự xét lại lớn.

Sự sụp đổ của Mô thức hoa Kỳ sẽ dẫn đến việc Hoa Kỳ sẽ mất đi vai trò của áp đảo của đồng tiền Đô la như đồng tiền dự trữ và giao dịch thương mại của thế giới, sức hút về nguồn nhân tài, các nhà khoa học, nguồn vốn tư bản giàu phẩm chất đổi mới và sáng tạo của những doanh nghiệp start-up đi tìm kiếm thị trường rộng hơn từ châu Âu và phần còn lại của thế giới; và vai trò độc quyền về công nghệ cao.

4.     Một cuộc chạy đua về mô hình chính trị được tái khởi động

4.1  Khi IMF cảnh báo về rủi ro trong phát triển, tăng trưởng

Vào năm 2025, IMF đã cảnh báo về mức độ gia tăng nợ công của thế giới đã đạt mức 95% và có thể chạm tới mức 100% vào cuối thập kỷ này 5.

Điều này một mặt khiến cho những quỹ đầu tư buộc phải giới hạn và kiểm soát vay nợ, và cũng đòi hỏi những nền kinh tế thế giới buộc phải tăng trưởng một cách cân đối về tín dụng và những sinh hoạt kinh tế. IMF cũng khuyến nghị sử dụng khung đánh giá Growth at Risk (Tăng trưởng rủi ro hay GaR) để đánh giá mối tương quan của ổn định tài chính vĩ mô hiện tại với phân bổ tăng trưởng trong tương lai, góp phần theo dõi rủi ro với các hoạt động kinh tế trong một chu kỳ nhất định, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ngày càng nhanh chóng với GDP (credit to GDP). Nhưng thực ra, tài chính vĩ mô hay cân bằng tài chính cũng chỉ là một vấn đề trong nhiều vấn đề cần có của một thể chế kinh tế lành mạnh. Một trong những khái niệm đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô cũng phải kể đến phát triển bền vững (sustainability hay sustainable development) có nghĩa là những sinh hoạt kinh tế và hoạt động kinh doanh tuân thủ các quy chuẩn về môi trường – xã hội, chính sách chuyển hóa xanh, hướng tới cam kết đạt phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050. Hay một nền kinh tế phát triển đảm bảo một mức độ liên đới và công bình xã hội. Một nguyên nhân nữa của việc áp dụng GaR bởi vì người ta nhận thấy rằng một số nền kinh tế có thể phát triển rất nhanh trong một vài năm nhưng không duy trì được tốc độ tăng trưởng vì những rủi ro mà người làm chính sách không bao quát hết được và rơi vào tình trạng bất ổn, đà suy thoái sau một giai đoạn bùng nổ; hoặc một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng lại nhanh chóng gặp giới hạn tăng trưởng và đi đến một giai đoạn giảm sút.

Nhưng suy cho cùng thì một nền kinh tế cân đối, những chính sách tài chính hợp lý là một kết quả, hoặc một biểu hiện của một sinh hoạt chính trị lương thiện chỉ có được trong một sinh hoạt dân chủ và một dự án chính trị lương thiện, khi mà những chính trị gia sử dụng những đồng tiền từ thuế và vốn vay để đầu tư một cách hợp lý vào các dự án hạ tầng, cơ sở vật chất trọng điểm như một sự đảm bảo cho một tương lai của đất nước hơn là những tiêu xài hoang phí, tham nhũng hoặc những khoản ngân sách dùng để yểm trợ một nhóm tư bản thân hữu.  Như dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai cũng đã trình bày rất rạch ròi: Dân chủ không thay thế những con người và không đem đến phát triển, hay cơm áo cho người dân nhưng nó quy định giới hạn của phát triển, nghĩa là trình độ dân chủ càng cao thì mức độ có thể phát triển càng lớn.

