
Sau 50 năm duy trì một chế độ cai trị một cách độc đoán kể từ năm 1975 sau khi cuộc nội chiến Việt Nam kết thúc, ông Tô Lâm, tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), đã thừa nhận tầm quan trọng của kinh tế tư nhân như một động lực phát triển. Thực ra đây cũng là một trong những định hướng lớn cho mô thức Việt Nam mà Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai nêu ra trong mục 5. Dứt khoát chọn lựa một nền kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng. Đây là một thời điểm chúng ta cần đặt ra một câu hỏi lớn về một mô hình kinh tế Việt Nam cần phải có trong tương lai để đưa đất nước vào một kỷ nguyên mới – vì chúng ta không nên dùng cùng một ngôn ngữ để nói về những nội hàm rất khác nhau.
Có tồn tại mô hình kinh tế tư nhân Trung Quốc? Không hiểu vì lý do gì ông Tô Lâm lại lấy Trung Quốc và Nga làm “mẫu mực” cho định hướng phát triển kinh tế thị trường của mình. Phải chăng đó là một sự xác nhận rằng, trong một cơn tuyệt vọng, ĐCSVN đã quyết định chọn đứng về phía khối cộng sản cũ thay vì một sự hội nhập quả quyết với thế giới? Tuy nhiên, ngay cả việc nêu ra các “thành tựu kinh tế tư nhân” của Trung Quốc” liệu có chính xác?
Có một chỉ dấu lớn cho thấy Trung Quốc đang từ bỏ nền kinh tế tư doanh giả tạo của mình. Vào năm 2024, người ta ghi nhận rằng tỷ lệ các công ty tư nhân của Trung Quốc trong top 100 công ty lớn nhất đã giảm xuống còn 33%, sau khi đạt tới 55% vào năm 2021 (sụt giảm 40% chỉ trong 3 năm; trong khi doanh nghiệp nhà nước tăng 54%). Nguyên do là gì? Chúng ta chỉ có thể suy đoán rằng làn sóng đào thoát của tư bản đỏ khỏi Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm sau thời kỳ đại dịch, và Trung Quốc đang dần trở lại với việc kiểm soát trực tiếp các địa hạt kinh tế.
Nhìn vào bề ngoài, chúng ta có thể đưa ra một số liệu tương đương với những gì ông Tô Lâm nêu ra: các doanh nghiệp tư nhân chiếm 60% GDP, 70% đổi mới sáng tạo, 80% lao động thành thị và 90% các công việc mới. Tuy nhiên, cũng cần chỉ ra rằng các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc không thực sự là tư nhân, mà được nhà nước kiểm soát thông qua sự hiện diện của các mối liên hệ với chính quyền, các nhân sự là đảng viên Đảng Cộng sản, và việc hưởng lợi từ các chính sách đài thọ (subsidies) của chính quyền địa phương và Trung ương. 1.
Sau một giai đoạn mở cửa của kinh tế tư nhân, chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát khối kinh tế tư nhân này thông qua nắm giữ trực tiếp và gián tiếp vốn sở hữu, thao túng nhân sự, và những ảnh hưởng chính trị. Hay nói cách khác, họ đã xây dựng một hệ thống sinh thái tư bản thân hữu để đàn áp kinh tế tư doanh thực sự. Vào năm 2019, người ta ghi nhận 78% top 1000 các doanh nghiệp tư có vốn sở hữu liên kết với chính quyền Trung Ương, hay địa phương, hoặc một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Trung Ương hoặc chính quyền địa phương 2.
