Thấy gì qua những sự kiện đầu tiên của năm 2025 (Chu Tuấn Anh)

Liệu các xu hướng lớn của thế giới có bị đe dọa với đà triệt thoái của Hoa Kỳ?

Chỉ trong ngày đầu nhậm chức tổng thống, Donald Trump đã ký tới 220 sắc lệnh thể hiện rõ sự triệt thoái của Hoa Kỳ khỏi các cam kết về quốc tế trong đó đang nói nhất là quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris về Biến Đổi Khí Hậu (BĐKH). Theo đó, Mỹ sẽ chính thức rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2026 vì Hiệp định Paris yêu cầu các nước thành viên có quyền rút khỏi hiệp ước nhưng phải chờ tối thiểu là một năm. Tôi bắt đầu bài viết này với đề tài biến đổi khí hậu và cuộc chuyển hóa xanh bởi nó là một đề tài quan trọng quyết định sự tồn vong của nhân loại và cung cấp một số dữ kiện chứng tỏ tại sao đà triệt thoái của Hoa Kỳ sẽ không thể ngăn được những nỗ lực chung đang vẫn tiến bước.

Một trong những sắc lệnh hành pháp đầu tiên mà tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký là rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

Trong thập kỷ trước, ưu tư về môi trường và Biến đổi khí hậu đều bị xếp sau nhiều ưu tư khác. Nhiều chính trị gia đã tìm cách trì hoãn cuộc chuyển hóa xanh vì cho rằng cuộc chuyển hóa này không thể làm hấp tấp và có nhiều rào cản về yếu tố kỹ thuật, công nghệ khiến cho năng lượng tái tạo thiếu đi tính ổn định. Năm 2024 là năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng đến 1.55 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Nó như một hạn kỳ để nói với chúng ta rằng cuộc chuyển hóa này không thể trì hoãn được nữa, dù với bất cứ lý do gì.

Quyết định triệt thoái của chính quyền Trump là một quyết định vô cùng tai hại. Nhưng dù thế nào thì Trump cũng sẽ không đảo ngược được quá trình chuyển hóa xanh bắt buộc phải diễn ra. Ngay sau quyết định này, có một lá thư của thống đốc đại diện cho 24 bang thuộc Hoa Kỳ tuyên bố sẽ giữ nguyên những mục tiêu trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Họ cũng tuyên bố trong lá thư “các chính quyền bang có thẩm quyền rất lớn theo Hiến Pháp và sẽ sử dụng quyền đó để bảo toàn tiến bộ trong cuộc chiến biến đổi khí hậu. Điều này sẽ không thay đổi với quyết định của chính quyền Liên Bang”. Chúng ta có quyền lo lắng vì dường như chúng ta sẽ không ngăn được những hậu quả vĩnh viễn của BĐKH và chúng ta không thể lường trước được những tác động gì sẽ xảy ra khi nhiều loài động thực vật sẽ biến mất và khiến hệ sinh thái tự nhiên rơi vào khủng hoảng, nước biển dâng khiến nhiều thành phố có nguy cơ biến mất vĩnh viễn, vấn nạn di cư, và sự gia tăng của các thảm họa thiên nhiên. Nhưng mặt khác, chúng ta không nên lo ngại rằng Trump và lực lượng dân túy có thể chấm dứt cuộc chuyển hóa xanh vốn đã không thể đảo ngược được. Ở một góc độ nào đó, chúng ta phải ý thức được rằng thế giới cũng đang có nhiều cuộc chuyển hóa khác bao gồm một cuộc chuyển hóa bắt buộc để xóa bỏ hoàn toàn các chế độ độc tài mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gọi là làn sóng dân chủ thứ tư- nó đã diễn ra trước cả cuộc chuyển hóa xanh, và cũng không thể đảo ngược, dù sớm hay muộn nhiều khả năng buộc phải hoàn tất trong chính thập kỷ này.

Tuy vậy, nỗ lực Biến đổi khí hậu sẽ trở nên địa phương hóa bên cạnh nhưng cố gắng chung của toàn cầu nhất là khi Biến Đổi Khí Hậu dẫn trở thành hiện thực và thế giới nhận ra mục tiêu 2 độ C (cố gắng 1.5 độ C), và vì mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có một mức độ ảnh hưởng khác nhau. Điều này đòi hỏi họ phải có những kế hoạch riêng và những khoản ngân sách khổng lồ để chống chịu lại với tác động của Biến đổi khí hậu.