4.2  Những cuộc chạy đua về mô hình, thể chế dân chủ của thế kỷ trước

Nhiều người thường sai lầm khi gắn liền giai đoạn kỳ tích sông Hàn với một sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc có được là nhờ sự độc đoán của Park Chung-hee. Quả thực Hàn Quốc đã tăng trưởng rất nhanh dưới sự cởi mở về kinh tế thị trường mà suy cho cùng dưới một thể chế dân chủ Hàn Quốc cũng sẽ tăng trưởng ở một mức độ tương tự hoặc nhanh hơn như vậy. Nhưng ở mặt trái của nó, Park Chunghee cũng đã cấp phát tín dụng một cách bừa bãi cho các chaebol để xây dựng ảo vọng của ông ta về một siêu cường kinh tế dựa trên các tập đoàn lớn. Hậu quả là hệ thống tài chính bị suy yếu và các chaebol được cho phép tồn tại trong núi nợ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 thổi bay 10 năm tăng trưởng của Hàn Quốc trong vòng một vài tuần. Di sản của những chính sách cực đoan đặt nặng sự hy sinh của quần chúng cũng làm suy kiệt sức khỏe của người dân và khiến cho Hàn Quốc nằm trong nhóm đầu về tỷ lệ nghiện rượu và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới 6. Phải nhìn nhận là những đường hướng phát triển của nhà độc tài Park Chunghee gắn liền với những vấn đề mà nhà nước hiện đại Hàn Quốc phải đối mặt hơn là một thành tích tăng trưởng của quá khứ. Thực tế thì Hàn Quốc đã chỉ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào giữa những năm 1990 vì đã chuẩn bị cho một lộ trình dân chủ hóa từ những thập niên 60 và hoàn tất vào năm cuối thập niên 70, nghĩa là từ hai thập kỷ trước đó.

Park Chung Hee, Tổng thống Nam Hàn 1962-1979

Với trường hợp của Đài Loan, họ cũng đi theo một lộ trình tương tự, nghĩa là đà tiến của dân chủ hóa đã giúp họ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp và vươn lên trở thành một nước thu nhập cao và phát triển. Họ đã gần như bị bỏ mặc vào năm 1971 khi mất ghế tại Hội Đồng Bảo An vào Trung Quốc đại lục và có một thời điểm đã bị Mỹ bỏ rơi vì những chính sách sát gần hơn với Trung Quốc. Chính dân chủ đã đem lại cho họ sức sống để vươn lên và tồn tại trong những điều kiện địa chính trị ngặt nghèo nhất.

Gần đây, một cuộc thảo luận về nhu cầu duy trì một giai đoạn độc tài ổn định như thời kỳ dân quốc tại Đài Loan, hay thời kỳ Park Chun-hee tại Hàn Quốc đã được một bộ phận của chế độ phát động. Tuy nhiên, những lập luận để ủng hộ ý kiến này là hoàn toàn sai và vô căn cứ. Trong cuộc đua này cũng phải kể đến Trung Quốc, khi họ cũng đã vươn lên rất mạnh mẽ nhờ chấp nhận một phần của tự do kinh tế dù giữ nguyên độc tài về về chính trị. Ngày nay hai nước Đông Á như Đài Loan, Hàn Quốc, vì lựa chọn con đường của Nhật Bản – nghĩa là quả quyết hội nhập với thế giới về dân chủ và chấp nhận những giá trị tiến bộ – đã hoàn toàn vượt xa Trung Quốc về thu nhập bình quân (ở mức 33,000 USD), trong khi Trung Quốc hoàn toàn chỉ là một nước thu nhập trung bình và chỉ thực sự mạnh vì có được nhờ tầm vóc về dân số, diện tích lãnh thổ của một đế chế mà thôi. Cuộc cạnh tranh giữa độc tài và dân chủ ở khối Đông Á diễn ra vào thế kỷ trước đã kết thúc với sự toàn thắng nghiêng về khối dân chủ.

Hiện nay, chúng ta cũng thường nói về cuộc cạnh tranh siêu cường theo bẫy Thucydides giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng theo thiển ý của tôi thì đó chỉ là một màn kịch cạnh tranh giả tạo và không có thực chất của hai đế quốc (một bên đóng hai nhiệm vụ tài chính – tiêu thụ, và một bên áp đảo về vai trò sản xuất với những đặc quyền và chỗ đứng riêng trong trật tự thế giới toàn cầu hóa xô bồ) bắt buộc phải triệt thoái trước sự sụp đổ của trật tự toàn cầu hóa mà thôi.