Với một sự thao túng tuyệt đối của khối doanh nghiệp nhà nước, và những doanh nghiệp tư bản thân hữu; vô số các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy là “tư nhân” đều lệ thuộc vào một sự ân huệ về chính trị và cơ hội kinh doanh đến từ chính quyền. Phải chăng, nói đến đây, chúng ta liên tưởng đến một cố gắng bài bản hơn, giống với trường hợp Myanmar, nhằm thiết lập một chế độ tài phiệt cố gắng cởi mở, trong đó nhà độc tài quân sự tuy cho phép tư hữu hóa nhưng vẫn muốn kiểm soát các tài sản kinh tế thông qua các tập đoàn kinh tế quân sự — như tôi đã mô tả trong bài viết Myanmar là một bài học cho thái độ thủ cựu và chống lại lập trường dân chủ hóa 3 mà tôi đã trình bày.
Các chính sách thô bạo và vi phạm nguyên tắc WTO.
Nhưng tại sao Trung Quốc đã thành công trong việc thân hữu hóa khối kinh tế tư nhân hơn cả? Điều đó đến từ một chính sách thao túng và đài thọ cho khối tư bản thân hữu một cách thô bạo và phi thị trường mà chỉ có một đế quốc và một quy mô lớn như Trung Quốc mới có thể làm được.
Thực tế, Trung Quốc đã chỉ cởi mở với thế giới trong từ giai đoạn 2001 (năm gia nhập WTO) cho tới trước khi Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí Thư (TBT) vào năm 2013. Sau đó, họ đã lấy một quyết định hoàn toàn thù địch với Tây phương và chủ tâm triệt tiêu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc một cách thô bạo và phi thị trường. Người ta cũng đã nói về một sự ly hôn giữa Mỹ và Trung Quốc do Mỹ chủ động. Nhưng nếu nhìn lại dòng sự kiện, người ta có thể thấy sự hoảng hốt và bị động của Obama vào năm 2014 sau khi mối quan hệ của Mỹ và Trung Quốc xấu đi chưa từng có, và là động cơ trực tiếp khiến chính quyền Obama tìm cách thiết lập một khối NATO về kinh tế mang tên TPP.
Báo cáo trình lên Quốc hội Hoa Kỳ về vi phạm quy định WTO của Trung Quốc vào năm 2024 đã chỉ ra một sự chỉ huy có chủ đích của Trung Quốc thông qua các hoạt động trợ giá (nhà nước đài thọ để doanh nghiệp sản xuất rẻ hơn giá thị trường), ép buộc chuyển giao công nghệ, mua nguyên liệu thô (đất hiếm, quặng kim loại) với mức giá cao rồi bán đầu ra với giá thấp để dành vai trò áp đảo về sản xuất và luyện kim trong khối các nền kinh tế mới nổi; nhằm đánh đuổi các doanh nghiệp FDI nước ngoài, đưa một số doanh nghiệp thân hữu hoặc doanh nghiệp nhà nước lên để độc quyền hóa thị trường, và chèn ép những nền kinh tế mới nổi. Thực sự , vào năm 2023, vốn ròng FDI của nền kinh Trung Quốc đã đi về mức âm như một chỉ dấu cho chính sách đánh đuổi các doanh nghiệp nước ngoài và giúp tư bản thân hữu phân chia thị trường. Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thừa và giảm phát của kinh tế Trung Quốc đến từ chính sự dung túng của chính quyền với khối tư bản thân hữu: họ đã nhận ra rằng việc sản xuất càng nhiều thì họ càng được trợ giá, và doanh nghiệp địa phương càng có thêm nguồn thu ngân sách 4. Để rồi, khi kinh tế suy sụp và sản xuất tràn lan do dư thừa năng lực sản xuất, họ đối mặt với cuộc khủng hoảng thừa và giảm phát mà chính những người cộng sản đã từng lên án lối sống tiêu thụ phóng túng của chủ nghĩa tư bản.
Trung Quốc đang mất vai trò của một cường quốc sản xuất?
