Ngày 03 tháng 04 năm 2025, thế giới đã rúng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đánh thuế nhập khẩu lên hàng loạt đối tác thương mại của Mỹ, trong đó toàn bộ hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ bị đánh thuế 46%.
Đây chắc chắn là một tin xấu đối với kinh tế Việt Nam. Bằng chứng là chỉ số chứng khoán VN INDEX đã giảm hơn 6%. Nhân sự kiện này, một câu hỏi được đặt ra là chỉ tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 va hai con số từ 2026 có còn khả thi hay không? Và chúng ta nên rút ra bài học nào từ chuyện này?
Bài học thứ nhất là chính phủ không nên áp đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP bởi vì chúng ta không thể biết được những sự kiện bất ngờ nào sẽ xảy ra, thí dụ như chiến tranh thương mại, động đất, dịch bệnh, v.v. Ở các quốc gia mà nền kinh tế được điều hành một cách nghiêm túc thì chính phủ không bao giờ áp đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Thay vào đó, họ sẽ nghiên cứu và quan sát để xem cái gì là tốt hay không tốt cho nền kinh tế. Cái gì tốt thì họ làm, thí dụ như giữ gìn an ninh trật tự, chống tham nhũng, đầu tư cho giáo dục và y tế. Còn cái gì không tốt thì họ tránh, thí dụ như tăng thuế hoặc thường xuyên thay đổi luật lệ. Sau đó họ đợi đến cuối năm để xem kinh tế tăng trưởng được bao nhiêu rồi mới đưa ra dự đoán cho năm tiếp theo. Lưu ý là họ chỉ dự đoán chứ không phải áp đặt chỉ tiêu bởi vì, xin nhắc lại, là không ai có thể lường trước mọi biến cố xảy ra trong tương lai.
Bài học thứ hai là đừng để kinh tế đất nước lệ thuộc vào ngoại thương. Công thức để tính mức độ phụ thuộc vào ngoại thương là lấy xuất khẩu + nhập khẩu, chia cho GDP rồi nhân 100. Con số càng lớn thì mức độ phụ thuộc vào ngoại thương càng cao. Theo các chuyên gia kinh tế thì con số này không nên quá 50%, trừ một vài trường hợp đặc biệt. Ngay cả một nước nổi tiếng về xuất khẩu là Trung Quốc thì con số này chỉ là 40%.
Tuy nhiên, theo số liệu chính thức từ chính phủ Việt Nam thì trong năm 2024, xuất nhập khẩu tương đương 165% GDP. Nhưng con số thực tế chắc chắn cao hơn bởi vì có nhiều hàng hóa nhập lậu không được thống kê còn GDP thực tế có thể thấp hơn con số được công bố. Tình trạng lệ thuộc vào xuất nhập khẩu khiến cho Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát mà sự kiện Trump áp thuế nhập khẩu là một bằng chứng. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, với giá trị tương đương 30% GDP năm 2024 của Việt Nam. Với mức thuế 46%, các doanh nghiệp nước ngoài chắc chắn sẽ cân nhắc khả năng chuyển nhà máy sang một nước có mức thuế thấp hơn. Thử tưởng tượng nếu Samsung chuyển nhà máy sang một nước khác thì kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?
Bài học cuối cùng là đừng quá đề cao con số GDP và lấy đó làm thước đo thành tích của chính quyền. Mặc dù nó thể hiện độ lớn của nền kinh tế nhưng nó không thực sự phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân. GDP không cho biết mức độ ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo, chất lượng giáo dục và y tế, hay mức độ tham nhũng của chính quyền, mà đó lại là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
Kết luận, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 là không khả thi khi mà Việt Nam lệ thuộc quá lớn vào ngoại thương nhưng bối cảnh thế giới lại vô cùng bất ổn. Hơn nữa, chính phủ cũng không nên chạy theo con số GDP làm gì. Điều cần làm là giảm bớt sự lệ thuộc vào ngoại thương, tôn trọng các quyền tự do dân chủ, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục. Lúc đó thì dù không muốn tăng trưởng cũng không được.
Nguyễn Trần Đặng
(05/04/2025)