Harvard, niềm tin vào chân lý và sự thật (Nhã Duy)

Ca ghép thận thành công đầu tiên trên thế giới vào năm 1954 tại bệnh viện Peter Bent Brigham Hospital, Boston.

Được thành lập từ giữa thế kỷ 17, thời nước Mỹ thuộc địa, đại học Harvard còn lâu đời hơn cả chính nước Mỹ. Gần bốn trăm năm qua, cùng với các đại học trong khối Ivy League và một số đại học danh tiếng khác của Mỹ, Harvard từng bước trở thành một biểu tượng học thuật và giáo dục không riêng tại nước Mỹ mà với cả thế giới về những đóng góp của nó cho nước Mỹ và nhân loại.

Đó là lý do trong khoảng 80 năm qua, kể từ khoảng thời gian Đệ Nhị Thế Chiến, chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu đầu tư và tài trợ cho Harvard cùng hệ thống đại học Hoa Kỳ, tư thục hay công lập, nhằm đào tạo chuyên viên cho nước Mỹ và giúp nước Mỹ phát triển trong mọi lãnh vực khoa học, kinh tế và quốc phòng qua các nghiên cứu và phát minh cùng các ứng dụng cải đổi xã hội cho nước Mỹ.

Nếu con số hàng trăm nhà nghiên cứu, giáo sư hay cựu sinh viên Harvard từng được trao giải thưởng Nobel cho các công trình nghiên cứu của họ hay đang lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới không mang lại ý niệm gì về mức độ quan trọng của nó thì có thể biết thêm rằng, ca ghép thận, cũng là ca mổ ghép nội tạng thành công đầu tiên trên con người là do các giáo sư, bác sĩ tại Harvard thực hiện để bắt đầu một kỷ nguyên mới trong y khoa, cứu sống hàng triệu triệu sinh mạng trên thế giới cho đến nay. Chỉ riêng nước Mỹ, con số người ghép thận đã vượt quá một triệu người từ vài năm qua kể từ sau ca phẫu thuật của các bác sĩ Harvard, chưa kể đến những ca phẫu thuật đầu tiên như cấy ghép tủy xương cho bệnh nhân ung thư cũng từ Harvard.

Đó chỉ là một trong hàng ngàn ví dụ về những phát minh và sự tiên phong của đại học Harvard trong lãnh vực y khoa. Hoặc nếu cần phải kể thêm là sự nghiên cứu và phát triển các máy điện tâm đồ, fMRI cho đến các nghiên cứu chữa trị tiểu đường, Parkinson, Alzheimer, ung thư vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu hiện nay. Tương tự như vậy về khoa học kỹ thuật là những nghiên cứu ứng dụng về khoa học điện tử, điện toán, robotic, viễn thông cho đến internet, AI và điện toán lượng tử… Hoặc những nghiên cứu, ứng dụng trong kinh tế, sản xuất, xã hội và giáo dục…, khó có thể kể hết.

Không ít cựu sinh viên đã mang sở học lẫn trí tuệ đã thụ huấn từ Harvard nói riêng để tạo ra những đột phá kỹ thuật ảnh hưởng cả thế giới, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người, bên cạnh những cấp lãnh đạo quốc gia, chính trị gia, kinh tế gia, các nhà xã hội học… đã và đang đóng góp cho nước Mỹ.

Như những đại học độc lập và tự trị, Harvard là một đại học cấp tiến, không chỉ trong lãnh vực giáo dục và phát triển về học thuật mà còn đề cao những giá trị và tư tưởng tiến bộ, quyền biểu đạt tư tưởng và nhân quyền. Những sự lên tiếng của Harvard cùng những cuộc biểu tình của sinh viên trước các vấn đề xã hội hay thế giới bị xem là thuộc phong trào cánh tả, là lý do chính để chính quyền Donald Trump tuyên chiến với Harvard lẫn các đại học uy tín khác của nước Mỹ, đã xảy ra các cuộc biểu tình phản đối cuộc tấn công của quân đội Do Thái lên người dân Palestine tại dải Gaza.

Donald Trump hăm dọa sẽ cắt nguồn tài trợ 9 tỉ đô la cho Harvard, tước bỏ quy chế miễn thuế và không cho thu nhận sinh viên nước ngoài. Trước mắt chính phủ đã ngưng 2.2 tỉ đô la tài trợ lẫn các hợp đồng sau khi Chủ Tịch đại học Harvard từ chối và công bố lá thư chính phủ yêu cầu Harvard phải thay đổi chương trình giảng dạy lẫn cách thu nhận giáo sư, sinh viên.

Một số người đặt câu hỏi rằng tại sao ngân sách liên bang hay tiền thuế của người dân lại tài trợ cho các đại học tư như Harvard?