Tất nhiên, cũng chỉ có Trung Quốc hay Hoa Kỳ — những đế quốc còn tồn tại — mới có thể tùy tiện áp đặt lối chơi của mình mà không cần tuân thủ bất kỳ luật lệ nào, trong đó có cả cơ chế WTO, dù còn lỏng lẻo, nhưng vẫn là một cơ chế nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp trong thương mại thế giới, bao gồm cả chính sách công nghiệp của từng quốc gia có thể ảnh hưởng đến thương mại và cạnh tranh công bằng . Đúng là đang tồn tại một thực trạng bất công trong phong trào toàn cầu hóa xô bồ, khi top 10% các tập đoàn đa quốc gia đã lợi dụng một cơ chế thế giới bất công để dịch chuyển 90% lợi nhuận từ toàn cầu hóa — như tôi đã trình bày 5.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ thực thi một chính sách đánh đuổi thô bạo, phi thị trường để một nhóm tư bản thân hữu phân chia lại thị trường độc quyền. Chúng ta cũng không thể có một sự phân biệt đối xử nào ngoài việc đưa ra một chính sách phù hợp và có trách nhiệm về thuế, khuyến khích cạnh tranh công bằng để nâng đỡ doanh nghiệp nội địa (các doanh nghiệp FDI không thể được hưởng một quy chế nào dễ dàng hơn doanh nghiệp trong nước, và những sự yểm trợ không vi phạm quy chuẩn WTO và những nguyên tắc quốc tế); và thông qua cơ chế hợp tác đa phương để kiểm soát các doanh nghiệp đa quốc gia.
Sự thô bạo của Trung Quốc đã có từ trước đó, và một cơn điên của Hoa Kỳ vào năm 2025 có thể là một tai họa rất lớn cho Trung Quốc. Trung Quốc thực tế vẫn là một nền kinh tế ở mức trung bình, rất ít linh động và đầy rủi ro cùng mâu thuẫn trước một tình hình thế giới đầy biến động. Trong khi đó, thực tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào thế giới về công nghệ: 60-80% nhập khẩu của thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc phải nhập khẩu, 70% các thiết bị điện phải nhập khẩu các loại máy móc nước ngoài, 70% hay 380 hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc phụ thuộc vào nhóm G7.
Đế quốc Trung Hoa đang tự triệt thoái và cô lập. Đáng buồn rằng họ đang đi vào một giai đoạn tự cô lập mình: kể từ giai đoạn hậu Covid-19 họ đã gia tăng ảnh hưởng của kinh tế nhà nước trở lại, một cố gắng xua đuổi sự hiện hữu của doanh nghiệp nước ngoài để độc quyền hóa thị trường – tăng cường chủ nghĩa dân tộc cực đoan – sản xuất tại Trung Quốc, mua hàng Trung Quốc! Khi Trung Quốc tự triệt thoái và cô lập và rút lui khỏi thế giới cũng có nghĩa là họ cũng không cần phải duy trì một hình ảnh kinh tế tư nhân một cách giả tạo nữa. Phe Tập Cận Bình cũng cảm thấy cần phải thâu tóm trở lại mọi của cải trong xã hội và đóng cửa đế quốc để ngăn chặn sự đào thoát đang diễn ra.
Dù thế, trong thời điểm hiện tại, thực tế Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc thế giới quá lớn ngay cả về công nghệ và phương tiện sản xuất. Triệt thoái cũng có nghĩa là chấp nhận mất vai trò của một cường quốc sản xuất một cách chóng vánh khi bất lực đi về một nền kinh tế bậc cao, nghĩa là chuyển đổi từ một nền kinh tế sản xuất bậc cao sang nền kinh tế dịch vụ phẩm chất. Những địa hạt kinh tế quan trọng của Trung Quốc đang lâm nguy, từ bất động sản, thị trường tài chính, các ngành công nghiệp điện mặt trời, điện gió, đường sắt cao tốc, và con đường xuất khẩu năng lực dư thừa Vành Đai – Con đường.