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã cảnh báo về nguy cơ mất nước, va thua kém vĩnh viễn vì “chậm thích nghi với một thế giới thay đổi dồn dập”. Việt Nam được các tổ chức BĐKH và môi trường đánh giá xếp thứ 6 đến 13 các quốc ra dễ bị tổn thương với BĐKH với một bờ biển dài, với một mùa bão đầy phức tạp, vùng đất Nam Phần Việt Nam là đồng bằng thấp và rất mong manh trước mực nước biển dâng. Chúng ta buộc phải lo lắng rằng nếu chế độ độc tài đảng trị hiện tại còn kéo dài, chúng ta sẽ đi đến thảm cảnh vong quốc vì không thể thích nghi kịp.

Điều gì đang xảy ra với chính trị thế giới? Trước đây chúng ta đã sống trong một trật tự do Mỹ lãnh đạo gọi là đồng thuận Washington. Nhưng đến nay một trật tự mới đã nổi lên và thay thế “đồng thuận Washington”, việc 24 bang của Hoa Kỳ đã phủ nhận lập trường chính quyền Liên Bang để theo đuổi thỏa thuận Paris cũng là một cột mốc chứng tỏ sự chấm dứt của trật tự thế giới do Mỹ đơn độc lãnh đạo. Hoa Kỳ sẽ là một liên bang mạnh, và là một tác nhân của trật tự thế giới mới nếu họ cam kết với thế giới với một nền kinh tế vẫn chiếm 20% khối lượng kinh tế thế giới và một đất nước trù phú và cởi mở, ngược lại họ sẽ có một liên bang rất yếu, và chia rẽ nếu họ từ bỏ cam kết với thế giới. Những giá trị phổ cập về quyền con con người, cùng những nguyên tắc ứng xử trung sẽ được đặt cao hơn những lợi ích quốc gia được hiểu theo nghĩa hẹp hòi.

Một thế giới đa cực được hình thành

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nhấn mạnh Châu Âu cần phải khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025.

Có lẽ một tội đồ lớn nhất của thế giới là nước Nga dưới thời Putin cũng đang tìm cách tranh thủ Donald Trump. Quyết định xâm lược Ukraine của Nga đã không chỉ gây ra những tội ác man rợ mà còn cản trở quá trình chuyển hóa xanh của thế giới vốn cần một điều kiện chính trị ổn định nhất để duy trì. Putin ít nhiều hy vọng rằng sự đắc cử của Trump sẽ khiến ông ta giúp Putin đàm phán kết thúc chiến tranh với những điều kiện bất lợi cho Ukraine. Trump cũng đang đe dọa rút 20,000 quân Mỹ khỏi châu Âu dù chưa đe dọa rút viện trợ cho Ukraine. Ukraine cũng đã gửi đi thông điệp họ không chấp nhận việc Mỹ và Nga tự động đàm phán mà không cho châu Âu và Ukraine. Mặt khác, cũng có nhiều tiếng nói trong World Economic Forum đã thúc giục châu Âu phải vươn lên để làm chủ vận mệnh và tương lai chung của mình. Dù Trump hay cộng sự của ông ta có nhìn nhận hay không, thông điệp của Ukraine chứng minh cho một sự thay đổi rõ rệt là Mỹ không còn có thể đưa ra những quyết định đơn phương với thế giới. Và có thể trong một vài năm đầu khi Mỹ triệt thoái, châu Âu sẽ gặp nhiều thách thức lớn, nhưng họ hoàn toàn có khả năng dàn xếp và cạnh tranh sóng phẳng như một nhà lãnh đạo thế giới trong trật tự đa cực. Châu Âu thực tế đã hoàn thành phần lớn cuộc chuyển hóa xanh và đi trước Hoa Kỳ. Họ cũng đã xây dựng một hệ thống luật pháp rất tinh vi để chế tài những tập đoàn và hoạt động kinh doanh đa quốc gia, an toàn, và quyền riêng tư không gian mạng, các nguyên tắc kinh doanh trong nhân quyền, tuân thủ môi trường và xã hội, cũng như các cố gắng nâng cao khả năng quan trị và minh bạch. Tất cả những gì châu Âu còn thiếu là một quân đội chung. Tất nhiên châu Âu cũng chỉ là một nhân tố lớn trong trật tự đó.