Câu trả lời là, nguồn tài trợ hay từ hợp đồng của Harvard hoặc các đại học khác với chính phủ mang tính hổ tương. Các nghiên cứu hay ứng dụng của Harvard đã và sẽ giúp cho chính phủ áp dụng, thay đổi các biện pháp điều hành chính phủ, dẫn đến sự phát triển quốc gia và tiết kiệm ngân sách gấp bội lần. Không có quốc gia nào có thể phát triển nếu không đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của các đại học hàng đầu. So với việc nước Mỹ đã tiêu tốn trên dưới 5,000 tỉ đô la hàng năm cho y tế, những số tiền tài trợ cho Harvard, phần lớn là vào các bệnh viện liên kết với Harvard và trong lãnh vực y khoa sẽ trở thành vô cùng bé nhỏ nếu các nghiên cứu hữu dụng và thiết thực của họ có thể giúp cho chính phủ tiết kiệm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đô la trong tương lai. Tiền thuế của người dân được phục vụ cho chính lợi ích người dân và quốc gia.

Trở lại cùng lá thư của Chủ Tịch đời thứ 31 của đại học Harvard là Alan M. Garber, ông viết rằng, “Trong ba phần tư thế kỷ đã qua, chính phủ liên bang trao các khoản tài trợ và hợp đồng cho Harvard cùng các trường đại học khác để cùng với các khoản đầu tư của chính các trường đại học, giúp trả cho các nghiên cứu đã dẫn đến những phát kiến đột phá trên nhiều lĩnh vực y tế, kỹ thuật và khoa học. Những phát kiến này đã giúp vô số người dân trong quốc gia chúng ta và trên toàn thế giới được khỏe mạnh và an toàn hơn. Trong những tuần gần đây, chính phủ liên bang đã đe dọa sẽ ngừng hợp tác với một số trường đại học, bao gồm cả Harvard, vì những cáo buộc về vấn đề bài Do Thái tại đại học chúng tôi… Đại học Harvard sẽ không huỷ bỏ sự độc lập hoặc từ bỏ các quyền hiến định của mình. Quy định của chính quyền đã vượt quá quyền hạn của chính quyền liên bang. Quy định này vi phạm quyền Tu chính án thứ nhất của Harvard và vượt quá giới hạn theo luật định về thẩm quyền của chính quyền theo Mục VI (chú: Điều sáu trong Đạo Luật Dân Quyền-1966, ngăn cấm sự phân biệt đối xử với cá nhân và các tổ chức nhận tài trợ từ liên bang). Và nó đe dọa các giá trị của chúng tôi trong tư cách là một tổ chức tư nhân chuyên theo đuổi, sản sinh và truyền bá kiến ​​thức. Không có chính phủ nào, bất kể là đảng nào nắm quyền, có quyền quyết định những gì các trường đại học tư thục có thể dạy, những ai họ có thể tuyển dụng và những lĩnh vực nghiên cứu và tìm kiếm nào họ có thể theo đuổi… Phương châm của đại học chúng tôi là Veritas, hay sự thật sẽ dẫn dắt chúng tôi băng qua con đường đầy thử thách phía trước…”

Và ông kết thúc lá thư rằng,

“Tự do tư tưởng và tìm kiếm sự thật, cùng với sự cam kết lâu đời của chính phủ trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền này, đã giúp các trường đại học đóng góp một cách thiết yếu cho xã hội tự do và cuộc sống lành mạnh, thịnh vượng hơn cho mọi người ở khắp các mọi nơi. Tất cả chúng ta đều có chung lợi ích trong việc bảo vệ sự tự do đó. Như lệ thường, chúng ta tiến bước lúc này với niềm tin rằng việc theo đuổi chân lý can đảm và không bị ràng buộc sẽ giải phóng nhân loại, và với niềm tin vào lời cam kết bền bỉ mà các trường cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ đã gìn giữ cho quốc gia và thế giới của chúng ta.” (Hết trích)

Nelson Mandela bảo rằng “giáo dục là vũ khí quyền năng nhất để có thể thay đổi thế giới”. Mục tiêu của Harvard cũng không ngoài việc giáo dục và những đóng góp to lớn nhằm thay đổi thế giới theo chiều hướng tốt đẹp và thịnh vượng hơn trong hàng trăm năm qua. 

Biểu tượng của Harvard là “Sự thật” và sự thật luôn đối diện sự đàn áp trước sự độc tài. Sự tấn công vào Harvard cùng các đại học khác của Hoa Kỳ không chỉ là sự tấn công vào lãnh vực học thuật hay một vài đại học riêng rẽ của nước Mỹ mà còn là cuộc tấn công vào sự văn minh và phát triển của nhân loại. Niềm tin vào chân lý và sự thật của Harvard có lẽ đang là một phép thử  trong việc bảo vệ sự thật trong suốt chiều dày lịch sử của nó. Và rộng hơn, cho chính những người dân Mỹ đang đồng hành cùng sự thật.

Nhã Duy

About the author