Nếu mô thức Hoa Kỳ sụp đổ có thể đưa đến một giai đoạn khó khăn cho dân chủ và xã hội Hoa Kỳ. Nhưng theo thiển ý của tôi, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể trở lại với một vai trò khác trong trật tự thế giới mới. Nhưng sự sụp đổ của mô thức Trung Quốc là một sự sụp đổ bế tắc và gây ra một tan vỡ lớn hơn cả. Vai trò cường quốc sản xuất của Trung Quốc sẽ bị giải nhiệm, và đó là cơ hội cho phần còn lại của thế giới, đặc biệt là khối Nam Bán Cầu. Nói đến đây, chúng ta buộc phải bi quan với khả năng suy tư của những người lãnh đạo chế độ khi đề cập đến Trung Quốc (hay tệ hơn là Nga), như một hình mẫu về kinh tế thị trường – điều mà Trung Quốc sắp từ bỏ!
Một nền kinh tế tư nhân ở Việt Nam?
Bài viết Động lực mới cho phát triển kinh tế ông Tô Lâm với vai trò là một người dẫn đường cho chế độ cộng sản đã thừa nhận về vai trò của nền kinh tế tư nhân, nhưng ông đã bắt đầu bằng việc đề cập lại chủ nghĩa Mác – một học thuyết không những không liên quan mà còn chống lại kinh tế tư nhân; tham chiếu với hai trường hợp Nga và Trung Quốc- việc tham chiếu Nga trong thời kỳ Liên Xô là hoàn toàn sai với sự thực và gượng gạo, và tham chiếu mô hình “kinh tế tư nhân”của Trung Quốc cũng không có gì thuyết phục hơn; phần còn lại là những ý kiến cởi mở một cách chắp nối, thiếu rõ ràng 6. Dường như, ông Tô Lâm đã tiệm cận một vấn đề nhưng chính ông cũng bối rối vì không biết mở ra kinh tế tư nhân thế nào.
Đầu tiên, tôi đã trình bày gần đây về một sự lệ thuộc quá đáng của Việt Nam vào các tập đoàn lớn đa quốc gia, mà ngay cả ông Phạm Minh Chính cũng phải thừa nhận rằng thành công của Samsung cũng là thành công của Việt Nam. Chúng ta sẽ cần giảm bớt sự lệ thuộc đó bằng cách nhanh chóng đưa các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng và đạt đến một trình độ nhất định về sản xuất và quản lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng quá nhỏ bé để có thể hành xử một cách thô bạo — chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam thông qua những cố gắng tận dụng các thành quả khiêm tốn có được từ hội nhập, đầu tư nước ngoài và các thành tích kinh tế, nhằm chuyển đổi nền kinh tế và vươn lên. Đồng thời, cần song hành với những nỗ lực gìn giữ sinh hoạt kinh tế dựa trên cạnh tranh công bằng, các quy chuẩn môi trường – xã hội, quy định về thuế và trách nhiệm doanh nghiệp; cùng với việc tuân thủ các thể chế, luật pháp và cam kết quốc tế (như WTO, OECD, cam kết đánh thuế 15% đối với các doanh nghiệp toàn cầu). Chúng ta cần bắt đầu với một cố gắng dân chủ hóa lương thiện và một sự hội nhập với thế giới một cách quả quyết.
Và khi nhà nước chỉ có thể hướng dẫn và yểm trợ gián tiếp khối các doanh nghiệp tư nhân thay vì những can thiệp trực tiếp, chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận một tinh thần tuyệt đối cởi mở, tôn trọng các quyền tự do dân chủ trong xã hội để khuyến khích một tinh thần đổi mới, sáng tạo; và những tình cảm cần có với đất nước, trong đó có tinh thần hóa giải dân tộc. Chúng ta đâu có thể mong muốn một nền kinh tế tư nhân khi kiên quyết duy trì sự toàn trị?