Phạm Minh Chính tại diễn đàn Kinh tế thế giới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại diễn đàn kinh tế thế giới, ông Phạm Minh Chính có một cuộc phỏng vấn tại diễn đàn World Economic Forum. Ông Chính cho rằng “Hoa Kỳ phải có nghĩa vụ với chúng tôi (Việt Nam)”. Có vẻ, ông Chính đã không ý thức được sự triệt thoái này và điều đó chỉ có nghĩa là Việt Nam phải quả quyết hơn với nỗ lực dân chủ hóa chứ không phải họ cảm thấy có “nghĩa vụ” gì với chế độ Cộng sản vì trước kia đã hiện diện trong chiến tranh tại Việt Nam. Ngay từ thời Obama, Hoa Kỳ đã hứa hẹn với Việt Nam để lôi kéo và tranh thủ Việt Nam về phe dân chủ. Cho đến nay, họ đã gần như triệt thoái và tranh thủ Việt Nam không còn là một quyết tâm lớn. Mặt khác, chúng ta thấy việc chính quyền liên bang Hoa Kỳ đã triệt thoái khỏi một hiệp định mang tính sống còn của nhân loại- thỏa thuận Paris về BĐKH. Tại châu Á, dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, họ cũng đã rời khỏi TPP – một sáng kiến để liên kết khối đồng minh châu Á – Thái Bình Dương, để khi Biden thành lập IPEF chỉ là một sáng kiến thất bại vì gặp tranh cãi ngay trong chính nội bộ nước Mỹ, để rồi có thể bị hủy hoại hoàn toàn bởi nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump. Nếu ông Chính tự tin vì chế độ đang thảo luận với Trump nếu có là một sự tự tin khá mù quáng. Mọi lời hứa hẹn của Trump nếu có sẽ không thể cứu vãn được chế độ khi nó đã suy tàn và đó cũng sẽ không phải là một điều Hoa Kỳ có thể cam kết ở trên đà triệt thoái này. Nói cách khác, Việt Nam sẽ không thể tránh khỏi buộc phải cạnh tranh để nhận được đầu tư và vốn tư bản trong một điều kiện ngặt nghèo hơn và mọi sự cạnh tranh đều rất gay gắt như dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đã trình bày. Trước đó, Việt Nam đã sống trong một thời gian rất ưu đãi và thuận lợi theo làn sóng tư bản thế giới rút khỏi Trung Quốc và tìm kiếm thị trường mới, nhưng đáng tiếc thay chế độ đã không tiếp đón cơ hội này bằng sự cởi mở, và cố gắng đi về phía dân chủ. Họ đã coi đó như một cơ hội làm giàu cho một thiểu số nhỏ bao gồm đảng viên và tư bản thân hữu. Họ đã duy trì sự tàn bạo với đại bộ phận quần chúng – điển hình là vụ án Đồng Tâm và cái chết đầy thương tâm của ông Lê Đình Kình. Thực tế nếu có một làn sóng cơ hội mới tại Việt Nam dưới chế độ độc tài hiện tại, nó có thể chỉ là thảm họa với cái giá là môi trường ngày càng suy kiệt với sự vụng về của chế độ trong một điều kiện tác động BĐKH ngày càng trầm trọng hóa, và gia tăng thêm những khủng hoảng về xã hội điển hình như sự việc tại Đồng Tâm.

Điều là Việt Nam vươn mình và đi vào kỷ nguyên mới không nằm ở Mỹ hay châu Âu, đó phải bắt đầu với sự giải phóng của một đất nước một trăm triệu dân khỏi gông cùm độc tài, một đất nước hồi sinh bằng những chính sách và triết lý lãnh đạo hợp lý. Trong cuộc phỏng vấn tại World Economic Forum với ông Phạm Minh Chính, một loạt những vấn đề đã được đề cập bao gồm chi phí dành cho môi trường, AI, R&D, đầu tư nước ngoài, chỉ số phát triển kinh tế, chiến tranh thương mại… nhiều vấn đề trong số đó sẽ trở thành những vấn đề của thời đại. Nhưng dường như có một con voi trong phòng (an elephant in the room), nó quá hiển nhiên và tiên quyết cho Việt Nam, nhưng cả phía MC và ông Phạm Minh Chính đều phải tránh né- viễn cảnh dân chủ hóa đất nước.

Chu Tuấn Anh

(01/25/2025)

About the author