Nhưng nếu xét về cuộc đua của một mô hình tăng trưởng và thịnh vượng, chỉ có cuộc đua giữa Trung Quốc và khối các nền kinh tế mới nổi trong tập hợp thế giới dân chủ. Ở giai đoạn đầu Trung Quốc có phần nhỉnh hơn vì áp đảo về quy mô kinh tế và ưu thế địa chính trị, nhưng càng về giai đoạn hiện tại Trung Quốc đang dần bị bỏ lại vì duy trì một nền kinh tế mất cân đối, dựa trên tăng trưởng tín dụng để kích cầu, xây dựng bừa bãi, sản xuất thừa và xuất khẩu năng lực dư thừa ra thế giới để giải quyết khủng hoảng (dự án Vành Đai – Con đường); cùng với một dân số đang già hóa và sự kiệt quệ đến từ người trẻ cùng với tình trạng thất nghiệp ở người trẻ lên tới ¼ dân số.

4.3  Thế giới trước một cuộc đua mới về mô hình tăng trưởng

Cũng như giai đoạn thế giới sau thế chiến thứ II, chúng ta đã thấy vấn đề độc lập và giải giáp thuộc địa sẽ nhanh chóng phải được giải quyết để nhường chỗ cho một cuộc đua về tăng trưởng kinh tế và phát triển khởi động vào những năm 1960 mà những quốc gia lựa chọn lộ trình dân chủ hóa rõ ràng mới tìm được một chỗ đứng và về địch vào giữa những năm 1990 khi toàn cầu hóa bắt đầu manh nha và vươn mình trở thành những nền kinh tế thu nhập cao trong 1-2 thập kỷ đầu của thể kỷ 21. Câu hỏi đặt ra là thế giới có đứng trước một cuộc đua về thể chế mô hình tăng trưởng mới?

Thực tế, khối địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ đang nổi lên để trở thành động cơ sản xuất của thế giới, và cũng là nơi tăng trưởng diễn ra nhiều nhất. Chúng ta cần phải nhìn lại những gì xảy ra ở nửa sau của thế kỷ 20 để hiểu rằng sau năm 2025 sẽ là một cuộc đua vô cùng cấp tốc về thể chế và mô hình tăng trưởng của khối châu Á – Thái Bình Dương. Nó sẽ gay gắt hơn cuộc đua ở thế giới Đông Á trước đó vì sẽ có nhiều quốc gia tham gia hơn, trong những điều kiện cạnh tranh có thể ngặt nghèo hơn rất nhiều. Nhưng đằng nào thì nó cũng chỉ là cuộc chạy đua của những mô hình dân chủ mà mô hình nào cho phép dân chủ cao hơn thì giới hạn của phát triển càng được mở ra mà thôi.

Nếu chúng ta còn lấn cấn chờ đợi một nhà kỹ trị, một người độc tài sáng suốt với hy vọng tạo ra một thứ tăng trưởng giả tạo bệnh hoạn để cứu sống chế độ, hay làm mất thời gian của đất nước, Việt Nam của chúng ta sẽ có khởi đầu nào trong một cuộc đua gay gắt sắp tới? Trong khi chúng ta có một mô hình dân chủ đa nguyên được Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai trình bày một cách cụ thể và sẽ là một đảm bảo lớn nhất để Việt Nam có một cơ hội về đích trong cuộc cạnh tranh đầy cam go sắp tới. Nhất là chúng ta có một bờ biển dài, và đi kèm là một vai trò địa lý tự nhiên về thương mại, trung chuyển hàng hóa; những bãi biển có tiềm năng du lịch lớn hơn so với khu vực và đi kèm là điều kiện phát triển kinh tế dịch vụ. Chúng ta không có tất cả, nhưng có những gì cần để phát triển, hội nhập và chuyển mình về một kỷ nguyên mới! Chúng ta chỉ còn thiếu một mô thức và những định hướng đúng đắn cho một tiến trình dân chủ hóa mà bắt buộc phải đến mà mô hình dân chủ đa nguyên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một lựa chọn không thể chối cãi.