Và trên tất cả, chúng ta sẽ phải dùng lợi tức từ kinh tế để đầu tư vào liên đới xã hội – trong đó có những chính sách bênh vực, bảo trợ người yếu thế, y tế, giáo dục, cùng phát triển xã hội dân sự. Chúng ta sẽ phải đầu tư vào giáo dục với mọi giá nếu chúng ta không muốn trong vòng hai ba thập kỷ tới phải làm những công việc dệt may, bóc tôm với mức lương 5-10 đô la/ ngày, khi mà kinh tế tri thức cùng những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật sẽ không chờ đợi bất cứ ai. Một nền kinh tế tư nhân cũng cần phải là phương tiện để đầu tư cho một giấc mơ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Tô Lâm cũng đang loay hoay với việc chuyển đổi sang kinh tế tư nhân — một điều mà chế độ độc tài, toàn trị không thể thực hiện được — thì vẫn tồn tại một số “tư nhân” đang chiếm đoạt tài nguyên đất và tài nguyên môi trường của Việt Nam thông qua những siêu dự án bất động sản và dự án lấn biển. Họ đã tận dụng mọi cơ hội để phân lô, bán nền và thổi giá đất nhằm trục lợi. Họ đang kinh doanh bằng tiềm lực và sự kỳ vọng của đất nước, đồng thời đập phá giấc mơ Việt Nam. Chúng ta tuyệt đối không cần một tầng lớp doanh nhân giả tạo như vậy.
Mặt khác, “tư nhân” của chúng ta cần là những doanh nghiệp có quy mô vừa đủ để sở hữu sự linh động cần thiết cho đổi mới sáng tạo — không quá lớn vì được nhà nước đài thọ hay được hưởng một ưu tiên riêng để chèn ép cạnh tranh, nhưng cũng đủ điều kiện để phát triển đến một quy mô không phải rời bỏ Việt Nam đi tìm kiếm thị trường rộng lớn hơn. Họ phải được nuôi dưỡng bởi một thể chế chính trị – pháp trị lương thiện, khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm; và bởi một thị trường nội địa mạnh, thay vì dựa vào mô hình kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu.
Ông Tô Lâm cũng cần lưu ý rằng chúng ta không thể có một công thức kinh tế tư nhân như Trung Quốc — một mô hình tài phiệt hay tư bản thân hữu — điều mà Việt Nam không đủ khả năng thực hiện, và nếu có thực hiện cũng sẽ thất bại. Trong giai đoạn tới, chúng ta sẽ phải tranh giành vai trò sản xuất và các nguồn lực kinh tế từ thế giới một cách hết sức ngặt nghèo, và chúng ta không được phép đặt những nguồn lực đó vào tay bất kỳ một thiểu số tài phiệt nào.
Một nguồn lực con người lớn chỉ có thể được giải phóng thông qua việc nhìn nhận đúng đắn về quyền con người, quyền tự do — những điều cần được đảm bảo bằng một lộ trình dân chủ hóa rõ ràng. Cuối cùng, chúng ta sẽ phải đầu tư vào sự liên đới xã hội và một giấc mơ Việt Nam. Đây là thời điểm mà ông Tô Lâm cần nhìn nhận rằng ông sẽ ở thế yếu nếu cố gắng đơn phương đưa ra một con đường kinh tế tư nhân hay một “kỷ nguyên mới” do chính mình tự kiến tạo. Ông sẽ chỉ thực sự có vai trò nếu biết yểm trợ cho những người đang mang trong mình ngôn ngữ và nền tảng thực sự của Kỷ nguyên mới.
Chu Tuấn Anh
(11/05/2025)
Trích dẫn:
- How China has ‘throttled’ its private sector ↩︎
- The Rise of the State-Connected Private Sector in China. ↩︎
- Myanmar là một bài học cho thái độ thủ cựu và chống lại lập trường dân chủ hóa ↩︎
- 2024 REPORT TO CONGRESS ON CHINA’S WTO COMPLIANCE ↩︎
- Một giai đoạn chuyển tiếp đầy biến động khi mô thức Hoa Kỳ và trật tự toàn cầu hóa cáo chung ↩︎
- Động lực mới cho phát triển kinh tế ↩︎