5.     Sự bùng nổ về khoa học- kỹ nghệ đặt ra một tình trạng khẩn cấp

Bất chấp một thế giới đầy bất ổn, thế giới vẫn đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng thần tốc của khoa học và kỹ thuật với trí thông minh nhân tạo và tự động hóa mà ông Nguyễn Gia Kiểng đã có nhận định “Năm 2024 sẽ chỉ là thời kỳ tiền sử so với năm 20507. IMF cũng dự đoán rằng AI sẽ sớm ảnh hưởng 40% công việc toàn cầu và sẽ làm hàng triệu người trên thế giới không có khả năng tham gia thị trường lao động.

Chế độ Cộng sản Việt Nam có thể tự hào về những thành tích tăng trưởng kinh tế, nhưng xét cho cùng nó đến từ một tăng trưởng nhanh tự nhiên của một đất nước mới đi lên từ số 0 từ một cuộc nội chiến tàn khốc, với những bối cảnh địa chính trị thuận lợi. Nhưng thành tích đó được dẫn dắt bởi một lối làm kinh tế cẩu thả, thiên lệch, và gây ra những hậu quả lớn về dài hạn. Đó là một chủ nghĩa cướp bóc của hiện tại dựa trên một thứ chính đáng lich sử – chính trị không có thực trong quá khứ để khép lại cánh cửa đi vào Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.

Nhưng một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài và đầy bất ổn cũng không có nghĩa là chúng ta có thể chậm chân trong tiến trình dân chủ hóa đất nước. Bởi lẽ, cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật và đà tiến của thế giới về công nghệ và trình độ sản xuất, dịch vụ sẽ không chờ bất cứ một quốc gia nào.

Trong một giai đoạn chuyển tiếp, khi ngoại thương và đầu tư nước ngoài từ chỗ là một lợi thế đã trở thành một biến số đầy rủi ro, xu hướng chuyển trục của Hoa Kỳ đã nhường chỗ cho sự triệt thoái và cũng làm lợi thế địa chính trị không còn là tuyệt đối; nhiều điều kiện thuận lợi đang biến mất nhưng chúng ta cũng hoàn toàn có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi mới: có một thể chế lành mạnh nhờ có tản quyền, tinh thần hòa giải dân tộc, tinh thần dân chủ đa nguyên, một thị trường nội địa bùng nổ, một nền kinh tế tư nhân đề cao đổi mới sáng tạo, một đồng thuận lớn của dân tộc về một giấc mơ Việt Nam và một tương lai chung. Chúng ta có thể lựa chọn duy trì độc tài toàn trị hoặc ngả vào một tâm lý “độc tài sáng suốt” để rồi lụi tàn vì bỏ lỡ thời giờ quý giá của dân tộc, hoặc vẫn vươn lên trong những điều kiện ngặt nghèo và đầy bất ổn nhất vì chúng ta có một mô thức đúng đắn, không ngừng nâng cao mức độ dân chủ để đặt ra những giới hạn phát triển cao hơn và nhanh chóng chuyển hóa nền kinh tế và con người trong một vài thập kỷ tới. Việt Nam cần một lộ trình dân chủ hóa dứt khoát, và tiến trình đó phải được bắt đầu ngay vì là một nhu cầu vô cùng khẩn cấp!

Chu Tuấn Anh

(20/05/2025)

Tham khảo:

  1. The Global Cooperation Barometer 2025 (World Economic Forum, 2025) ↩︎
  2. Điều gì sai khi ông Tô Lâm trích dẫn hình mẫu kinh tế tư nhân Trung Quốc (Chu Tuấn Anh, 2025) ↩︎
  3. WORLD BANK EAST ASIA AND THE PACIFIC ECONOMIC UPDATE APRIL 2025: A longer view  (World Bank, 2025) ↩︎
  4. Politics Trump sets executive order record in his first 100 days (CBS, 2025) ↩︎
  5. Rising Global Debt Requires Countries to Put their Fiscal House in Order (IMF, 2025) ↩︎
  6. Nhân ngày 30 tháng 4, vài suy nghĩ về Hàn Quốc (Trần Hùng, 2023) ↩︎
  7. 49 năm sau ngày 30/4/1975, những gì cần nói với nhau ? (Nguyễn Gia Kiểng, 2024) ↩︎

About the author